Hoa khôi bóng chuyền Thu Hoài: "Nghiệp thể thao rất bạc nếu không nỗ lực"
(Dân trí) - Được xem là hoa khôi trong làng bóng chuyền Việt Nam, nhưng nữ vận động viên (VĐV) Nguyễn Thu Hoài khẳng định cô chỉ tập trung vào việc thi đấu và không muốn tham gia vào showbiz.
Nguyễn Thu Hoài sinh năm 1998, được biết đến nhiều với biệt danh "Hoa khôi bóng chuyền". Vận động viên (VĐV) quê Thái Bình từng đi vào lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam khi là người đầu tiên giành được danh hiệu chuyền hai xuất sắc nhất tại một giải đấu quốc tế - giải bóng chuyền trẻ vô địch Đông Nam Á 2016.
Hồi năm 2022, cô cùng đồng đội góp công lớn khi giúp đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam giành HCB tại SEA Games 31. Ngoài việc nỗ lực tập luyện và thi đấu cho đội Ngân hàng Công thương, Nguyễn Thu Hoài khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ khi theo học lớp QH-2021-E QTKD-TT ở trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội.
Những ngày đầu năm 2024, dù rất bận rộn với lịch học và thi đấu, Thu Hoài đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Dân trí những mục tiêu trong năm nay.
Chào Thu Hoài, đã bước sang đầu năm 2024, cũng là lúc Thu Hoài tròn 10 năm thi đấu chuyên nghiệp ở môn bóng chuyền. Bạn có thể nói gì về chặng đường mà mình đã trải qua và nếu được lựa chọn lại, bạn vẫn đi trên con đường mình đã chọn chứ?
- Đúng là thời gian trôi qua quá nhanh, đến tận bây giờ tôi vẫn không nghĩ mình đã có một khoảng thanh xuân đẹp như vậy. Từ một cô bé không biết sau này mình sẽ trở thành một người như thế nào nếu theo sự nghiệp thể thao, cho đến là một người có rất nhiều những trải nghiệm tuyệt vời với thể thao như bây giờ.
Đối với tôi như vậy đã là rất thành công rồi, cảm ơn thể thao đã giúp tôi ngày càng hoàn thiện mình hơn. Mặc dù nhiều người cho rằng thể thao rất bạc, đúng là nó rất bạc nếu mình không nỗ lực và tận dụng những cơ hội từ đó.
Vậy nên, tôi vẫn sẽ chọn bóng chuyền nếu phải chọn lại, vì ít nhất tôi được thỏa mãn đam mê của mình, của bố - người luôn cùng tôi xem những trận bóng chuyền khi tôi vẫn là một đứa trẻ.
Cơ duyên nào đã đưa Thu Hoài đến với bóng chuyền và đâu là kỷ niệm đẹp nhất mà bạn vẫn nhớ trong 10 năm thi đấu của mình?
- Tôi được đội bóng chuyền nữ Thái Bình về nhà thuyết phục gia đình để cho tôi lên đội Thái Bình tập, nhưng lúc đó thì gia đình tôi ai cũng phản đối. Nên có lẽ tôi chưa có duyên với đội bóng quê nhà.
Mãi tới khi HLV đội bóng chuyền nữ tỉnh Vĩnh Phúc về tuyển chọn VĐV thì lúc đó gia đình mới cho phép tôi theo tập tại đội Vĩnh Phúc. Sau 2 năm tập luyện thì tôi chuyển về CLB bóng chuyền nữ Vietinbank và gắn bó với đội bóng đến tận bây giờ.
10 năm qua mỗi khoảnh khắc trên sân thi đấu đều là những kỷ niệm đẹp đối với tôi, nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là tại giải bóng chuyền nữ U19 Đông Nam Á và giải bóng chuyền nữ U19 Châu Á năm 2016 trên đất Thái Lan.
Lúc đó tôi còn rất trẻ, nên tôi chỉ biết cố gắng, nỗ lực hết sức trên sân thi đấu và may mắn đã có những bước đi thành công đầu tiên của mình trên con đường sự nghiệp thể thao.
Từng được mời sang thi đấu ở giải VĐQG của Indonesia
Từng là nữ VĐV bóng chuyền Việt Nam đầu tiên được vinh danh là cây chuyền hai xuất sắc nhất tại một giải đấu quốc tế là giải bóng chuyền trẻ Vô địch Đông Nam Á 2016, bạn có thể chia sẻ thêm về kỷ niệm đẹp này của mình?
- Đây có thể nói là một giải cá nhân để lại dấu ấn của tôi trong sự nghiệp thi đấu, nhưng tôi nghĩ mình rất may mắn khi được nhận giải cá nhân này. Bên cạnh đó, thì tôi phải cảm ơn những đồng đội của mình năm đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trên từng đường chuyền để tôi có thể thể hiện mình một cách tự tin nhất.
Có thông tin hồi năm 2020, bạn từng được mời sang Indonesia thi đấu?
- Đúng là lúc đó, khi giải bóng chuyền nữ U23 Châu Á đang chuẩn bị diễn ra tại nhà thi đấu Gia Lâm thì bên phía liên đoàn có thông báo cho tôi về việc CLB bên Indonesia muốn mời tôi sang nước họ thi đấu. Nhưng thời gian đó tôi phải tập trung cho các giải đấu của đội tuyển quốc gia và CLB nên tôi đã bỏ lỡ cơ hội này.
Chuyền hai được xem là nhà tổ chức trên sân bóng, bạn nghĩ sao về vị trí mà mình đảm nhận?
- Điều đó hoàn toàn đúng. Bởi chuyền hai là người truyền tải những gì mà HLV cần cho một lối chơi, dẫn dắt và điều hòa nhịp thi đấu trên sân. Ngoài ra, tôi còn phải hiểu đường bóng của từng đồng đội của mình và phân phối bóng theo ý của họ.
Và quan trọng nhất là tư duy chiến thuật, nếu tư duy chiến thuật tốt thì cả đội rất nhàn và có thể dễ dàng ghi điểm hơn.
Đôi khi tôi cảm thấy khá áp lực, nhưng người ta nói "chuyền hai là người làm dâu trăm họ và cũng là linh hồn của đội bóng" nên tôi nghĩ "cái gì cũng có cái giá của nó" và tự nhủ phải cố gắng thôi.
Thần tượng của bạn ở môn bóng chuyền nữ là ai? Ai là người mà bạn yêu mến nhất trong hành trình theo đuổi sự nghiệp?
- Tôi rất thần tượng VĐV Lee Da Yeong người Hàn Quốc. Đó cũng là một chuyền hai và hiện tại chị ấy đang chơi cho một CLB của Pháp.
Mặc dù chị ấy là VĐV bị cấm thi đấu trong nước vì một scandal khi còn là một đứa trẻ, nhưng nhìn về mặt tích cực thì chị ấy đã rất kiên cường, đứng vững trên áp lực dư luận và thể hiện mình rất tốt tại các giải đấu ở Châu Âu.
Điều đó khiến tôi thấy ngưỡng mộ chị ấy vô cùng, bởi không dễ gì có được bản lĩnh, tinh thần thép để vượt qua những áp lực trong nghề như vậy.
Còn về người mà tôi yêu mến nhất và biết ơn nhất trong hành trình theo đuổi sự nghiệp, thì ngoài bố mẹ tôi luôn là người đứng sau và dõi theo ủng hộ tôi ra, thì đó là HLV Nguyễn Thúy Oanh (HLV của tôi khi tôi tập ở đội trẻ đội bóng chuyền nữ Vietinbank).
Cô giúp tôi hoàn thiện bản thân trên cả sân tập lẫn cách sinh hoạt, ăn ở, và đối nhân xử thế sao cho đúng. Mặc dù cô không còn huấn luyện nữa nhưng tôi vẫn luôn được cô giúp đỡ và chỉ bảo những lúc tôi gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống.
So với bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ Việt Nam luôn có sức thu hút lớn với người hâm mộ nhờ những cô gái xinh đẹp, tài năng như Thu Hoài? Bạn nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ đó có lẽ là do sự ưu ái của người hâm mộ đối với bóng chuyền nữ, chứ không phải với mỗi cá nhân tôi. Là VĐV, xinh đẹp chỉ là yếu tố phụ, quan trọng hơn cả là họ vẫn phải có tài năng, có đủ phẩm chất để cạnh tranh trên đấu trường trong nước và quốc tế.
Tất nhiên sự ủng hộ của mọi người khiến chúng tôi phải nỗ lực hơn, chăm chỉ hơn để có thể gặt hái được những thành tích mà mọi người kỳ vọng.
Không lấn sân showbiz vì thấy môi trường không phù hợp
Ngoài đời, Thu Hoài tự mô tả về mình như thế nào? Bạn có thể chia sẻ đam mê của mình như nấu ăn, du lịch, mua sắm?
- Tôi là một người khá hòa đồng khi gặp những người bạn mới, nhưng cũng khá nội tâm vì khó chia sẻ những bộn bề bên trong. Về đam mê thì thời gian hiện tại, ngoài bóng chuyền thì tôi còn có đam mê nữa là học, học, và học. Tôi hiện đang theo học ở trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Không nhiều VĐV mà vừa thi đấu đỉnh cao vừa bố trí được thời gian để theo học đại học, bạn có thể nói sâu hơn cho mọi người về điều này?
- Tôi là người thích được trải nghiệm những điều mới mẻ. Tôi cố gắng học thêm tấm bằng cử nhân vì khi tôi ra ngoài tôi cảm thấy hơi ngợp so với các bạn đồng trang lứa. Sau gần 3 năm theo học tại Trường đại học kinh tế, tôi cảm thấy mình đang đi đúng hướng.
Và lý do tôi quyết tâm học thêm một tấm bằng đại học đơn giản là muốn mở mang kiến thức, muốn tìm hiểu về kinh doanh trong môi trường học thuật nhiều hơn, cũng có thể giúp mình có nhiều cơ hội việc làm hơn nếu sau này giải nghệ.
Với chiều cao 1m74 và sở hữu nhan sắc "chim sa cá lặn", Thu Hoài có khi nào muốn lấn sân vào showbiz?
+Thật ra nếu muốn thì tôi đã dấn thân vào showbiz nhiều năm trước rồi, nhưng tôi thấy môi trường đó không phù hợp đối với mình.
Thu Hoài có thể bật mí về người yêu hiện tại?
- Tôi vẫn đang độc thân.
Vậy mẫu bạn trai mà bạn hướng đến là như thế nào?
- Tôi cũng không có gu cụ thể nào đâu. Với tôi thì duyên tới mình sẽ đón nhận và tôi không muốn nói về những điều mình chưa rõ trong tương lai.
Ở tuổi 26, bạn đặt mục tiêu nào cho thời gian tới?
- Tôi sẽ tiếp tục cố gắng để tập luyện và thi đấu đạt được mục tiêu đề ra của CLB bóng chuyền nữ Vietinbank và hoàn thành việc học của mình đúng hạn tại trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cảm ơn Thu Hoài về cuộc trò chuyện này!