"Mắt thần" A-50 gãy cánh, Nga sáng tạo cách đánh mới tiêu diệt F-16 Ukraine
(Dân trí) - Do thiếu máy bay A-50, Không quân Nga có thể sử dụng chiến đấu cơ Su-35S làm phương tiện cảnh báo sớm mini, cung cấp dữ liệu cho hệ thống phòng không S-400 khai hỏa, tiêu diệt F-16 Ukraine.

"Mắt thần" Nga gãy cánh: Quy luật thay đổi
Kể từ khi ra đời cách nay hàng chục năm, máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) chưa bao giờ bị bắn hạ trên chiến trường nhờ bán kính trinh sát radar rất lớn, có thể giúp chúng hoạt động tốt ngoài tầm hoạt động của tên lửa đối phương. Ngay cả trong trường hợp đối phương sở hữu tên lửa tầm xa cũng sẽ khó tiếp cận được chúng.
Chỉ cần máy bay cảnh báo sớm không "tự sát" và không đi vào vùng hỏa lực tên lửa tầm xa đối phương thì chúng sẽ tương đối an toàn.
Tuy nhiên, quy luật trên dường như không còn đúng nữa khi phía Kiev tuyên bố đã xóa sổ tới 2 chiếc A-50 AEW của Nga hồi đầu năm 2024 bằng hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-2 với tầm bắn xa nhất đạt tới 160km.
Khách quan mà nói, việc Patriot PAC-2 được triển khai tại khu vực Zaporizhia gần tiền tuyến, về mặt lý thuyết, nó có thể tấn công máy bay cảnh báo sớm A-50U Nga đang bay ở độ cao hơn 10.000m trên Biển Azov gần Berdyansk.
Nếu thực sự mất đi 2 chiếc A-50 như Ukraine tuyên bố thì chúng chính là những máy bay cảnh báo sớm đầu tiên trong lịch sử thế giới bị bắn rơi khi tham chiến và Nga đã phải hứng chịu tổn thất rất lớn khó có thể bù đắp trong thời gian ngắn. Đối với quân đội Nga, máy bay cảnh báo sớm A-50U là loại vũ khí có giá trị cao nhất.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), Trung tướng Kyrylo Budanov cho rằng việc máy bay cảnh báo sớm A-50 bị bắn hạ là một đòn giáng mạnh vào các hoạt động của Không quân Nga xung quanh miền Nam Ukraine.
Vài tháng sau khi tuyên bố bắn hạ 2 chiếc A-50, Tư lệnh Không quân Ukraine cho biết Nga đã giảm đáng kể số lượng các cuộc không kích bằng bom dẫn đường trên không cũng như chưa thấy dấu hiệu hoạt động của máy bay cảnh báo sớm của đối phương ở Biển Azov cũng như các mặt trận khác, làm giảm đáng kể khả năng trinh sát của lực lượng Moscow.
Nhờ sở hữu hệ thống radar Shmel-M, "mắt thần" A-50 có khả năng theo dõi mục tiêu mặt đất ở khoảng cách lên đến 300km, theo dõi mục tiêu trên không cách xa lên đến 650km và phát hiện tên lửa phóng ở cự ly lên tới 1.000km.

Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50 của Nga được tiêm kích MiG-31 hộ tống (Ảnh: Telegram).
Su-35S chỉ điểm cho tên lửa S-400 bắn hạ F-16 Ukraine
Do mất ưu thế trên bầu trời nghiêm trọng và lo sợ mối đe dọa từ tên lửa Nga - cả mặt đất và trên không - nên sau khi tiếp nhận máy bay chiến đấu F-16, Không quân Ukraine chưa chủ động tấn công như đã tuyên bố ban đầu.
Thay vào đó, họ chủ yếu sử dụng chúng để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất dưới hình thức tấn công bất ngờ nhằm làm giảm đáng kể nguy cơ bị Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS Nga) vượt trội truy đuổi.
Tuy nhiên, theo một số mạng xã hội Nga, vào chiều 19/3, một tiêm kích Su-35S của VKS Nga - đóng vai trò làm máy bay cảnh báo sớm mini thay cho A-50 - được cho là đã dẫn đường để tên lửa phòng không S-400 bắn hạ thành công một máy bay chiến đấu F-16 Ukraine cất cánh từ sân bay ở tỉnh Rivne.
Trước hết, trận chiến chưa được xác nhận bởi các phương tiện truyền thông chính thức của Nga và Ukraine. Hãng tin RT đã đăng tải thông tin này và cũng thừa nhận rằng, nó chưa được Bộ Quốc phòng Nga xác nhận.
Phía Ukraine bác bỏ mọi thông tin trên. Trung tá Yuri Ignat, phát ngôn viên Không quân Ukraine, cho biết, chiếc F-16 đã trở về an toàn sau khi thả bom dẫn đường vào các mục tiêu của Nga. Một thông tin từ trang Bulgarian Military cũng cho thấy, có người đã quay video ghi lại hình ảnh một chiếc F-16AM bay thấp trên bầu trời tỉnh Sumy của Ukraine.
Như vậy, có thể xác nhận rằng vào ngày 19/3, Không quân Ukraine đã xuất kích ít nhất một chiếc F-16 đến tỉnh Sumy để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất.
Trong bối cảnh cuộc tấn công kéo dài 7 tháng của quân đội Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga đã thất bại và họ mới bắt đầu tấn công tỉnh Belgorod, về mặt lý thuyết, cả tấn công và rút lui đều cần hỏa lực yểm trợ đủ mạnh nên việc F-16 tham chiến ở khu vực này là hoàn toàn có thể.
Dù vậy, điều thực sự đáng chú ý không phải là thông tin F-16 Ukraine bị bắn hạ "đúng hay sai", mà theo mạng xã hội Nga, trong trận đánh này, chiến đấu cơ Su-35S hay Su-30SM không phóng tên lửa để bắn hạ máy bay đối phương như trước đây. Thay vào đó radar trên Su-35S chỉ làm nhiệm vụ phát hiện và khóa mục tiêu là F-16 rồi truyền dữ liệu đến hệ thống tên lửa phòng không S-400 đang trực chiến.
Sau khi nhận được thông tin mục tiêu từ máy bay Su-35S, kíp chiến đấu hệ thống S-400 đã phóng liên tiếp 2 tên lửa. Lúc này, nhiệm vụ của chiếc Su-35S chưa kết thúc, nó tiếp tục dẫn đường cho tên lửa đến khu vực mà đầu dò radar trên tên lửa đánh chặn được bật lên.
Kế tiếp, chiếc Su-35S quan sát thấy tín hiệu của F-16 biến mất khỏi màn hình radar và xác định nó đã bị bắn hạ.
Cần phải nói rằng, logic phán đoán một máy bay bị bắn hạ do mất tín hiệu vẫn chưa thực sự chính xác. Trong không chiến hiện đại, việc xác nhận kết quả thường đòi hỏi sự thừa nhận từ cả hai bên, và chỉ có cảnh quay video về xác máy bay rơi mới có thể chứng minh hoàn toàn. Còn việc "mất tín hiệu trên màn hình radar" vẫn chưa đủ sức thuyết phục.
Cũng có thể là F-16 Ukraine đã tránh được tên lửa đang bay tới bằng cách nhào xuống độ cao cực thấp. Mặc dù radar mảng pha thụ động N035 của Su-35S phát hiện mục tiêu ở hướng phía dưới tương đối tốt, nhưng nó có thể không xác định chính xác được các mục tiêu có kích thước bằng máy bay chiến đấu khi lẫn với các địa vật ở mặt đất khiến chiếc F-16 may mắn né được "nanh vuốt tử thần".

Một số máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon của Không quân Hoàng gia Hà Lan đã được chuyển giao cho Ukraine (Ảnh: Air Data News).
Chiến thuật "A khai hỏa, B điều khiển" nâng tầm uy lực phòng không Nga
Nếu Su-35 thực sự hoạt động như một máy bay cảnh báo sớm mini, dẫn đường và chiếu xạ radar toàn thời gian cho tên lửa đánh chặn S-400 tiến hành đánh chặn tầm xa thì chứng tỏ rằng quân đội Nga có thể sử dụng chiến thuật "A khai hỏa, B điều khiển" (A-shoot, B-guide) mà không cần máy bay cảnh báo sớm A-50U.
Về chiến thuật, điều này có ý nghĩa hơn nhiều so với việc bắn hạ 1 hoặc 2 chiếc F-16.
"A khai hỏa, B điều khiển" còn được gọi là hiệp đồng chiến đấu phòng không hoặc hướng dẫn phối hợp. Ý tưởng cốt lõi là một phương tiện phóng tên lửa trong khi phương tiện khác làm nhiệm vụ phát hiện mục tiêu và dẫn đường, giúp tên lửa không đối không hoặc đất đối không tầm trung và tầm xa đạt được khả năng tấn công hiệu quả, bất ngờ hơn.
Chiến thuật này không thể xem nhẹ trong không chiến hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ tàng hình ngày càng tinh vi và gây nhiễu điện tử mạnh. Chiến thuật chắc chắn có thể giúp giảm thiểu tổn thất hơn nữa cho VKS Nga, trong khi hiệu quả chiến đấu được nâng cao. Tuy vậy, nó cũng được coi là một chiến thuật khó hơn với yêu cầu rất cao về cả phần mềm và phần cứng.
Để đạt được "A khai hỏa, B điều khiển", trước hết cần có một phương tiện trinh sát mạnh. Đây không phải là vấn đề đối với quân đội Nga, cho dù đó là máy bay cảnh báo sớm A-50, Su-35S hay radar cảnh báo sớm 91N6E và radar điều khiển hỏa lực 92N6A của S-400,... đều có thể thực hiện được.
Điều quan trọng thứ hai là liên kết dữ liệu 2 chiều, cho phép phương tiện trinh sát, hệ thống phòng không và tên lửa trao đổi thông tin quan trọng như hướng mục tiêu, góc và tốc độ theo thời gian thực.
Như vậy, quân đội Nga ít nhất phải đạt được liên kết dữ liệu băng thông cao giữa S-400 và Su-35S, giống như Link 16 của Mỹ, để đảm bảo trao đổi tham số mục tiêu thông suốt theo thời gian thực.

Sự kết hợp hoàn hảo giữa máy bay cảnh báo sớm A-50 và tên lửa phòng không S-400 của Nga (Ảnh: Bulgarianmilitary).
Một điểm khác cần lưu ý, đó là quân đội Nga có thể đã dùng đến phương pháp này "vì bất lực". Nếu máy bay F-16 Ukraine bay ở độ cao cực thấp để giữ bí mật, sẽ rất khó để phát hiện ra nó chỉ bằng radar cảnh báo sớm 91N6E hoặc 96L6 của hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Radar của S-400 chỉ có thể phát hiện được máy bay đối phương trong thời gian ngắn, vào lúc F-16 phải lấy độ cao để cắt bom. Khi F-16 cắt bom xong và tiếp tục hạ độ cao, radar của S-400 sẽ mất dấu "con mồi" do không còn nhìn thấy nó trên màn hiện sóng nữa.
Do đó, loại radar thực sự bắt được F-16 khi thực hiện động tác bay thấp phải là máy bay cảnh báo sớm A-50U, hoặc chiến đấu cơ Su-35S khi những "radar bay" này đang hoạt động ở trên không.
Về lý do tại sao Su-35S không tấn công trực tiếp, có thể là vì khoảng cách quá xa và không có tên lửa có radar chủ động tầm xa như R-37M hoặc có thể là lo ngại tên lửa không đối không chưa đủ mạnh nên VKS Nga cần tên lửa đánh chặn hạng nặng 40N6E hoặc 48N6E2 của S-400 để đảm bảo diệt mục tiêu một cách triệt để.
Tóm lại, nếu quân đội Nga thực sự đã đạt được mức độ hợp nhất cảm biến cao giữa Su-35S và tên lửa đánh chặn tầm xa của S-400, đồng thời có thể đảm bảo trao đổi dữ liệu thời gian thực băng thông cực cao, ngay cả khi bị can thiệp điện tử, thì họ không khó để có thể tiêu diệt được F-16; dù nó bay rất thấp.
Rất có thể F-16 Ukraine sẽ không còn may mắn như vậy trong lần tới. Rõ ràng, chiến tranh hiện đại ngày càng đa dạng hơn, cốt lõi vẫn là thích nghi với sự thay đổi và Nga đã thay đổi, liệu Ukraine và Mỹ - NATO có thể đưa ra những ý tưởng mới hay không?