DNews

NATO "thức tỉnh" vì cuộc chiến Nga - Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, chiến sự Nga - Ukraine khiến khối NATO - liên minh quân sự hàng đầu thế giới - dường như nhận ra rằng họ vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc xung đột quy mô lớn.

NATO "thức tỉnh" vì cuộc chiến Nga - Ukraine?

Kể từ sau Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô, khối NATO đã đóng vai trò trong các cuộc xung đột trên thế giới, nhưng điểm chung có thể nhận ra rằng đây là những cuộc đối đầu quy mô không quá lớn, với những lực lượng có tiềm lực quân sự yếu hơn hẳn.

Khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2 năm ngoái, lần đầu tiên trong vài chục năm qua, NATO gián tiếp đối đầu với một đối thủ mạnh, cường quốc quân sự thứ 2 thế giới.

Theo Asia Times, mỗi cuộc chiến đều sẽ trở thành nơi thử nghiệm công nghệ, chiến thuật và chiến lược. Cuộc xung đột tại Ukraine không phải là ngoại lệ khi nó báo hiệu hàng loạt những xu hướng mới trong tác chiến hiện đại.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, cuộc xung đột tại Ukraine cũng khiến NATO rút ra những bài học và mang tới tín hiệu cho thấy liên minh quân sự này chưa có sự chuẩn bị cho cuộc chiến tương lai với một đối thủ mạnh ngang tầm.

Nỗ lực của NATO

NATO thức tỉnh vì cuộc chiến Nga - Ukraine? - 1

Binh sĩ Ukraine bốc dỡ tên lửa do Mỹ viện trợ tại sân bay Kiev (Ảnh: AP).

NATO đã cam kết cung cấp các gói viện trợ quân sự trị giá hàng trăm tỷ USD tới Ukraine và dự kiến còn tăng thêm trong thời gian tới. Điều này đã giúp Ukraine đạt được những thành tựu trên chiến trường từ mùa thu năm ngoái tới nay.

Ngày 19/9, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, cho biết: "Cho đến nay, Ukraine đã giành lại hơn 54% lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát và họ tiếp tục giữ thế chủ động chiến lược".

Có thể nói, nhờ sự hỗ trợ của NATO, Ukraine đã duy trì được đà phòng thủ trước Nga trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và giờ đây họ đã mở chiến dịch phản công quy mô lớn, dù đà tiến của Kiev vẫn còn tương đối hạn chế. Nếu thiếu sự ủng hộ của NATO, Ukraine có thể khó duy trì được cục diện chiến sự tới lúc này.

Một điểm sáng khác trong nỗ lực của NATO là họ cung cấp cho Ukraine thông tin tình báo quan trọng để Kiev tấn công mục tiêu Nga. NATO sử dụng máy bay không người lái và phi cơ trinh sát hoạt động trên không phận quốc tế của Biển Đen, thu thập hình ảnh, tin tức về vũ khí, cơ sở hạ tầng của Nga.

Ví dụ có thể kể tới là vụ Ukraine tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea bằng các tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow và Scalp vào trưa ngày 22/9.

Sputnik dẫn lời ông Larry Johnson, cựu sĩ quan tình báo CIA (Mỹ), nhận định rằng Không quân Ukraine không thể thực hiện vụ tập kích nếu không có các dữ liệu trinh sát và nhắm mục tiêu từ các đối tác phương Tây.

"Rõ ràng có sự hỗ trợ của NATO về dữ liệu tình báo và nhắm mục tiêu", ông Johnson nói.

Theo dữ liệu FlightRadar24, một máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ bị phát hiện hoạt động gần Crimea trước và trong thời điểm diễn ra vụ tấn công.

NATO thức tỉnh vì cuộc chiến Nga - Ukraine? - 2

Một máy bay do thám P-8A Poseidon. (Ảnh: Wikipedia)

Ngoài ra, các hệ thống vệ tinh quân sự và thương mại của phương Tây cũng đóng vai trò quan trọng không kém, giúp Ukraine nắm được đường di chuyển quân đội và khí tài Nga, góp phần hóa giải các chiến lược của Moscow.

Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến cục diện châu Âu bước sang một trang mới chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh và khiến họ phải đánh giá lại các ưu tiên an ninh.

Hiện thời, trong nội bộ EU và NATO đang diễn ra các cuộc tranh luận về việc làm thế nào để củng cố cấu trúc phòng thủ ở châu Âu cũng như an ninh chung của khối và buộc họ phải có những điều chỉnh chiến lược.

Một dấu hiệu cụ thể nhất là các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng trong nước để gia tăng khả năng phòng thủ. Ví dụ, Ba Lan vừa quyết định mua hệ thống phòng không Patriot mới trị giá 15 tỷ USD và gói trực thăng tấn công Apache trị giá 12 tỷ USD từ nhà thầu quốc phòng Mỹ Boeing.

Đức đang mua hệ thống phòng không Arrow của Israel với giá 3,5 tỷ USD. Ba Lan sẽ chi 4% GDP cho lĩnh vực quốc phòng, vượt xa các quốc gia NATO khác ngoài Mỹ. Trên thực tế, chỉ có 8 trong số 30 quốc gia đáp ứng mục tiêu chi tiêu 2% GDP của NATO.

Đức, sau nhiều năm từ chối tăng chi tiêu quân sự bất chấp áp lực lớn từ Mỹ, đã cam kết chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng như mục tiêu của NATO.

NATO đồng thời hình thành "Khái niệm chiến lược an ninh mới", kết nạp thêm Phần Lan - quốc gia nhiều năm theo đuổi lập trường trung lập, cũng như đang trên đà nhận Thụy Điển làm thành viên mới của Liên minh.

Phương Tây cũng đã thống nhất áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhằm vào Moscow, biến Nga thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới.

Một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất của khối phương Tây là nỗ lực "cai" năng lượng Nga bất chấp áp lực về suy thoái kinh tế và lạm phát phi mã. Tất cả các động thái ở cả trên tiền tuyến và sau hậu trường đã gây không ít khó khăn lên Nga.

Giới chức Nga nhiều lần cáo buộc phương Tây đang tham gia vào cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Moscow ở Ukraine.

Phương Tây "thức tỉnh"?

NATO thức tỉnh vì cuộc chiến Nga - Ukraine? - 3

Các lựu pháo M777 Mỹ viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Theo chuyên gia Stephen Bryen tại Trung tâm Chính sách An ninh và Viện Yorktown (Mỹ), cuộc chiến Nga - Ukraine cũng cho thấy, NATO dường như chưa có sự chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn, nhất là trước một đối thủ mạnh như Moscow.

Một ví dụ cụ thể nhất chính là năng lực sản xuất quốc phòng. Khối phương Tây đã dồn hàng loạt vũ khí, khí tài trong kho tới Ukraine trong hơn 19 tháng qua và nhiều quốc gia đã đối mặt với tình trạng cạn kiệt đạn dược.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất bù đắp của phương Tây còn là một dấu hỏi lớn. Các ngành công nghiệp của họ không ở trong giai đoạn thời chiến trong hàng chục năm và việc tăng tốc sản xuất vũ khí cho Ukraine hay để bảo vệ an ninh quốc gia của các nước này cũng như của khối là một dấu hỏi lớn.

New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, hoạt động sản xuất tên lửa và đạn dược của Nga đang gia tăng mạnh mẽ ngay cả khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các nguồn tin cho hay, sản xuất quân sự của Nga thậm chí còn vượt xa mức trước khi chiến sự với Ukraine bùng phát. Chi phí sản xuất ở Nga cũng thấp hơn nhiều so với phương Tây.

Giới chức phương Tây dường như lo ngại về việc Nga gia tăng sản xuất đạn pháo sẽ khiến nỗ lực phản công của Ukraine trở nên thách thức hơn nữa. Ukraine hiện phụ thuộc phần lớn vào đạn dược do phương Tây viện trợ khi kho vũ khí từ thời Liên Xô đang cạn dần.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Estonia - một thành viên NATO - nói với New York Times rằng, Nga dường như đang sản xuất nhiều đạn dược hơn Mỹ và châu Âu. Sản lượng hiện tại của Nga ước tính có thể gấp 7 lần so với phương Tây.

Nga đang huy động các nguồn lực để đáp ứng đơn hàng từ tiền tuyến. Trong khi đó, liên minh NATO đang đối mặt với bài toán tăng tốc sản xuất và điều này khó để thực hiện trong một thời gian ngắn mà yêu cầu những động thái có tính chất tổng lực.

Ví dụ, việc phục hồi chuỗi cung ứng, tìm kiếm nhân sự và kỹ sư có năng lực, tìm kiếm nguyên vật liệu số lượng lớn để tăng tốc sản xuất vũ khí là bài toán rất khó.

Trước khi xung đột bùng phát, một quan chức quốc phòng cấp cao của phương Tây nói với New York Times rằng Nga có thể sản xuất 100 xe tăng mỗi năm; bây giờ Moscow có thể làm ra trung bình 200 chiếc.

Các quan chức phương Tây nhận định Nga đang trên đà sản xuất 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm, gấp đôi so với ước tính ban đầu của tình báo phương Tây trước khi chiến sự bùng phát.

NATO thức tỉnh vì cuộc chiến Nga - Ukraine? - 4

Một chiếc UAV tự sát Lancet của Nga (Ảnh: Tass).

Ngoài số lượng, Nga cũng đang tăng cường chất lượng vũ khí với việc thích nghi nhanh chóng với tình hình chiến trường.

Ví dụ, theo Forbes, không lâu trước đây, lực lượng vũ trang Ukraine đã có được lợi thế về năng lực UAV trước Nga. Ukraine sở hữu nhiều UAV và chúng hoạt động tương đối hiệu quả hơn Nga.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. "Chúng tôi bắt đầu bị tụt lại phía sau một cách nghiêm trọng", một binh sĩ điều khiển UAV của Ukraine thừa nhận với hãng tin UNIAN.

Nga đã phát triển và kết nối các UAV Orlan cho phép chúng không chỉ quan sát mà còn có khả năng gây nhiễu mục tiêu. Nga tăng cường năng lực tác chiến điện tử (EW) nhằm vô hiệu nhiều vũ khí của Ukraine và phương Tây.

Hồi những năm 2019, Mỹ từng thừa nhận rằng Nga có năng lực tác chiến điện tử đáng gờm ở Syria. Giờ đây, Nga đã liên tục tăng cường khả năng trong mảng này, khiến phương Tây rơi vào tình thế báo động.

NATO thức tỉnh vì cuộc chiến Nga - Ukraine? - 5

Một hệ thống tác chiến điện tử của Nga (Ảnh: Sputnik).

Theo Business Insider, sau nhiều năm chưa quan tâm đúng mức tới EW, Mỹ đang gấp rút nâng cấp năng lực EW để bắt kịp xu hướng tác chiến tương lai.

Eurasian Times nhận định, trong khoảng thời gian 20 năm từ 1990 đến 2020, Mỹ đã đối phó với những đối thủ không ngang hàng về mặt kỹ thuật, vì vậy họ ưu tiên phát triển những lĩnh vực khác và tạm gác EW sang một bên.

Tuy nhiên, trong thời điểm đó, Nga và Trung Quốc đã dồn lực phát triển năng lực EW. Tại Ukraine, với EW, Nga đã góp phần lớn khiến Kiev mất khoảng 10.000 UAV mỗi tháng.

Lục quân Mỹ đang "tái đầu tư cơ bản vào việc xây dựng lại khả năng tác chiến điện tử chiến thuật của chúng tôi sau khi đã bỏ qua vũ khí này trong 20 năm qua", Douglas Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm, hậu cần và công nghệ, cho biết.

Theo ông Bush, lục quân đã có một số chương trình EW đang được tiến hành, "nhưng chắc chắn những gì chúng ta đang thấy ở Ukraine đang làm tăng thêm tính cấp bách để thực hiện những chương trình đó".

Ngoài ra, Nga cũng đang học cách thích nghi với vũ khí thông minh của phương Tây. Ví dụ, Nga nhiều lần tuyên bố đã đánh chặn thành công rocket từ hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS - vốn gây nhiều thiệt hại cho Moscow trong giai đoạn trước đó.

Nga cũng thành công gây nhiễu bom thông minh mà Mỹ cấp cho Ukraine, ngăn vũ khí này làm thay đổi cuộc chơi trên tiền tuyến. Điều này sẽ buộc phương Tây phải thay đổi và cải tiến vũ khí nhanh hơn nữa để họ không mất đi ưu thế trong tương lai.

Theo ông Bryen, NATO cũng đang đối mặt với một vấn đề khác khi tác chiến hiện đại đã có những sự thay đổi nhanh chóng trong thời gian qua. Khối liên minh rộng lớn đang thiếu khả năng đối phó với các UAV dạng bầy đàn, hay các tên lửa tầm trung và tầm xa.

Giới chuyên gia nhận định, một phần nguyên nhân là do họ chi tiêu quân sự chưa hoàn toàn đúng hướng trong nhiều năm khi tập trung vào các mối đe dọa hạt nhân chiến lược mà bỏ qua phát triển hệ thống phòng không và EW. Giờ đây, mối đe dọa UAV sẽ khiến NATO đối mặt thách thức mới để bảo vệ an ninh cho cả liên minh.

Khi vũ khí ngày càng trở nên tự động hơn, mối đe dọa từ các cuộc tấn công hỗn hợp sẽ tăng lên gấp bội. Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sẽ bị "vũ khí hóa" và đây cũng là thách thức với NATO và phương Tây.

NATO thức tỉnh vì cuộc chiến Nga - Ukraine? - 6

Xe tăng Leopard do Đức sản xuất tham chiến ở Ukraine (Ảnh: Asia Times).

Ngoài ra, chiến sự Nga - Ukraine cũng bộc lộ những vấn đề của NATO với xe tăng - vũ khí chủ lực của bộ binh trong nỗ lực giành lãnh thổ. Tại Ukraine, hình ảnh những chiếc xe tăng Leopard nổi tiếng do Đức sản xuất nằm la liệt trên các bãi mìn.

Nga cũng là nước đầu tiên phá hủy xe tăng Challenger của Anh sau 30 năm mẫu thiết giáp này vào biên chế. Điều này cho thấy NATO dường như chưa có nhiều sự cải tiến vũ khí trong hàng chục năm qua.

Ví dụ, xe tăng Leopard được trang bị nhiều hệ thống vũ khí hiệu quả nhưng lại thiếu năng lực phòng thủ. Ukraine vì lo xe tăng này tiếp tục bị bắn hạ trên chiến trường nên đã gắn giáp phản ứng nổ thu được từ thiết giáp Nga lên trên. Ukraine cũng đặt các lồng thép lên xe tăng để ngăn vũ khí tấn công "đột nóc".

Giờ đây, các xe tăng Abrams phiên bản cũ mà Mỹ sản xuất cũng đang được đưa tới Ukraine. Các xe này cũng có đặc tính tương tự như Leopards là không có bảo vệ phía trước, bên sườn và bên trên và cũng trở nên dễ tổn thương trước bãi mìn và pháo binh hạng nặng.

Theo Asia Times, một phần vấn đề của NATO rằng họ tin Nga sẽ khó thích nghi với hình thức chiến đấu mới. Tuy nhiên, Nga không chỉ thích nghi mà còn đang đưa vũ khí mới ra tiền tuyến.

Ví dụ, Nga đã triển khai mìn phóng từ trên không, khiến Ukraine khó khăn trong việc dọn đường cho quân đội. Nga cũng dùng bom lượn chính xác tấn công dồn dập khiến binh sĩ Ukraine bị "ám ảnh" trên tiền tuyến.

Khoảnh khắc Nga khai hỏa tên lửa siêu vượt âm phá hủy kho vũ khí Ukraine vào tháng 3/2022 (Video: Evening Standard).

Nga đồng thời phóng tên lửa siêu vượt âm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, loại vũ khí mà Mỹ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Một trong những điểm đáng lưu ý nhất là Nga đã phát triển thành công UAV tự sát Lancet với khả năng tấn công mục tiêu đang di chuyển, thậm chí phá hủy được hệ thống phòng không đối phương.

Theo giới quan sát, tới nay NATO vẫn chưa có câu trả lời cho loại UAV hiệu quả này, trong bối cảnh Nga đang mở rộng tầm tấn công của dòng vũ khí tự sát lên tới 200km (so với khoảng 40km ở mức hiện tại).

Theo Asia Times, câu hỏi đặt ra là, nếu chiến sự Nga - Ukraine còn kéo dài, liệu NATO sẽ mất bao lâu để vừa đáp ứng được nhu cầu vũ khí của Kiev, vừa bù đắp lại được đạn dược đã "đốt" trên chiến trường, đồng thời tiếp tục phát triển vũ khí mới, hiện đại để bắt kịp và vượt đối thủ?

Theo Asia Times, New York Times, Forbes

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine