DNews

Nga bắt bài nước đi chiến lược của Ukraine trước thềm bầu cử Mỹ?

Nguyên Long

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky dường như đang "ném tất cả những gì đang có lên bàn" để cố gắng mang lại lợi thế rõ ràng cho Ukraine trước khi cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 có thể thay đổi tất cả.

Nga bắt bài nước đi chiến lược của Ukraine trước thềm bầu cử Mỹ?

Động lực thúc đẩy Ukraine "đánh cược"

Cho đến nay, đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi quân đội Ukraine tiến hành các cuộc đột kích vào vùng biên giới Kursk trong lãnh thổ Nga. Có lúc lực lượng Kiev đã kiểm soát tới hơn 100 ngôi làng, thị trấn với tổng diện tích 1.300km2, trong đó quan trọng nhất là thành phố Sudzha, điểm huyết mạch trong việc vận chuyển khí đốt từ Siberia qua Ukraine đến các nước thuộc liên minh châu Âu như Hungary, Áo và Slovakia.

Kiev cho biết đã thiết lập chính quyền quân sự tại khu vực mà họ kiểm soát ở tỉnh Kursk đồng thời tìm cách mở rộng mũi tiến công vào tỉnh Belgorod ở phía Tây của Nga.

Cuộc tấn công của Ukraine được đánh giá là hoạt động lớn về quy mô cũng như tham vọng khi điều động tới hàng chục nghìn quân nhân tham gia, nhất là trong bối cảnh căng thẳng về nguồn nhân lực ngày càng gia tăng.

Nhiều lữ đoàn được huy động tham gia, gồm các đơn vị tinh nhuệ, được trang bị tốt như Lữ đoàn cơ giới độc lập số 22 hay Lữ đoàn xung kích đường không số 80, tham gia đột phá các tuyến phòng thủ đối phương.

Tổng thống Zelensky cho biết, cuộc đột kích vào khu vực Kursk của Nga là phần đầu tiên trong kế hoạch chiến thắng của Kiev mà ông sẽ trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9. Đồng thời nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói rằng, kế hoạch chiến thắng sẽ được gửi tới cả Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống - ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, việc triển khai các lữ đoàn tinh nhuệ, thiện chiến, được trang bị tốt nhất tham gia chiến dịch tấn công vào lãnh thổ của Nga được xem là "canh bài chiến lược" của ông Zelensky trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây. Tổng thống Ukraine có nhiều động lực để triển khai chiến dịch này:

Một là, Ukraine muốn thuyết phục NATO cho phép sử dụng vũ khí viện trợ như tên lửa hành trình Storm Shadow và Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) để tấn công sâu vào trong lãnh thổ Nga nhằm đạt được kết quả rõ ràng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện các nước thành viên NATO vẫn chưa đồng ý với đề xuất này của Kiev do lo ngại xung đột leo thang, thậm chí có thể khiến Nga tấn công trả đũa vào sâu trong lãnh thổ nước thành viên NATO hoặc thậm chí quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hai là, các cuộc tấn công vừa qua của Kiev vào lãnh thổ của Nga sẽ lại mang lại đòn bẩy chiến lược trong trường hợp họ buộc phải mặc cả với Nga, nhất là trong bối cảnh khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Kiev lo ngại rằng khi đó, Washington sẽ rút lại viện trợ về quân sự, tình báo hay chính trị, đồng thời gây áp lực buộc Kiev phải tìm cách chấm dứt xung đột theo các điều khoản của Moscow.

Nhà nghiên cứu cấp cao Jack Watling tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh nhận định, Tổng thống Zelensky muốn đảm bảo rằng, nếu phải tham gia hòa đàm, Ukraine muốn sở hữu trong tay những thứ giúp buộc đối phương đành chấp nhận nhượng bộ.

Chính vì vậy, các lực lượng Kiev phải chiếm, kiểm soát một phần lãnh thổ lớn của Nga để có thể "mặc cả" với Moscow trong quá trình đàm phán tương lai.

Ba là, các cuộc tấn công được triển khai nhằm chứng minh rằng Quân đội Ukraine không bị đánh bại cũng như không thiếu khả năng tấn công. Điều này một mặt nhằm chứng tỏ cho người dân trong nước thấy được ý chí, sức mạnh lực lượng vũ trang của mình, mặt khác còn giúp nâng cao tinh thần đồng thời củng cố sự ủng hộ từ các đồng minh phương Tây đối với Kiev.

Nhà nghiên cứu cấp cao Daniel S. Hamilton tại Viện Brookings đánh giá, Ukraine muốn chứng tỏ rằng, họ đủ khả năng để tiến hành các hoạt động phức tạp liên quan đến hàng loạt khí tài quân sự để chủ động định hình cuộc xung đột, từ đó chiếm thế thượng phong trên chiến trường.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu Kiev có thể duy trì chiến lược này trong bao lâu, nhất là trong bối cảnh chiến dịch tấn công đang làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine tại các khu vực tiền tuyến trước những đòn tấn công của Nga cũng như làm tiêu hao nhiều nguồn lực khan hiếm của Kiev bao gồm cả các nguồn lực mà phương Tây viện trợ.

Bốn là, các cuộc tấn công của Kiev vào Kursk nhằm kiểm tra giả định rằng Moscow sẽ không sử dụng việc này để leo thang xung đột.

Các nhà quan sát cho rằng, Nga tính toán nếu ứng viên Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì họ không việc gì phải mạo hiểm trong thời gian này bởi nhiều khả năng ông Trump sẽ trao cho họ cơ hội để giành chiến thắng ở Ukraine.

Nga bắt bài nước đi chiến lược của Ukraine trước thềm bầu cử Mỹ? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) cùng người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

"Canh bài" chiến lược liệu sẽ hiệu quả?

Tổng thống Zelensky đang đặt cược vào "canh bài" chiến lược trong cuộc tấn công vào vùng Kursk của Nga, tuy nhiên, hiệu quả thực sự sẽ như kỳ vọng hay không vẫn chưa có gì đảm bảo.

Thực tế cho thấy, trong khi Ukraine đang dồn lực cho các cuộc tấn công ở Kursk thì Nga dường như không quá quan tâm đến vấn đề này. Lực lượng Moscow vẫn đang tiếp tục tăng cường sức ép tấn công ở mặt trận Donetsk, miền Đông Ukraine. Hàng chục nghìn binh sĩ của họ đã áp sát thành phố Pokrovsk, đô thị chiến lược ở miền Đông.

Các nhà phân tích đánh giá, với sức tiến công hiện nay của Nga, thành phố Pokrovsk đứng trước nguy cơ bị Moscow kiểm soát trong vài tuần nữa.

Nhà phân tích Nick Paton Walsh của CNN đánh giá, có thể Ukraine sẽ khó tránh khỏi việc để mất Pokrovsk vào tay Nga, tuy nhiên, đây là "sự hi sinh" của họ nhằm đạt mục tiêu là gây thiệt hại lớn hơn cho Moscow.

Chuyên gia Matthew Savill tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh tin rằng, Ukraine vẫn đủ khả năng duy trì quyền kiểm soát ở Kursk trong một khoảng thời gian nữa, bởi dường như  Kiev đã trang bị hệ thống phòng không và ngày càng sử dụng thành thạo các UAV FPV để tấn công trực thăng.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đánh giá, chiến dịch Kursk có vẻ đang không mang lại kết quả như kỳ vọng của Tổng thống Zelensky bởi cho dù vùng Kursk đang bị Ukraine chiếm giữ, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn kiên định lập trường rằng, Nga sẵn sàng đàm phán nhưng sẽ chỉ được tiến hành khi chiến dịch Kursk kết thúc.

Hơn nữa, hiện phương Tây vẫn chưa đồng ý cho Ukraine được phép sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương do lo ngại xung đột có thể leo thang thành cuộc xung đột Nga - NATO.

Tổng thống Zelensky đang tận dụng tối đa khoảng thời gian còn lại ít ỏi trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để đạt được các kết quả rõ ràng trong cuộc xung đột với Nga trước khi các yếu tố chính trị trên chính trường Mỹ có thể tạo ra các tác động lớn đến cục diện cuộc chiến hiện nay.

Ukraine đang cố gắng bằng mọi giá tránh tình trạng viện trợ cho đất nước họ trở thành chủ đề tranh chấp chính trị nội bộ trong chiến dịch bầu cử ở Mỹ, vì điều đó dẫn đến nguy cơ các khoản viện trợ quý giá của Washington cho Kiev bị cắt giảm.

Vì lẽ đó, chính quyền Tổng thống Zelensky ngày càng cởi mở về sự sẵn sàng đàm phán và đang xây dựng một liên minh quốc tế gồm các quốc gia ủng hộ tầm nhìn của Ukraine về việc chấm dứt chiến tranh theo "công thức hòa bình của Zelensky".

Nga bắt bài nước đi chiến lược của Ukraine trước thềm bầu cử Mỹ? - 2

Ukraine tiếp tục tiến vào vùng Kursk của Nga (Ảnh: AFP/Getty Images)

Nga "bắt bài" đòn tấn công của Ukraine?

Các chuyên gia quân sự đánh giá, mặc dù chiến dịch tấn công của Ukraine vào vùng Kursk của Nga đã đạt được một số mục tiêu nhất định, tuy nhiên, điểm mấu chốt mà Kiev mong muốn là Moscow rút quân khỏi tuyến đầu ở Donbass nhằm định hình cục diện cuộc chiến vẫn chưa thể thực hiện được.

Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố rằng, Nga vẫn tiếp tục tăng tốc các bước tiến bất chấp các sự kiện diễn ra ở Kursk. Thậm chí, trong vòng hơn một tháng qua, các lực lượng Nga còn chiếm được các vùng lãnh thổ rộng lớn hơn của Kiev, đồng thời tiến gần đến thành phố Pokrovsk có vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Donetsk.

Những phản ứng hạn chế của Moscow trước chiến dịch tấn công vào Kursk của Ukraine một phần là vì Nga dường như không có đủ nguồn lực thật tốt để đánh bật các lực lượng Kiev vào thời điểm này; một phần có vẻ như Tổng thống Vladimir Putin không coi chiến dịch tấn công này của Kiev là mối đe dọa đủ lớn để họ phải rút quân khỏi vùng Donbass.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Nga được cho là bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho một chiến dịch phản công thực sự khi triển khai nhiều đòn tập kích các lực lượng của Kiev tại khu vực Kursk khi tăng cường triển khai máy bay trực thăng tấn công cũng như các cuộc tấn công bằng pháo binh, gây thiệt hại đáng kể cho đối phương tại mặt trận này.

Tính từ khi bắt đầu chiến dịch Kursk đến ngày 11/9, Ukraine thiệt hại hơn 12.200 quân, 96 xe tăng, 42 xe chiến đấu bộ binh, 77 xe bọc thép chở quân, 656 xe chiến đấu bọc thép, 401 phương tiện, 90 khẩu pháo, 26 bệ phóng pháo đa nòng, 8 bệ phóng tên lửa phòng không, 7 radar phản pháo, 2 radar phòng không, 8 thiết bị công binh.

Giới quan sát đánh giá, Nga đang dồn lực để củng cố lợi ích của họ ở vùng Donbass bởi việc chiếm được các trung tâm hậu cần và mạng lưới giao thông quan trọng ở khu vực này sẽ giúp Moscow nâng cao vị thế, mở đường cho các chiến dịch tiến công sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine, tạo điều kiện tạo ra các bước đột phá mang tính quyết định.

Hơn nữa, để có thể đánh bật các lực lượng Kiev ra khỏi Kursk không phải chuyện dễ dàng trong bối cảnh hiện nay bởi Moscow sẽ phải huy động hàng chục nghìn quân mà điều này lại rất khó, nhất là trong bối cảnh thiếu nguồn lực như hiện nay.

Do đó, trước mắt quân đội Nga sẽ tiếp tục triển khai các chiến dịch tấn công vào lãnh thổ Ukraine, song song với đó tập trung vào việc ngăn chặn Ukraine tiến sâu hơn vào lãnh thổ của mình bằng cách phong tỏa các tuyến đường hậu cần và nhắm vào lực lượng dự bị đối phương.

Nếu như chiến dịch tấn công Kursk là "canh bài chiến lược" của Kiev thì đối với Moscow đây cũng là một "con bài chiến lược" để làm phân tán lực lượng phòng thủ vốn đã mỏng của Kiev ở các mặt trận khác quan trọng hơn.

Quân đội Nga vẫn đang tận dụng tối đa lợi thế này để duy trì đà tiến công tại Donetsk, đồng thời mở ra các cơ hội mới nhằm khai thác các yếu điểm của đối phương dọc theo mặt trận phía Đông. Do đó, vấn đề mà nhiều người quan tâm hiện nay là liệu ông Zelensky có thắng được Tổng thống Putin trong "canh bài chiến lược" mà họ triển khai ở Kursk hay không?

Theo The Conversation, Lowy Institute, Guardian

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine