Học giả Trung Quốc nêu bật ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình
Sáu năm sau chuyến thăm lần thứ hai, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm thăm lại Việt Nam vào ngày 12-13/12.
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tại buổi họp báo hôm 7/12.
Nhiều học giả Trung Quốc đánh giá rằng chuyến thăm lần này của ông Tập là cơ hội để củng cố hơn nữa các kết nối về mọi mặt giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ chính trị tới giao lưu nhân dân, từ kinh tế, thương mại tới chuyển đổi số…
"Chuyến thăm sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đồng thời làm sâu sắc thêm sự hợp tác sâu rộng, đa tầng và trên mọi phương diện giữa hai nước", Giáo sư Vương Cần thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Học viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) nói với phóng viên Dân trí.
Tiếp nối truyền thống tiếp xúc cấp cao
Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam khi 2 nước cán dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ song phương: Kỷ niệm 15 năm thiết lập đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (2008-2023).
Theo Giáo sư Vương, trong chuyến thăm lần này, 2 bên dự kiến chủ yếu thảo luận về định hướng chiến lược mới nhằm tăng cường quan hệ Việt - Trung.
"Trong tình hình quốc tế và địa chính trị mới, việc nâng cao định hướng chiến lược mới trong quan hệ Trung Quốc - Việt Nam có liên quan đến sự phát triển trung và dài hạn trong quan hệ hai nước", ông Vương nói.
Chuyến thăm của ông Tập là sự tiếp nối truyền thống thăm hỏi, tiếp xúc cấp cao trong lịch sử gần 75 năm quan hệ Việt - Trung. Những lần tiếp xúc ấy đã đóng góp vào xu hướng nhìn chung là đi lên của quan hệ song phương.
"Việt Nam và Trung Quốc là "láng giềng không rời", có quan hệ kinh tế, xã hội, văn hóa sâu rộng. Xã hội và người dân cả hai nước đều được hưởng lợi từ mối quan hệ ngoại giao ổn định giữa hai bên", Giáo sư Tra Đạo Huỳnh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế, Viện Hợp tác Nam - Nam, Đại học Bắc Kinh, nói với phóng viên Dân trí.
Giáo sư Tra cho rằng các chuyến thăm thường xuyên giữa lãnh đạo Việt - Trung không chỉ khẳng định sự giao lưu giữa xã hội và nhân dân hai nước, mà còn đem lại sự bảo đảm ở bình diện chính sách cho việc 2 nước tiếp tục những tương tác thân thiết.
Dù quan hệ Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn một số bất đồng, 2 nước đã khẳng định sẽ xử lý thỏa đáng trên cơ sở "hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, giữ gìn cục diện quan hệ Việt - Trung", theo tuyên bố chung năm 2022.
"Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã tìm ra cách hòa hợp với nhau dựa trên phương châm "cầu đồng tồn dị"", Giáo sư Tra nhận định. "Sự hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực ấy là hình mẫu để các nước khác tham khảo".
Cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế
Một trong những số liệu thể hiện mối liên kết vững chắc giữa Việt Nam và Trung Quốc là các con số về kinh tế - thương mại - đầu tư.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN, theo TTXVN. 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung đạt 155,58 tỷ USD, gấp khoảng 8 lần quy mô hơn 10 năm trước, theo Báo Chính phủ.
Giáo sư Vương chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc - Việt Nam có tính bổ trợ cao và hợp tác kinh tế giữa hai nước có tiềm năng lớn.
Chẳng hạn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện tử, điện thoại di động, máy tính, dệt may, máy móc thiết bị và các ngành công nghiệp khác, đã trở thành điểm nóng đầu tư của các công ty Trung Quốc.
"Trung Quốc có lợi thế về vốn, công nghệ và thị trường, trong khi Việt Nam là nước thị trường mới nổi đang phát triển nhanh với lợi thế về chi phí lao động", ông Vương nói.
Những năm gần đây, Việt Nam đã đưa ra một loạt chiến lược và chính sách phát triển quốc gia trung và dài hạn, như Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…
"Điều này đã tạo ra không gian hợp tác rộng rãi cho Trung Quốc và Việt Nam trên nhiều cấp độ, ở mọi mặt và trên nhiều lĩnh vực", Giáo sư Vương nhận định.
Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn tới Việt Nam, như Xiaomi bắt đầu sản xuất smartphone tại Thái Nguyên, hay tập đoàn BYD muốn sản xuất xe điện,…
Tăng cường kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước cũng là nội dung được đề cập nhiều trong các cuộc trao đổi giữa quan chức và lãnh đạo 2 nước gần đây, nhất là đường sắt.
Giáo sư Tra cũng cho rằng đây là định hướng phát triển đúng vì tầm quan trọng của yếu tố địa kinh tế trong giao lưu quốc tế càng trở nên nổi bật trong bối cảnh chính trị quốc tế ngày càng phức tạp.
"Việc xây dựng liên kết trong lĩnh vực giao thông vận tải (trong đó có đường sắt xuyên biên giới), năng lượng, công nghiệp chế biến... đặc biệt là giữa các tỉnh miền Bắc Việt Nam và miền Nam Trung Quốc, sẽ đem lại lợi ích trực tiếp trong bối cảnh tính cạnh tranh của 2 khu vực này trong kinh tế toàn cầu là còn tương đối hạn chế", Giáo sư Tra nói.
Hiện nay, hệ thống đường sắt của hai nước chưa tương thích nên tàu hàng tới biên giới sẽ cần thời gian bốc dỡ.
Do đó, tăng cường kết nối đường sắt có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, tạo cú hích cho du lịch, và hội nhập hơn nữa các ngành công nghiệp sản xuất của hai nước, theo khuôn khổ hai hành lang "Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng", "Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng" và "vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ".
Đặt trong bối cảnh ấy, chuyên gia cho rằng những tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo 2 nước nói chung và chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng sẽ là cú hích cho những dự án kinh tế tương lai của Việt Nam - Trung Quốc.
"Các chuyến thăm cấp cao giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc sẽ tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp và người dân 2 nước tự lực và dần gia nhập chuỗi công nghiệp quốc tế trung và cao cấp", Giáo sư Tra đánh giá.