1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO lo ngại giá đạn dược tăng vì chiến sự tại Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Một quan chức quân sự hàng đầu của NATO cảnh báo, giá vũ khí và đạn dược tăng mạnh có nghĩa là chi tiêu quốc phòng của các đồng minh nhiều hơn nhưng nó không tự động đi kèm với an ninh tốt hơn.

NATO lo ngại giá đạn dược tăng vì chiến sự tại Ukraine - 1

Mỹ và các nước phương Tây đã gửi cho Ukraine hàng triệu quả đạn pháo (Ảnh: AP).

"Giá thiết bị và đạn dược đang tăng cao. Hiện tại, chúng ta đang ngày càng phải trả nhiều tiền hơn cho những thứ tương tự", Đô đốc người Hà Lan Rob Bauer, Chủ tịch ủy ban quân sự NATO, cho biết hôm 16/9.

Phát biểu sau cuộc họp của Ủy ban quân sự NATO ở Olso, Na Uy, Đô đốc Bauer còn cảnh báo: "Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể đảm bảo rằng việc tăng chi tiêu quốc phòng thực sự sẽ mang lại an ninh tốt hơn".

Ông đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận mới trong hợp tác quốc phòng. "Sự ổn định lâu dài cần được ưu tiên hơn lợi nhuận ngắn hạn. Như chúng ta đã thấy ở Ukraine, xung đột là vấn đề ảnh hưởng cả xã hội. Vì vậy, việc ngăn chặn xung đột bằng khả năng phục hồi và răn đe cũng phải là nhiệm vụ của toàn xã hội", ông nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia quân sự, cuộc chiến Ukraine là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những quốc gia ủng hộ Kiev trên khắp phương Tây, nơi các quan chức nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải chạy đua tăng cường kho dự trữ vũ khí của chính họ, nguy cơ khiến giá vũ khí tăng cao.

Mỹ và các nước phương Tây đã gửi cho Ukraine hàng triệu quả đạn cho cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga và do đó việc bổ sung kho vũ khí và xây dựng dây chuyền sản xuất mới vẫn là vấn đề lớn đối với các nước.

Phương Tây đang cố gắng khắc phục vấn đề đó. Mỹ đã tập trung chủ yếu vào việc mở rộng sản lượng đạn pháo 155mm, loại đạn vốn là trụ cột trong kho vũ khí thông thường của phương Tây trong nhiều thập kỷ và hiện là vũ khí rất quan trọng đối với Ukraine cho cuộc phản công đang diễn ra.

Mùa hè này, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một kế hoạch gồm 3 mục tiêu cuối cùng nhằm sản xuất 650.000 viên đạn cỡ nòng lớn mỗi năm và cam kết cung cấp 1 triệu viên đạn pháo cho Ukraine trong một nỗ lực chung trong những tháng tới. Nhưng theo các chuyên gia, trở ngại lớn nhất vẫn là vấn đề thời gian.

Theo Reuters, Washington Post