1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine gặp khó khi bàn cờ thế giới bất ngờ thay đổi

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Trên chiến trường, mùa đông đến, tình trạng thiếu đạn dược của Kiev trở nên khó khăn hơn trong khi Nga tiếp tục các đợt tấn công bất chấp tổn thất.

Ukraine gặp khó khi bàn cờ thế giới bất ngờ thay đổi - 1

Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky (Ảnh: SKy News).

Bàn cờ địa chính trị thế giới bất ngờ thay đổi

Bloomberg đưa tin, vào cuối tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg đã thảo luận về việc thăm trụ sở của liên minh ở Brussels để gặp nhóm các quốc gia hỗ trợ quân sự cho ông. Mục tiêu là duy trì hoạt động của vũ khí sau một cuộc phản công mùa hè không mang lại bước đột phá lớn.

Vào thời điểm ông Zelensky đến khuôn viên NATO ngày 11/10 trong chuyến thăm đầu tiên kể từ cuộc xung đột bùng nổ, nhiệm vụ đó càng trở nên cấp bách hơn. Bốn ngày trước đó, các chiến binh Hamas đã bất ngờ tấn công Israel từ Gaza và Israel đã đáp trả. Cả thế giới hiện nay tập trung chủ yếu vào cuộc xung đột ở Trung Đông, bàn cờ địa chính trị quân sự toàn cầu đã xoay chuyển.

Các bộ trưởng quốc phòng của khoảng 50 quốc gia trong nhóm được gọi là "thể thức Ramstein" đã gặp lại nhau trong tuần này. Trong khi họ nhắc lại sự ủng hộ của mình, tâm trạng riêng của các quan chức lại trở nên u ám hơn khi họ thừa nhận rằng, việc cung cấp vũ khí cho Kiev đã chậm lại và viện trợ tài chính đã bị đình trệ bởi chính trị nội bộ trong mỗi quốc gia.

Trong những tuần kể từ khi Tổng thống Zelensky ở Brussels trở về, áp lực đã tăng lên đối với ông, để bằng cách nào đó vạch ra con đường dẫn đến chiến thắng.

Trên chiến trường, một mùa đông mới đang ập đến, cùng với tình trạng thiếu đạn dược ngày càng trở nên khó khăn hơn, trong khi đó, lực lượng Moscow tiếp tục các đợt tấn công về phía trước bất chấp tổn thất, còn Kiev đã cạn kiệt lực lượng dự bị và không muốn, hoặc dù có muốn cũng chẳng biết lấy ở đâu ra để gửi thêm binh sĩ ra mặt trận.

Ngoài chiến trường, một số người ở Mỹ và châu Âu đang bắt đầu đặt câu hỏi về việc liệu họ có thể tiếp tục ném các nguồn lực vốn đã căng thẳng và cạn kiệt vào điều mà vị tướng hàng đầu của Ukraine, Tổng tham mưu trưởng Valery Zaluzhny, thừa nhận là bế tắc hay không.

Với cuộc bầu cử ở Mỹ còn một năm nữa mới diễn ra, Kiev nhận thức được rằng đồng hồ đang đếm ngược và chỉ có những chiến thắng quân sự mới có thể giúp các đối tác tăng cường trợ giúp dễ dàng hơn.

Nhưng ngay cả trước cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10 của Hamas và cuộc tiến quân vào Gaza sau đó của Israel, các quan chức Kiev đã ghi nhận sự suy giảm mối quan tâm của phương Tây đối với Ukraine.

Tuần trước, Tổng thống Zelensky đã dành thời gian để đảm bảo với các đồng minh rằng quân đội của ông đang chuẩn bị chiến đấu suốt mùa đông, trong khi một phái đoàn từ Kiev đến thăm Washington.

"Bây giờ tôi đang tập trung vào việc nhận viện trợ từ phương Tây", nhà lãnh đạo Ukraine nói ngày 16/11 và cầu khẩn các đồng minh, "trọng tâm của họ đang thay đổi vì Trung Đông và các lý do khác. Nếu không có sự hỗ trợ, chúng tôi sẽ thụt lùi".

Ukraine gặp khó khăn

Thực tế đối với Kiev là chiến tuyến trong cuộc xung đột hầu như không có thay đổi đáng kể hoặc một cách có ý nghĩa trong suốt một năm qua, bất chấp chiến dịch phản công đẫm máu đã kéo dài 5 tháng nay.

Người châu Âu đang chùn bước trong nỗ lực cung cấp đạn pháo rất cần thiết cho quân đội Ukraine, trong khi ngày càng có nhiều dấu hiệu mệt mỏi về chính trị, đặc biệt là ở Washington, đối tác quan trọng nhất của Kiev.

Mối lo ngại là viện trợ sụt giảm nghiêm trọng hoặc không đủ để kháng cự có thể sớm buộc ông Zelensky lâm vào thế bí, có thể phải tham gia đàm phán hòa bình với tư thế "chiếu dưới", hoặc tồi tệ hơn, mở ra cơ hội cho Nga vượt qua giới hạn của Ukraine và khiến ông chủ Điện Kremlin không có động cơ hay thấy cần thiết đàm phán.

Đó là một viễn cảnh khiến một số nhà lãnh đạo ở Đông Âu, những người đã đưa ra cảnh báo về ý định của ông Putin trong nhiều năm qua, lo ngại. Họ nói rằng Điện Kremlin sẽ không dừng lại ở biên giới Ukraine và một số người ở phương Tây vẫn chưa hoàn toàn nắm bắt được những gì đang bị đe dọa.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, nước có biên giới với Nga và từng là một phần của Liên Xô, trước hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng trước cho biết, rủi ro là các đồng minh của Kiev đang đưa ra tín hiệu rằng họ không coi trọng vấn đề phòng thủ một cách nghiêm túc.

Gabrielius Landsbergis, Ngoại trưởng của nước láng giềng Baltic Litva, cho rằng sự thiếu hụt đột ngột và khẩn cấp các loại vũ khí có thể buộc Kiev, cho dù không muốn, cũng phải đàm phán với Moscow.

Ông Landsbergis nói trên kênh truyền hình LRT: "Tôi lo ngại về khả năng tập thể của chúng ta góp phần vào chiến thắng, khi tôi thấy xe tăng mới, hệ thống tên lửa mới và thậm chí cả đạn dược không được cung cấp, các giải pháp không được tìm ra, các quyết định của Liên minh Châu Âu phải mất hàng tháng trời... Khi so sánh với việc Nga nhận được sự giúp đỡ từ Triều Tiên, điều đó có vẻ buồn cười".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có mặt tại Kiev trong tuần này để một lần nữa khẳng định lại sự ủng hộ của Mỹ. Gói viện trợ hiện tại sẽ hết vào cuối năm và với việc phe bảo thủ của đảng Cộng hòa nắm quyền tại Hạ viện, Tổng thống Joe Biden đang gặp khó khăn trong việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.

Lầu Năm Góc cho biết hồi đầu tháng này rằng họ đã phải cắt giảm dòng vũ khí sang Ukraine do sự bế tắc tại Quốc hội. Chiến dịch bầu cử tổng thống vào năm tới sẽ còn gây khó khăn hơn cho ông Biden, đặc biệt nếu ông phải đối mặt với Donald Trump, người đã nhiều lần chỉ trích các nhà lập pháp vì cung cấp viện trợ cho Kiev.

Một quan chức cấp cao châu Âu cho rằng, về mặt chính trị, ông Biden sẽ khó giải quyết được sự bế tắc trong khi các đối thủ của ông hứa với cử tri rằng họ sẽ chấm dứt chiến tranh sau một ngày.

Một cuộc thăm dò của Gallup vào đầu tháng 11 cho thấy, 41% người Mỹ đồng ý rằng chính phủ của họ đang làm quá nhiều cho Ukraine, tăng đáng kể từ mức chỉ 29% vào tháng 6.

Theo Bloomberg
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine