DMagazine

Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà

(Dân trí) - Để thực hiện được đề xuất giám định tất cả mộ liệt sĩ, lấy mẫu gần 500.000 thân nhân, các lực lượng đang chung tay gỡ điểm nghẽn, quyết tâm "trả lại tên" những người đã hy sinh hơn nửa thế kỷ.

Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà - 1
Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà - 3

Là một trong 3 đơn vị chủ lực trong công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính, Trung tâm giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gặp không ít những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để thu được kết quả giám định ADN khả quan hơn nữa trong thời gian tới, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm giám định ADN - TS. Trần Trung Thành - cho biết ứng dụng công nghệ giải trình gen mới trong việc giám định rất quan trọng.

Chính vì vậy, tháng 3 vừa qua, dự án ODA về tăng cường năng lực giám định ADN hài cốt liệt sĩ theo công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) đánh giá điểm thông tin ADN dựa trên phân tích gen thế hệ vừa được phê duyệt đã mở ra những bước tiến mới với kỳ vọng tăng hiệu quả của công tác giám định. Sau 2 năm triển khai, TS Thành kỳ vọng dự án này sẽ cho những kết quả tốt, giúp thân nhân liệt sĩ vơi bớt nỗi đau, khắc khoải sau thời gian dài chờ đợi.

Vị Phó Giám đốc Trung tâm nhớ lại, thời điểm sơ khai, mỗi tháng đơn vị chỉ chạy được vài mẫu. Đến nay, với ứng dụng công nghệ tiên tiến, công suất giám định mỗi năm đạt mức 4.000 mẫu và có thể nâng lên con số 7.000 mẫu hài cốt liệt sĩ.

Đầu năm, đích thân ông Thành cùng đoàn công tác sang Hà Lan, trực tiếp tiếp nhận công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới. Chuyến đi này càng ý nghĩa hơn khi đoàn công tác mang theo 100 mẫu hài cốt liệt sĩ để triển khai tách chiết ADN nhân, thực hiện giám định bằng công nghệ mới.

Cùng với đó, chuyên gia Hà Lan cũng sang Việt Nam thực hiện nhiệm vụ hai bên đang triển khai. Trung tâm giám định ADN cũng sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất để tiếp nhận máy giải trình thế hệ mới, từ đó ứng dụng công nghệ tân tiến nhất vào công tác giám định, nghiên cứu tối ưu việc phối hợp các phương pháp khác nhau.

Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà - 5

Bên cạnh giải pháp về công nghệ, nguồn nhân lực là vấn đề được Trung tâm giám định ADN đặc biệt quan tâm để thực hiện nhiệm vụ từ trái tim. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ tiếp nhận công nghệ, tham gia công tác giám định từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

Liên quan đến vướng mắc thực tế 3 năm qua chưa được thanh toán chi phí giám định ADN, TS. Trần Trung Thành mong định mức kinh tế - kỹ thuật sớm được ban hành, làm cơ sở xây dựng đơn giá thực hiện giám định ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân.

Về việc này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Ban chỉ đạo 515) đã yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và chính Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương xây dựng văn bản này, với thời hạn hoàn thành trong Quý III/2024.

Mục tiêu đề ra cho năm 2024: Tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ; nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở giám định ADN và trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu gen…

Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà - 7

Trao đổi với phóng viên Dân trí về phương pháp khoa học giám định ADN hài cốt liệt sĩ, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Lợi nhận định, đây là phương pháp xác định chính xác mối quan hệ huyết thống của liệt sĩ với thân nhân, song thực tiễn triển khai còn gặp nhiều vấn đề khó khăn.

Đối với công tác giám định gen, ông Lợi cho biết, hầu hết hài cốt liệt sĩ chôn cất trên 50 năm, thực hiện di chuyển một số lần. Vì vậy, nhiều hài cốt không lấy được mẫu để phân tích, hoặc lấy được mẫu nhưng chất lượng ADN tổng hợp được không đạt để so sánh, đối khớp với thân nhân.

Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà - 9

Bên cạnh đó, người có quan hệ huyết thống với liệt sĩ đa số đã già yếu, nhiều gia đình thậm chí không còn người để lấy mẫu theo dòng mẹ. Một số cơ sở giám định ADN đã được nâng cấp nhưng chưa đồng bộ với trang thiết bị, máy móc cũ, đội ngũ giám định viên còn thiếu nên ảnh hưởng đến hiệu quả của việc giám định ADN.

Trước những thách thức trên, để đẩy nhanh tiến độ công tác lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và giám định ADN, Ban chỉ đạo 515 và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an và các Bộ ngành liên quan xây dựng Đề án lấy mẫu hài cốt liệt sĩ trên tất cả các nghĩa trang liệt sĩ và toàn bộ mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ cần xác định danh tính.

Cơ quan quản lý nhà nước đồng thời đề xuất nâng cấp, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ; đầu tư, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, bổ sung nguồn lực cho các cơ sở giám định; tiếp nhận, chuyển giao máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến.

Với nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ cần xác định danh tính để giám định ADN lưu trữ vào cơ sở dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Theo Cục trưởng Đào Ngọc Lợi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát các văn bản và đề nghị bổ sung, kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng Kế hoạch trình Thủ tướng trước ngày 27/7.

Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà - 11
Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà - 13

Đại diện Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng khái quát, những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin luôn được đặc biệt quan tâm. Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa truyền thống của dân tộc. Công tác này được xác định là trách nhiệm của trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương và của cả hệ thống chính trị.

Theo lãnh đạo Cục Chính sách, hiện tại, các trường hợp hài cốt liệt sĩ tìm kiếm, quy tập về chưa xác định được danh tính đều được lấy mẫu và bàn giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện quy trình giám định ADN xác định danh tính. Hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 147, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Thông tin từ cơ quan thống kê, từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được hơn 19.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước hơn 9.000, ở Lào gần 3.000, Campuchia hơn 7.000); tiếp nhận hơn 45.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; xác định danh tính được hơn 3.000 trường hợp hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng, gần 1.600 trường hợp bằng phương pháp giám định ADN.

Như vậy, cùng với việc giám định tất cả các hài cốt liệt sĩ, để hình thành đủ 2 nhánh dữ liệu của ngân hàng gen, ngành chức năng cũng phối hợp với Bộ Công an để có thông tin, thực hiện lấy mẫu với thân nhân liệt sĩ trong quá trình làm căn cước công dân. Đây được xem là hướng triển khai khả thi, hiệu quả để sớm hoàn thành ngân hàng gen, phục vụ việc đối khớp dữ liệu ADN của liệt sĩ và thân nhân, để xác định gia đình, danh tính với những hài cốt liệt sĩ đã được giám định.

Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà - 15

Chỉ đạo chung công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ trong năm 2024 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia 515 nhấn mạnh yêu cầu "tiến hành thần tốc, chạy đua với thời gian để đưa các liệt sĩ trở về với người thân, gia đình, quê hương, về với những người cha, người mẹ ngày một cao tuổi nhưng vẫn mong ngóng tin con".

Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ có sự nỗ lực, đóng góp cống hiến thầm lặng, rất đáng được tôn vinh của các bộ ngành, đơn vị, Phó Thủ tướng cũng kêu gọi lực lượng chức năng quyết tâm cao nhất để vượt qua những thách thức, khó khăn rất lớn nhằm thực hiện sứ mệnh được giao.

Ông chỉ rõ, với hơn 300.000 liệt sĩ còn thiếu thông tin, khoảng 180.000 liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập, phải áp dụng mọi biện pháp, càng sớm, càng tốt để thực hiện bằng được. Theo đó, có rất nhiều biện pháp phải triển khai triệt để như hoàn thiện cơ sở dữ liệu, thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để khoanh vùng khu vực tìm kiếm, quy tập; lấy mẫu sinh phẩm, phân tích, lưu trữ thông tin của hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Bộ Quốc phòng được giao hướng dẫn quy trình, điều kiện tiếp cận mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để thực hiện giám định ADN xác định danh tính. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính có nhiệm vụ hoàn thành định mức kỹ thuật, đơn giá cho các khâu tìm kiếm, quy tập, giám định ADN với các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thân nhân. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong đó có Trung tâm giám định ADN nhận việc hoàn thành dự án đầu tư nâng cao năng lực áp dụng các phương pháp mới giám định ADN bằng nguồn vốn ODA.

Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà - 17

Nội dung: Hoa Lê, Sơn Nguyễn, Ngọc Tân

Ảnh: Gia Đoàn

Thiết kế: Thủy Tiên