DNews

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: "Những năm tháng cơ cực giúp tôi mạnh mẽ"

Trọng Vũ

(Dân trí) - Cựu võ sĩ quyền anh Trương Đình Hoàng tâm sự chính những năm tháng cơ cực từ thuở nhỏ giúp anh luôn mạnh mẽ hướng về phía trước, tạo nên sự nghiệp đáng ngưỡng mộ sau này.

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: "Những năm tháng cơ cực giúp tôi mạnh mẽ"

Cũng theo Trương Đình Hoàng, khác với nhiều võ sĩ khác và không giống với nhiều gia đình có con em theo nghiệp võ, cha mẹ anh không phản đối lựa chọn của anh. Trái lại gia đình luôn động viên, ủng hộ anh suốt từ khi mới chập chững tập võ, cho đến những ngày vinh quang.

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: Những năm tháng cơ cực giúp tôi mạnh mẽ - 1

Cựu võ sĩ quyền anh hàng đầu Việt Nam, Trương Đình Hoàng (Ảnh: T.T).

Không những thành công với nhiều danh hiệu cấp quốc gia và quốc tế, Trương Đình Hoàng còn nổi tiếng với biệt danh "Nam vương quyền anh Việt Nam", nhờ vẻ ngoài như nam thần của mình.

Dù vậy, bản thân Trương Đình Hoàng không quan tâm lắm đến danh xưng này, anh chỉ mong được mọi người gọi với cái tên do cha mẹ anh đặt: Trương Đình Hoàng.

Một buổi sáng đầu tháng 6, Trương Đình Hoàng trò chuyện với phóng viên Dân trí về chuyện đời, chuyện nghề.

Quyền anh thay đổi cuộc đời

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: Những năm tháng cơ cực giúp tôi mạnh mẽ - 2

Quyền anh giúp Trương Đình Hoàng thay đổi cuộc đời (Ảnh: T.T).

Cơ duyên nào đưa anh đến với võ thuật, đến với sàn đấu quyền anh và sau đó là quyền anh chuyên nghiệp?

- Tôi khởi đầu việc tập võ của mình năm tôi học lớp 7, khoảng 12 tuổi, tại Nhà văn hóa xã Ea Phê, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk). Ngày đó tôi tập nội dung tán thủ trong môn Wushu. Được một thời gian, tôi được đưa lên đội tuyển của tỉnh Đắk Lắk, nhưng sau đó lại bị trả về vì ngày đó tôi chưa phải là vận động viên (VĐV) giỏi.

Về nhà một thời gian, khoảng tháng 11/2006, sau khoảng nửa năm nghỉ tập võ, lại có đợt tuyển chọn VĐV quyền anh, tôi tham gia ứng tuyển và lại được vào đội tuyển trẻ của tỉnh Đắk Lắk. Năm đó, tôi 16 tuổi và gắn bó với quyền anh đến tận sau này.

Đến năm 2019, tôi bắt đầu thi đấu quyền anh chuyên nghiệp, song song với việc vẫn thi đấu nghiệp dư ở các đại hội thể thao trong nước và quốc tế.

Nói đến sự nghiệp của Trương Đình Hoàng, người ta thường nhắc đến những thành công, những chiến tích đồ sộ mà anh sở hữu, nhưng hẳn có lúc anh cũng có những thất bại, đâu là khúc quanh trong sự nghiệp của Trương Đình Hoàng?

- Tôi nhớ như in thời điểm năm 2018. Năm đó tôi giã từ đội tuyển quốc gia, về nhà mở một phòng tập dịch vụ. Tuy nhiên, phòng tập mới hình thành, lượng khách không ổn định, nguồn thu không đều.

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: Những năm tháng cơ cực giúp tôi mạnh mẽ - 3

Bên cạnh thành công, cũng có lúc Trương Đình Hoàng phải hứng chịu thất bại (Ảnh: T.T).

Phải nói rằng kinh tế của tôi ở thời điểm đó rất chật vật, cộng thêm việc cha tôi bệnh nặng, vợ mang thai đứa con thứ hai, khiến tôi đối diện với nhiều áp lực.

Nhưng đúng thời điểm đó, tôi bất ngờ nhận được lời mời thượng đài với một đối thủ người Australia (Mateo Tapia, hạng siêu trung 76kg), với chi phí thượng đài 400 triệu đồng. Số tiền nói trên đúng là rất cần thiết cho tôi ở thời điểm đó, tôi chấp nhận quay lại.

Rồi cũng từ trận đấu đó, tuy tôi không thành công, nhưng đó vẫn là bước ngoặt để tôi trở lại với môn quyền anh, bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ đó. Chưa hết, các nhà chuyên môn ở đội tuyển quốc gia thấy được khả năng của tôi qua trận đấu ấy, mở ra cơ hội cho tôi trở lại đội tuyển quốc gia. Cuộc sống của tôi từ sau thời điểm đó mới ổn định.

Những cột mốc trong sự nghiệp

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: Những năm tháng cơ cực giúp tôi mạnh mẽ - 4

Mười mấy năm ở đỉnh cao, Trương Đình Hoàng giành rất nhiều vinh quang (Ảnh: T.T).

Mười mấy năm thượng đài, hẳn phải có những trận thắng đáng nhớ, những thành tích đáng nhớ mãi ghi dấu ấn trong lòng anh?

- Tấm huy chương vàng (HCV) SEA Games năm 2015, hạng 75kg nam, tôi giành được tại Singapore. Tôi thắng một đối thủ người Philippines ở bán kết, sau đó thắng đối thủ khác người Thái Lan trong trận chung kết.

Philippines và Thái Lan luôn là các cường quốc quyền anh không chỉ ở Đông Nam Á mà còn ở quy mô thế giới, nên những trận thắng đó khiến giới quyền anh khắp khu vực quan tâm đặc biệt. Bản thân tôi vẫn phải thừa nhận rằng về kinh nghiệm thi đấu, về cơ hội được cọ xát, các võ sĩ người Philippines và Thái Lan nhỉnh hơn võ sĩ Việt Nam.

Công việc của một võ sĩ, nhất là một võ sĩ thi đấu các nội dung đối kháng trực tiếp trên võ đài hết sức đặc thù? Có bao giờ anh cảm thấy căng thẳng vì những gì mà anh phải trải qua hàng ngày trong suốt sự nghiệp của mình?

- Tôi không căng thẳng vì các trận đấu, kể cả không hề thấy căng thẳng khi buộc phải ép cân trước khi thượng đài (từ 83kg - 84kg lúc bình thường, ép xuống 81kg hoặc 75-76kg khi thi đấu, tùy theo giải đấu). Tôi xem đấy là điều bắt buộc phải trải qua đối với một người theo nghiệp võ.

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: Những năm tháng cơ cực giúp tôi mạnh mẽ - 5

Sau lưng Trương Đình Hoàng luôn có sự ủng hộ của gia đình (Ảnh: NVCC).

Nhưng tôi căng thẳng, thậm chí thấy chán nản vì có thời điểm tôi không thấy được tương lai của nghề này, không hình dung được rằng cái nghề này rồi sẽ đưa tôi về đâu? Đấy là thời điểm cách đây khoảng 8-10 năm.

Chúng ta biết rằng 8-10 năm trước, quyền anh ở Việt Nam không được như bây giờ. Thời điểm đó với võ sĩ chúng tôi rất khó khăn. Bây giờ thì môn này đã được quan tâm nhiều hơn, từ các mạnh thường quân cho đến khán giả, giúp cho cuộc sống của võ sĩ tốt hơn hẳn. Chứ ngày đó, chúng tôi khó khăn lắm.

Một vấn đề khác nữa, thường thì các võ sĩ khi mới vào nghề, không được gia đình ủng hộ, chủ yếu họ lo con em mình chịu đòn đau trên võ đài. Với gia đình của Trương Đình Hoàng thì sao?

- Tôi có may mắn ở chỗ cha mẹ tôi luôn ủng hộ tôi hết mình, từ lúc tôi bắt đầu tập võ cho đến giờ. Tôi sinh ra trong một gia đình cơ cực, cha mẹ làm nông, thuở nhỏ nhà tôi khổ lắm. Việc tôi được vào đội tuyển võ thuật của tỉnh, được nuôi ăn học phần nào đã giúp cho gia đình tôi bớt đi gánh nặng.

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: Những năm tháng cơ cực giúp tôi mạnh mẽ - 6

Người cha luôn lặng thầm ủng hộ Trương Đình Hoàng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào (Ảnh: NVCC).

Có thể nói, tôi tự lập từ năm 15 tuổi. Ban đầu, có những lúc tôi buồn vì gia đình không có điều kiện như các bạn đồng trang lứa. Nhưng sau này, khi trưởng thành, tôi nhìn lại cuộc đời mình và nhận ra rằng chính những năm tháng cơ cực ngày còn nhỏ giúp tôi bền bỉ hơn, mạnh mẽ hơn.

Nếu tôi sinh ra ở vạch đích có khi tôi đã không đủ mạnh mẽ để vượt qua những thời điểm sóng gió nhất trong sự nghiệp, đã không thể trụ vững trên đỉnh cao đến ngày hôm nay. Tôi biết điều đó cũng khiến cha mẹ tôi tự hào.

Những năm sau này, mỗi khi tôi có các trận đấu quan trọng, cha tôi đều đến tận nơi theo dõi tôi thi đấu, tiếp tục ủng hộ tôi. Đó là nguồn động viên vô cùng lớn đối với tôi. Tôi biết rằng dù tôi ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình luôn sát cánh bên tôi. Điều đó làm tôi hạnh phúc.

Hãy gọi tôi là "Trương Đình Hoàng"

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: Những năm tháng cơ cực giúp tôi mạnh mẽ - 7

Trương Đình Hoàng bên tổ ấm của mình (Ảnh: NVCC).

Người ta gọi anh "Nam vương quyền anh Việt Nam", danh xưng đó từ đâu ra?

- Tôi cũng không rõ, tôi cũng được nghe người khác gọi mình thế thôi. Nhưng kỳ thực tôi không quan tâm nhiều lắm đến các danh xưng. Tôi chỉ muốn được gọi với đúng cái tên mà cha mẹ đã đặt cho tôi: Trương Đình Hoàng.

Còn về cuộc sống của anh sau khi giải nghệ đến giờ như thế nào? Anh có thể chia sẻ với mọi người về cuộc sống phía sau ánh hào quang của một cựu võ sĩ nổi tiếng?

- Tôi giải nghệ từ đầu năm 2024. Thật ra từ khi giải nghệ đến giờ, có lúc tôi vẫn nhớ những khoảnh khắc mình đứng trên đài. Cái nghề đã theo tôi biết bao nhiêu năm, làm sao quên được.

Võ sĩ Trương Đình Hoàng: Những năm tháng cơ cực giúp tôi mạnh mẽ - 8

Sau khi giải nghệ, bên cạnh Trương Đình Hoàng luôn có gia đình và vẫn không thiếu quyền anh (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, tôi tự nhủ tôi vẫn làm việc với môn quyền anh, chỉ là với vai trò khác. Giờ tôi tập trung cho công tác huấn luyện. Tôi hướng các bạn trẻ đam mê với nghề được tập luyện một cách bài bản hơn, hoặc hướng dẫn những người muốn tập nghiệp dư được khỏe mạnh hơn.

Ngày trước tôi suy nghĩ cho các đòn thế của việc thi đấu, còn giờ tôi suy nghĩ theo hướng nghiên cứu để có các giáo án, có phương án huấn luyện tốt hơn cho mọi người, cho VĐV của tôi. Thật ra, hàng ngày tôi vẫn ở phòng tập (tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) từ sáng đến tối, xem như vẫn luôn gắn bó với nghiệp quyền anh.

Vậy Trương Đình Hoàng có hướng các con của mình đến với nghiệp võ sĩ giống cha?

- Tôi có 2 con trai, con lớn năm nay 8 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi. Tôi sẽ để cho các con tôi tự chọn nghề nghiệp của chúng. Nếu con tôi có năng khiếu, có tố chất và có đam mê về võ thuật, về thể thao, tôi sẽ hướng dẫn chúng.

Ngược lại, nếu các con muốn theo nghề khác, tôi vẫn luôn ủng hộ. Tôi sẽ đi theo sự lựa chọn của con tôi, không bao giờ có chuyện tôi ép buộc chúng. Vả lại, nếu chúng đã lựa chọn, có ép cũng chẳng được.

Xin cảm ơn anh và chúc anh luôn thành công, hạnh phúc!

Đôi nét về võ sĩ Trương Đình Hoàng

Trương Đình Hoàng sinh năm 1990, tại xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, trong một gia đình có hai anh chị em. Trương Đình Hoàng cao 1m82, thi đấu sở trường ở hạng siêu trung (76kg nam).

Anh có 14 năm liền vô địch quyền anh quốc gia (từ 2009 - 2022), hạng 75kg nam. Đình Hoàng giành huy chương vàng SEA Games 2015 hạng 75kg nam, huy chương bạc SEA Games 2019 hạng 81kg, huy chương đồng SEA Games 2011 các hạng cân 69kg và 75kg.

Trương Đình Hoàng có 3 trận thi đấu quyền anh nhà nghề, toàn thắng cả 3 trận, trong đó có hai chiến thắng bằng knock-out, từng giữ đai vô địch WBA châu Á hạng siêu trung.