(Dân trí) - "Chúng tôi mong sớm có kết quả giám định ADN để đặt tấm bia ghi tên lên phần mộ bố tôi nằm và đưa ông về quê hương, an ủi những năm tháng tuổi già của mẹ", con trai liệt sĩ Phùng Văn Khiêm đau đáu.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An) là nơi yên nghỉ của 10.804 liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thuộc 47 tỉnh, thành. Những người lính chiến đấu và hy sinh tại Lào được quy tập về đây, ngay hàng thẳng lối, trong những ngôi mộ có tên và chưa có tên, trầm mặc trong làn khói hương những ngày giữa tháng 7.
Trong đoàn người về viếng nghĩa trang có gia đình ông Phạm Văn Bằng (SN 1968, trú tại thị trấn Phú Phong, thị xã Tây Sơn, Bình Định). Thắp nén hương lên phần mộ của bố - liệt sĩ Phạm Văn Mây - ông Bằng thì thầm: "Hôm nay, chúng con đến đây để đón bố trở về với mẹ".
Đôi mắt ông nhòe đi, hành trình tìm kiếm hài cốt người bố đằng đẵng mấy chục năm trời, nay đã đến đích. Người bố ông chưa từng được gặp mặt sắp trở về, yên nghỉ bên cạnh vợ và những người thân trong gia đình.
Tháng 4/1963, ông Phạm Văn Mây (SN 1938, quê xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) lên đường nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 924, Đoàn 866, Quân khu Tây Bắc, đóng quân tại Hà Nội. Tháng 4/1967, trước khi đơn vị chuyển vào Nam chiến đấu, ông Mây được về phép một tuần, thăm vợ và 2 con nhỏ. Kỳ nghỉ phép qua nhanh, ông trở lại đơn vị rồi vào thẳng chiến trường mà không hay biết vợ mình, bà Nguyễn Thị Dinh mang bầu con thứ 3.
"Tháng 12/1967, gia đình nhận được giấy báo tử của bố. Lúc ấy tôi còn chưa chào đời. Năm 1972, sau sự kiện Điện Biên Phủ trên không, căn nhà của chúng tôi bị trúng bom, toàn bộ hình ảnh, giấy tờ liên quan đến bố tôi bị mất hết. Tôi không được nhìn thấy bố, chưa từng được gặp bố...", ông Bằng rưng rưng.
Trong giấy báo tử đơn vị gửi về gia đình, không có thông tin địa điểm an táng liệt sĩ Phạm Văn Mây. Thời điểm đó, bà Dinh chỉ biết chồng mình "đi B dài" (vào Nam chiến đấu). Chiến tranh kết thúc, người vợ trẻ mang theo 3 con nhỏ vào Bình Định lập nghiệp với mong mỏi có thể sớm tìm thấy hài cốt của chồng.
Bước chân của người vợ không biết đã đi bao nhiêu nghĩa trang khắp dọc miền Trung và miền Nam nhưng không tìm thấy bia mộ nào có tên liệt sĩ Phạm Văn Mây có thông tin trùng khớp với chồng. Khi bà Dinh có tuổi, ông Bằng thay mẹ đi tìm bố nhưng cuộc tìm kiếm đằng đẵng mấy chục năm trời ấy không có kết quả.
Tháng 6/2016, gia đình ông Bằng nhận được thông báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Bắc Giang, gọi lấy mẫu ADN của thân nhân để giám định, đối chiếu thông tin nhằm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (Nghệ An). Thì ra, ông Mây chiến đấu và hi sinh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào. Năm 1986, hài cốt của liệt sĩ Mây được Đội quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Nghệ An tìm thấy và đưa về an táng tại đây. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thông tin này không đến được với gia đình.
Năm 2016, Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức lấy mẫu ADN hài cốt ở các phần mộ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào và ADN của người thân liệt sĩ để giám định hài cốt liệt sĩ. Tháng 7/2016, chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện việc lấy mẫu giám định ADN, gia đình nhận được thông báo kết quả, xác định hài cốt an táng tại phần mộ 1867, lô A5, hàng 4, số mộ 18, Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào là liệt sĩ Phạm Văn Mây.
"Không thể diễn tả hết nỗi niềm, tâm trạng của mẹ và 3 chị em tôi lúc đó. Sau hàng chục năm trời tìm kiếm, chờ đợi, chúng tôi đã tìm thấy bố. Dù ông chỉ còn là nắm xương cốt nhưng dù sao chúng tôi vẫn may mắn hơn rất nhiều gia đình liệt sĩ khác hiện vẫn chưa tìm thấy phần mộ người thân của mình.
Tìm thấy bố là niềm an ủi rất lớn đối với mẹ tôi cho đến khi bà nhắm mắt, xuôi tay. Nay chúng tôi sẽ đưa bố về với mẹ, để các cụ được đoàn tụ cùng nhau", ông Bằng bật khóc.
Liệt sĩ Phạm Văn Mây là một trong 284 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào xác định được danh tính thông qua phương pháp giám định ADN.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó trưởng Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, công tác lấy mẫu sinh phẩm gửi giám định ADN để xác định danh tính liệt sĩ được triển khai từ năm 2015. Đến thời điểm này, địa phương đã lấy được 7.705 mẫu sinh phẩm liệt sĩ gửi ngân hàng gen, chủ yếu là các liệt sĩ quy tập, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào.
Ngành chức năng cũng tiếp nhận đề nghị giám định ADN đối chứng để xác định danh tính liệt sĩ của 1.408 thân nhân. Tuy nhiên, chỉ có 284 liệt sĩ xác định được danh tính thông qua phương pháp này, chiếm 20,1% hồ sơ đề nghị giám định.
"Trong số gần 300 liệt sĩ xác định được danh tính thông qua phương pháp giám định ADN do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An tiếp nhận hồ sơ, không có liệt sĩ nào quê ở Nghệ An", bà Vân Anh thông tin.
Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều liệt sĩ trong cả nước với gần 45.000 người đã ngã xuống. Thời điểm này, có gần 18.500 liệt sĩ đã xác định được thông tin, trong đó có 9.799 liệt sĩ được đưa về, an táng tại các nghĩa trang trong tỉnh, hơn 8.600 liệt sĩ đang yên nghỉ ở các nghĩa trang trong cả nước.
Trong những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng như xác minh thông tin về liệt sĩ luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. Bởi vậy, con số gần 26.500 liệt sĩ quê Nghệ An chưa xác định được danh tính hoặc chưa tìm thấy hài cốt là trăn trở của những người làm công tác chính sách trên địa bàn.
Theo bà Vân Anh, trong công tác lấy mẫu thân nhân để giám định ADN, lực lượng chức năng ưu tiên dòng họ mẹ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân thuộc quy định để lấy mẫu. Điều này gây khó khăn trong việc xác định quan hệ huyết thống để từ đó xác định danh tính liệt sĩ.
"Việc lập bản đồ địa bàn quy tập liệt sĩ đang được cơ quan quân sự triển khai. Nhiều đơn vị, do yêu cầu bí mật trong chiến đấu nên không rõ phiên hiệu hoặc bị giải thể, chưa giải mã được phiên hiệu, bởi vậy, công tác lập bản đồ quy tập cũng như xác định thông tin về liệt sĩ và địa bàn an táng liệt sĩ gặp khó khăn.
Hoàn thành sớm việc lập bản đồ quy tập sẽ giúp đẩy nhanh được công tác xác định thông tin liệt sĩ cũng như giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ", Phó trưởng Phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An nhận định.
Chiến tranh ác liệt, việc quy tập hài cốt trải qua thời gian dài, di chuyển qua nhiều nghĩa trang nên chất lượng mẫu sinh phẩm không đảm bảo. Số lượng hồ sơ đề nghị giám định, mẫu giám định rất lớn, trong khi đó cơ sở vật chất và các đơn vị có năng lực để làm công tác này còn hạn chế, thời gian giám định kéo dài là những khó khăn được chỉ ra trong công tác giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ.
"Trong công tác giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, việc khâu nối, lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ để đối chiếu, xác định danh tính liệt sĩ là công đoạn hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện chúng tôi mới chỉ hoàn thành cơ bản việc lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để giám định, gửi vào ngân hàng gen. Còn khâu kết nối với thân nhân liệt sĩ để lấy mẫu đối chiếu đang rất khó khăn", bà Vân Anh chia sẻ.
Từ Hải Dương, ông Phùng Văn Trãi và thân nhân vào Nghệ An bổ sung hồ sơ đề nghị giám định ADN để xác định danh tính hài cốt của bố mình, liệt sĩ Phùng Văn Khiêm. Sau khi hoàn thành việc bổ sung hồ sơ, ông Trãi thẳng hướng lên Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, nơi bố ông đang yên nghỉ. Người đàn ông ở tuổi lục tuần, chầm chậm thắp nén hương lên từng phần mộ liệt sĩ thuộc khu B5, đôi mắt cay xè. Lần nào tới đây, ông Phùng Văn Trãi cũng kìm nén xúc động, lặng lẽ đi khắp các hàng mộ, khắc khoải vì không biết bố đang nằm ở đâu trong bạt ngàn những ngôi mộ gắn dòng chữ "chưa biết tên".
Năm 1968, ông Phùng Văn Khiêm, bố ông Trãi lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở nước bạn Lào. Cũng trong năm đó, gia đình nhận được giấy báo tử của ông. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, anh em ông Trãi luôn đau đáu trong lòng việc tìm kiếm và đưa bố trở về.
"Thông qua nhiều kênh thông tin và đối chiếu các tài liệu liên quan như sơ đồ chôn cất của đơn vị và thông tin của lực lượng quy tập, chúng tôi được biết hài cốt bố tôi đã được tìm thấy đưa về an táng tại khu B, Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào nhưng cụ thể là phần mộ nào thì không rõ", ông Trãi nói.
Mặc dù vậy, ông Trãi và gia đình cảm thấy được an ủi khi liệt sĩ Phùng Văn Khiêm đã được đưa về yên nghỉ trong lòng Tổ quốc.
Theo ông Trãi, quá trình làm hồ sơ đề nghị giám định ADN, gia đình luôn được Sở LĐ-TB&XH Hải Dương và Sở LĐ-TB&XH Nghệ An hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ tận tình, chu đáo.
"Mẹ tôi năm nay đã hơn 90 tuổi. Cả cuộc đời bà luôn trông ngóng tin tức về chồng. Chúng tôi mong muốn sớm có kết quả giám định, xác định được danh tính để đặt tấm bia ghi tên lên phần mộ bố tôi nằm và đưa ông về quê hương, để mẹ tôi được an ủi những năm tháng tuổi già", ông Trãi trầm ngâm.
Nâng cao hiệu quả giám định gen, định danh liệt sĩ:
Kỳ 1: Vị tướng "ăn xin" mơ về một ngân hàng gen
Kỳ 2: Giấc mơ bia mộ liệt sĩ có tên
Kỳ 3: Ngân hàng gen liệt sĩ: "Làm một lần cho các thế hệ sau!"
Kỳ 4: Ngày "đoàn tụ" sau nửa thế ký nhờ chuỗi gen vô hình
Kỳ 5: Bứt tốc chạy đua với thời gian để đưa 500.000 liệt sĩ về nhà