Nhiều tỷ phú gia nhập đội ngũ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
(Dân trí) - Khi chính thức bước vào Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025, ở độ tuổi 78, ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất và giàu nhất trong lịch sử tuyên thệ nhậm chức.
Giá trị tài sản ròng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ước tính từ 5,5 tỷ USD đến 6 tỷ USD. Đặc biệt, đội ngũ sắp tới của ông, bao gồm cả người giàu nhất thế giới Elon Musk, có tổng tài sản nhiều hơn bất kỳ đội ngũ nào khác trong lịch sử.
Tổng cộng, có khoảng 10 tỷ phú trong chính phủ của ông Trump.
Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Americans for Tax Fairness vào tháng 11, tổng tài sản của ông Trump, Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance, những ứng viên nội các siêu giàu của ông và đội ngũ chuyển giao quyền lực tổng thống lên tới hơn 313 tỷ USD. Kể từ đó, tài sản ròng ước tính của tỷ phú Elon Musk đã tăng lên mức khoảng 345 tỷ USD.
Nội các trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, vốn cũng thiết lập một kỷ lục về tài sản, có tổng giá trị tài sản là 6,2 tỷ USD.
Bức tranh trên hoàn toàn khác biệt khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021. Hầu hết các thành viên trong đội ngũ của ông đều là những triệu phú. Tổng tài sản ròng của đội ngũ ông Biden đạt 118 triệu USD.
Tài sản ròng 8 triệu USD của ông Biden đến từ hợp đồng sách và các bài phát biểu, trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris, với tài sản khoảng 7 triệu USD, phần lớn nhờ vào người chồng luật sư giàu có, theo báo cáo của tạp chí Forbes vào thời điểm đó.
Đảng Dân chủ hôm 9/12 cho rằng ông Trump đang bổ nhiệm vào nội các của mình những tỷ phú "không gần gũi với thực tế". "Sự thật là ông Trump và những người mà ông lựa chọn để lãnh đạo chính phủ tập trung vào lợi ích cá nhân hơn là vào các gia đình lao động", tuyên bố cho biết.
Ít nhất 2 trong số những ưu tiên hàng đầu của ông Trump khi nhậm chức vào tháng 1/2025 là những mối quan tâm của "người giàu".
Đầu tiên, gia hạn cắt giảm thuế năm 2017, vốn được cho là mang lại lợi ích không tương xứng cho các tập đoàn và người có thu nhập cao.
Thứ hai, thúc đẩy việc loại bỏ hoặc đơn giản hóa các quy tắc và các quy định hạn chế hoạt động nhằm xóa bỏ rào cản cho các doanh nghiệp và tăng tính cạnh tranh trên thị trường, điều nằm trong danh sách mong muốn của gần như tất cả doanh nghiệp lớn tại Mỹ.