DMagazine

Những phòng tuyến đặc biệt khiến Nga, Ukraine gặp khó khi bài binh bố trận

(Dân trí) - Trong chiến sự Nga - Ukraine, ngoài vấn đề về khí tài quân sự hay lực lượng, địa hình sông ngòi ở Ukraine là một trong những yếu tố quan trọng nhất và gây ra không ít khó khăn cho 2 bên khi tác chiến.

NHỮNG PHÒNG TUYẾN ĐẶC BIỆT KHIẾN NGA, UKRAINE GẶP KHÓ KHI BÀI BINH BỐ TRẬN

Trong chiến sự Nga - Ukraine, ngoài các vấn đề về khí tài quân sự hay lực lượng, địa hình sông ngòi ở Ukraine là một trong những yếu tố quan trọng nhất và gây ra không ít khó khăn cho 2 bên khi tác chiến. 

Khi chiến sự Nga - Ukraine sắp bước sang tháng thứ 9, cục diện chiến trường vẫn đang căng như dây đàn, với những diễn biến mới liên tục xuất hiện trong thời gian qua.

Theo giới quan sát, những con sông chảy dọc lãnh thổ ở khu vực ở miền Đông, miền Nam đã, đang và sẽ gây ra thách thức lớn cho cả Nga và Ukraine trong việc lên chiến thuật tác chiến.

Một thực tế từ cuộc chiến cho thấy, hoạt động tác chiến vượt sông hay tiếp tế hậu cần cho lực lượng phía bên kia sông cũng như chuyển khí tài và quân nhân luôn là bài toán khó và nếu các bên không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nguy cơ hứng chịu thiệt hại là rất lớn.

Với lực lượng tiến công, các con sông được xem là chướng ngại vật ngăn họ đạt được đà tiến nhanh chóng. Ngược lại, với phía ở thế phòng thủ, các con sông được xem là phòng tuyến tự nhiên vững chắc, rất khó xuyên thủng.

Nga đã từng gặp hàng loạt khó khăn khi muốn vượt sông Siverskyi Donets ở Donbass, trước khi giành được quyền kiểm soát thêm một phần lãnh thổ Lugansk. Moscow cũng từng gặp rắc rối với việc tiếp vận hậu cần cho bờ bên kia sông Dnieper ở Kherson tới mức họ phải quyết định rút quân.

Giờ đây, Ukraine cũng đang đối mặt với khó khăn trong những tháng tới nếu họ muốn băng qua sông Dnieper để giành lại quyền kiểm soát toàn bộ vùng Kherson.

"Cơn đau đầu" của Nga ở Kiev, Donbass và Kherson

Những con sông ở Ukraine đã gây ra không ít khó khăn cho Nga ở khu vực Kiev, Donbass và Kherson trong vài tháng qua.  

Vào tháng 3, sau 2 tuần Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, dù Nga đã bao vây quanh vùng Kiev, nhưng họ vẫn không thể tiến sâu hơn được vào thủ đô của Ukraine.

Có rất nhiều yếu tố đã tác động tới đà tiến của Nga, song giới quan sát nhận định, địa hình, cụ thể ở đây là những con sông đã giúp cho Ukraine.

Những phòng tuyến đặc biệt khiến Nga, Ukraine gặp khó khi bài binh bố trận - 1

Sông Dnieper cùng các phụ lưu, và sông Irpin đã tạo ra ranh giới tự nhiên giúp Ukraine ngăn Nga tiến vào thủ đô Kiev từ đầu chiến sự (Đồ họa: Washington Post).

Tướng Ukraine Andriy Krischenko, cho biết Kiev có hệ thống sông ngòi chằng chịt, không chỉ riêng sông Dnieper ngăn đôi thành phố mà còn cả các nhánh phụ của nó.

"Phòng thủ cho một thành phố lớn vô cùng khó khăn, nhưng mặt khác, đó cũng là một điểm cộng. Quân đội của chúng tôi xây dựng các tuyến phòng thủ nhờ các cầu, các con sông. Khắp thành phố có rất nhiều sông nhỏ chảy vào Dnieper và có nhiều vùng đầm lầy, do đó khu vực này không thích hợp cho một cuộc tiến công quy mô lớn", ông Krischenko nói.

Mặt khác, chuyên gia Volodymyr Boreyko nói với Guardian rằng, sông Irpin ở phía tây bắc là một trong những "cứu tinh" của Kiev.

Ukraine đã triển khai lực lượng để đánh sập các cây cầu chiến lược ở đây. Theo Guardian, quân đội Ukraine đã phá hủy cầu phao gần Hostomel để ngăn lực lượng Nga vượt sông Irpin tiến vào thủ đô Kiev. Con sông đã biến thành ranh giới tự nhiên ngăn Nga di chuyển sâu hơn vào khu vực thủ đô.

Những phòng tuyến đặc biệt khiến Nga, Ukraine gặp khó khi bài binh bố trận - 2

Ukraine dùng chiến thuật "tiêu thổ" biến ngôi làng án ngữ trước thủ đô Kiev thành đầm lầy để ngăn đà tiến của Nga (Ảnh: NYT).

Mặt khác, theo New York Times, tại sông Irpin, Ukraine đã áp dụng một chiến thuật đặc biệt khác có tên là "tiêu thổ". Từ cuối tháng 2, sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Kiev đã phá đập trên sông Iprin ở ngoại ô Kiev, gây ra lũ lụt làm một ngôi làng án ngữ ở phía bắc Kiev trở thành đầm lầy, ngăn đà tiến của Nga.

Cho tới khi Nga quyết định rút quân khỏi Kiev vào tháng 3, họ chưa từng vượt qua được vùng đầm lầy được tạo ra một cách cố tình này. Wall Street Journal nhận định, những con sông chằng chịt ở Ukraine đã giúp nước này chống chọi hiệu quả một cách bất ngờ trước Nga - nền quân sự có tiềm lực áp đảo.

Những phòng tuyến đặc biệt khiến Nga, Ukraine gặp khó khi bài binh bố trận - 3

Địa hình sông Siverskyi Donets (khoanh đỏ) được xem tạo ra một ranh giới tự nhiên làm khó Nga trong vài tháng ở Donbass (Ảnh: The Drive).

Trong một diễn biến khác, hồi tháng 5, Nga đạt được những lợi thế sau nhiều tuần phóng hỏa lực dồn dập vào các mục tiêu trên khắp Donbass. Mặc dù vậy, đà tấn công của họ đã bị chững lại trong một thời gian khá dài chính vì con sông Siverskyi Donets.

Sông này bắt nguồn từ Nga và chảy vào Ukraine rồi lại quay lại Nga và nhập vào sông Don. Nó tạo nên các địa thế hiểm hóc như đầm lầy, bãi bồi và hồ hình móng ngựa. Nó chảy theo hướng tây bắc - đông nam, chia vùng Donbass ra làm đôi, cản đà tiến của cả hai phía. Hay nói cách khác, chúng hoàn toàn không thuận lợi để Nga tiến quân, nhưng tạo ra lợi thế phòng thủ cho Ukraine trong suốt một thời gian dài.

Những phòng tuyến đặc biệt khiến Nga, Ukraine gặp khó khi bài binh bố trận - 4

Ukraine tuyên bố phá hủy cầu phao Nga dựng lên để băng qua sông Siverskyi Donets (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Nga đã cố gắng dựng một số cầu phao băng qua con sông nhằm nỗ lực bao vây quân đội Ukraine, nhưng đều bất thành sau nhiều lần thử sức. Để vượt sông, Nga đã buộc huy động quân nhân dựng cầu phao, đưa đội hình tăng thiết giáp sang bờ bên kia, tuy nhiên, các nỗ lực này đều bị ngăn cản. Hình ảnh vệ tinh vào thời điểm đó cho thấy ít nhất ba cây cầu phao của Moscow đã bị Kiev nã đạn pháo phá hủy trong một tuần và người Nga chịu không ít thiệt hại về khí tài quân sự.

Các nguồn tin tình báo hiện trường cho thấy, Nga dường như thiệt hại ít nhất 6 xe tăng, 14 xe bọc thép bộ binh, 7 xe lội nước, 5 xe bọc thép khác và một tàu kéo mặt nước, cùng một số khí tài khác. Dù cuối cùng, Nga cũng đã vượt sông thành công, nhưng thế bế tắc ở sông Siverskyi Donets đã kéo dài tới cuối tháng 6, gây ra không ít thách thức cho Nga trong việc hoạch định chiến lược.

