Nước cờ mạo hiểm của Ukraine khi đưa quân đột kích lãnh thổ Nga
(Dân trí) - Ukraine dường như đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc đột kích vào lãnh thổ Nga, tuy nhiên Moscow được dự đoán sẽ đẩy lùi lực lượng Kiev khỏi biên giới trong thời gian tới.
Ngày 6/8, các lực lượng vũ trang của Ukraine đã bất ngờ tấn công vào vùng Kursk ở phía tây bắc nước Nga tiếp giáp với Ukraine, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 66 người bị thương. Theo Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington, "quân Ukraine đã tiến sâu vào trong lãnh thổ Nga 35km, nhưng không kiểm soát được toàn bộ khu vực này".
Hiện phía Nga đã chặn được đà tiến quân của Ukraine và đang điều động thêm quân và vũ khí hạng nặng đến khu vực này để tiếp tục đẩy lùi lực lượng vũ trang Ukraine. Giao tranh giữa hai bên vẫn diễn ra rất ác liệt.
Trong bối cảnh suốt nhiều tháng qua khi Ukraine phải căng mình đối phó với các cuộc tấn công của quân Nga trên hầu khắp mặt trận, nhất là ở khu vực Donbass; đặc biệt là gần đây khi xuất hiện ngày càng nhiều tín hiệu mới, tích cực về triển vọng mở lại đàm phán hòa bình giữa hai bên, cuộc đột kích của Ukraine được giới quan sát đánh giá là "vừa bất ngờ, vừa bất thường". Còn đối với Nga, nước này dường như cũng đã thực sự bị bất ngờ, về công khai đã coi cuộc đột kích là "sự khiêu khích lớn của Ukraine", theo lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/8.
Ukraine dường như đã có sự tính toán, chuẩn bị rất kỹ lưỡng và toàn diện cho cuộc tấn công này. Kursk là một khu vực trọng yếu của Nga giáp ranh với Ukraine, có trạm bơm dầu khi xuất khẩu sang châu Âu và nhà máy điện hạt nhân mang tên Kursk và cách Moscow chỉ 500km. Nhưng từ đầu cuộc chiến đến nay, Nga vẫn không có nhiều quân đồn trú để bảo vệ khu vực này.
Khác với các cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga trước đây, lần này Kiev ngay từ đầu đã ưu tiên điều động một lượng khá lớn binh lính từ các đơn vị chính quy và đặc nhiệm (giới quan sát ước tính khoảng 2.000 quân), trong đó có Lữ đoàn tấn công đường không số 80 là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Ukraine, hàng trăm xe tăng, máy bay cả do Liên Xô trước đây sản xuất lẫn những loại tiên tiến mới được Mỹ và Tây Âu cung cấp…
Kiev dường như cũng đã bảo đảm được sự đồng tình của đồng minh nên khi cuộc tấn công nổ ra, Mỹ và phương Tây không những không phản đối việc Kiev sử dụng các loại vũ khí của họ để tiến vào bên trong lãnh thổ Nga, mà còn nhanh chóng bổ sung những khoản viện trợ quân sự bổ sung mới.
Ngay sau khi bắt đầu cuộc tấn công vào Kursk, phía Ukraine đã nhanh chóng tuyên bố những mục tiêu đầy tham vọng của họ trong chiến dịch quân sự đầy nhạy cảm này - một cuộc tấn công qua biên giới Nga lớn nhất từ khi nổ ra xung đột giữa hai nước tháng 2/2022.
Trước hết, đó là nhằm tạo lợi thế cho đàm phán hòa bình như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai tuyên bố: "Càng gây áp lực lên Nga, thì hòa bình sẽ càng gần hơn; một nền hòa bình công bằng thông qua vũ lực công bằng". Còn ông Mykhailo Podolyak, cố vấn chính trị của Tổng thống Ukraine, cũng nói rõ: "Bất kỳ hành động nào có thể xảy ra của Ukraine tại các khu vực biên giới Nga sẽ cải thiện vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow".
Theo các nhà bình luận quốc tế, mục đích thứ hai của Kiev là: Một mặt gây bất ổn và làm mất tinh thần người dân Nga, để từ đó họ quay ra phản đối gây sức ép, khiến chính phủ phải tìm cách sớm chấm dứt chiến tranh; mặt khác tranh thủ lấy lại tinh thần vốn đang suy kiệt cho binh lính Ukraine do liên tục bị quân Nga tấn công và không giành được chiến thắng lớn nào kể từ chiến dịch Kherson vào tháng 11/2022.
Mục đích thứ ba thuần túy về mặt quân sự. Ngoài việc khiến phía Nga phải tăng viện ứng cứu cho Kursk, từ đó phân tán lực lượng trên toàn chiến trường, giảm áp lực ở các mũi tiến công khác bên trong Ukraine, cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk còn là phương cách "tấn công trước" để ngăn chặn việc quân Nga chiếm Sumy, một khu vực trọng yếu của Ukraine vốn nằm trong "tầm ngắm" của Moscow. Mới đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrey Zagorodnyuk, người đang là cố vấn của chính phủ, cho biết "Ukraine không cần đất của Nga" nhưng "muốn cho thấy họ cũng có những điểm yếu" để Ukraine có thể khai thác và giành chiến thắng.
Mong muốn và tính toán của Kiev là vậy, nhưng để đạt được các mục tiêu khá tham vọng và toàn diện đó, xét tương quan sức mạnh giữa hai bên, đây rõ ràng là một nhiệm vụ không dễ đạt được. Ngược lại, chính các đồng minh và các nước vẫn luôn ủng hộ Ukraine cũng không nghĩ như Kiev.
Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW), ngay từ khi quân Ukraine tràn sang Kursk, đã đánh giá: "Quân Ukraine có thể đã vào sâu được tới 35km nhưng không kiểm soát được toàn bộ khu vực này". Mặc dù phải gồng mình chống chọi với các lực lượng Ukraine, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/8, "Ukraine đã mất gần 1.120 quân và 140 xe tăng/thiết giáp các loại; đà tiến công của Ukraine đã bị chặn lại".
Theo Cơ quan tình báo đối ngoại MI6 của Anh, Nga đang điều 5 lữ đoàn lục quân và các sư đoàn máy bay chiến đấu tới khu vực giao tranh mới và "Điện Kremlin đã quyết định thiết lập 1 vùng đệm ở khu vực Sumy của Ukraine, đồng nghĩa với việc một mặt trận mới sẽ được mở ra ở phía đông bắc Ukraine".
Như vậy, những trận giao tranh dữ dội nhất giữa 2 bên, không chỉ ở vùng Kursk mà còn cả ở Sumy, có thể còn đang ở phía trước. Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích quân sự ở Kiev và phương Tây vẫn tự tin dự đoán: "Cuộc tấn công hiện nay của Ukraine vào Kursk sẽ không đạt được bất cứ mục đích gì ngoài việc sẽ mang tới những tổn thất lớn cho lực lượng vũ trang Ukraine".
Thậm chí, các nhà phân tích còn cho rằng "quyết định mạo hiểm tấn công Kursk là tính toán sai lầm của Kiev về quân sự, nhưng sai lầm mang tính quyết định là về chính trị, khi Nga nhận thức được rằng sau những gì Ukraine đã làm, họ sẽ phải tấn công tới cùng để đánh gục đối thủ". Điều này cũng có nghĩa là con đường đi tới bàn đàm phán một lần nữa bị cắt đứt.
Không chỉ vậy, theo các nhà phân tích, cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga ở vùng Kursk còn buộc xã hội Nga phải nhìn nhận lại vấn đề theo cách khác; khiến những người còn hoài nghi sẽ dần ngả hẳn theo quan điểm cần phải tiến hành chiến tranh tới cùng, đánh gục hoàn toàn quân đội đối phương và chấm dứt mối đe dọa từ chính quyền Kiev.
Hiện tại giao tranh dữ dội giữa hai bên vẫn diễn ra rất quyết liệt; các lực lượng vũ trang của Ukraine vẫn có thể tiếp tục gây ra được những khó khăn và những tổn thất không nhỏ cho phía Nga, kể cả về người, tài sản, thậm chí là một phần lãnh thổ. Tuy nhiên, với năng lực quốc phòng hiện có, Nga được cho là sẽ không thể để mất Kursk và cuối cùng sẽ giành chiến thắng, dù cái giá phải trả như thế nào. Trong tình hình như vậy, việc cả hai bên phải tỉnh táo để có quan điểm và bước đi phù hợp với thực tế là hết sức cần thiết để sớm đem lại hòa bình bền vững.