DNews

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn: Ký ức từng đứt gân chân và nghị lực trên võ đài

Trọng Vũ

(Dân trí) - Là một trong những gương mặt hàng đầu của làng Muay Việt Nam, võ sĩ Trần Quốc Tuấn trải lòng về những khó khăn và kỷ niệm trong sự nghiệp thi đấu của mình.

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn: Ký ức từng đứt gân chân và nghị lực trên võ đài

Đối với các võ sĩ, nghề nghiệp của họ là công việc rất đặc thù. Với các võ sĩ thi đấu đối kháng, môn thể thao mà họ theo đuổi càng đặc thù hơn, vì thường xuyên phải đấm nhau trên võ đài. Chuyện vượt qua sự phản đối của gia đình để tham gia thi đấu chuyên nghiệp là chuyện thường gặp.

Nhưng như thế càng thấy đam mê và khát khao được thi đấu của các võ sĩ lớn như thế nào. Câu chuyện của võ sĩ trong môn Muay Trần Quốc Tuấn (hạng welter weight, 67kg nam) là một ví dụ điển hình.

Anh không đến nỗi giấu gia đình để theo nghiệp võ, nhưng mãi đến tận thời gian gần đây, cha mẹ mới hoàn toàn chấp nhận chuyện anh là võ sĩ chuyên nghiệp.

Gian nan đường đến võ đài chuyên nghiệp

Cơ duyên nào đưa anh đến với võ thuật, đấy có phải là lựa chọn hàng đầu của anh hồi còn nhỏ?

- Thật ra, so với nhiều vận động viên (VĐV), nhất là với các VĐV nước ngoài, đặc biệt là so với VĐV trong môn Muay tại Thái Lan, tôi đến với võ thuật nói chung và đến với môn Muay nói riêng khá muộn. Mãi đến năm 16 tuổi, tôi mới bắt đầu tập võ.

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn: Ký ức từng đứt gân chân và nghị lực trên võ đài - 1

Trần Quốc Tuấn cho biết anh đến với võ thuật khá muộn (Ảnh: T.T).

Ngày đó tôi bước vào võ đường cũng hoàn toàn tình cờ. Quê nhà ở Nam Định, cha mẹ đi làm ăn xa, định cư ở Đồng Hới (Quảng Bình), cứ đến Hè tôi lại từ Nam Định vào Đồng Hới thăm cha, mẹ. Ngày đó, đi ngang võ đường ở đây thấy thích nên xin vào tập, sau dần dần bén duyên với võ thuật lúc nào không hay.

Khi bắt đầu tập luyện võ thuật, tôi tập võ cổ truyền. Năm 2015, khi 19 tuổi, tôi tham gia liên hoan võ cổ truyền toàn quốc và giành huy chương đồng.

Khởi điểm với võ cổ truyền, tại sao anh chuyển sang môn Muay?

- Tập luyện võ cổ truyền một thời gian, tôi tự nhủ mình cần một môi trường tốt hơn, bài bản hơn để phát triển sự nghiệp. Tôi chọn TPHCM là điểm đến, vì võ thuật ở đây rất phát triển. Năm 2016, sau khi hồi phục chấn thương khá nặng, tôi vào TPHCM và xin tập ở chỗ của anh Duy Nhất ("độc cô cầu bại" làng Muay Việt Nam, Nguyễn Trần Duy Nhất).

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn: Ký ức từng đứt gân chân và nghị lực trên võ đài - 2

Khởi nghiệp với võ cổ truyền, nhưng Trần Quốc Tuấn thành danh trong môn Muay (Ảnh: T.T).

Từ đó, môn Muay gắn với sự nghiệp của tôi đến giờ. Dù vậy, con đường sự nghiệp của tôi cũng không hoàn toàn suôn sẻ, cũng có những chấn thương nặng, những chấn thương khiến tôi có một vài lúc phải tạm dừng thi đấu để dưỡng thương.

Kể từ khi thi đấu chuyên nghiệp, tôi cũng hiểu thêm rằng võ thuật không chỉ đơn thuần là đánh đấm, mà còn có cả chiến thuật, tâm lý.

Người võ sĩ phải biết cách đọc suy nghĩ của đối thủ cũng như phải biết cách tránh để đối thủ đọc suy nghĩ của mình. Tôi cũng từng trải qua những bài học nhớ đời vì chủ quan, như trận thua đối thủ người Italy năm 2018. Nhưng từ đó, tôi trưởng thành hơn.

Giữ được lửa nghề nhờ đam mê và ý chí mạnh mẽ

Là võ sĩ, chuyện chấn thương, thậm chí chấn thương nặng là điều khó tránh khỏi. Sau những chấn thương, có bao giờ anh muốn dừng lại?

- Về chấn thương, tôi từng bị bể mắt cá chân, từng bị đứt gân chân, hoặc có thời điểm bàn tay của tôi không thể nào chụm các ngón lại được, tức là không thể tạo ra nắm đấm. Những lúc như thế, đôi khi tôi không thể tránh khỏi suy nghĩ tại sao mình lại chọn nghề này? Nhưng rồi, khi bình tĩnh lại, tôi nhận ra tôi theo nghề là vì đam mê.

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn: Ký ức từng đứt gân chân và nghị lực trên võ đài - 3

Nghề võ không sao tránh khỏi những chấn thương và giây phút bị ăn đòn nặng, nhưng các võ sĩ vẫn vượt lên bằng ý chí và lòng yêu nghề (Ảnh: T.T).

Đam mê đưa tôi đến đây, tôi tạo được chỗ đứng nhất định, tôi quyết không từ bỏ chỗ đứng đó. Ngoài ra, tôi cũng muốn xem thử bản thân mình có thể tiến đến đâu, tôi muốn vượt qua giới hạn của bản thân.

Tôi tự nhủ rằng tôi từ quê nhà lên thành phố lớn để lập nghiệp với nghề võ và tôi thành công. Từ trong nước, tôi tiến ra chinh phục sân chơi quốc tế, tôi cũng đã tạo được dấu ấn nhất định.

Giờ tôi muốn làm được nhiều hơn nữa, giành nhiều thành tích quốc tế hơn nữa. Những điều đó thôi thúc tôi tiếp tục. Tôi nghĩ nhiều võ sĩ khác cũng có tâm lý giống như tôi.

Còn về gia đình thì sao, anh vượt qua sự phản đối của gia đình như thế nào?

- Biết tôi tập võ, cha tôi nhiều lần phản đối. Khi tôi bắt đầu tập luyện, tôi phải năn nỉ cha tôi hết 2 tháng trời mới thành công. Nhưng tôi hiểu rằng cha tôi phản đối phần lớn cũng vì thương tôi, ông ấy sợ tôi vừa đi làm thợ mộc vừa đi tập võ bị kiệt sức.

Năm 2019, cha tôi vào TPHCM khảo sát việc tập luyện, thi đấu, và vẫn không đồng tình với nghề võ sĩ của tôi. Nhưng tôi cố tập và cố lên đài thôi. Mãi đến tận năm 2022, tức là cách đây mới 2 năm, cha mẹ tôi mới đồng ý hoàn toàn.

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn: Ký ức từng đứt gân chân và nghị lực trên võ đài - 4

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn (trái) và tác giả bài viết (Ảnh: T.T).

Ở thời điểm đó, hình ảnh của tôi chiến thắng trên võ đài đã được truyền thông chú ý, hàng xóm láng giềng biết đến, chính cha mẹ tôi cũng tự hào về tôi.

Như đã nói, thật ra phụ huynh không muốn tôi theo nghiệp võ vì sợ tôi khổ. Đến khi thấy tôi có thành tích rồi, ổn định được cuộc sống với nghề nghiệp này rồi mới yên tâm hoàn toàn. Tôi cho rằng bậc làm cha làm mẹ nào cũng vậy thôi, có phản đối hay ủng hộ con cái đều xuất phát từ lòng thương con mà ra cả.

Câu chuyện cho tương lai

Với một võ sĩ chuyên nghiệp, chuyện ép cân và chế độ dinh dưỡng rất nghiêm ngặt, anh có thể chia sẻ gì về việc đó?

- Giai đoạn căng thẳng nhất chắc chắn là giai đoạn ép cân trước mỗi lần thượng đài. Ví dụ như tôi bình thường nặng khoảng 75kg, đến giải đấu, tôi phải ép xuống còn 67kg. Để ép chừng đó ký, việc giảm chế độ ăn, giảm lượng nước đưa vào người hàng ngày là điều bắt buộc.

Thường thì trước giải, mỗi ngày tôi chỉ ăn một chén cơm, một phần nhỏ thịt, cá, chủ yếu là ăn rau, củ, quả. Chế độ dinh dưỡng như thế khiến cũng có thời điểm tôi hay bất kỳ võ sĩ nào khác cảm thấy căng thẳng, nhưng rồi cũng quen dần.

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn: Ký ức từng đứt gân chân và nghị lực trên võ đài - 5

Giai đoạn ép cân trước khi thượng đài là giai đoạn căng thẳng nhất đối với các võ sĩ (Ảnh: T.T).

Ngoài ra, với một võ sĩ chuyên nghiệp thì việc kiêng rượu bia và thuốc lá là điều gần như phải thực hiện, nhằm bảo đảm sức khỏe và sự tập trung trong tập luyện và thi đấu. Chắc chắn chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt không thể giống một người bình thường được.

Còn cuộc sống gia đình của anh thì sao, anh dự định gì cho tương lai?

- Về mặt chuyên môn, tôi muốn chinh phục đấu trường quốc tế. Tôi có mục tiêu chạm trán và đánh bại hai nhà vô địch người Thái Lan ở hạng cân của tôi. Họ mạnh kinh khủng, nhưng tôi rất khao khát được thi đấu với họ. 

Về những hoạt động bên lề của sự nghiệp, tôi có hai dự định, đầu tiên là mở cửa hàng bán dụng cụ thi đấu võ thuật, việc này tôi đã làm rồi. Dự định thứ hai là mở một phòng tập để các em nhỏ có nơi tập luyện. Đây cũng là cách để tôi truyền đam mê cho thế hệ sau, nếu các võ sĩ nhí, võ sĩ trẻ có hứng thú với môn Muay và tìm đến tôi.

Tôi đã dấn thân vào nghề võ, tôi đam mê và tôi muốn hướng thế hệ các võ sĩ sau mình theo con đường bài bản hơn, được tập luyện tốt hơn.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn: Ký ức từng đứt gân chân và nghị lực trên võ đài - 6

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn bên gia đình nhỏ của mình (Ảnh: NVCC).

Đôi nét về võ sĩ Trần Quốc Tuấn

Võ sĩ Trần Quốc Tuấn sinh năm 1996 tại Nam Định. Anh khởi nghiệp với tấm huy chương đồng võ cổ truyền toàn quốc năm 2015, nhưng sau đó chuyển sang thi đấu ở môn Muay từ năm 2016. Trần Quốc Tuấn từng vô địch TPHCM và vô địch quốc gia năm 2021 trong môn Muay, hạng welter weight (67kg nam).

Trần Quốc Tuấn từng đối đầu với 5 võ sĩ nước ngoài ở Tour Tournament của sự kiện Muay Thái Rampage, anh giành chiến thắng cả 5 trận.

Trần Quốc Tuấn có vợ và một con trai năm nay 4 tuổi. Ngoài ra, vợ anh sẽ sinh thêm một con gái vào những tháng tới đây.