DMagazine

Ngân hàng gen liệt sĩ: "Làm một lần cho các thế hệ sau!"

(Dân trí) - Chạy đua với thời gian để "trả lại tên" cho liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề xuất lấy mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa tìm được người thân và giám định tất cả mộ liệt sĩ để sớm lập được ngân hàng gen.

Ngân hàng gen liệt sĩ: Làm một lần cho các thế hệ sau! - 1
Ngân hàng gen liệt sĩ: Làm một lần cho các thế hệ sau! - 3

Trong căn phòng rộng chừng 30m2 hoàn toàn vô trùng, anh Trần Việt Vinh trong bộ áo blouse, mang găng tay cao su lọt thỏm trước dãy máy móc hiện đại phục vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Bàn tay nam giám định viên nâng niu từng mảnh hài cốt liệt sĩ sót lại, cẩn trọng từng bước trong quy trình giám định gen. Sau nhiều giờ liên tục tập trung cao độ với các thao tác xử lý trên mẫu xương không được phép xảy ra sai sót, anh cùng đồng nghiệp thở phào. Kết quả tại phòng xét nghiệm này là kỳ vọng lớn. Và niềm vui lớn nhất với đội ngũ là mỗi hài cốt liệt sĩ được "trả lại tên".

Anh Vinh là một trong số 13 chuyên viên làm việc tại Trung tâm giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trực tiếp tham gia quy trình giám định gen hài cốt liệt sĩ. Trung tâm giám định ADN là một trong ba đơn vị chủ chốt được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh các mẫu hài cốt liệt sĩ.

Ngân hàng gen liệt sĩ: Làm một lần cho các thế hệ sau! - 5

Sau 4 năm về trung tâm, nam giám định viên đã từng bước học hỏi, làm quen rồi thuần thục các thao tác trong quy trình giám định. Trước đây, anh chủ yếu làm về vi sinh, giám định trên động vật, thực vật. Khi bắt đầu trực tiếp xử lý trên mẫu xương của liệt sĩ, khi là răng, khi là phần xương cứng ít ỏi gom được trong các hố quy tập.

Công việc mang ý nghĩa lớn khơi dậy trong anh niềm tự hào, cũng đặt lên vai anh trách nhiệm, sứ mệnh cao hơn, góp phần thúc đẩy công tác xác định danh tính liệt sĩ, tri ân những người đã ngã xuống, làm vơi đi mất mát, xoa dịu nỗi đau dai dẳng của thân nhân.

Anh Vinh kể, các cán bộ trung tâm luân phiên nhau đảm đương các khâu trong quy trình giám định ADN. Tuy nhiên, anh làm nhiều hơn cả ở phần xử lý mẫu xương. Sau bước thu mẫu là đến phần xử lý mẫu xương mà anh phụ trách.

Tiếp nhận những mẫu xương cốt thực sự là "quý hơn vàng", bao nỗ lực mới đưa được từ nơi thâm sơn cùng cốc, nơi khói lửa chiến trường xưa về, anh Vinh nâng niu, cắt thành mảnh nhỏ. Sau khi xử lý bề mặt bên ngoài xương, khử nhiễm bằng một số hóa chất, anh chuyển sang phơi khô mẫu, nghiền thành hạt. Quy trình xử lý kéo dài khoảng 2 ngày với công đoạn này. Sau đó, mẫu được chuyển sang phòng tách chiết ADN, trải qua các bước tiếp theo.

Ngân hàng gen liệt sĩ: Làm một lần cho các thế hệ sau! - 7

Giới thiệu về tổ hợp 10 phòng sạch có chức năng xử lý mẫu hài cốt và mẫu gen đối chiếu của thân nhân, ông Trần Trung Thành - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm giám định ADN - cho biết, đơn vị đảm bảo năng lực phân tích 4.000 mẫu hài cốt liệt sĩ mỗi năm.

Từ 2019 đến nay, Trung tâm giám định ADN thực hiện 800 đợt tách chiết ADN nhân, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Tỷ lệ tách thành công đạt 22%, tương đương khoảng 1.600 mẫu bàn giao cho Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hiện còn hơn 7.000 mẫu được lưu giữ tốt tại trung tâm.

Ngân hàng gen liệt sĩ: Làm một lần cho các thế hệ sau! - 9

Phó Giám đốc Trần Trung Thành nhấn mạnh, các quy trình giám định tại trung tâm đang được chuẩn hóa theo quy định ISO 17025. Sau khi các mẫu được bàn giao, trung tâm thực hiện xử lý lưu giữ, bảo quản, sau đó phân loại, tiến hành lựa chọn mẫu giám định.

Áp lực, thách thức là về thời gian thực hiện giám định. Ông Thành cho biết, mỗi mẫu hài cốt liệt sĩ lại mang đặc thù riêng biệt. Chính vì vậy, không thể giám định 1 lần cho kết quả ngay, mà quá trình giám định thường phải lặp đi lặp lại với nhiều bước điều chỉnh phù hợp với từng mẫu.

"Chính vì vậy, thời gian trả kết quả với mỗi lần giám định dao động khác nhau, nhanh nhất là 1 tuần, nhưng cũng có những mẫu qua nhiều tháng vẫn chưa tổng hợp được chuỗi gen", ông Thành thông tin.

Lãnh đạo trung tâm nhận định, những khó khăn trong việc giám định ADN với hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính là bài toán khó không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới nói chung. Chính vì vậy, con số tỷ lệ giám định thành công 22% chưa thể nói hết toàn bộ những vấn đề mà các đơn vị đang gặp phải.

Vị Phó Giám đốc phụ trách trung tâm nêu 3 vấn đề cốt yếu gặp phải hiện nay là máy móc, công nghệ và con người trong quá trình thực hiện giám định ADN. Đây là công việc có tính đặc thù cao, kén người làm.

Yếu tố khách quan phải kể đến là điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều khu vực các liệt sĩ nằm lại có mức độ phân hủy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng mẫu. Với những mẫu bị phân hủy nặng, lực lượng khó khăn trong xử lý để có kết quả xác định danh tính.

Bên cạnh đó, ông Thành chỉ ra một điểm nghẽn về cơ chế với việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ thời gian qua là do thiếu định mức kinh tế - kỹ thuật để giải quyết việc thanh toán chi phí cho các trung tâm giám định. Trước đây, giám định ADN hài cốt liệt sĩ được định mức 5 triệu đồng. Đến nay, định mức đó không còn phù hợp khi hóa chất, vật tư, công lao động thay đổi, nhiều mẫu cần được làm đi làm lại nhiều lần.

Thực tế, Trung tâm hiện phải chờ để được thanh toán chi phí giám định đã thực hiện trong 3 năm qua.

Ngân hàng gen liệt sĩ: Làm một lần cho các thế hệ sau! - 11

Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Lợi cho biết, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được quy định tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ giao cho các địa phương xây dựng kế hoạch lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ, tiếp nhận mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ gửi về các cơ sở giám định.

Tuy nhiên kinh phí lại do Bộ, Cục trên cơ sở dự toán của địa phương thực hiện chi trả cho địa phương nên các địa phương chưa chủ động trong việc triển khai.

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xây dựng đơn giá cho dịch vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.

Ông Lợi giải thích, giám định ADN là loại dịch vụ đặc thù, không thể áp dụng như giám định pháp y. Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật phải căn cứ vào quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tháng 12/2023, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 119/2023/TT-BQP hướng dẫn quy trình này.

Trên cơ sở Thông tư này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao Cục Người có công chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng trình Bộ trưởng ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí thực hiện dịch vụ giám định. Vướng mắc, theo đó, sẽ sớm được giải quyết trong thời gian tới.

Ngân hàng gen liệt sĩ: Làm một lần cho các thế hệ sau! - 13

Theo Cục trưởng Cục Người có công, năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã ký kế hoạch nâng cao năng lực định danh hài cốt trong chiến tranh với Mỹ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là bên tham gia trong văn bản ghi nhớ về việc phía Mỹ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực định danh hài cốt trong chiến tranh được ký giữa Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Trên cơ sở đó, năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho mang 100 mẫu xương lâu năm sang Hà Lan để phát triển xét nghiệm.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây là những mẫu hài cốt chất lượng hạn chế nhất mà các đơn vị tại Việt Nam đã giám định nhưng chưa xác định được bộ gen do hài cốt bị thoái hóa sau thời gian dài chịu tác động khắc nghiệt của tự nhiên.

Đến nay, theo báo cáo của Viện Công nghệ sinh học với trang thiết bị, máy móc và công nghệ hiện đại, kết quả cho thấy, 54% số mẫu xương nhóm này đã tổng hợp được ADN.

Thông tin mới đây liên quan đến vấn đề này, TS.Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ rõ, trước nay, các đơn vị sử dụng công nghệ giám định ADN cho mẫu hài cốt liệt sĩ dựa trên phân tích ADN ty thể.

Ngân hàng gen liệt sĩ: Làm một lần cho các thế hệ sau! - 15

Đến nay, với sự phát triển công nghệ phân tích hiện đại bằng máy giải trình tự gen thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học, thế giới đã áp dụng công nghệ giám định ADN mới từ mẫu xương cổ, gọi là phân tích ADN nhân. Công nghệ này từng được ứng dụng trong công tác khảo cổ, có thể xác định nguồn gốc di truyền với mẫu xương có niên đại đến hàng trăm năm.

Những mẫu hài cốt liệt sĩ có thời gian chôn lấp 40-80 năm, theo đó, được chọn giám định bằng công nghệ này.

Về đề xuất lấy mẫu giám định với thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được hài cốt và giám định gen toàn bộ mộ liệt sĩ còn hài cốt, hướng tới hình thành ngân hàng ADN của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Giám đốc Trung tâm giám định ADN Trần Trung Thành khẳng định: "Đề án và hướng đi này rất đúng đắn. Bởi thời gian càng lùi xa, mẫu hài cốt bị phân hủy ngày càng nặng nề. Trong mỗi gia đình liệt sĩ, người thân có quan hệ trực diện, phù hợp lấy mẫu đối chứng cũng mất mát, hao hụt dần. Làm sớm ngày nào tốt ngày đó".

Vì lẽ đó, vị lãnh đạo Trung tâm giám định ADN nhấn mạnh, cơ quan giám định sẵn sàng tham gia, đồng hành, ủng hộ đề án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ngân hàng gen liệt sĩ: Làm một lần cho các thế hệ sau! - 17

Nội dung: Sơn Nguyễn, Hoa Lê

Thiết kế: Thủy Tiên