DNews

Vượt Dnieper, Ukraine có đủ sức đe dọa lực lượng Nga ở Crimea?

Minh Phương An Hoàng

(Dân trí) - Ukraine tuyên bố đã vượt sông Dnieper thành công, mở ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đánh thẳng vào Crimea và phá vỡ thế bế tắc hiện tại trong cuộc xung đột với Nga.

Vượt Dnieper, Ukraine có đủ sức đe dọa lực lượng Nga ở Crimea?

Chiến dịch vượt sông mạo hiểm

Giữa tháng 11, lực lượng Ukraine tuyên bố đã đẩy lùi quân đội Nga cách sông Dnieper tới 8km sau khi thiết lập các đầu cầu ở bờ phía đông. Ngay sau đó, lực lượng Kiev cho biết đang chiến đấu để giành lấy 3 ngôi làng hiện do Nga kiểm soát ở phía nam con sông.

Kể từ khi giành lại thành phố Kherson ở bờ tây sông Dnieper vào tháng 11/2022, Ukraine thường tổ chức các cuộc đổ bộ quy mô nhỏ nhằm gây sức ép lên tuyến phòng thủ của Nga.

Ivan Stupak, cựu sĩ quan Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và hiện là cố vấn cho ủy ban tình báo, quốc phòng và an ninh quốc gia của quốc hội Ukraine, cho hay lực lượng Ukraine đã cố gắng tiến vào bờ đông trong thời gian ít nhất 4 tháng.

Hai tháng trở lại đây, lính thủy đánh bộ Ukraine đã thiết lập 3 cầu đổ bộ thành công ở bờ đông sông Dnieper, khu vực do Nga kiểm soát. Binh sĩ Ukraine tại 3 khu vực này đã kết nối với nhau, đẩy lùi lực lượng Nga, tạo vùng đệm nhằm giảm sức ép cho các vị trí đổ bộ.

Giới chức Ukraine nói rằng, chiến dịch phá vỡ phòng tuyến Dnieper đã gây tổn thất lớn cho cả Nga và Ukraine.

Theo Thủy quân lục chiến Ukraine, tính đến giữa tháng 11, lực lượng Nga đã mất gần 3.500 binh sĩ, trong đó có hơn 1.200 người thiệt mạng, cùng hàng chục khí tài quân sự trong các trận chiến trên sông Dnieper.

Trước đó, Thủy quân lục chiến cũng đã tuyên bố lực lượng Nga hoạt động trong khu vực đã thiệt hại 1.216 binh sĩ, 2.217 người bị thương và mất 24 xe tăng, 48 xe bọc thép, 89 hệ thống pháo và súng cối, 135 phương tiện khác, 9 hệ thống tên lửa phóng loạt và 14 chiếc thuyền.

Về phía Ukraine, ông Stupak thừa nhận: "Những chiến dịch trước đó thất bại, chúng tôi mất khá nhiều binh sĩ, nhiều binh sĩ giỏi, có kinh nghiệm".

Dnieper có thể sẽ trở thành điểm nóng giao tranh mới giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới. Nga đang tiếp viện cho chiến tuyến Dnieper và tuyên bố trút "lửa địa ngục" lên lực lượng Ukraine.

Bước tiến quan trọng

Việc giành được chỗ đứng ở bờ đông sông Dnieper được coi là điều kiện then chốt để Ukraine có thể mở cuộc phản công mới ở miền Nam, băng qua các cánh đồng và đầm lầy ở Kherson, hướng tới bán đảo Crimea.

Điều đó sẽ giúp duy trì động lực cho chiến dịch phản công, giúp Kiev vực dậy niềm tin xoay chuyển tình thế.

Sông Dnieper ngăn cách quân đội Ukraine ở bờ tây và khu vực bị lực lượng Nga kiểm soát ở bờ đông. Nga đã tiến về bờ đông sau khi rút khỏi thành phố Kherson vào năm 2022. Ukraine sau đó đã giành lại quyền kiểm soát thành phố này.  Vì vậy, con sông đóng vai trò như một tiền tuyến tại vùng Kherson, miền Nam Ukraine.  

Hơn nữa, việc thiết lập các vị trí chắc chắn bên kia sông có thể thu hẹp khoảng cách giữa quân đội Kiev và miền Nam Crimea, mở ra cơ hội giúp Kiev cắt đứt hành lang đất liền nối giữa đất liền Nga và bán đảo Crimea. Từ đây, Ukraine có khả năng phá vỡ mạng lưới hậu cần của Nga.

"Tả ngạn sông Dnieper có vai trò rất quan trọng vì nằm gần bán đảo Crimea. Các lực lượng của chúng tôi hiện có mặt ở tả ngạn, chỉ cách Crimea khoảng 70km. Nếu thành công, chúng tôi sẽ tìm cách phá vỡ tuyến hậu cần của Nga.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể tiến về phía tây và phía nam tới Crimea", Oleksandr Musiyenko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Pháp lý có trụ sở tại Kiev nhận định.

Vượt Dnieper, Ukraine có đủ sức đe dọa lực lượng Nga ở Crimea? - 1

Sông Dnieper chảy qua tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine, ngăn cách chiến tuyến của Nga và Ukraine (Bản đồ: UAC).

Bước tiến mới của Ukraine ở giới tuyến Dnieper khiến các chỉ huy quân sự Nga bất an trong bối cảnh Moscow đang tập trung binh lực cho mặt trận Bakhmut và Avdiivka ở miền Đông Ukraine. Thống đốc Kherson do Nga bổ nhiệm Vladimir Saldo nói rằng: "Ukraine đã đưa lực lượng vượt sông Dnieper nhiều hơn mức mà hỏa lực của chúng tôi có thể bắn hạ".

David Silbey, giáo sư về lịch sử quân sự và chính sách tại Đại học Cornell, cho biết những bước tiến gần đây cho thấy Ukraine đang duy trì lợi thế chiến thuật ngay cả khi đối mặt với quân đội Nga có quy mô lớn hơn trong một cuộc xung đột kéo dài.

"Chắc chắn điều này sẽ giúp họ có tiềm năng đe dọa quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea và khiến Moscow phải bận tâm đến việc bảo vệ các lực lượng ở bán đảo này", ông Silbey nhận định.

Crimea là nơi đồn trú của Hạm đội Biển Đen và được coi là trung tâm hậu cần cho lực lượng Nga tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine. Với tầm quan trọng của Crimea, Nga chắc chắn sẽ đề phòng việc Ukraine dồn nguồn lực cho chiến trường này.

Theo Wall Street Journal , Nga đã rải mìn dày đặc ở khu vực xung quanh Krynky, cách thành phố Kherson 30km về phía đông bắc và cách sông Dnieper 2km, nơi lực lượng Ukraine đang giữ vị trí.

Crimea trong tầm ngắm

Việc quân đội Ukraine vượt qua chiến tuyến Dnieper có thể mở ra cơ hội để Ukraine tiến công tới Crimea, song Kiev chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, nói: "Bất chấp các thách thức, quân đội Ukraine đã thành công trong việc đổ bộ bờ đông sông Dnieper. Chúng tôi sẽ dần dần tiến về Crimea".

Theo giới chức Ukraine, quân đội của họ đã thiết lập các vị trí chủ chốt tại các đầu cầu ở bờ đông Dnieper và đang tiến hành các hoạt động trên bộ nhằm đẩy lực lượng Nga ra xa, để quân đội Ukraine ở bờ tây không còn nằm trong tầm hỏa lực của Moscow.

Ukraine đã tập trung hàng trăm binh sĩ và liên tục tăng viện xe bọc thép ở tả ngạn Dnieper để tập hợp binh lực, chuẩn bị cho cuộc tấn công trong tương lai nhằm tạo ra mối đe dọa đối với bán đảo Crimea.

Konrad Muzyka, một chuyên gia tình báo quân sự ở Ba Lan, cho rằng năng lực hiện tại của Ukraine nhằm tiến sâu hơn đến bán đảo Crimea rất hạn chế. Theo ông, mục tiêu trước mắt của Kiev có thể là tiếp tục thiết lập và mở rộng đầu cầu đổ bộ trong mùa đông, xem xét các phương án phản công mới ở miền Nam trong năm 2024.

Chung quan điểm này, Michel Goya, chuyên gia quân sự và là cựu đại tá quân đội Pháp, đánh giá hoạt động vượt sông Dnieper của Ukraine vẫn còn "khá hạn chế và chỉ mang tính biểu tượng".

Dù được coi là bước tiến lớn nhất của Ukraine kể từ khi phát động cuộc phản công vào mùa hè, tuy nhiên, chiến dịch táo bạo này vẫn còn quá nhiều rủi ro và khó khăn phía trước khiến lực lượng Kiev phải thực sự cân nhắc.

Khi đưa quân đội vượt sông nhằm tổ chức một đợt tấn công quy mô lớn, Ukraine sẽ phải đối mặt với lớp phòng ngự dày đặc của Nga. Hơn nữa, quân lực áp đảo của Nga cho phép họ có thể chia nhỏ lực lượng ra nhiều hướng và kìm chân Ukraine.

Vượt Dnieper, Ukraine có đủ sức đe dọa lực lượng Nga ở Crimea? - 2

Binh sĩ Ukraine gác bên sông Dnieper ở Kherson (Ảnh: AFP).

Trong khi đó, để mở cuộc tấn công quy mô lớn, Ukraine sẽ cần tới vài chục nghìn quân, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép. Theo chuyên gia quân sự Alexander Khramchikhin, vùng lãnh thổ Ukraine giành lại quá nhỏ để quân đội nước này có thể triển khai các phương tiện quân sự với số lượng lớn.

Hơn nữa, quá trình chuẩn bị lực lượng đó sẽ kéo dài và diễn ra dưới làn đạn hỏa lực pháo binh, tên lửa, máy bay không người lái (UAV) và các cuộc không kích không ngừng nghỉ của Nga.

Theo cựu tướng Australia Mick Ryan, Ukraine vẫn đối mặt với một số thách thức. Thứ nhất, lực lượng Ukraine trấn giữ ở bờ đông sông Dnipro, kể cả khi đã đẩy lùi Nga khỏi bờ sông Dnieper từ 3km đến 8km. Rủi ro là bởi họ thiếu các phương tiện chiến đấu, cũng như không được pháo binh hỗ trợ đầy đủ khi tiến sâu vào khu vực do Nga kiểm soát.

Thứ hai, Ukraine sẽ đối mặt với thách thức về mặt hậu cần để duy trì tiếp tế cho lực lượng đổ bộ. Cho đến khi Ukraine có thể xây dựng cầu phao nối hai bờ sông, lực lượng đổ bộ vẫn đối mặt nguy cơ cạn kiệt đạn được và các nguồn lực khác.

"Vượt sông dưới hỏa lực là một trong những hoạt động khó khăn nhất trong xung đột vì binh lính và thiết bị dễ bị tổn thương ở mọi giai đoạn của chiến dịch", John Hosler, giáo sư chuyên ngành Lịch sử Quân sự tại ở Fort Leavenworth cho biết.

Với hình thế bị thu hẹp khi đi qua thành phố cảng Kherson của sông Dnieper, Ukraine gần như không thể bắc cầu và vận chuyển một lượng lớn vật tư qua sông mà không bị phát hiện.

Khi qua sông, vùng đồng bằng đầm lầy ở bờ phía đông có rất ít lớp phủ tự nhiên cùng với tần suất thăm dò dày đặc của UAV càng khiến việc tiếp viện trở nên bất khả thi.

Do vậy, Ukraine cũng sẽ hao tổn binh lực rất lớn trước khi tập trung được lượng quân lớn đủ để mở cuộc phản công. Theo cựu tướng Australia Mick Ryan, đây có thể là cuộc tiến công đáng chú ý cuối cùng của Ukraine trong năm 2023. Do đó, Kiev sẽ hành động thận trọng, cố gắng giữ vững những bước tiến đạt được trong cuộc phản công kéo dài nửa năm qua.

Nhà phân tích Mykola Bielieskov của Ukraine cho rằng: "Thách thức lớn đối với Ukraine là đảm bảo hoạt động lâu dài của các đơn vị lớn hơn cấp đại đội. Xây cầu phao là cần thiết nhưng cây cầu rất dễ bị hỏa lực Nga đánh sập".

Do đó, Ukraine cũng sẽ hao tổn binh lực rất lớn trước khi tập trung được lượng quân lớn đủ để mở cuộc phản công. Sau đó, lực lượng này sẽ tiếp tục vấp phải hệ thống phòng thủ vững chắc mà Nga đã xây dựng ở vùng Kherson, nơi vốn có địa hình rất bất lợi cho hoạt động tấn công của bộ binh cơ giới Ukraine.

Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi về kết quả cuộc phản công của Ukraine, một điều có thể biết chắc chắn là quân đội Ukraine sẽ trải qua một chiến dịch nữa vô cùng khó khăn với thương vong, tổn thất không nhỏ.

Hơn nữa, thời tiết giá lạnh trong mùa đông sẽ gây bất lợi cho các hoạt động tiến công của Ukraine. Nga có thể tận dụng thời điểm "đóng băng" trong mùa đông để tập hợp, củng cố lực lượng, ngăn Ukraine đạt bước đột phá quan trọng.

Không những thế, Ukraine còn gặp khó khăn khi phải vật lộn để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh vì sự chú ý của thế giới đang bị chi phối bởi cuộc chiến của Hamas - Israel trên Dải Gaza. Gói tài trợ của Mỹ được thông qua trước đó thậm chí còn không bao gồm viện trợ bổ sung cho Ukraine, còn Liên minh châu Âu cho biết họ không thể cung cấp số vũ khí mà họ đã hứa.

Bên cạnh đó, Kiev sẽ không được phép chỉ tập trung vào chiến trường Dnieper mà lơ là trận địa Avdiivka ở miền Đông, nơi Nga đã điều động hàng chục nghìn binh sĩ cố gắng chọc thủng phòng tuyến của Ukraine. Theo tình báo quân sự Estonia, bất chấp lực lượng Ukraine đã xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc trong thị trấn, họ vẫn trong thế bị động khi bị lực lượng Nga bao vây.

Trước tình cảnh không có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Ukraine tuy đã đạt được một số triển vọng nhất định tại chiến trường Dnieper, nhưng họ khó có thể tạo ra bước đột phá có sức xoay chuyển cục diện chiến trường trong tương lai gần.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Anh nhận định, cuộc chiến ở Ukraine đã đi vào bế tắc. Theo đánh giá từ các quan chức này, mùa đông đến gần đồng nghĩa với việc quân đội của cả hai bên dọc theo chiến tuyến khó có thể tổ chức tiến công.

Theo ông Michael O'Hanlon, Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, cả Nga và Ukraine đều khó giành được đà tiến công và hầu như có rất ít triển vọng để sớm phá vỡ thế bế tắc hiện nay.

Theo WSJ, Euro News, AFP, Defense Post

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine