DNews

Những đòn đáp trả Nga có thể tung ra sau chiến dịch đột kích của Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nga có nhiều phương án đối phó với cuộc đột kích của Ukraine vào vùng biên giới Kursk. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.

Những đòn đáp trả Nga có thể tung ra sau chiến dịch đột kích của Ukraine

Hơn 2 tuần kể từ khi Ukraine mở cuộc đột kích lớn chưa từng có vào vùng biên giới Kursk của Nga, Moscow đến nay vẫn chưa thể đẩy lùi hoàn toàn lực lượng của Kiev khỏi biên giới.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tính đến ngày 22/8, quân đội nước này đã kiểm soát 93 khu định cư, tương đương gần 1.300km2 lãnh thổ ở Kursk và bắt giữ hơn 150 tù binh của Nga.

Chiến dịch đột kích trên có lẽ là diễn biến khó lường nhất trong cuộc xung đột Ukraine thời gian gần đây khi lợi thế đang nghiêng về Nga với những bước tiến ở mặt trận miền Đông Ukraine.

Mặc dù đang chịu sức ép lớn tại miền Đông do tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực và vũ khí, nhưng Ukraine đã đưa ra một quyết định khá táo bạo: Huy động khoảng 10.000 quân và khí tài cho chiến dịch tấn công Kursk.

Ukraine xác định Kursk là một trong những mắt xích yếu nhất trong phòng thủ biên giới của Nga. Tuy vậy, chính Ukraine có lẽ cũng không nghĩ rằng kết quả cuộc đột kích vượt mong đợi như vậy. Họ không gặp nhiều khó khăn khi tiến sâu hơn 35km và kiểm soát gần 1.300km2 lãnh thổ Nga, thậm chí lập văn phòng quân sự ở Kursk chỉ trong vòng 2 tuần.

Những đòn đáp trả Nga có thể tung ra sau chiến dịch đột kích của Ukraine - 1

Ukraine tuyên bố kiểm soát gần 1.300km2 lãnh thổ ở Kursk sau 2 tuần đột kích (Đồ họa: Kyiv Independent).

Nga dường như bị động và phản ứng khá chậm, thiếu hiệu quả với cuộc đột kích của Ukraine. Phản ứng của Moscow tập trung vào việc ngăn chặn đà tiến công của quân Ukraine hơn là đảo ngược tình hình.

Ban đầu, Nga chỉ triển khai lính biên phòng, các đơn vị quân đội bảo vệ biên giới và lực lượng súng trường cơ giới ngăn cuộc tấn công của Ukraine. Sau đó, Moscow có điều viện binh, nhưng chủ yếu là lực lượng trong nước đến Kursk để không làm hao hụt các đơn vị trên chiến trường Ukraine.

Giới phân tích quân sự Mỹ đã chỉ ra một số yếu tố khiến Nga phản ứng có phần bối rối, chậm chạp. Đầu tiên, chiến dịch đột kích của Ukraine được giữ bí mật đến phút chót khiến Nga bị động.

Quan trọng hơn, Nga bị cho là thiếu lực lượng phản ứng nhanh để sẵn sàng điều động trong tình huống khẩn cấp khi họ đang tập trung cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Moscow dường như vẫn chưa muốn sử dụng pháo hạng nặng để đẩy quân Ukraine ra khỏi Kursk. Điều này được cho là do Nga không muốn sử dụng hỏa lực có sức công phá lớn trên chính lãnh thổ của mình hoặc do Nga đang thiếu hỏa lực như vậy.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể không kéo dài lâu khi cuộc đột kích không còn tính bất ngờ và khi Moscow có đủ thời gian để lựa chọn phương án đối phó thích hợp.

Những lựa chọn của Nga

Những đòn đáp trả Nga có thể tung ra sau chiến dịch đột kích của Ukraine - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin họp với các quan chức an ninh cấp cao về tình hình biên giới ngày 12/8 (Ảnh: Reuters).

Theo giới phân tích quân sự, Nga có nhiều lựa chọn để đáp trả cuộc đột kích của Ukraine, từ phương án sử dụng vũ khí hạt nhân cho đến phương án đáp trả bằng vũ khí thông thường nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine.

Về phương án đáp trả hạt nhân, giới quan sát tin rằng kịch bản này khó xảy ra hơn.

Cuộc đột kích của Ukraine làm dấy lên những câu hỏi liệu Kiev đã vượt lằn ranh đỏ của Moscow hay liệu lằn ranh đỏ của Nga có tồn tại như cảnh báo hay không.

Theo học thuyết hạt nhân hiện tại, Nga có thể triển khai kho vũ khí hạt nhân của mình "để đáp trả việc sử dụng hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại nước này hoặc các đồng minh, hay các hành động gây hấn bằng vũ khí thông thường đe dọa đến sự tồn vong của Nga".

Rõ ràng, việc Ukraine đưa hàng nghìn quân vào lãnh thổ Nga bị coi là vượt qua một trong những lằn ranh đỏ đó và Moscow hoàn toàn có thể hiện thực hóa cảnh báo hạt nhân.

Tuy nhiên, thực tế, Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức Nga dường như đã tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc đột kích. Ông Putin gọi đây là hành động "khiêu khích nghiêm trọng" của Kiev. Điện Kremlin đã ban bố tình trạng khẩn cấp, sơ tán người dân ở Kursk, coi đó là một phần trong nỗ lực "chống khủng bố".

Theo giới chức quân sự và phân tích phương Tây, kịch bản đáp trả khả thi nhất của Nga là mở các đợt tập kích quy mô lớn nhằm vào những mục tiêu quan trọng trong lãnh thổ Ukraine, như các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Kiev hoặc các căn cứ quân sự.

Chuyên gia quân sự và cựu phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine Vladyslav Seleznov nhận định, Nga cần thời gian để đánh giá tình hình thực tế, năng lực của các lực lượng sẵn có cũng như hệ thống phòng không để quyết định thời điểm tấn công.

Quân đội Ukraine cho hay, Nga đã thực hiện 3 vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo nhằm vào Kiev trong tháng này, song với quy mô hạn chế.

Theo The Times, cuộc tấn công trả đũa của Nga sẽ có quy mô lớn hơn rất nhiều. Nga có khả năng bắn hàng trăm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, cũng như phóng máy bay không người lái tự sát Shahed. Làn sóng tấn công như vậy sẽ gây quá tải cho hệ thống phòng không của Ukraine.

Chuyên gia Konstantyn Kryvolap phân tích: "Nga hiện có khoảng 12-13 máy bay ném bom Tu-95 có thể mang tối đa 26 tên lửa Kh-22. Ngoài ra, còn có Tu-22M3 cũng có khả năng phóng tên lửa Kh-22".

Ông không chắc chắn liệu Nga có quyết định tập kích quy mô lớn vào Ukraine hay không khi họ "có những vấn đề khác phải giải quyết". Ông cũng nhấn mạnh, nếu Nga muốn tấn công một mục tiêu cụ thể, họ sẽ sử dụng tên lửa Iskander hoặc KN-23.

Ngoài các cuộc tập kích như vậy, Nga có thể quyết định duy trì cường độ tấn công ở miền Đông Ukraine để gây sức ép cho Kiev, đẩy Ukraine vào thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc lựa chọn tiếp tục tiến công ở Kursk, hoặc lui về giữ những phòng tuyến mong manh cuối cùng ở Donbass.

Trong khi đó, Marina Miron, chuyên gia tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London, không loại trừ khả năng Nga sử dụng chiến thuật "cất vó", để quân Ukraine tiến sâu hơn vào Kursk trước khi tung đòn đáp trả nhằm gây tổn thất lớn hơn cho Ukraine cả về nhân lực và vũ khí.

Nga có thể tính đến phương án tập hợp lực lượng mới áp đảo quân Ukraine ở Kursk hoặc sử dụng lợi thế về hàng không và pháo binh để dồn Kiev vào tình thế  rút lui dần dần.

Cả hai chiến lược này có thể mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để thực hiện và sẽ gây thiệt hại cho các khu vực khác của mặt trận. Điều đó phản ánh thực tế của một cuộc chiến mà không bên nào có đủ nguồn lực để buộc đối thủ của mình phải kết thúc giao tranh.

Ở khía cạnh quân sự theo góc nhìn của Nga, "ván cược" của Ukraine tạo cho Moscow cơ hội để làm hao hụt hơn nữa nguồn lực hạn chế của Kiev và giúp Nga đạt được bước tiến ở các mặt trận khác. Các nhà phân tích quân sự Nga cho rằng điều đó có thể biến thắng lợi chính trị trước mắt của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thành một thất bại chiến lược.

Cho dù là lựa chọn nào, đến nay, Nga cố thể hiện ra rằng Kiev không đạt được những mục tiêu mà họ đặt ra cho cuộc đột kích gồm: nâng vị thế đàm phán và buộc Nga rút bớt quân khỏi chiến trường Ukraine.

Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, Moscow dường như chỉ rút khoảng 5.000 quân từ chiến trường Ukraine, con số tương đối nhỏ so với quân số hàng trăm nghìn binh sĩ Nga đang tham chiến ở Ukraine. Trong khi đó, Moscow duy trì cường độ tấn công nhằm gây sức ép với lực lượng phòng vệ Ukraine ở mặt trận miền Đông.

Giới chức Nga gần đây cũng liên tục phát đi thông điệp, cuộc đột kích của Ukraine đã "giết chết" cơ hội đàm phán hòa bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/8 tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Ukraine đều không thể diễn ra nếu các cuộc tấn công vào dân thường và đe dọa các nhà máy điện hạt nhân chưa chấm dứt. Theo ông, hành động gần đây nhất của Ukraine cho thấy Kiev từ chối xem xét các kế hoạch giải quyết xung đột dựa trên đề xuất của Nga hoặc lộ trình do các bên trung lập đưa ra.

Chiến dịch Kursk: Sai lầm của Ukraine?

Những đòn đáp trả Nga có thể tung ra sau chiến dịch đột kích của Ukraine - 3

Chiến dịch Kursk có thể gây sức ép hơn nữa đối với nguồn lực của Ukraine (Ảnh: Reuters).

Cuộc đột kích của Ukraine đã bước sang tuần thứ 3. Ở tuần đầu tiên, Ukraine nhanh chóng kiểm soát hàng trăm km2 lãnh thổ và bắt giữ hơn 100 binh sĩ Nga.

Tuy nhiên, khi nguồn cung của Ukraine trở nên căng thẳng, Nga điều thêm viện binh, tốc độ tiến quân đã giảm đáng kể trong tuần thứ 2. Hầu hết các nhà phân tích quân sự tin rằng Ukraine không còn đe dọa bất kỳ mục tiêu chiến lược nào, như nhà máy hạt nhân Kursk hay thủ phủ của tỉnh.

Từ chỗ được coi là một đòn tấn công đột phá, chiến dịch đột kích Kursk cuối cùng có nguy cơ trở thành cái bẫy đối với quân đội Ukraine.

Theo báo Guardian của Anh, nỗ lực của Ukraine nhằm kiểm soát lãnh thổ ở khu vực Kursk có thể giúp Nga tìm ra điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Kiev ở các mặt trận khác.

Jack Watling, nhà nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia ( RUSI), chỉ ra trước cuộc đột kích Kursk, Ukraine vốn đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt binh sĩ để giữ phòng tuyến, đặc biệt ở miền Đông.

Theo ông, cường độ giao tranh sẽ sớm giảm xuống khi lực lượng Nga đào các tuyến phòng thủ, sau đó đưa pháo, các tổ hợp tác chiến điện tử và điều quân mới đến khu vực Kursk bởi Moscow lợi thế hơn về quân số và vũ khí so với Kiev.

"Việc kéo dài chiến dịch tấn công Kursk sẽ tăng cơ hội cho Nga tìm ra các điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine và tiến lên những khu vực khác trên mặt trận", ông Watling nói và nhấn mạnh thêm những bước tiến hiện tại của Ukraine ở Kursk có thể chỉ là tạm thời.

Ở hậu kỳ, các quan chức phương Tây tin rằng Ukraine cần làm gì đó để thay đổi cục diện xung đột với Nga. Tuy nhiên, họ hoài nghi về việc Kiev có thể chiếm giữ các vùng lãnh thổ đủ lâu để buộc Nga chuyển hướng nguồn lực ra khỏi "chảo lửa" miền Đông.

Vasily Kashin, nhà khoa học chính trị tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow, người nghiên cứu tác động chính trị của cuộc chiến ở Nga, nhận định: "Cuộc đột kích Kursk chỉ đơn thuần mở rộng và kéo dài một cuộc chiến tranh tiêu hao, trong đó Nga có lợi thế về tài nguyên".

"Nếu Ukraine hy vọng cú sốc từ cuộc tấn công sẽ khiến người Nga mất niềm tin vào triển vọng của cuộc chiến, thì điều này đã không xảy ra. Nhiều khả năng nó sẽ dẫn đến sự tức giận và chấp nhận thực tế chiến tranh là không thể tránh khỏi", ông bình luận thêm.

Theo các nhà phân tích, Kiev hiện có một số lựa chọn và mỗi lựa chọn đều có thách thức riêng. Quân đội Ukraine có thể tìm cách tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga nhưng điều này sẽ ngày càng khó khăn bởi Nga đã đưa viện binh đến và các tuyến tiếp tế của Ukraine bị kéo căng.

Một kịch bản khác là Kiev sẽ tiếp tục đào chiến hào và củng cố quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Kursk. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine khi đó dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích của Nga.

Một kịch bản nữa là Kiev có thể chọn phương án rút quân về giữ phòng tuyến miền Đông trước làn sóng tấn công của Moscow.

Theo Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược (Pháp) Thibault Fouillet, động thái tiếp theo của Ukraine sẽ phụ thuộc vào cách phản ứng của Nga. "Tuần tới sẽ có ý  nghĩa quyết định", ông nói.

Mặc dù tác động lâu dài của chiến dịch đột kích Kursk vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là nó đã mở rộng mặt trận xung đột Nga - Ukraine thêm hàng chục km, buộc cả 2 bên phải dàn trải lực lượng hạn chế của mình hơn nữa.

Các nhà phân tích Nga cho biết cuối cùng, việc mở rộng cuộc chiến sang các khu vực mới theo thời gian sẽ có lợi cho bên có nguồn lực lớn hơn. Với dân số gấp 3 và cơ sở công nghiệp lớn hơn, bên đó vẫn là Nga.

Theo Washington Post, New York Times, Essan News