DMagazine

Ngày "đoàn tụ" sau nửa thế kỷ nhờ chuỗi gen vô hình

(Dân trí) - Ở cách quê nhà gần 1.700km, ông Hiểu khóc nghẹn khi cầm tờ kết quả giám định ADN trên tay. Hôm nay, ông đón anh trai ruột là liệt sĩ trở về sau 49 năm không có thông tin về người đã hy sinh.

Ngày đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ chuỗi gen vô hình - 1
Ngày đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ chuỗi gen vô hình - 3

Một ngày giữa tháng 7, ông Phan Thế Hiểu (xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có mặt tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) để đưa hài cốt của anh trai - liệt sĩ Phan Minh Nham - về quê hương. Liệt sĩ Nham ngã xuống trên chiến trường miền Tây Nam Bộ 49 năm trước.

Trong ông ngổn ngang nỗi niềm bởi đến giờ gia đình mới kết thúc hành trình gian nan đi tìm mộ người thân.

Ngày đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ chuỗi gen vô hình - 5

Liệt sĩ Phan Minh Nham sinh năm 1955 tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông nhập ngũ lần 2 tháng 2/1974, chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông hy sinh ngày 14/4/1975. Một năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử.

"Trên mảnh giấy ấy chỉ vỏn vẹn mấy dòng về tên tuổi, quê quán và dòng chữ 'đã mai táng tại bệnh viện huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho'. Cùng năm đó, gia đình biết thêm thông tin anh hy sinh trong trận chiến tại Mỹ Tho, từ hai người cùng xã trở về.

Từ lúc anh đi cho tới ngày nhận tin dữ, gần như gia đình không có thông tin gì về anh. Khi đó, bố mẹ tôi cũng nghĩ có lẽ đã mất anh", ông Hiểu bồi hồi nhớ lại.

Từ thông tin ít ỏi có được, gia đình ông Hiểu nhiều lần xuôi ngược từ Thái Bình vào tận Mỹ Tho (giờ đã thuộc Tiền Giang) mà vẫn không tìm thấy mộ người thân. Được biết, từ nơi chôn cất ban đầu, sau này phần mộ của liệt sĩ Phan Minh Nham được đội quy tập tìm kiếm, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Mỹ Tho.

"Suốt 30 năm, cứ có thông tin ở đâu là chúng tôi lại đi, chỉ mong đưa được anh trai về quê. Cả nhà tôi nhiều lần tìm vào tận chiến trường, thậm chí dùng mọi biện pháp, kể cả tâm linh nhưng vẫn vô vọng. Nhà ngoại cảm chỉ đâu gia đình đi tìm đó nhưng rồi đều thất vọng.

Bố mẹ tôi đau đáu chuyện chưa thể đưa con trai trở về. Trước lúc mất, ông bà để lại cho tôi mảnh giấy ghi địa điểm, tọa độ được xác định bằng cách 'áp vong' và căn dặn tôi tiếp tục tìm, mang anh trở về", người em trai liệt sĩ kể lại.

Ngày đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ chuỗi gen vô hình - 7

Một ngày tháng 3/2023, ông Hiểu bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ miền Nam báo tin về anh trai. Khi đó, một cán bộ ở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cung cấp thông tin về phần mộ liệt sĩ Phan Minh Nham.

"Trước đó, gia đình tôi nhiều lần gửi thông tin của anh trai nhờ chính quyền địa phương nơi anh hy sinh tìm giúp. Bẵng đi 5-6 năm, lúc nhận được thông tin của anh trai, tôi hết sức bất ngờ và vui mừng", ông Hiểu nói.

Nhận được tin, gia đình ông Hiểu tức tốc vào miền Nam thăm phần mộ anh trai và xác minh thông tin. Song, vào đến nơi, cũng có một gia đình khác đến nhận phần mộ ghi tên liệt sĩ Phan Minh Nham là người thân của họ.

"Khi kết quả giám định ADN được công bố, tôi vỡ òa vì có thể khẳng định người nằm bên dưới phần mộ đó chính là liệt sĩ Phan Minh Nham - anh trai tôi. 49 năm trước nhận tin về anh là tin buồn, còn hiện tại đó là tin vui khó tả", ông Hiểu nói.

Ngày đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ chuỗi gen vô hình - 9

Cách nhà ông Hiểu hơn 30km, gia đình ông Nguyễn Đức Kim - cháu liệt sĩ Nguyễn Chí Cường, người đã hy sinh ở Bình Định hơn nửa thế kỷ trước cũng đón niềm vui tương tự.

Liệt sĩ Nguyễn Chí Cường nhập ngũ năm 1967, hy sinh ngày 10/6/1972 tại An Nhơn (tỉnh Bình Định). Ngày 10/7 vừa qua, gia đình đã đón được liệt sĩ về an nghỉ tại quê nhà Thái Bình sau hơn nửa thế kỷ hài cốt nằm lại chiến trường.

Khi ngã xuống, ông đã được đồng đội, nhân dân địa phương an táng song do sơ suất của đội quy tập, bia mộ của ông bị khuyết thông tin khiến nhiều năm qua gia đình, nhà chức trách gặp khó khăn trong việc tìm, xác định mộ của liệt sĩ.

Ngày đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ chuỗi gen vô hình - 11

Ông Nguyễn Đức Kim - cháu liệt sĩ Nguyễn Chí Cường - là một trong những người dốc nhiều công sức nhất trong cuộc tìm kiếm. Bản thân ông Kim cũng là lính tham chiến tại miền Nam trước 1975 nên ông hiểu được nỗi đau của người mợ.

"Cậu tôi vào chiến trường chưa lâu thì được tin con trai mới được vài tháng tuổi không may chết yểu. Là trưởng tộc, mang trong mình trách nhiệm giữ gìn hương hỏa tổ tiên, cậu tôi gửi thư về cho vợ nhắn hãy kiếm con nuôi, nếu lỡ ông hy sinh vẫn có người nối dõi.

Mợ tôi mất cách đây 8 năm. Trước khi qua đời, bà vẫn đau đáu nỗi niềm khi chưa tìm được phần mộ chồng", ông Kim xót xa.

Theo ông Kim, suốt 40 năm qua, từ khi chiến tranh khép lại, gia đình vẫn không có bất cứ manh mối nào về liệt sĩ Cường. Do đó, việc đi tìm mộ người thân tưởng như chuyện hão huyền. Gần nửa thế kỷ, ông chỉ biết chăm chú viết nhật ký, chắp nối những thông tin rời rạc về hành trình trở thành liệt sĩ của cậu mình.

Ngày đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ chuỗi gen vô hình - 13

Bước ngoặt không ngờ tới vào năm 2016 - thời điểm người mợ của ông, tức vợ liệt sĩ Cường qua đời. Ông Kim coi đây là động lực lớn để thực hiện chuyến đi vào Nam đầu tiên.

Thời điểm này, dù nhiều hoạt động quy tập bị gián đoạn bởi Covid-19 song phía quân đội vẫn không ngừng đốc thúc việc giải mã các ký hiệu, phân tích thông tin để có cơ sở xác định vị trí chôn chất, tên tuổi liệt sĩ. Ông Kim cùng người thân sống lại những hy vọng.

Một chi tiết then chốt nữa, ông Kim cho biết, phía quân đội cung cấp, những người ngoài Bắc tham gia chiến đấu ở tỉnh Bình Định chỉ có hai người tên Cường, một người quê Hà Tây cũ, một ở Thái Bình.

"Có thông tin, tôi tức tốc tìm về Hà Tây và được biết gia đình họ đã đón được người thân trở về. Lúc đó, dùng phương pháp loại trừ, tôi có niềm tin sẽ tìm được mộ cậu mình", ông Kim nhớ lại.

Ngày đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ chuỗi gen vô hình - 15

Để đủ căn cứ khai quật mộ, tháng 7/2023, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, ông Kim làm các thủ tục lấy mẫu sinh phẩm, giám định ADN để xác định thông tin về liệt sĩ Nguyễn Chí Cường. Hơn 1 năm chờ đợi, niềm vui đã đến với gia đình ông.

Cầm trên tay tờ thông báo về liệt sĩ Nguyễn Chí Cường, người cháu ruột không kìm nổi nước mắt. Xác định được thông tin của người cậu liệt sĩ là niềm mong mỏi của gia đình ông suốt hơn 50 năm.

"Khi cậu tôi về đến nhà, cả gia đình vẫn không tin, sao có thể làm được việc không tưởng đó. Thay mặt gia đình, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành cơ quan chức năng các cấp, các ngành, đặc biệt là các nhân chứng sống không quản ngại vất vả, hết lòng hỗ trợ gia đình tôi", ông Kim bày tỏ.

Ngày đoàn tụ sau nửa thế kỷ nhờ chuỗi gen vô hình - 17

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh chủng Công binh, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chia sẻ, niềm vui đến với gia đình tuy chậm, sau khi liệt sĩ đã hy sinh 50 năm nhưng đây vẫn là những trường hợp may mắn vì đã có thông tin chính xác.

"Nhờ phương pháp giám định ADN xác định danh tính, hài cốt liệt sĩ, nhiều gia đình đã tìm lại sự thanh thản, an ủi sau bao năm tháng khắc khoải đi tìm mộ người thân. Phương pháp giám định gen đã và đang đạt kết quả khả quan, mang lại niềm tin cho các thân nhân liệt sĩ, đỡ cảnh 'bị lừa bằng tâm linh'.

Song cần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu phẩm của thân nhân, hài cốt liệt sĩ. Nhanh thêm chút nào, thân nhân liệt sĩ mừng thêm chút đó bởi càng để lâu, chất lượng mẫu phẩm càng suy giảm, đối tượng lấy mẫu đối chứng cũng mất dần, khó khăn cho mục tiêu xây dựng ngân hàng gen", Trung tướng Hoàng Khánh Hưng khuyến cáo.

Thực hiện giám định nhận dạng hài cốt bằng công nghệ ADN

Đây là một kỹ thuật xét nghiệm ứng dụng tính đa hình về trình tự ADN hệ gen ty thể nhằm truy nguyên cá thể. Hệ gen ty thể là hệ gen ngoài nhân và di truyền theo dòng mẹ, thuận lợi vì có số lượng bản sao lớn hơn rất nhiều lần so với số lượng bản sao của hệ gen nhân. Mỗi tế báo chỉ có một hệ gen nhân so với hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn bản sao hệ gen ty thể.

Được bảo quản lâu dài trong xương răng, cộng với việc có số lượng bản sao rất lớn trong mỗi tế bào khiến hệ gen ty thể là lựa chọn hàng đầu trong phân tích ADN trong nhận dạng hài cốt liệt sĩ, phần lớn có thời gian chôn cất tới 50-80 năm. Với giám định gen ty thể, việc so sánh đối khớp có thể được thực hiện với thân nhân liệt sĩ có nguồn gốc theo đằng ngoại.

Giám định hài cốt liệt sĩ tại Việt Nam là một thách thức lớn với các nhà khoa học trong và ngoài nước, không thể chỉ áp dụng 1 hoặc 1 vài phương pháp tách chiết ADN cho chung tất cả các loại mẫu hài cốt. Việc thu nhận ADN từ mẫu hài cốt liệt sĩ thường rất phức tạp và tốn thời gian, nhanh nhất khoảng 2 tuần, có những trường hợp mất 6 - 8 tháng mới tìm được phương pháp tối ưu nhất…

Nội dung: Sơn Nguyễn, Hoa Lê

Ảnh: Gia Đoàn

Thiết kế: Patrick Nguyễn