Ukraine với kế hoạch tham vọng vượt sông Dnieper đầy mạo hiểm và khốc liệt
(Dân trí) - Quân đội Ukraine đã chiếm các vị trí ở bờ đông sông Dnieper, gây ra mối đe dọa cho vị thế kiểm soát của Nga trong khu vực, và giờ họ đang tính đến kế hoạch tham vọng lớn và đầy mạo hiểm: vượt sông.
Các nhóm binh sĩ Ukraine đang chiến đấu với nỗ lực giành lại vùng lãnh thổ ở bờ đông sông Dnieper, khu vực do Moscow kiểm soát từ lâu, nhưng đã bị máy bay chiến đấu Nga ném bom, bộ binh Nga tấn công và bị máy bay không người lái (UAV) rình rập ngày đêm.
Bị đánh bại và tổn hại nặng nề về mọi mặt, lực lượng Ukraine vẫn cố giữ vững một số vị trí bên kia sông trong hơn 1 tháng qua và đang mở rộng các cuộc tấn công vào lực lượng Nga ở đó để nhắm vào các tuyến tiếp tế quan trọng của Moscow.
Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch Ukraine vẫn chưa rõ ràng: có phải chủ yếu nhằm mục đích gây mất cân bằng lực lượng Nga - sử dụng các cuộc tấn công hạn chế - để buộc Moscow di chuyển quân tới khu vực với hy vọng tạo ra điểm yếu dọc các khu vực khác của mặt trận?
Không loại trừ khả năng Ukraine có những mục tiêu tham vọng hơn, chẳng hạn như cố gắng tiến hành một cuộc tấn công lớn qua sông Dnieper nhằm giành lại một diện tích lãnh thổ đáng kể và định hình lại chiến tuyến hầu như không di chuyển trong 1 năm qua?
Nhiều nhà phân tích quân sự phương Tây đã lên tiếng về việc này, trong đó hoài nghi rằng Ukraine có thể đang nỗ lực thiết lập đầu cầu để cho phép lực lượng của họ di chuyển pháo binh và thiết giáp hạng nặng qua sông, vốn rất cần để thực hiện các hoạt động tấn công quy mô lớn.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công kéo dài có thể gây khó khăn cho Nga, đặc biệt nếu Ukraine có thể can thiệp vào các đường tiếp tế quan trọng của Moscow. Dù ý định của Kiev là gì, thì các vùng đầm lầy đất ngập nước dọc sông Dnieper đang sôi sục, đặc biệt là nếu Ukraine đang có kế hoạch cho một cuộc vượt sông đầy tham vọng nhất kể từ sau Thế chiến II.
Chuyện gì đang xảy ra trên chiến trường?
Phần lớn tình hình giao tranh hiện nay vẫn được hai bên giữ bí mật.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự hồi tháng trước đã xác nhận rằng, lực lượng Ukraine đang giữ vững một số vị trí quan trọng và đang tham chiến tại một chuỗi các ngôi làng trải dài từ Oleshky, đối diện thành phố Kherson, tới Korsunka, một thị trấn cách đó khoảng 50km về phía thượng nguồn.
Vào cuối tháng 10, lính thủy đánh bộ Ukraine tham gia chiến đấu, và vào giữa tháng 11, lính thủy đánh bộ thông báo đang trấn giữ một số đầu cầu. Đó là thời điểm Tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên đề cập đến hoạt động này.
Khi các cuộc tấn công của Ukraine qua sông ngày càng gia tăng thì phản ứng của Nga cũng tăng theo. Theo các binh sĩ và cảnh quay chiến sự, vào cuối tháng 10, các máy bay chiến đấu của Nga bắt đầu ném bom dày đặc trong khu vực. Moscow đồng thời sử dụng hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A, hút oxy từ không khí xung quanh, gây ra hiệu ứng tàn phá.
Mặt trận khó khăn
Theo các blogger quân sự Nga, quân đội Ukraine, tình báo quân đội Anh và các nhà phân tích quân sự, bằng cách tấn công lực lượng Nga ở bờ đông sông Dnieper, Kiev đang muốn buộc Moscow phải di chuyển lực lượng từ các khu vực khác của mặt trận.
Tuy nhiên, cuộc giao tranh đang gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng Ukraine khi binh sĩ công bố những thước phim chiến đấu về cuộc chiến khốc liệt và điều kiện sống khắc nghiệt. Ukraine dường như sẵn sàng mạo hiểm đưa một số binh sĩ tốt nhất của mình vào một cuộc chiến khó khăn như vậy bởi vì nếu thành công thì cục diện chiến trường sẽ thay đổi rất nhiều.
Nếu thành công trong việc thiết lập các vị trí vững chắc bên kia sông, lực lượng Ukraine sẽ rút ngắn cự ly tới bán đảo Crimea còn khoảng 46km. Từ đó, họ có thể đặt tuyến tiếp vận quan trọng của Nga vào trong tầm bắn của pháo binh, định hình lại địa lý của chiến trường và khiến Moscow càng gặp khó khăn hơn trong kế hoạch vận chuyển lương thực, nhiên liệu và đạn dược cho hàng chục nghìn binh sĩ trong mùa đông.
Yevhen Dykyi, cựu chỉ huy tiểu đoàn Aidar của Ukraine, cho biết quân đội Ukraine đang "khóa" đường cao tốc quan trọng nối Crimea với Melitopol, một huyết mạch thiết yếu trong chuỗi cung ứng của Nga.
"Nhiệm vụ tiếp theo khó khăn hơn", ông nói trên truyền hình Ukraine vào tuần trước và nhấn mạnh, "đặc biệt, để mở rộng vị trí này thì Ukraine cần xuyên thủng hàng phòng ngự của Nga và giành được không gian hoạt động".
Hồi tháng 10, khi các báo cáo về hoạt động gia tăng của Ukraine, Nga đã thay thế chỉ huy khu vực, Thượng tướng Oleg Makarevich bằng Thượng tướng Mikhail Teplinsky, người trước đây từng là người đứng đầu Lực lượng Dù tinh nhuệ của Nga.
Trong một báo cáo hồi tháng trước, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho rằng, quân đội Nga "có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tái triển khai lực lượng tiếp viện có hiệu quả chiến đấu", đồng thời tham gia vào các hoạt động phòng thủ ở Zaporizhia, phía tây bắc và duy trì các nỗ lực tấn công khác ở miền đông Ukraine.
Phản ứng chính của Moscow là sử dụng ưu thế trên không của mình để tấn công vào những khu vực mà họ tin rằng quân Ukraine đang ẩn nấp.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Để mở rộng quyền kiểm soát mong manh ở bờ đông Dnieper, Ukraine cần tìm ra chiến lược đáng tin cậy để đưa vật tư và quân tiếp viện qua sông. Nhưng đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
"Vượt sông dưới hỏa lực là một trong những hoạt động khó khăn nhất trong chiến tranh trên bộ", giáo sư John D. Hosler tại Trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu ở Fort Leavenworth nhận định. Binh sĩ và các thiết bị vũ khí dễ tấn công ở mọi giai đoạn của chiến dịch, đặc biệt là lúc họ tập trung chuẩn bị vượt sông.
Trong khi sông Dnieper bị thu hẹp ở đoạn đi qua thành phố cảng Kherson và Ukraine có các đơn vị công binh đã được thử nghiệm chiến đấu cũng như các thiết bị bắc cầu được thiết kế cho nhiệm vụ này, thì Kiev vẫn khó có thể di chuyển một lượng lớn vũ khí trang bị qua sông mà không bị phát hiện. Việc sử dụng rộng rãi UAV đã khiến một nhiệm vụ vốn đã nguy hiểm như thế này càng trở nên khốc liệt hơn.
Nếu chiến dịch thất bại, Ukraine sẽ tổn hại thảm khốc về nhân mạng và vũ khí bởi chưa có quân đội hiện đại nào thử tiến hành chiến dịch vượt sông quy mô như vậy kể từ sau Thế chiến II.