1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga sẽ dùng chiến thuật tiến công nào sau khi rút quân khỏi Kherson?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, Nga đang có khá nhiều phương án tiến công sau khi rút quân khỏi thành phố Kherson, và những kế hoạch này đều có khả năng gây ra mối đe dọa với Ukraine.

Nga sẽ dùng chiến thuật tiến công nào sau khi rút quân khỏi Kherson? - 1

Chiến sự Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt kể cả khi mùa đông sắp tới gần (Ảnh: Reuters).

Tuần trước, Nga quyết định rút quân khỏi bờ trái sông Dnieper về bờ phải sau khoảng thời gian dài chống đỡ đà phản công của Ukraine và không thể đảm bảo tiếp tế hậu cần cho các quân nhân.

Theo giới chuyên gia, đây được xem là bước lùi cho Nga và bước tiến quan trọng của Ukraine trong cuộc chiến đã kéo dài gần 9 tháng. Tuy nhiên, Kiev dù đã giành được thành tựu quan trọng nhưng đồng thời họ cũng đối mặt với những thách thức lớn trước mắt khi Nga được xem đang có nhiều hơn một phương án để tác chiến trong mùa đông lạnh giá.

Tại miền Nam, Ukraine không có nhiều phương án chiến đấu khi sông Dnieper đã tạo ra một ranh giới tự nhiên và sẽ cần một nỗ lực rất lớn để vượt sông và giành được lợi thế trước Nga - bên đã xây dựng phòng tuyến kiên cố ở bờ phải con sông.

Tại Đông Bắc và miền Đông, Nga vẫn đang duy trì nhịp độ tấn công mạnh mẽ, khiến Ukraine từng thừa nhận chiến sự ở Donetsk giống "địa ngục".

Theo chuyên gia Daniel L. Davis từ Trung tâm phân tích chiến lược Defense Priorities (Mỹ), Nga có thể có 3 kịch bản tiến công Ukraine khi mùa đông lạnh giá đang tới gần và chúng đều có thể gây ra thách thức lớn cho Kiev.

Ba kịch bản

Thứ nhất, Nga sẽ điều lực lượng tân binh mới huy động hơn 300.000 người ra tiền tuyến để chặn đà tiến của Ukraine nhằm củng cố việc kiểm soát các vùng lãnh thổ, tránh việc phải tiếp tục rút quân.

Trong kịch bản này, Nga sẽ tiến hành đào chiến hào sâu dọc theo chiến tuyến khoảng 1.600km nhằm mục đích chặn lực lượng Ukraine. Các tân binh sẽ bổ sung hỏa lực cho lực lượng phòng thủ để chặn Kiev tiến sâu hơn nữa. Tuần trước, một quan chức Mỹ nhận định, Ukraine bắn trung bình 7.000 quả đạn pháo vào cứ điểm của Nga, nhưng Moscow tấn công với lượng hỏa lực gấp 3 lần Kiev.

Các chuyên gia nhận định, Nga vẫn còn đủ năng lực để tăng gấp đôi quy mô tấn công hỏa lực Ukraine vào mùa đông, với hàng trăm hệ thống lựu pháo và rocket phóng loạt. Với cục diện như vậy, Ukraine sẽ gặp thách thức trong việc xuyên qua phòng tuyến của Nga.

Thứ hai, Nga có thể sẽ điều động quân để đạt được mục tiêu hoàn thành kiểm soát Donbass rồi quay lại sông để giành lại Kherson - khu vực mà Moscow đã tuyên bố là lãnh thổ của họ sau khi sáp nhập hồi tháng 10.

Theo ông Levis, nếu Nga theo kịch bản này, họ có thể sẽ phân bổ 45% lực lượng tân binh ở mặt trận Donbass, 45% cho mặt trận Kherson và 10% cho lực lượng dự bị.

Cùng với 200.000 quân nhân đang chiến đấu ở Ukraine, sau khi có thêm tân binh, Moscow sẽ có lực lượng trên 400.000 vào mùa đông năm nay. Thách thức của Nga là việc Ukraine đã xây dựng một hệ thống phòng thủ tương đối kiên cố ở Donbass trong một thời gian dài. Để chọc thủng được các phòng tuyến dày đặc, Nga có thể phải đối mặt với thiệt hại không nhỏ, trong bối cảnh Ukraine cũng điều động lực lượng tốt hàng đầu tới khu vực này.

Thêm vào đó, để giành lại khu vực thành phố Kherson cũng là thách thức không nhỏ với Nga, vì họ cũng gặp trở ngại giống như Ukraine là tìm cách vượt sông Dnieper. Ukraine dự kiến cũng sẽ bắt đầu dựng phòng tuyến ở bờ trái con sông để chặn Nga giành lại khu vực chiến lược này. Mặt khác, kể cả có thể giành lại bờ bên trái, việc Nga có duy trì được tiếp tế hậu cần cho khu vực này hay không lại là một câu hỏi chưa thể giải đáp.

Thứ ba, Nga có thể thực hiện một cuộc tấn công tổng lực để vô hiệu hóa hoàn toàn khả năng của Ukraine, tuy nhiên theo giới chuyên gia, đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra vì rủi ro là rất lớn.

Nga sẽ dùng chiến thuật tiến công nào sau khi rút quân khỏi Kherson? - 2

Nga được cho sẽ tiếp tục gây áp lực lên Ukraine bằng các đòn tập kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng (Ảnh: Reuters).

Dù là kịch bản nào được Nga lựa chọn, thì giới chuyên gia nhận định, mùa đông trước mắt sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho 2 bên và thời tiết lạnh giá có thể tác động tới cục diện chiến sự. Thời gian ban ngày ngắn hơn khiến các hoạt động tác chiến sẽ gặp khó nếu thiếu kính nhìn đêm. Thời tiết lạnh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe binh sĩ và hiệu quả tác chiến, gây khó cho nỗ lực cứu chữa thương binh. Vũ khí cũng trở nên dễ hỏng hơn vào mùa đông lạnh giá.

Vì vậy, giới quan sát cho rằng, Nga nhiều khả năng sẽ lựa chọn phương án số 1, và gây thêm áp lực cho Ukraine bằng cách tăng cường độ tập kích hỏa lực ồ ạt vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Kiev. Ukraine thừa nhận, Nga đã phá hủy 50% công trình năng lượng của nước này trong hơn một tháng qua. Ukraine cũng nhận định, nếu họ có thể trụ được qua mùa đông, họ nhất định sẽ thắng được Nga.

Theo 19fortyfive, Al Jazeera
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm