DNews

Nga chưa đánh bật Ukraine khỏi Kursk: Cuộc đấu "ai chớp mắt trước"?

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga dường như có những tính toán nhất định khi chưa giáng đòn quyết định, đánh bật lực lượng Ukraine khỏi lãnh thổ sau hơn ba tuần diễn ra cuộc đột kích.

Nga chưa đánh bật Ukraine khỏi Kursk: Cuộc đấu "ai chớp mắt trước"?

Hàng loạt cuộc không kích do Nga tiến hành nhằm vào Ukraine trong những ngày qua, với hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa, đã cung cấp bằng chứng cho thấy sức mạnh quân sự bền bỉ của Moscow.

Tuy nhiên, với tất cả hỏa lực đó, Nga vẫn chưa thể giành lại một phần lãnh thổ nhỏ ở tỉnh Kursk mà Ukraine đã kiểm soát từ đầu tháng này. Ngoài ra, quân đội Nga còn phải đối mặt với các nỗ lực của lực lượng Kiev nhằm đột nhập vào tỉnh Belgorod của Nga.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ buộc Ukraine phải rút quân khỏi Kursk, nhưng những bước tiến gần đây của quân đội Nga lại tập trung ở phía đông Ukraine, chứ không phải vùng biên của Nga. Bây giờ cả quân đội Nga và Ukraine dường như tập trung vào cuộc chiến ở lãnh thổ của đối phương, nơi họ đang kiểm soát một số khu vực, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc họ phải để ngỏ các khu vực ngay chính trên lãnh thổ của mình.

"Đây dường như là trò chơi xem ai chớp mắt trước. Người Ukraine đang kiểm soát lãnh thổ của Nga. Còn người Nga đang tiến về phía đông Ukraine. Vấn đề là ai sẽ rút quân trước", một quan chức tình báo phương Tây nói với NBC News.

Ưu tiên của Nga

Nga chưa đánh bật Ukraine khỏi Kursk: Cuộc đấu ai chớp mắt trước? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp về tình hình ở các khu vực biên giới Belgorod, Kursk và Bryansk sau cuộc xâm nhập của quân đội Ukraine (Ảnh: Reuters).

New York Times dẫn lời các quan chức phương Tây và các chuyên gia quân sự cho biết, lý do chính xác khiến Moscow cho đến nay vẫn chưa đẩy lùi được cuộc xâm nhập nước ngoài lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến 2 dường như không chỉ là vấn đề về nhân sự và thiếu thông tin tình báo chiến trường, mà còn là vấn đề về các ưu tiên của Nga.

Một số chuyên gia cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như không coi cuộc tấn công của Kiev vào Kursk là mối đe dọa đủ nghiêm trọng để khiến ông phải rút quân khỏi vùng Donbass ở miền Đông Ukraine, trong khi kiểm soát Donbass lại là mục tiêu ưu tiên của ông chủ Điện Kremlin.

"Chúng tôi chưa thấy một cuộc di chuyển quân lớn nào của Nga khỏi mặt trận phía đông Ukraine", quan chức tình báo cấp cao của phương Tây tiết lộ.

Nhiều tháng sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Nga đã tuyên bố sáp nhập các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson ở Ukraine vào lãnh thổ Nga. Do vậy, việc kiểm soát hoàn toàn các khu vực này là ưu tiên hàng đầu của Nga.

"Thay vì tập hợp người dân chống lại mối đe dọa nhằm vào lãnh thổ Nga, Điện Kremlin lại muốn coi nhẹ cuộc xâm nhập của Ukraine", Nigel Gould-Davies, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.

Các kênh truyền thông Nga coi vụ tấn công của Ukraine vào Kursk là bằng chứng cho thấy ý đồ leo thang căng thẳng của Kiev, cũng như chứng minh rằng quyết định của Nga khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine là phù hợp.

Tatiana Stanovaya, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia, cho rằng mặc dù người dân ở Kursk có thể không hài lòng với phản ứng của chính quyền Nga đối phó với cuộc đột kích của Ukraine, nhưng họ vẫn sẽ ủng hộ chính quyền.

Theo bà Stanovaya, cuộc đột kích của Ukraine có thể là "một đòn giáng vào danh tiếng của Điện Kremlin", nhưng không làm gia tăng đáng kể tâm lý bất mãn trong công chúng. Thay vào đó, cuộc tấn công của Ukraine có thể dẫn đến việc người dân Nga tập hợp xung quanh chính quyền và gia tăng lập trường chống Ukraine và chống phương Tây.

Tổng thống Putin đã tuyên bố vào tháng 6 rằng, Ukraine phải rút quân khỏi một số khu vực mà Nga đã kiểm soát như một điều kiện cho việc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ điều kiện này.

"Khi tập hợp lực lượng để đối phó với cuộc xâm nhập của Ukraine ở Kursk, Nga đang làm mọi cách có thể để tránh rút các đơn vị khỏi cuộc tấn công của Nga ở Donbass. Hiện tại, Nga đánh giá rằng họ có thể ngăn chặn mối đe dọa trên lãnh thổ của mình mà không ảnh hưởng đến mục tiêu quan trọng nhất của Nga ở Ukraine", chuyên gia Gould-Davies nhận định.

Ngay cả khi lực lượng Ukraine bắt đầu tiến vào Kursk hôm 6/8, quân đội Nga vẫn tiếp tục tấn công xung quanh thành phố chiến lược Pokrovsk và các khu vực khác ở Donetsk. Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố kiểm soát hàng loạt khu định cư ở Pokrovsk kể từ khi cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk bắt đầu.

Thậm chí, cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và tư lệnh quân đội Ukraine đều thừa nhận tình hình ở Pokrovsk "vô cùng khó khăn".

"Nga muốn tiếp tục các cuộc tấn công vào Pokrovsk, mà không phải rút nguồn lực từ Pokrovsk về Kursk", Nico Lange, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu có trụ sở tại Washington, nói.

Nga chưa đánh bật Ukraine khỏi Kursk: Cuộc đấu ai chớp mắt trước? - 2

Vị trí các vùng biên giới Nga - Ukraine (Ảnh: Sky).

Không giống như Pokrovsk, nơi lực lượng Ukraine đã xây dựng các công sự kiên cố, các khu vực khác ở Donetsk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine nhưng được phòng thủ kém hơn và dễ bị Nga tấn công hơn nếu Pokrovsk thất thủ.

Phát biểu về chiến dịch Kursk trong các cuộc họp với các quan chức Nga, Tổng thống Vladimir Putin mô tả cuộc đột kích này là nỗ lực của Ukraine nhằm làm chậm chiến dịch của Nga tại Donetsk, nhưng ông tuyên bố bước tiến của Nga vẫn tăng tốc bất chấp các sự kiện ở Kursk.

Nga cũng tiến hành một loạt cuộc tấn công tầm xa liên tiếp vào lưới điện của Ukraine. Cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraine hôm 26/8 là một trong những cuộc tấn công lớn nhất trong cuộc chiến, với hơn 200 tên lửa và máy bay không người lái được phóng và gây ra tình trạng mất điện trên khắp Ukraine.

Các cuộc tấn công đã cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Ukraine khi bị kéo căng để bảo vệ cả lực lượng ở tiền tuyến cũng như cơ sở hạ tầng.

Các quan chức phương Tây và các chuyên gia quân sự cho biết, mặc dù bị bất ngờ trước cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk, Nga vẫn quyết tâm giành quyền kiểm soát Pokrovsk, một thành phố đóng vai trò là trung tâm hậu cần quan trọng ở khu vực Donbas phía đông Ukraine, và giới chức Nga dường như không có ý định rút quân khỏi mặt trận này.

"Mục đích cuộc tấn công mùa hè của Nga ít nhất là chiếm được Pokrovsk", Đại tá Markus Reisner, người giám sát việc phát triển lực lượng tại học viện đào tạo quân sự chính của Áo và theo dõi sát sao cuộc chiến ở Ukraine, nhận định.

Trong 3 tuần kể từ khi Ukraine mở chiến dịch quân sự tại Kursk, các quan chức thừa nhận, những bước tiến chậm nhưng ổn định của Nga gần Pokrovsk đã tăng lên.

Theo Đại tá Reisner, khi quân đội Nga tiếp tục tiến về Pokrovsk, dường như không có bất kỳ sự suy yếu nào trong động lực của Nga đối với việc tái triển khai lực lượng tới Kursk.

Mặc dù vậy, Moscow đã bắt đầu phản ứng ở Kursk, gần đây đã điều động hàng nghìn quân tới mặt trận này và đe dọa sẽ trả đũa Kiev.

"Cuộc xâm nhập của Ukraine khiến người Nga bị sốc. Nhưng điều đó sẽ không kéo dài mãi mãi. Họ sẽ tập hợp lại lực lượng và đưa ra phản ứng phù hợp", Christopher G. Cavoli, tướng của quân đội Mỹ và là chỉ huy quân sự hàng đầu của NATO, cho biết trong bài phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại vào ngày 15/8.

Bước khởi đầu chậm của Nga 

Nga chưa đánh bật Ukraine khỏi Kursk: Cuộc đấu ai chớp mắt trước? - 3

Xe quân sự Ukraine cạnh biển chỉ dẫn về phía biên giới Nga và Ukraine (Ảnh: New York Times).

Các quan chức và chuyên gia nhận định, lực lượng Nga ở Kursk không có đủ quân số cũng như kinh nghiệm để phòng thủ nhanh chóng khi quân đội Ukraine tấn công dữ dội qua biên giới hôm 6/8. Những người tham gia trận chiến cũng không có đủ vũ khí hoặc thiết bị để chống lại quân đội Ukraine.

Nikolai Sokov, người từng là nhà ngoại giao Nga và Liên Xô, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna ở Áo, cho biết thông tin tình báo do các đồng minh phương Tây cung cấp đã giúp Ukraine có bức tranh rõ ràng hơn về vị trí của quân đội Nga trong khu vực, giúp Kiev đưa ra quyết định về những nơi có thể kiểm soát mà không gặp nhiều kháng cự.

Ban đầu không rõ ai là người chịu trách nhiệm về phản ứng của Nga đối với chiến dịch đột kích của Ukraine. Cho đến nay, FSB, cơ quan an ninh của Nga, được giao nhiệm vụ chỉ đạo phản ứng, chứ không phải bộ tham mưu quân đội Nga, đơn vị chịu trách nhiệm ở miền Đông Ukraine.

"Không có chỉ huy rõ ràng, lực lượng Nga tự phản ứng và vẫn ở thế yếu, điều này cho phép Ukraine mở rộng mặt trận của họ", Ralph F. Goff, cựu quan chức cấp cao của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng phục vụ ở Đông Âu và Liên Xô cũ, cho biết.

Cho đến nay, Ukraine đã tuyên bố kiểm soát gần 1.300km2 lãnh thổ Nga, tương đương 100 khu định cư, đồng thời bắt giữ gần 600 tù binh Nga.

Theo một phân tích của công ty tình báo quốc phòng Janes, sau phản ứng chậm ban đầu, Nga dường như đang lên kế hoạch cho một cuộc đối đầu biên giới dài hạn hơn với Ukraine. Phân tích kết luận rằng phản ứng của Moscow "hơi chậm, nhưng vẫn có phương pháp và triệt để".

Ông Solov cho biết Nga đã triển khai trực thăng tấn công đến Kursk và gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công bằng pháo binh vào lực lượng Ukraine tại mặt trận này.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố thương vong của Ukraine ở Kursk lên tới hơn 7.000 quân và hàng trăm thiết bị quân sự của Ukraine đã bị phá hủy. Tướng Oleksandr Syrskyi, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, thừa nhận cho đến nay Nga đã triển khai 30.000 quân đến khu vực này và đang gửi thêm quân mỗi ngày.

Nga đã triển khai chủ yếu các đơn vị dự bị và binh lính từ các khu vực ở phía nam và đông bắc Ukraine, vốn không phải là thành phần chính trong lực lượng của Moscow tiến công ở Pokrovsk. Các quan chức Mỹ đánh giá rằng Nga cần ít nhất 50.000 quân để đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi Kursk. Và đó không phải là số lượng quân mà Nga muốn triển khai.

"Có vẻ như ông Putin không quan tâm đến điều đó", Mykhailo Samus, nhà phân tích quân sự Ukraine và là giám đốc của Mạng lưới nghiên cứu địa chính trị mới, cho biết.

Tuy nhiên, Đại tá Reisner cho biết, lực lượng tiếp viện của Nga đã "làm chậm đáng kể" đà tiến của Ukraine trong khu vực Kursk. Moscow dường như tính toán rằng, việc chuyển hướng đủ nguồn lực để đẩy lùi hoàn toàn cuộc xâm nhập của Ukraine khỏi Kursk, một khu vực không quá quan trọng về mặt chiến thuật, sẽ không phải là cách sử dụng tốt nhất sức mạnh quân sự Nga, nhất là khi chiến dịch này buộc Ukraine phải triển khai nguồn lực nếu Kiev muốn tiếp tục giữ vững những vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát ở Nga.

"Nếu Nga ném mọi thứ họ có vào Kursk, họ lại đang chơi trò chơi của Ukraine", chuyên gia Sokov nói.

Phản ứng hạn chế của Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết chiến dịch Kursk nhằm tạo ra vùng đệm để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Với tình hình giao tranh ở Kursk đang thay đổi, khác với các tuyến đầu cố định ở Donetsk, các đơn vị Ukraine có thể di chuyển khắp vùng Kursk mà không cần thiết lập sự hiện diện lâu dài tại các khu vực mà họ tuyên bố kiểm soát.

Các nhà quan sát cho rằng Nga không có đủ nguồn lực phối hợp tốt để đánh bật lực lượng Ukraine ở Kursk. Giới quan sát ước tính, Nga cần hàng chục nghìn quân để đánh bật hoàn toàn lực lượng Ukraine khỏi Kursk. Khoảng 10.000 quân Ukraine đã sử dụng những khu rừng rậm rạp ở Kursk làm nơi trú ẩn.

"Những nỗ lực của Moscow nhằm chống lại cuộc tấn công mới của Ukraine dường như chỉ giới hạn ở việc điều động các đơn vị từ khắp nước Nga, bao gồm một phần lực lượng dân quân và lực lượng không chính quy", Ben Barry, nghiên cứu viên cao cấp về chiến tranh trên bộ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, bình luận.

Theo các nhà bình luận, Tổng thống Putin cũng không muốn triệu tập thêm quân dự bị cho mặt trận Kursk, vì lo ngại nguy cơ bất ổn như những gì từng xảy ra khi ông ra lệnh huy động 300.000 quân để ứng phó với cuộc phản công của Ukraine hồi năm 2022, một động thái không được nhiều người Nga ủng hộ.

Trong bối cảnh thiếu nguồn lực cho một chiến dịch phản công ở Kursk, Nga hiện tập trung vào việc ngăn chặn Ukraine tiến sâu hơn bằng cách phong tỏa các tuyến đường và nhắm vào lực lượng dự bị của Kiev.

Trong khi đó, Ukraine đã khiến quân đội Nga gặp khó khăn khi phá hủy các cây cầu bắc qua sông Seym, làm gián đoạn tuyến hậu cần huyết mạch cho một số đơn vị Nga trong khu vực và tạo điều kiện để thiết lập một khu vực kiểm soát.

Chuyên gia Lange dự đoán quân đội Ukraine có thể sử dụng sông Seym để tạo ra một vùng đệm. "Tôi dự đoán Ukraine sẽ tìm thêm một số nút thắt về hậu cần và cơ sở hạ tầng của Nga, không chỉ có các cây cầu, và kiểm soát những nút thắt đó", ông nói.

Phó Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) Mỹ David Cohen cho biết Ukraine "dường như có ý định kiểm soát một số lãnh thổ Nga trong khoảng thời gian nhất định".

"Họ vẫn ở lại Nga. Họ đang xây dựng hệ thống phòng thủ", ông Cohen cho biết, đồng thời nhận định Nga khó có thể giành lại lãnh thổ bị Ukraine kiểm soát.

Một quan chức tại cơ quan an ninh Ukraine vừa trở về từ Sudzha, một trong những thị trấn biên giới của Nga hiện do Ukraine kiểm soát, nói với NBC News rằng Ukraine không cần đất của Nga.

"Nhưng hiện tại chúng tôi cần phải ở đây. Đây là một trò chơi mà chúng ta có thể cùng nhau chơi. Nếu họ kiểm soát lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi sẽ ở lại đây", quan chức Ukraine tuyên bố.

Rủi ro thiệt hại

Nga chưa đánh bật Ukraine khỏi Kursk: Cuộc đấu ai chớp mắt trước? - 4

Nhà máy điện hạt nhân Kursk nhìn từ thị trấn Kurchatov ở vùng Kursk, Nga (Ảnh: Reuters).

Bằng cách tiến hành các cuộc không kích dữ dội vào Ukraine trong những ngày gần đây, Nga đã chứng minh rằng nước này có đủ máy bay không người lái và tên lửa tấn công để tàn phá quân đội Kiev trên chính lãnh thổ Ukraine, với giả thuyết đặt ra là Moscow hiện có thông tin tình báo để xác định vị trí của đối phương.

Tuy nhiên, chuyên gia Sokov cho biết Nga có thể tính đến nguy cơ chính người dân nước này gặp tổn thất nếu Moscow tấn công mạnh ở Kursk. "Nếu có thể, Nga thực sự có thể muốn chọn lọc mục tiêu hơn một chút", ông nói.

Ngoài ra, "bóng ma" về một vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Kursk, nằm cách nơi giao tranh khoảng 40km, cũng ảnh hưởng đến quyết định tấn công của Nga ở Kursk. Các hoạt động tại nhà máy vẫn diễn ra, tuy nhiên nhà máy không có mái vòm bảo vệ và do vậy "rất dễ bị tổn thương và mong manh", Rafael Mariano Grossi, người đứng đầu cơ quan nguyên tử của Liên hợp quốc, cho biết sau chuyến thăm nhà máy.

Ông Grossi cho biết, ông đã được xem các mảnh vỡ của máy bay không người lái mà Nga cho là được sử dụng để tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk. Nếu lò phản ứng hạt nhân bị tấn công, "hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng", quan chức Liên hợp quốc cảnh báo.

Một giả thuyết được đặt ra là Ukraine đang giữ lại một số hỏa lực trong trường hợp quyết định tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ thứ hai.

Dara Massicot, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Washington, nói rằng một số blogger quân sự Nga đã kêu gọi Moscow không gửi quân tiếp viện lớn đến Kursk vì điều này có thể khiến Nga dễ bị tổn thương ở những nơi khác.

Bằng việc kiểm soát một phần lãnh thổ Nga, Ukraine có thể định hình lại chiến trường. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc chuyển hướng một số lực lượng tinh nhuệ nhất của Ukraine khỏi mặt trận phía đông để sang chiến đấu ở Kursk là một canh bạc đối với Kiev.

"Tất cả những điều này đều mang lại rủi ro đáng kể, đặc biệt là nếu nỗ lực kéo căng quá mức lực lượng Nga dẫn đến việc kéo căng quá mức lực lượng Ukraine, vốn có quy mô nhỏ hơn", chuyên gia Barry nói.

Nỗ lực thiết lập vùng kiểm soát ở Kursk sẽ kéo dài thêm hơn nữa chiến tuyến hơn 1.000km, làm tăng thêm những thách thức mà lực lượng Ukraine phải đối mặt, trong bối cảnh họ đang thiếu quân và vũ khí. Việc bảo vệ các vị trí bên trong lãnh thổ Nga cũng khiến Ukraine phải đối mặt với các vấn đề hậu cần nghiêm trọng và các tuyến tiếp viện mở rộng dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công.

"Hệ thống của Nga rất phân cấp và quy định chặt chẽ, vì vậy họ luôn mất một khoảng thời gian đáng kể để thích nghi với tình hình mới. Nhưng phải chờ xem Ukraine có thể duy trì ở đó như thế nào, sau khi Nga đã thích nghi với tình hình và dốc toàn lực hành động", chuyên gia Lange nhận định.

Theo New York Times, NBC, AP, Newsweek