Thành Đạt

Tổng Bí thư Trung Quốc thăm Việt Nam: Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tuần tới.

Đánh giá về sự kiện này, ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng, nguyên Công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc nhận định với Dân trí rằng, đây là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt.

Tổng Bí thư Trung Quốc thăm Việt Nam: Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm năm 2017 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Thứ nhất, đây là chuyến thăm thứ ba của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, đây là lần đầu tiên, một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam 3 lần.

Thứ hai, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung đang ở thời điểm phát triển thuận lợi hơn trước đây rất nhiều, cả về chính trị - ngoại giao, kinh tế cũng như các lĩnh vực khác.

Thứ ba, sau chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào năm ngoái, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ mở ra bước phát triển mới tốt đẹp hơn cho quan hệ song phương.

Ông Vinh Quang cho rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào năm ngoái là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc.

Chuyến thăm cũng diễn ra sau 3 năm bùng phát đại dịch Covid-19, khiến các chuyến thăm cấp cao không thể diễn ra. Do vậy, chuyến thăm này càng có ý nghĩa quan trọng hơn.

Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Theo ông Vinh Quang, đây là tuyên bố chung dài nhất trong lịch sử quan hệ song phương, đề cập nhiều vấn đề nhất, từ vấn đề vĩ mô đến vấn đề vi mô.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang ý nghĩa lịch sử vì đã mở ra một giai đoạn mới, tạo bầu không khí mới trong giao lưu giữa hai nước.

Từ đó đến nay, trong vòng một năm, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng có các chuyến thăm tới Trung Quốc, trong đó lần lượt có các chuyến thăm của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Những chuyến thăm này đều rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt, đóng vai trò định hướng và dẫn dắt quan hệ song phương đi đúng hướng.

Nhiều điểm đồng trong quan hệ Việt - Trung

Tổng Bí thư Trung Quốc thăm Việt Nam: Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ trao Huân chương Hữu nghị tại Bắc Kinh năm 2022 (Ảnh: Xinhua).

Điểm lại quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, ông Vinh Quang cho biết mối quan hệ giữa hai nước đã trải dài hàng nghìn năm, là quan hệ giữa hai dân tộc, quan hệ giữa hai Đảng và quan hệ giữa hai quốc gia.

Năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc đã xác định phương châm 16 chữ, chỉ đạo quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

Sau đó, Việt Nam và Trung Quốc đã xác định phát triển quan hệ theo tinh thần 4 tốt là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Đây cũng là mục tiêu phấn đấu của hai nước.

Năm 2008, hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt". Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là khuôn khổ ngoại giao ở cấp độ cao nhất trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với một quốc gia.

Ông Vinh Quang cho rằng, trong 73 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã trải qua những thăng trầm. Tuy nhiên, xét về tổng thể, mối quan hệ này phát triển theo chiều hướng đi lên.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, nguyện vọng của nhân dân hai nước là chung sống hòa bình, ổn định lâu dài, cùng nhau phát triển. Nguyện vọng này đã được thể hiện trong nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao và đã thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển theo hướng tốt đẹp như hôm nay.

Trung Quốc không chỉ dành sự giúp đỡ hiệu quả cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, mà còn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một số công trình do Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam trước đây đã phát huy rất hiệu quả trong xây dựng đất nước.

Ở thời điểm hiện tại, quan hệ hai nước đang phát triển thuận lợi, đặc biệt từ sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm ngoái. Suốt một năm qua, hai nước đã khôi phục nhiều hoạt động giao lưu tích cực sau đại dịch Covid-19.

Tổng Bí thư Trung Quốc thăm Việt Nam: Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt - 3

Ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối Ngoại Trung ương Đảng, nguyên Công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc (Ảnh: Thành Đạt).

Theo ông Vinh Quang, mối quan hệ Việt - Trung có thể phát triển tốt đẹp như hiện nay là do hai nước có những điểm đồng rất cơ bản.

Trước hết là những điểm đồng về chính trị. Việt Nam và Trung Quốc đều là hai nước xã hội chủ nghĩa, đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong tất cả các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia cải cách mở cửa và đổi mới thành công nhất.

Điểm đồng cơ bản thứ hai về thể chế kinh tế. Việt Nam và Trung Quốc đều trải qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Điểm đồng này giúp hai bên tăng cường giao lưu, trao đổi, tham khảo kinh nghiệm của nhau. Công cuộc đổi mới và cải cách mở cửa của hai nước đều rất thành công.

Về vị trí địa lý, hai nước có khoảng 1.400km đường biên giới chung. Đây cũng là điểm quan trọng vì liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh tế, giao lưu, logistic, lưu thông hàng hóa… giữa hai quốc gia.

Điểm đồng thứ ba về văn hóa. Với vị trí là hai nước láng giềng, giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc từ hàng nghìn năm nay tạo nên sự giao thoa văn hóa.

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng nói rằng hai nước Việt - Trung "sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông". Sự "tương thông" về văn hóa là điều kiện rất cơ bản để người dân hai nước hiểu nhau hơn và chính sự hiểu biết lẫn nhau là nền tảng vững chắc của quan hệ hữu nghị.

Những điểm đồng về chính trị, kinh tế, văn hóa đã giúp Việt Nam và Trung Quốc duy trì, củng cố và phát triển được mối quan hệ ở mức độ cao như hiện nay.

Theo ông Vinh Quang, trước mắt, quan hệ Việt - Trung vẫn còn những vấn đề tồn tại, chưa thể giải quyết ngay. Để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong tương lai, hai nước cần tỉnh táo, nhìn thẳng vào những vấn đề tồn tại đó và dự báo những thách thức có thể xảy ra để tìm cách xử lý thỏa đáng.

Trong số các vấn đề đang tồn tại, có lẽ vấn đề lớn nhất là chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Đây là câu chuyện lâu dài, lãnh đạo hai bên luôn quan tâm, thảo luận mỗi dịp gặp nhau.

Hai bên đã đạt được một số nhận thức chung quan trọng và thiết lập nhiều cơ chế đối thoại để giải quyết. Tuy nhiên, trong khi chờ giải quyết, hai bên cần kiềm chế và kiểm soát các hành động có thể gây căng thẳng, bất lợi cho quan hệ hai nước và ảnh hưởng hòa bình, ổn định của khu vực.

Ngoài ra, về kinh tế thương mại, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn chênh lệch quá lớn. Ông Vinh Quang cho rằng, chênh lệch về cán cân thương mại là điều khó tránh khỏi, nhưng chênh lệch quá lớn như vậy trong nhiều năm nay là khó chấp nhận.

Hai bên phải cùng nhau vào cuộc, tìm nhiều giải pháp giải quyết vấn đề, vì một bên không giải quyết được. Dù cán cân khó cân bằng, nhưng phải làm cho sự chênh lệch đó ngày càng rút ngắn lại.

Dư địa phát triển dồi dào

Theo ông Vinh Quang, dư địa hợp tác cùng phát triển của Việt Nam và Trung Quốc hiện còn rất lớn. Tiềm năng phát triển của hai nước nằm ở rất nhiều lĩnh vực, chẳng hạn việc kết nối chuỗi cung ứng của hai bên. Hai bên có thể cung ứng những hàng hóa trong thế mạnh của mình cho đối tác.

Ví dụ về nông sản, hải sản, Trung Quốc rất cần các mặt hàng này của Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần phát huy hết khả năng để khai thác thị trường Trung Quốc rộng lớn. Hai bên cần tập trung vào vấn đề logistic, lưu chuyển hàng hóa, quảng bá hàng hóa… để đẩy mạnh lĩnh vực này.

Phía Tây Trung Quốc đang có nhu cầu về nông sản, hải sản. Người dân ở các vùng như Thành Đô, Tứ Xuyên, Quý Châu, Tây Tạng, Tân Cương… rất hoan nghênh nông sản và hải sản đến từ Việt Nam. Do vậy hai bên có thể quảng bá và tìm cách mở hành lang, đưa hàng hóa tới khu vực này.

Hiện nay tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở Trung Quốc đều có đại diện của Bộ Công thương. Ngoài ra, Việt Nam còn mở ra các văn phòng xúc tiến thương mại ở Trùng Khánh, Hàng Châu và sắp tới sẽ mở văn phòng xúc tiến thương mại ở Thành Đô, Hải Nam.

Ông Vinh Quang tin rằng, các cơ quan đại diện này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong thời gian tới.

Về giao lưu nhân dân giữa hai nước, ông Vinh Quang cho biết những năm vừa qua, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Trung Quốc được đẩy mạnh và bây giờ là thời điểm sau đại dịch, cần khôi phục các hoạt động theo những cơ chế đã có và hai bên có thể sáng tạo ra những cơ chế mới nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu nhân dân trong hoàn cảnh mới.

Diễn đàn nhân dân Việt - Trung đã tổ chức được 11 lần. Tại các diễn đàn này, hai phía Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau thảo luận, đưa ra đề xuất cho lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách để điều chỉnh chính sách cho thích hợp, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Thông qua các hoạt động như vậy, nhân dân hai nước cũng hiểu nhau hơn, từ đó tăng cường tình hữu nghị.