Cuối tháng 6, một diễn biến được các chuyên gia phương Tây xem là bước ngoặt trong chiến sự ở Ukraine là việc Ukraine bắt đầu đưa vào tác chiến các hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS do Mỹ viện trợ.

Những phòng tuyến đặc biệt khiến Nga, Ukraine gặp khó khi bài binh bố trận - 5

HIMARS đã gây ra không ít khó khăn cho Nga trong thời gian qua (Ảnh: Reuters).

Tới tháng 7, Ukraine tuyên bố phản công ở Kherson - khu vực mà Nga kiểm soát từ giữa tháng 3, không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng.

Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn ở Mỹ, nhận định, Ukraine đã đạt lợi thế ở Kherson nhờ sử dụng sáng tạo hệ thống tên lửa chính xác HIMARS để phá vỡ đường tiếp tế của Nga qua sông Dnieper.

Cụ thể, với HIMARS, Ukraine đã phá hủy gần như tất cả các cây cầu lớn do Nga kiểm soát ở khu vực phía nam Kherson, khiến Nga bị cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự và nhân lực quan trọng từ Crimea tới bờ bên phải con sông.

Cộng với việc Ukraine cũng đã sử dụng vũ khí này tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng của Nga như kho đạn, tuyến đường hậu cần, tiếp tế quan trọng trên tiền tuyến, Moscow đối mặt với bài toán khó để tiếp tục duy trì được lực lượng ở bên trái sông Dnieper.

Ukraine mở nhiều cuộc tấn công chính xác vào cầu Antonivskiy và con đường chạy trên đập Kakhovka, nối 2 bờ sông Dnieper nhằm ngăn các phương tiện của Nga tiếp tế hậu cần. Ngay cả khi Nga tiến hành sửa chữa, Ukraine lại tiếp tục tấn công để làm chậm tiến độ của Nga, theo ISW. Nỗ lực xây cầu phao bắc qua sông Dnieper của Moscow cũng bất thành khi Ukraine tiếp tục phóng hỏa lực phá hủy.

Sông Dnieper đã gián tiếp trở thành thách thức về mặt địa hình ngăn cản Nga tiếp tục duy trì lực lượng bên bờ trái và họ cuối cùng đã phải ra quyết định rút quân để tránh gặp phải thiệt hại lớn.

Thách thức của Ukraine

Dù Ukraine đạt được nhiều lợi thế trong chiến sự với Nga nhờ những con sông, nhưng họ cũng đối mặt với những thách thức lớn không kém cũng do những con sông.

Một trong những khó khăn lớn nhất của Ukraine đang gặp phải là vượt sông Dnieper ở cả 2 khu vực quan trọng chiến lược tại Zaporizhia ở chiến trường Đông Nam và Kherson ở miền Nam.

Những phòng tuyến đặc biệt khiến Nga, Ukraine gặp khó khi bài binh bố trận - 6

Sông Dnieper chạy dọc Ukraine từ bắc xuống nam, rồi đổ ra Biển Đen (Ảnh: Wikipedia).

Sông Dnieper khởi nguồn tại vùng đồi Valdai gần Smolensk, Nga, sau đó chảy qua Belarus và Ukraine trước khi đổ ra Biển Đen. Trong bài viết trên Forbes, chuyên gia David Axe, gọi Dnieper là chướng ngại vật tự nhiên lớn nhất trên toàn Ukraine. Nó đã từng khiến Nga gặp khó khăn để tiến vào thủ đô Kiev, nhưng giờ đây nó cũng ngăn cản Ukraine tiếp cận với bờ bên trái ở Zaporizhia, nơi Nga đang kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, Zaporizhzhia.

Trong suốt vài tháng qua, lực lượng Ukraine nhiều lần điều động tàu đổ bộ tốc độ cao và biệt kích từ khu vực Kiev kiểm soát sang bờ bên kia sông Dnieper trong nỗ lực giành lấy nhà máy Zaporizhzhia.

Hiện tại, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang được bảo vệ bởi các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga. Đây là lực lượng thiện chiến trong thành phần quân đội Nga, được xây dựng và huấn luyện bài bản cho các nhiệm vụ đột kích, tấn công và bảo vệ mục tiêu quan trọng.

Những phòng tuyến đặc biệt khiến Nga, Ukraine gặp khó khi bài binh bố trận - 7

Tàu đổ bộ hạng nhẹ lớp Centaur của quân đội Ukraine (Ảnh: Wikipedia).

Theo Forbes, Ukraine đang đối diện với một thực tế là Nga sở hữu lực lượng khá đông đảo ở bờ bên kia sông Dnieper thuộc vùng Zaporizhia. Trong nhiều tháng qua, Nga nhiều lần tuyên bố đã chặn thành công kế hoạch vượt sông của lực lượng Ukraine bằng trực thăng tấn công và hỏa lực, gây ra không ít thiệt hại cho phía Kiev. Để kiểm soát trở lại được nhà máy Zaporizhzhia, Ukraine cần phải đưa lực lượng băng qua sông Dnieper, nhưng đây được xem là nhiệm vụ khó khăn hàng đầu, và rủi ro rất cao. Cho tới nay, thế khó của Ukraine ở khu vực này vẫn chưa được tháo gỡ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Vikram Mittal, thách thức lớn nhất của Ukraine cũng nằm dọc theo sông Dnieper nhưng ở khu vực Kherson.

Tuần trước, Nga đã quyết định rút khỏi thành phố Kherson, tức là đưa quân từ bờ bên phải về hết bờ bên trái của con sông. Trong quá trình rút quân, Nga bị Ukraine cáo buộc đã phá hủy hết các cây cầu quan trọng nối liền 2 bờ Dnieper ở Kheron là Antonivsky, Darivka và Nova Kakhovka.

Các lực lượng Nga cũng đã thiết lập một tuyến phòng thủ nhiều tầng lớp ở bờ trái con sông. Mặc dù người Nga đã từ bỏ một thành phố chiến lược, nhưng họ đã ngăn chặn một cách hiệu quả cuộc phản công của Ukraine, theo Newsweek. Để cuộc phản công tiếp tục ở Kherson, quân đội Ukraine phải tìm cách vượt qua con sông Dnieper và họ sẽ tiếp tục rơi vào bài toán khó như Nga đã từng trải qua trước đó.

Lùi về bên trái con sông, Nga hiện đã thiết lập được thế phòng thủ tương đối vững chắc trước đà tiến của Ukraine.

Những phòng tuyến đặc biệt khiến Nga, Ukraine gặp khó khi bài binh bố trận - 8

Cục diện khu vực Kherson trong 8 tháng qua (Đồ họa: ISW).

Kể cả trong kịch bản lý tưởng nhất là Ukraine vượt được sông thành công, các mũi tiến quân của họ sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu cho lực lượng pháo binh dày đặc và máy bay không người lái (UAV) mà Nga đã phục kích sẵn ở khu vực.

Thách thức đầu tiên của Ukraine là nhiệm vụ vượt sông rất phức tạp, cần sự hiệp đồng tác chiến cao độ giữa các kíp tiến công, phòng thủ, xây cầu. Thiếu đi sự gắn kết nhịp nhàng có thể khiến lực lượng tinh nhuệ của Ukraine trở thành mục tiêu tấn công của Nga.

Thách thức thứ hai là, nếu vượt được sông, câu hỏi là Ukraine liệu có bảo vệ được thành quả sau khi vượt được sông hay sẽ bị Nga đẩy lùi ngay lập tức. Theo chuyên gia Mittal, điều này không dễ dàng. Nếu tính toán không chính xác, họ sẽ đối mặt với rủi ro thiệt hại nghiêm trọng từ đòn tấn công ồ ạt của Nga.

Theo Forbes, băng qua sông Dnieper sẽ là thách thức lớn cho Ukraine và sẽ cần thời gian để lên kế hoạch thực thi, và nhờ điều này, Nga có thể yên tâm kiểm soát phần còn lại của Kherson trong một thời gian dài, để tập trung tấn công các mặt trận khác.

Đức Hoàng

Theo Guardian, Forbes, Newsweek

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine