DMagazine

Vị tướng "ăn xin" mơ về một ngân hàng gen

(Dân trí) - Bạn bè hay gọi Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh chủng Công binh, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam là "vị tướng ăn xin", từ khi ông dấn bước đi tìm đồng đội.

Lời tòa soạn

Giữa tháng 7, gia đình hai liệt sĩ Phan Minh Nham, Nguyễn Chí Cường ở Thái Bình cùng đón niềm vui được nhận hài cốt người thân sau hành trình tìm kiếm tưởng đã tuyệt vọng 40-50 năm ròng. Cùng thời điểm, nhiều mộ liệt sĩ "không có tên" tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào tại Nghệ An được định danh… Những cuộc đoàn tụ sau nửa thế kỷ khoắc khoải mong chờ đến từ kết quả giám định ADN hài cốt và thân nhân.

Đề án giám định gen, định danh liệt sĩ sau hơn 10 năm triển khai đã và đang mang lại kết quả khả quan, khơi lên niềm tin "trả lại tên" cho hàng trăm ngàn liệt sĩ "khuyết danh". Dù vậy, hành trình nhân nghĩa sâu sắc ấy đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh, liệt sĩ năm nay (27/7/1947-27/7/2024), báo Dân trí gửi tới độc giả loạt bài viết "Nâng cao hiệu quả giám định gen, định danh liệt sĩ" để cùng tri ân và góp sức thúc đẩy hành trình tìm lại tên các anh hùng liệt sĩ.

Vị tướng ăn xin mơ về một ngân hàng gen - 1

2011, khi vừa nghỉ hưu, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng (77 tuổi, quê Nghệ An) lập tức tập trung vào việc tìm hài cốt đồng đội và hỗ trợ gia đình liệt sĩ ở khắp các tỉnh thành. Hơn 13 năm làm "công việc không lương", vị Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết, cứ "khi nào có thông tin là lên đường, bất chấp hành trình có khi lên tới hàng ngàn cây số". Sở dĩ có thể bền bỉ với công việc như vậy, theo ông là do cơ duyên, đồng đội mách bảo và gia đình ủng hộ vô điều kiện.

"Tôi may mắn còn sống qua lửa đạn chiến tranh để trở về, bản thân như 'hạt gạo còn lại trên sàng', tiếp tục công tác trong thời bình, khi nghỉ hưu là Phó Tư lệnh Chính trị Binh chủng Công binh.

Sau khi nghỉ hưu, dù được mời về làm ở Hội Cựu chiến binh nhưng tôi nghĩ mình đã hưởng lương quân đội bao năm qua, nay hết bận công tác, có lương hưu nên đến lúc phải thực hiện lời hẹn ước với đồng đội năm xưa là 'người sống tìm cách đưa người đã hy sinh trở về'.

Khi đó lòng tôi nghĩ, nếu không có sự hy sinh của đồng đội thì cá nhân tôi, gia đình tôi cũng như cả dân tộc đâu có được ngày hôm nay. Chính điều này thôi thúc tôi phải làm điều gì đó thực tế hơn để tri ân đồng đội, làm thay phần việc của những người đã ngã xuống để giúp gia đình, vợ con họ", Trung tướng Hoàng Khánh Hưng chiêm nghiệm.

Vị tướng ăn xin mơ về một ngân hàng gen - 3

Và ông "đi xin tiền khắp nơi" để làm công việc đưa đồng đội hồi hương, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ. 13 năm qua, ông tổ chức chương trình nhắn tin "tri ân liệt sĩ" qua cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400. Năm đầu tiên, 2012, chương trình thu được 700 triệu đồng, đến năm 2023, số tiền ủng hộ gửi về là hơn 3,2 tỷ đồng.

13 năm, tổng số tiền nhắn tin thu được là hơn 17 tỷ đồng. Tướng Hưng và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ cũng đã huy động nguồn kinh phí từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp được gần 170 tỷ đồng.

Số tiền này góp phần di chuyển hài cốt liệt sĩ từ các chiến trường, nghĩa trang về quê hương đất mẹ, đính chính thông tin trên bia mộ, giúp gia đình liệt sĩ tìm được thân nhân, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tình nghĩa, tặng quà…

13 năm, người cựu binh già và anh em đồng đội đã tiếp nhận, xử lý thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ; lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ để giám định ADN; trả kết quả đúng cho 494 liệt sĩ, tư vấn hỗ trợ để 33.000 gia đình tìm hài cốt; 200 gia đình tìm được hài cốt cha anh mình; đính chính thông tin trên bia mộ cho 1.000 liệt sĩ.

Vị tướng ăn xin mơ về một ngân hàng gen - 5

Trên hành trình tri ân đồng đội, vị Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã thực hiện hàng trăm chuyến đi nhọc công ở nhiều nơi nhưng những lần đi tìm mộ liệt sĩ bên nước bạn Lào là gian nan, day dứt nhất.

Ông kể, hành trình đi từ Hà Nội lúc 5h sáng, đến Viêng-chăn thường là 16h, rồi đi thêm 300 cây số nữa mới đến được nơi theo thông tin cung cấp.

Vị tướng ăn xin mơ về một ngân hàng gen - 7

"Những con đường cũ năm xưa dù nhớ như in nhưng đến giờ rất khó mường tượng do rừng Lào hiện không còn độ phủ dày như trước. Cuộc tìm kiếm có lúc kéo dài nhiều ngày, sáng đi tối lại phải quay ra. Đôi khi đoàn quy tập lại chật vật vì.

Có một lần, chúng tôi tìm được đúng thông tin liệt sĩ do thợ săn bên Lào chỉ cho. Nhưng khi đào lên, đáng tiếc chỉ toàn là đất đen. Để có thể đưa anh em về quê mẹ, nguyên tắc phải còn xương cốt, di vật nên dù thương bạn lắm vẫn đành đắp mộ lại", vị trung tướng tóc bạc bùi ngùi.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, bất chấp nhiều thời điểm gián đoạn do Covid-19, đoàn đã có 9 lần sang Lào, tìm được 31 ngôi mộ. Tính rộng ra, từ năm 2011, tướng Hưng cùng cộng sự đã thực hiện hàng trăm nghìn đầu việc liên quan đến việc tìm hài cốt liệt sĩ.

Tìm được đồng đội đã gian nan, đưa hài cốt trở về, xác định danh tính, gia đình cho các liệt sĩ còn khó khăn, thách thức hơn. 13 năm vị tướng già lăn lộn trên những chiến trường xưa cũng là chừng ấy thời gian cả nước thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Đề án 1237) và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) giai đoạn 2013-2020.

Vị tướng ăn xin mơ về một ngân hàng gen - 9

Tổng kết kết quả thực hiện các đề án từ 2013 đến 2023, Cục Chính sách Bộ Quốc phòng cho biết, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước hơn 8.000, ở Lào hơn 2.000, ở Campuchia hơn 6.000). Các đơn vị chức năng tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp (bằng phương pháp thực chứng được gần 3.000 trường hợp, bằng phương pháp giám định ADN được hơn 1.000 trường hợp.

Vị tướng ăn xin mơ về một ngân hàng gen - 11

Ám ảnh với những con số, thôi thúc chạy đua với thời gian, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng thốt lên: "Gần nửa thế kỷ trôi qua mất rồi, công tác quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sỹ là việc phải làm hết sức khẩn trương!".

Nhiều lần tìm kiếm và chứng kiến xương thịt đồng đội phai tàn, chỉ còn lại nắm đất đen, vị Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam lặng người khi nhắc tới sự tàn khốc của thời gian.

"Thời gian là nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất đối với những người khắc khoải đi tìm đồng đội như chúng tôi. Hài cốt liệt sĩ nằm dưới lòng đất hơn gần nửa thế kỷ, lại thêm chiến sĩ thời đó ăn uống kham khổ, không đủ chất dinh dưỡng, lượng canxi được bổ sung ít ỏi nên xương cốt sẽ không giữ được lâu như người thường.

Bên cạnh đó, những người trực tiếp tham gia chiến đấu hầu hết đã cao tuổi, sức khỏe yếu. Một số người đã qua đời khiến cho việc cung cấp thông tin mộ chí phần lớn có độ chính xác không cao.

Hơn nữa, hài cốt liệt sỹ mà tồn tại được 40-50 năm trong lòng đất rất khó. Do vậy, nếu không tìm kiếm, không quy tập nhanh thì rất khó quy tập, trả lại tên cho 500.000 liệt sĩ", Trung tướng Hoàng Khánh Hưng hối thúc.

Vị tướng ăn xin mơ về một ngân hàng gen - 13

Để chạy đua với thời gian, theo ông Hưng, hiện nay ngoài phương pháp giám định ADN, còn có các biện pháp khác nữa là phương pháp thực chứng - tìm những người từng tham gia chiến đấu với các liệt sỹ, từng chôn cất các liệt sỹ, động viên họ cùng đi để xác định vị trí và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Ngày ngày tiếp thân nhân gia đình liệt sĩ, tướng Hưng gặp không ít trường hợp gia đình đi tìm hài cốt người thân trong vô vọng khi chỉ có giấy báo tử ghi "hy sinh ở mặt trận phía Nam" mà không có tên đơn vị, không có địa điểm.

"Đó là điều khiến chúng tôi rất trăn trở và mong mỏi Đảng, Nhà nước sớm có chủ trương lập ngân hàng ADN của liệt sĩ và thân nhân. Việc này hết sức cấp bách và quan trọng bởi nhân chứng sống không còn nhiều", ông nói.

Vị tướng ăn xin mơ về một ngân hàng gen - 15

Hiện nay, phương pháp thực chứng thuận lợi hơn giám định ADN. Bởi muốn giám định và đối chiếu ADN, trước tiên phải lấy mẫu phẩm từ hài cốt và thân nhân gia đình liệt sĩ. Thế nhưng nhiều ngôi mộ khi khai quật không thể lấy được mẫu phẩm vì xương đã mủn hết, có những mẫu phẩm chất lượng còn tốt nhưng thân nhân liệt sĩ không còn, đành phải để lại, không đối chiếu được.

Tôi nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng nên sớm thành lập ngân hàng gen và triển khai quyết liệt trong 10 năm, bởi nếu còn kéo dài hơn nữa và không làm dứt điểm thì rất khó để trả lại tên các anh và không biết bao giờ mới kết thúc được việc tìm kiếm", Trung tướng Hưng nói.

Lập ngân hàng gen liệt sĩ: Phải nhanh hơn nữa!

Một cựu chiến binh khác đã dành hơn 20 năm đi tìm đồng đội - Đại tá Huỳnh Trí, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, Anh hùng lực lượng vũ trang - cũng mang theo những day dứt khôn nguôi trên hành trình hồi hương hài cốt liệt sỹ, trả lại tên cho các anh.

Nói về chủ trương thân nhân liệt sĩ và tất cả mộ liệt sĩ còn hài cốt sẽ được giám định gen, hướng tới hình thành ngân hàng ADN liệt sĩ, Đại tá Huỳnh Trí thốt lên: "Nếu được vậy, tôi giơ cả hai tay ủng hộ. Nhưng phải nhanh hơn nữa!".

Nội dung: Sơn Nguyễn, Thái Anh

Ảnh: Gia Đoàn

Thiết kế: Khương Hiền