Nhà vô địch SEA Games Đinh Anh Hoàng và ước mơ vươn tầm thế giới
(Dân trí) - Đinh Anh Hoàng hiện được xem là tay vợt sáng giá nhất của bóng bàn Việt Nam hiện tại, khi anh vừa có sức trẻ, nhiệt huyết vừa có kỹ thuật tốt đủ sức vươn tầm thế giới nếu được đầu tư một cách bài bản.
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được Đinh Anh Hoàng, khi anh vừa trở về từ giải đấu vòng loại tranh suất dự Olympic Paris 2024 hồi tháng 5 và sau đó lại lao vào việc bảo vệ danh hiệu ở giải vô địch bóng bàn quốc gia 2024 hồi đầu tháng 6 này.
Tin vui là Đinh Anh Hoàng cùng với người đồng đội Lê Đình Đức bảo vệ thành công tấm huy chương vàng (HCV) đôi nam từng giành được vào năm 2023, qua đó 5 năm liên tiếp đều giành HCV ở nội dung đôi nam.
Ngoài ra, Hoàng Max (biệt danh của Đinh Anh Hoàng trong giới bóng bàn) cũng mang về 2 tấm HCB cho đội CAND - T&T ở nội dung đồng đội nam và đôi nam nữ.
Niềm vui không chỉ dừng lại đó, người bạn đời vừa mới cưới vào năm ngoái của Đinh Anh Hoàng, tay vợt Nguyễn Thị Phương Linh (người đồng đội của anh ở đội CAND - T&T cũng như ở đội tuyển quốc gia) cũng giành tấm HCB nội dung đồng đội nữ ở giải Vô địch bóng bàn quốc gia 2024 vừa qua.
Đầu tiên, chúc mừng Hoàng đã thi đấu tốt và giành được 1 HCV (đôi nam), 2 HCB (đồng đội nam, đôi nam nữ) ở giải Vô địch bóng bàn quốc gia vừa qua? Hoàng có hài lòng với những thành tích mình đã giành được?
- Đối với toàn đội thì tôi cảm thấy vui vì trong màu áo mới CAND - T&T chúng tôi đã hoàn thành chỉ tiêu của ban lãnh đạo đưa ra. Ở giải vô địch bóng bàn quốc gia 2024, đội chỉ đặt mục tiêu giành 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ khi giải đấu quy tụ toàn bộ tay vợt mạnh trên toàn quốc.
Tuy nhiên cuối cùng thì đội đã giành được 2 HCV, 3 HCB, vượt chỉ tiêu đề ra một cách xuất sắc. Nhưng ngẫm lại bản thân thì tôi vẫn còn chút tiếc nuối ở nội dung đơn nam vì đã không giành được thành tích tốt như năm ngoái, khi tôi để thua anh Nguyễn Đức Tuân - cựu vô địch SEA Games 31 ở vòng 1/16 đơn nam.
Đó là trận đấu mà trong một vài tình huống tôi bị cuốn theo lối chơi của anh Tuân, một người rất bản lĩnh và dày dạn kinh nghiệm, dẫn tới để thua ở những thời điểm quyết định. Thất bại này sẽ là bài học kinh nghiệm lớn để tôi rút ra những điều bổ ích trong thời gian tới, để kỹ thuật cũng như tâm lý thi đấu của mình tốt hơn.
Kỳ tích khó quên ở SEA Games 32: Ngược dòng đánh bại đối thủ khi bị dẫn tới 10-3
Cho đến lúc này, Hoàng đã giành được rất nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, đặc biệt là tấm HCV đôi nam nữ ở SEA Games 32 hồi năm ngoái. Hoàng có thể chia sẻ kỷ niệm và cảm xúc khi giành được tấm HCV đó?
- Thật sự mỗi khi nhớ lại tấm HCV nội dung đôi nam nữ mà tôi và đồng đội Trần Mai Ngọc giành được ở SEA Games 32 thì cảm xúc khó tả lại ùa về. Nó cứ như là một giấc mơ. Đó là tấm huy chương mà thế hệ trẻ chúng tôi tự hào đạt được, bởi ít nhiều chúng tôi đã mang về vinh quang cho đất nước cũng như cho gia đình, quê hương của mình.
Tấm huy chương đó cũng là động lực để các vận động viên (VĐV) trẻ như tôi và Mai Ngọc cố gắng hơn nữa trong tương lai.
Đó là trận đấu mà giới chuyên môn không thể tin chúng tôi lập được kỳ tích ngược dòng đánh bại đôi VĐV của Singapore, khi chúng tôi bị đối thủ dẫn với tỷ số 10-3 ở set đấu thứ 3 (khi hai set đấu trước đang có tỷ số hòa 1-1), họ chỉ cần thêm một điểm nữa là giành chiến thắng.
Thế nhưng chúng tôi vẫn kiên trì giành chiến thắng từng quả một, gây sốc khi thắng liên tiếp 7 quả để cân bằng tỷ số 10-10 sau đó. Lợi thế về mặt tâm lý giúp chúng tôi đánh bại đối thủ với tỷ số 14-12 một cách kịch tính trước khi giành chiến thắng ở set đấu thứ tư để thắng chung cuộc 3-1.
Tôi nghĩ việc ngược dòng như thế là một kịch bản vô cùng khó, ít xảy ra ở những trận đấu tầm quốc tế nhưng mọi thứ đã ủng hộ chúng tôi làm được kỳ tích này.
Tấm huy chương càng có ý nghĩa hơn khi ở môn bóng bàn ở SEA Games 32 trước đó, đội tuyển Việt Nam chưa giành được bất kỳ tấm huy chương nào, bởi giải đấu quy tụ nhiều VĐV rất mạnh đến từ Thái Lan, Singapore. Nội dung đôi nam nữ cũng không phải là thế mạnh và đặt mục tiêu có huy chương của đội tuyển bóng bàn Việt Nam.
Vì vậy tấm HCV của chúng tôi là điều bất ngờ, đó là kỳ tích 26 năm mới tái hiện kể từ khi hai VĐV thế hệ trước là Vũ Mạnh Cường và Ngô Thu Thủy giành HCV SEA Games cách đây 26 năm tại Brunei (năm 1997).
Ở vòng loại tranh suất dự Olympic Paris 2024 vừa qua, Hoàng đã thể hiện phong độ khá tốt khi lọt vào vòng bán kết, đặc biệt chơi ngang ngửa với tay vợt có thứ hạng cao thế giới là Quek Izzac, trong khi đồng đội Nguyễn Anh Tú có phong độ không tốt khi sớm bị loại từ vòng bảng. Hoàng có thể chia sẻ về kỷ niệm ở giải đấu này?
- Tại vòng loại Olympic vừa rồi, đội tuyển bóng bàn quốc gia Việt Nam có chuyến tập huấn một tháng tại Trung Quốc. Cá nhân tôi cảm thấy quãng thời gian tập huấn đấy rất giá trị, học hỏi thêm được nhiều điều hữu ích.
Bản thân tôi cũng được hỗ trợ bởi ban huấn luyện đội tuyển đều là những HLV dày dạn kinh nghiệm như HLV Đoàn Kiến Quốc và HLV Vũ Văn Trung rất nhiều!
Còn nói về anh Nguyễn Anh Tú, tôi đánh giá anh ấy là VĐV có nền tảng kỹ thuật tốt nhất Việt Nam mình hiện nay. Vấn đề là ở giải đấu vòng loại Olympic vừa qua, dường như tâm lý của anh Tú chưa được tốt nên không thể hiện được đúng phong độ cao nhất.
Đó là điều mà bất kỳ VĐV nào cũng có thể gặp phải. Chúng tôi vì vậy luôn phải cố gắng rèn luyện bản lĩnh của mình hơn nữa khi ra đấu trường quốc tế.
Ước mơ đi du đấu để vươn tầm quốc tế
Nhiều người cho rằng xét về trình độ kỹ thuật, VĐV bóng bàn Việt Nam cho thấy không kém cạnh gì các tay vợt thế giới. Theo Hoàng, đâu là trở ngại khiến chúng ta vẫn chưa thể cạnh tranh với họ khi ra đấu trường quốc tế?
- Cá nhân tôi thấy vấn đề chính là sự khác biệt về môi trường tập luyện và thi đấu. Môi trường tập luyện ở Việt Nam rõ ràng là chưa thể bằng với các VĐV nước bạn. Tôi cũng cho rằng trình độ kỹ thuật của các VĐV Việt Nam mình rất tốt.
Vì vậy nếu tôi và các VĐV trong nước được tạo điều kiện tập luyện và thi đấu ở nước ngoài nhiều hơn thì sẽ nâng cao thành tích của mình hơn.
Ví dụ như chuyến đi tập huấn tại Trung Quốc chỉ một tháng ít ỏi thôi nhưng chúng tôi có những thay đổi rõ rệt về chuyên môn rồi. Bóng bàn là môn đòi hỏi phải có giao lưu cọ xát thật nhiều, phải gặp những VĐV ở nước ngoài có trình độ cao hơn thì VĐV chúng ta mới nâng cao được chuyên môn.
Như VĐV Nguyễn Anh Tú hầu như không có đối thủ trong nước, nên nếu cứ tập luyện thi đấu ở môi trường trong nước thì sẽ khó phát triển. Bản thân tôi cũng rất mong muốn sẽ có thêm nhiều chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế trong thời gian tới.
Còn nhớ ở Asiad 19, Hoàng đã có dịp được so tài với tay vợt bóng bàn số một thế giới là Wang Chuquin trong khi Nguyễn Anh Tú đối đầu với huyền thoại bóng bàn Ma Long. Hẳn đây là kỷ niệm đẹp của các bạn?
- Đúng vậy. Không phải VĐV bóng bàn nào cũng được dịp so tài với Wang Chuqin hay Ma Long. Họ đều là những tay vợt không chỉ số một của Trung Quốc mà của cả bóng bàn thế giới hiện tại. Được đánh với Wang Chuqin trong một trận đấu quốc tế thực sự là kỷ niệm khó quên với tôi. Thậm chí sau đó tôi còn được chụp ảnh với các thần tượng của mình.
Cưới vợ là chiếc cúp vô địch lớn nhất cuộc đời
Hiện tại Hoàng được đánh giá là tay vợt sáng giá nhất của bóng bàn Việt Nam ở thời điểm hiện tại, vậy cơ duyên nào để bạn đến với bóng bàn, trong gia đình bạn có truyền thống về môn thể thao này hay không?
- Bố tôi là một người rất thích môn bóng bàn. Hồi nhỏ bố tôi tập luyện cho cả hai chị em tôi, và truyền đam mê bóng bàn cho tôi ngay từ nhỏ. Bóng bàn là môn đòi hỏi năng khiếu rất nhiều. Rất may tôi theo đuổi môn này từ khi còn rất bé và gắn bó từ đó đến giờ.
Nhắc đến chữ duyên, năm 2023 nhiều người vui mừng khi bạn kết duyên với người bạn đời Phương Linh - người là đồng đội ở CLB CAND - T&T cũng như ở đội tuyển quốc gia. Bạn có thể chia sẻ thêm cho mọi người biết niềm vui này?
- Năm 2023 thực sự là một năm rất nhiều niềm vui đối với tôi. Đó là năm mà tôi vinh dự giành được tấm HCV quý giá ở SEA Games 32. Quan trọng hơn nữa là tôi đã làm đám cưới với Phương Linh. Tình yêu của chúng tôi sau nhiều năm tháng cuối cùng cũng đơm hoa kết trái, về chung một nhà.
Với tôi, cưới vợ chính là giành được chiếc cúp vô địch lớn nhất trong cuộc đời của mình. Vợ tôi là một người trong nghề bóng bàn nên chúng tôi có thể chia sẻ dễ hơn trong cuộc sống cũng như động viên lẫn nhau trong chuyên môn.
Phương Linh cũng là một VĐV rất giỏi về chuyên môn nên có thể nhìn nhận được những cái chưa tốt của tôi. Tôi cũng muốn cảm ơn cô ấy vì đã luôn ủng hộ mọi quyết định của tôi cho đến lúc này.
Có một chi tiết được Phương Linh chia sẻ sau giải vô địch bóng bàn quốc gia vừa qua, khi Linh đánh trận chung kết đồng đội nữ thì ở bàn bên kia Hoàng cũng đang thi đấu chung kết đồng đội nam. Bạn có thể chia sẻ cảm xúc ở thời điểm đó, mặc dù hơi đáng tiếc là cả hai đều thất bại ở trận chung kết và chỉ giành huy chương bạc (HCB)?
Khoảnh khắc đó là thật sự là một kỷ niệm đẹp. Thông thường khi Linh thi đấu thì tôi sẽ cổ vũ và ngược lại, nhưng lúc đó cả hai chúng tôi đều bước vào trận chung kết cùng thời điểm. Ai cũng tập trung lo cho trận đấu của mình và không có thời gian để cổ vũ người còn lại.
Rất tiếc là cả hai chúng tôi đều chỉ giành được tấm HCB. Cả hai chúng tôi sẽ họp nội bộ, để rút kinh nghiệm sâu sắc cho những giải đấu lần sau (cười).
Cả hai đều là VĐV tuyển quốc gia bóng bàn, hẳn thời gian dành cho tập luyện thi đấu rất nhiều, liệu có ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của cá nhân nào không?
- Chúng tôi cảm thấy vui vẻ với nghề nghiệp của mình, mất rất nhiều thời gian và tập luyện nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau cùng cố gắng. Có thể không có nhiều thời gian cho nhau nhưng chúng tôi luôn chia sẻ và động viên nhau về chuyên môn, từ đó chúng tôi thấy gắn kết hơn cũng như hạnh phúc hơn trong cuộc sống hiện tại.
Mục tiêu của cả hai bạn trong thời gian tới là gì?
- Chúng tôi sẽ luôn cố gắng trên con đường đã lựa chọn, hi vọng sẽ giành được nhiều danh hiệu cho cá nhân và đất nước trong các giải đấu lớn trong tương lai.
Cảm ơn bạn về buổi trò chuyện thú vị này!