DNews

5 vấn đề chính sách lớn có thể định hình cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024

Nguyên Long

(Dân trí) - Sự tương phản về chính sách giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi chiến dịch tổng tuyển cử bắt đầu diễn ra sôi động.

5 vấn đề chính sách lớn có thể định hình cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024

Dưới đây là 5 vấn đề chính sách lớn có thể định hình cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Nhập cư

Cuộc khủng hoảng dân nhập cư tiếp tục là một trong những vấn đề "nóng" nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 khi làn sóng người vượt biên trái phép từ Mexico vào biên giới nước Mỹ ngày càng trở nên khó kiểm soát. Số lượng người nhập cư đến Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào cuối năm 2023 và được dự báo còn tăng hơn nữa trong năm 2024.

Mỹ là đất nước của những người nhập cư và đây là lực lượng lao động rất lớn mà nước Mỹ cần để đảm nhiệm những công việc thiết yếu giúp đất nước tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ suy nghĩ sai lầm rằng những người nhập cư đã lấy đi công việc của họ, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ khoảng 3,7%. Bên cạnh đó, hơn 1/4 dân số Mỹ cho rằng xét về tổng thể nhập cư là một vấn đề tồi tệ.

Theo khảo sát hồi tháng 3 của Đại học Suffolk và báo Boston Globe cùng USA Today, hơn 30% cử tri Cộng hòa coi nhập cư là vấn đề cấp bách hơn cả cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, chiến sự Nga - Ukraine hay xung đột ở Gaza.

Để làm hài lòng các cử tri, ông Trump đã tuyên bố rằng, nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ tái áp đặt chiến lược ngăn chặn, trục xuất cứng rắn để xử lý làn sóng di dân và cư trú bất hợp pháp ở Mỹ, đồng thời đặt mục tiêu thay đổi chính sách đối với người nhập cư hợp pháp vào Mỹ.

Trong khi đó, ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ đảo ngược các chính sách nhập cư cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm theo hướng mềm dẻo và nhân văn hơn. Tuy nhiên, những gì mà chính quyền Biden thể hiện trong thời gian qua không hiệu quả như kỳ vọng vì số lượng người nhập cư tràn qua biên giới vào nước Mỹ tăng chóng mặt.

5 vấn đề chính sách lớn có thể định hình cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 - 1

Dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ trở thành vấn đề "nóng" trong mùa bầu cử tổng thống 2024 (Ảnh: Reuters).

Theo thống kê, số người nhập cư bất hợp pháp bị lực lượng tuần tra biên giới Mỹ bắt giữ dưới thời Tổng thống Biden ở mức cao nhất trong lịch sử 100 năm của cơ quan này, trung bình 2 triệu người/năm, gây ra các vấn đề lạm phát, khủng hoảng nhà ở và lo ngại về an ninh ở những địa điểm nóng về nhập cư trái phép như bang Texas.

Chính vì vậy, gần đây chính quyền Tổng thống Biden đã chuyển sang ủng hộ luật nhập cư chặt chẽ hơn nhằm nâng cao rào cản xin tị nạn, cấp thêm nguồn lực để xử lý các yêu cầu tị nạn và từ chối những người di cư không đủ điều kiện, đồng thời trao quyền cho tổng thống tạm thời đóng cửa biên giới trong những trường hợp nhất định.

Cả ông Biden và Trump đều nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nhập cư trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đặc biệt sau khi các cuộc thảo luận trong Quốc hội Mỹ về thỏa thuận hạn chế di cư bất hợp pháp do đảng Dân chủ đề xuất sụp đổ. Hiện cả hai đều cố gắng biến vấn đề nhập cư thành lợi thế chính trị cho dù nó gần như sẽ trở thành thách thức chính trị lớn với tổng thống tương lai của nước Mỹ.

Quyền phá thai

Đây được coi là ẩn số có tác động nhiều đến quyền lựa chọn của cử tri Mỹ, nhất là số cử tri nữ. Tháng 6/2022, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết lịch sử, xóa quyền nạo phá thai trên khắp nước Mỹ. Sau phán quyết này, hàng loạt bang do đảng Cộng hòa kiểm soát đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới với quyền phá thai, ảnh hưởng đến hàng chục triệu phụ nữ.

Quyền phá thai đang được đảng Dân chủ sử dụng tối đa trong chiến dịch vận động tranh cử để thu hút cử tri, đồng thời công kích đảng Cộng hòa. Bà Kimberly Inez McGuire - Giám đốc điều hành Tổ chức vận động ủng hộ quyền nạo phá thai tại Mỹ, nói rằng nạo phá thai là vấn đề có thể đem lại chiến thắng (cho đảng Dân chủ), kể cả ở những bang được coi là "đỏ" (màu của đảng Cộng hòa).

Trong khi đó phe Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump vẫn giữ quan điểm duy trì hạn chế đối với việc nạo, phá thai, tuy nhiên, bản thân ông Trump cũng nhận thức rất rõ rằng đây là một vấn đề nhạy cảm, không được đa số người dân Mỹ ủng hộ.

Do đó, gần đây ông Trump đã có sự thay đổi thái độ đối với vấn đề này khi công khai lo ngại rằng phản ứng dữ dội của cử tri, nhất là số cử tri nữ có thể khiến ông và đảng Cộng hòa phải trả giá đắt trong cuộc bầu cử; đồng thời cho biết vấn đề này nên được giao cho các bang giải quyết.

Lập trường mới của ông đã khiến một số thượng nghị sĩ như Lindsey Graham của Nam Carolina phản đối mạnh mẽ. Trong khi một số đảng viên Cộng hòa hạ thấp khả năng Quốc hội thông qua các hạn chế phá thai của liên bang, ngay cả khi họ giành được toàn quyền kiểm soát.

Theo khảo sát của Reuters/Ipsos, khoảng 70% người Mỹ cho biết quyền phá thai có ý nghĩa quan trọng đối với họ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Khoảng một nửa người Mỹ được hỏi (bao gồm gần 1/3 đảng viên Cộng hòa) tuyên bố ủng hộ luật hợp pháp hóa quyền phá thai trên khắp nước Mỹ.

Chăm sóc sức khỏe

Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ muốn mở rộng các điều khoản của Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe hợp túi tiền (ACA) còn được gọi là "Obamacare" bởi ông luôn coi đây là thành tựu đáng trân trọng cần bảo vệ và củng cố. Đạo luật đã mở rộng phạm vi bảo hiểm tới 45 triệu người thông qua trợ cấp, ủy thác bảo hiểm và mở rộng Medicaid.

Đáng chú ý, ông Biden đã giới thiệu một điều khoản trong Đạo luật Giảm lạm phát theo đường lối đảng phái của mình, cho phép Medicare thương lượng mức giá thấp hơn cho 10 loại thuốc theo toa. Ông cho biết muốn tăng con số đó lên 50 nếu tái đắc cử, với mục tiêu tiết kiệm được 200 tỷ USD.

Tổng thống Biden và Đảng Dân chủ đã có động thái để giảm chi phí thuốc cho người cao tuổi. Khi mà đạo luật "Obamacare" tiếp tục trở nên phổ biến, ông Biden đã đấu tranh để bảo vệ và mở rộng phạm vi bảo hiểm, bên cạnh việc cắt giảm chi phí. Những điều này đã khiến số người đăng ký Obamacare tăng lên mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, ông Trump đã miệt mài đấu tranh nhưng không thành trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình nhằm bãi bỏ và làm sáng tỏ luật này - thông qua các hoạt động lập pháp và hành pháp cũng như tán thành các vụ kiện nhằm xóa bỏ luật này. Ông Trump đã kêu gọi xem lại kế hoạch "chấm dứt" ACA, tuy nhiên, gần đây ông đã tìm cách hạ thấp điều đó và khẳng định ông chỉ muốn cải thiện luật pháp.

Nhiều đồng minh ủng hộ ông Trump trong chính phủ Mỹ hiện vẫn ủng hộ bãi bỏ, tuy nhiên, vẫn chưa có phương án khả thi nào được đưa ra. Những điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả ủng hộ của các cử tri trong phạm vi hưởng lợi từ ACA, nhất là người cao tuổi Mỹ trong các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế Medicare.

Thuế

Tổng thống Biden ủng hộ việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 28%, gần với mức 35% trước nhiệm kỳ của ông Trump (trước năm 2017). Mức thuế này hiện là 21%.

Ông Biden cũng đề xuất truy quét các tập đoàn đa quốc gia và công ty dược lớn có hành vi trốn thuế, đồng thời phục hồi hoặc áp đặt mức thuế cao hơn đối với những người Mỹ giàu có nhất. Ông cũng cam kết mở rộng các khoản giảm trừ thuế cho các cá nhân và hộ gia đình có thu nhập thấp.

Trong chuyến công du vận động tranh cử tại bang Pennsylvania vào ngày 16/4 vừa qua, Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định việc tăng thuế với người giàu và các tập đoàn lớn nhằm làm cho hệ thống thuế công bằng hơn, giữ nhiều tiền hơn trong túi người Mỹ. Đây được coi là nỗ lực ghi điểm của ông Joe Biden trong việc giải quyết "bài toán kinh tế", nhất là trong bối cảnh cử tri Mỹ ngày càng tỏ ra thất vọng với các chính sách kinh tế hiện nay của chính phủ.

Ông Biden muốn nhấn mạnh đến sự tương phản về chính sách kinh tế của ông và ông Trump. Bang Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri và có nhiều cử tri dao động giữa việc ủng hộ đảng Dân chủ và Cộng hòa, là một bang vô cùng quan trọng với cả ông Biden và Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Trong khi đó, một loạt biện pháp cắt giảm thuế của ông Trump, được đảng Cộng hòa thông qua trên cơ sở đường lối đảng phái vào năm 2017, sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Quốc hội và người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ quyết định điều gì xảy ra với họ.

Ông Trump muốn gia hạn điều luật ông từng ký năm 2017 để những khoản giảm trừ thuế sắp hết hạn được kéo dài, có thể là vĩnh viễn, trong đó bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế di sản và thuế tài sản. Ông Trump dự định sẽ duy trì mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 21%.

Đáng chú ý, về thuế xuất khẩu, từ lâu ông Trump vẫn hoài nghi về các thỏa thuận thương mại của Mỹ, đã đề xuất áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Gần đây, ông nói với Fox News rằng, mức thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc có thể là 60% hoặc có khả năng "nhiều hơn thế". Trong khi đó, ông Biden phản đối ý tưởng này. Nhà Trắng nói rằng, mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trump có thể khiến một hộ gia đình Mỹ trung bình phải trả 1.500 USD/năm.

Thay vào đó, chính quyền ông Biden đã tìm cách thúc đẩy sản xuất trong nước bằng các khoản đầu tư lớn của liên bang vào chất bán dẫn và xe điện.

Vấn đề Ukraine và NATO

5 vấn đề chính sách lớn có thể định hình cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 - 2

Ông Biden và ông Trump có quan điểm rất khác biệt về cuộc xung đột Nga - Ukraine (Ảnh: ABC News).

Đây là vấn đề đối ngoại có sự khác biệt khá lớn giữa ông Biden và ông Trump. Trong khi ông Biden và đảng Dân chủ luôn ủng hộ việc viện trợ cho Ukraine, ông Trump và nhóm nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa luôn tỏ ra hoài nghi, cứng rắn với viện trợ cho Ukraine.

Tuy nhiên, việc ngày 23/4, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ mới trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine, Israel và Đài Loan, trong đó có 61 tỷ USD cho Ukraine, cho thấy sự thay đổi khá lớn về quan điểm của ông Trump cũng như đảng Cộng hòa đối với vấn đề viện trợ cho Ukraine.

Các chuyên gia chính trị đánh giá, sự thay đổi lần này không chỉ xuất phát từ thỏa hiệp liên quan tới Israel, mà nhiều khả năng là kết quả của một quá trình vận động hành lang liên tục, nơi các bên ứng xử cứ như thể ông Trump sẽ là tổng thống.

Điều này sẽ có tác động kép, một mặt có thể làm ông Trump mất đi sự ủng hộ của một số cử tri trung thành với quan điểm ngừng viện trợ cho Ukraine, mặt khác có thể giúp ông Trump ghi điểm hơn vì đây là bước đi hợp lý mà một tổng thống nên làm.

Bên cạnh đó, NATO cũng là vấn đề đáng chú ý trong cuộc tranh cử khi ông Biden là người thẳng thắn ủng hộ liên minh NATO như một bức tường thành chống lại các đối thủ như Nga và Trung Quốc cũng như việc duy trì trật tự sau Thế chiến thứ hai.

Trong khi đó, ông Trump luôn có những lời chỉ trích về NATO, đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi NATO dù vấp phải sự phản đối của giới ngoại giao và quốc phòng nước này. Tuy nhiên, những phát biểu gần đây cho thấy ông Trump đã có sự dịu giọng hơn khi nói rằng Mỹ sẽ ở lại NATO dưới sự lãnh đạo của ông miễn là châu Âu "chơi công bằng".

Các chuyên gia chính trị đánh giá, đây có thể là "chiến thuật đàm phán" để thúc đẩy các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng và giảm gánh nặng cho Mỹ.

Theo kết quả một khảo sát ý kiến cử tri Mỹ của CNN công bố cuối tháng 4, ông Trump dẫn trước 6 điểm phần trăm so với ông Biden. Kết quả khảo sát cho thấy, sự ủng hộ ông Trump không thay đổi so với cuộc khảo sát hồi tháng 1, trong khi sự ủng hộ dành cho ông Biden đã giảm 2 điểm phần trăm.

Cuộc đua vào Nhà Trắng còn một chặng đường không xa nữa và chưa rõ liệu ông Biden sẽ tiếp tục tái đắc cử hay ông Trump sẽ giành chiến thắng để quay lại Nhà Trắng một nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là những đường lối về đối nội và đối ngoại mà ông Trump và ông Biden đưa ra sẽ có tác động lớn đến quyền quyết định lựa chọn tổng thống của cử tri Mỹ.

Lợi ích chính sách mà tổng thống Mỹ được bầu mang lại không chỉ quan trọng với hàng triệu người dân Mỹ mà còn tác động không nhỏ đến cục diện thế giới trong thời gian tới.