1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kịch bản ông Trump tái đắc cử phủ bóng thượng đỉnh G7

Minh Phương

(Dân trí) - Kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng được cho là có thể sẽ là một trong những vấn đề chi phối chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra cuối tuần này.

Kịch bản ông Trump tái đắc cử phủ bóng thượng đỉnh G7 - 1

Các lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản năm 2023 (Ảnh: EPA).

Reuters đưa tin, nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra từ ngày 13/6 đến 15/6 tại khu nghỉ dưỡng Borgo Egnazia, miền Nam Italy.

Chương trình nghị sự của hội nghị gồm 6 phiên họp về phát triển châu Phi và biến đổi khí hậu, tình hình ở khu vực Trung Đông, xung đột ở Ukraine, di cư, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và một phiên họp đặc biệt tập trung vào trí tuệ nhân tạo và năng lượng.

Các nhà quan sát cho rằng, kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào cuối năm nay sẽ bao trùm hội nghị khi các nhà lãnh đạo châu Âu tính đến một tương lai mà họ có thể không còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ và phải dựa vào chính mình nhiều hơn.

 "Cái bóng của ông Trump thực sự đang bao phủ G7", Armida van Rij, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, nhận định.

Một số nội dung trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh sẽ nêu bật sự khác biệt rõ ràng giữa chính quyền Tổng thống Biden và người tiền nhiệm Donald Trump về các vấn đề toàn cầu.

Đứng đầu chương trình nghị sự, các nhà lãnh đạo sẽ tìm cách khai thác lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để cho Ukraine vay 50 tỷ USD. Mỹ hy vọng G7 có thể ký một thỏa thuận để thực hiện điều đó trong tuần này.

Việc đạt được thỏa thuận có thể phức tạp về mặt kỹ thuật, nhưng nó sẽ đánh dấu một chiến thắng cho ông Biden và các nhà lãnh đạo khác đang tìm cách gửi tín hiệu ủng hộ thống nhất cho Ukraine.

Trong khi đó, ông Trump nhiều lần tuyên bố, nếu tái đắc cử, ông có thể chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ bằng cách gây sức ép buộc các bên ngồi vào bàn đàm phán.

Ông không ủng hộ việc Mỹ tiếp tục đổ hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông cũng cho rằng, các nước châu Âu cần đóng góp nhiều hơn nữa cho phòng thủ chung của NATO.

Một trong những vấn đề được cho là sẽ được đề cập tại hội nghị là áp đặt thuế với hàng hóa Trung Quốc. