DNews

The Economist: Ông Putin dường như đang chiến thắng ở Ukraine

Nguyễn Bình

(Dân trí) - The Economist cho rằng phương Tây, do thiếu tầm nhìn chiến lược, đã không làm đủ để ngăn chặn ông Putin giành chiến thắng ở Ukraine.

The Economist: Ông Putin dường như đang chiến thắng ở Ukraine

Tổng thống Nga Putin đang chiến thắng ở Ukraine

Theo Economist, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, ông ấy dường như đang giành chiến thắng.

Tổng thống Nga đã đặt đất nước của mình vào tình thế chiến tranh và củng cố quyền lực của mình. Ông đã mua vật tư quân sự ở nước ngoài và đang giúp biến các quốc gia Nam bán cầu quay lưng chống lại Mỹ.

Điều quan trọng là ông ấy đang làm suy yếu niềm tin ở phương Tây rằng Ukraine có thể - và phải - thoát ra khỏi cuộc xung đột với tư cách là một nền dân chủ châu Âu thịnh vượng.

Phương Tây có thể làm nhiều hơn nữa để khiến ông chủ Điện Kremlin thất vọng. Nếu quyết định như vậy, họ đủ sức mạnh công nghiệp và tài chính lấn át Nga. Tuy nhiên, tính tự mãn và sự thiếu tầm nhìn chiến lược đang cản trở họ, đặc biệt là ở châu Âu.

Vì lợi ích của chính mình cũng như của Ukraine, phương Tây cần khẩn trương thoát khỏi trạng thái thờ ơ.

Lý do Tổng thống Nga Putin có thể giành chiến thắng nhờ sự bền bỉ chứ không phải giành được lãnh thổ, quân đội Ukraine thiếu khả năng đánh bật Nga ra khỏi vùng đất mà Moscow đang kiểm soát.

Cuộc phản công của Ukraine đã bị đình trệ. Nga đang mất hơn 900 người mỗi ngày trong trận chiến chiếm Avdiivka, một thành phố ở vùng Donbass. Đây là cuộc chiến của người phòng thủ và nó có thể kéo dài nhiều năm. Ai bền bỉ hơn người đó sẽ thắng.

Tự cổ chí kim, tình hình chiến trường sẽ quyết định chính trị. Nếu Ukraine rút lui, bất đồng chính kiến ở Kiev sẽ ngày càng lớn hơn. Vì vậy, phương Tây cũng sẽ nói rằng việc gửi tiền và vũ khí cho chính quyền của ông Zelensky là một sự lãng phí.

Ít nhất là vào năm 2024, Nga sẽ ở thế mạnh hơn để chiến đấu nhờ họ sẽ có nhiều máy bay không người lái và đạn pháo hơn, quân đội đã phát triển thành công các chiến thuật tác chiến điện tử chống lại một số vũ khí của Kiev và vì nhà lãnh đạo Nga sẽ chịu đựng được những thương vong lớn.

Sự hỗ trợ ngày càng tăng của nước ngoài phần nào giải thích lợi thế của Nga trên chiến trường. Phương Tây nghi ngờ rằng họ đã mua được máy bay không người lái từ Iran và đạn pháo từ Triều Tiên. Tổng thống Nga đã nỗ lực thuyết phục phần lớn khu vực phía nam bán cầu rằng họ không có lợi ích gì lớn trong những gì xảy ra với Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan đã tham gia cung cấp hàng hóa cho Nga. Kế hoạch của phương Tây nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga bằng cách giới hạn giá dầu thô ở mức 60 USD/thùng đã thất bại vì cơ cấu thương mại song song đã xuất hiện ngoài tầm với của phương Tây. Giá dầu thô Urals từ Nga là 64 USD, tăng gần 10% kể từ đầu năm 2023.

The Economist: Ông Putin dường như đang chiến thắng ở Ukraine - 1
Phương Tây bị sốc khi Nga đứng vững trước các lệnh trừng phạt. Chúng tôi đã được dự báo trước về một tình hình tiêu cực có thể so sánh với những năm 1990.
Andrey Belousov - Phó Thủ tướng thứ nhất Nga

Giữa bão trừng phạt, kinh tế Nga vẫn có thể tăng trưởng nhanh gấp 3 châu Âu. Cụ thể, hãng tin Anh Telegraph ngày 24/11 trích dẫn báo cáo của Amundi, nhà quản lý quỹ lớn nhất châu Âu tính theo quy mô tài sản, dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2024, trong khi khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 0,5%.

Trước đó, RT ngày 5/11 đưa tin, Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrey Belousov cho biết khả năng hồi phục thần kỳ của Moscow trước áp lực trừng phạt chưa từng có của phương Tây đã khiến Mỹ và đồng minh phải dè chừng. Ông khẳng định Nga đã đạt được chủ quyền kinh tế thực sự, khả năng theo đuổi chính sách độc lập và bảo vệ lợi ích quốc gia trước mọi áp lực từ bên ngoài.

"Phương Tây bị sốc khi Nga đứng vững trước các lệnh trừng phạt. Chúng tôi đã được dự báo trước về một tình hình tiêu cực có thể so sánh với những năm 1990", Phó Thủ tướng Nga nói.

Ông Putin cũng đang chiến thắng vì ông đã củng cố được vị thế của mình ở trong nước. Bây giờ ông nói với người Nga rằng họ đang ở trong một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại phương Tây.

Người Nga bình thường có thể không thích chiến tranh, nhưng họ đã quen với nó. Giới thượng lưu đã thắt chặt sự kiểm soát của họ đối với nền kinh tế và đang kiếm được rất nhiều tiền. Người đứng đầu nhà nước Nga có đủ khả năng trả lương cả đời cho gia đình những người đã chiến đấu và hy sinh.

The Economist: Ông Putin dường như đang chiến thắng ở Ukraine - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP).

Ukraine "khó trăm bề"

Theo Bloomberg, một cảm giác u ám đang bao trùm Ukraine khi thất bại của cuộc phản công kéo dài nhiều tháng nhường chỗ cho mùa đông thứ hai kể từ khi xung đột bùng nổ.

Đối mặt với tất cả những điều này, không có gì ngạc nhiên khi tâm trạng ở Kiev lại trở nên u ám hơn. Chính trường đã nóng trở lại khi mọi người tranh giành ảnh hưởng.

Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine và Valery Zaluzhny - Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang - vị tướng cấp cao nhất của nước này, đã bất đồng quan điểm. Cuộc thăm dò nội bộ cho thấy các vụ bê bối tham nhũng và những lo ngại về tương lai của Ukraine đã làm giảm uy tín của ông Zelensky trong lòng cử tri.

Các chính phủ phương Tây khẳng định họ vẫn cam kết ủng hộ Ukraine hơn bao giờ hết. Nhưng các cuộc thăm dò trên khắp thế giới cho thấy nhiều người nghi ngờ điều đó. Ở Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực thuyết phục Quốc hội phê duyệt khoản tài trợ trị giá hơn 60 tỷ USD cho Kiev.

Chiến dịch bầu cử năm tới sẽ sớm bắt đầu. Nếu Donald Trump được bầu làm tổng thống, sau khi ông thực hiện lời hứa đạt được hòa bình trong thời gian ngắn, Mỹ có thể đột ngột ngừng cung cấp vũ khí hoàn toàn cho Ukraine.

Châu Âu nên chuẩn bị cho khả năng khủng khiếp đó - và sự giúp đỡ của Mỹ sẽ chậm lại, bất kể ai ở Nhà Trắng. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đang tiếp tục như thể ông Joe Biden sẽ luôn nắm quyền. Liên minh châu Âu đã hứa với Kiev 50 tỷ euro (56 tỷ USD), nhưng số tiền này đang bị Hungary cản trở và có thể là tình trạng lộn xộn ngân sách ở Đức.

Vào tháng 12, EU sẽ phát tín hiệu rằng họ sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine. Nhưng nhiều người tin rằng quá trình này sẽ được kéo dài một cách có chủ ý vì việc mở rộng là thách thức và đe dọa đến các lợi ích được đảm bảo.

Có chính trị gia đã nói rằng châu Âu đang mệt mỏi. Liệu nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ thúc đẩy sự ủng hộ dành cho Ukraine, vì châu Âu chịu trách nhiệm về việc phòng thủ của chính mình? Một nhà lãnh đạo dự đoán riêng rằng, sự hỗ trợ trên thực tế sẽ bị phân tán.

Đó sẽ là một thảm họa. Đến năm 2025, áp lực điều hành một cuộc xung đột có thể bắt đầu đè nặng lên ông Putin. Người Nga có thể ngày càng phẫn nộ trước việc buộc phải động viên tân binh, lạm phát và chuyển hướng chi tiêu xã hội cho quân đội. Tuy nhiên, chỉ hy vọng rằng chế độ của ông ấy sụp đổ là vô nghĩa.

The Economist: Ông Putin dường như đang chiến thắng ở Ukraine - 3

Tổng thống Nga Putin cùng các tướng lĩnh quân đội Nga theo dõi một cuộc tập trận (Ảnh: Telegram).

Mỹ - NATO có cản nổi ông Putin?

Theo Economist, Tổng thống Putin có thể nắm quyền trong nhiều năm và nếu làm vậy, phương Tây cho rằng ông đã hủy hoại triển vọng của đất nước mình bằng cách cô lập Nga khỏi châu Âu và đẩy những người dám nghĩ dám làm nhất của đất nước này phải lưu vong. Nguy cơ xung đột lan rộng ra khỏi Ukraine là có thể xảy ra.

Do đó, châu Âu phải lên kế hoạch coi ông Putin là mối đe dọa lâu dài chính đối với an ninh của mình. Nga sẽ tái vũ trang. Họ có kinh nghiệm chiến đấu.

Theo Newsweek, NATO nên "tiết kiệm thời gian" bằng cách thúc đẩy Kiev giành chiến thắng và làm suy yếu quân đội Nga ở mức tối đa, đồng thời tích hợp Ukraine vào các cơ cấu và ngành công nghiệp phòng thủ của EU - NATO.

Châu Âu phải đảm nhận vai trò "cân bằng" hơn trong nỗ lực của Mỹ đối với Ukraine bên cạnh việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm tiếp tục "cản trở sự phát triển của nền kinh tế chiến tranh Nga".

Kế hoạch phòng thủ của châu Âu nên được thiết kế để ngăn ông Putin nhận ra điểm yếu ở bên sườn của mình, đặc biệt nếu ông nghi ngờ sự sẵn sàng chiến đấu của Tổng thống Trump (giả định ông đắc cử trong nhiệm kỳ tới), khi một quốc gia NATO bị tấn công.

Cách tốt nhất để ngăn chặn ông chủ Điện Kremlin, là châu Âu phải hiện thực hóa quyết tâm của mình ngay bây giờ bằng cách hoàn toàn cam kết vì một Ukraine thịnh vượng, dân chủ và hướng về phương Tây.

Vấn đề vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa để tấn công vào các đường tiếp tế của Nga, đó là lý do tại sao việc Mỹ phê duyệt đợt viện trợ mới nhất là rất quan trọng. Bởi vì kho vũ khí đã cạn kiệt nên cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực của các nhà sản xuất vũ khí phương Tây.

Các lệnh trừng phạt có thể được nhắm mục tiêu hiệu quả hơn để chia rẽ chế độ khỏi giới thượng lưu. Hành động chính trị ở châu Âu cũng rất cần thiết.

Ông Putin được cho là sẽ tấn công các thành phố của Ukraine, ngăn chặn quá trình chuyển đổi sang một nền dân chủ kiểu phương Tây. Để đáp lại, châu Âu nên tăng gấp đôi nỗ lực của mình nhằm đảm bảo Kiev tiến bộ, với lời hứa về tiền bạc và việc gia nhập EU.

Các nhà lãnh đạo châu Âu chưa thừa nhận quy mô của nhiệm vụ này - thực tế là có quá nhiều người dường như đang chùn bước trước nó.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine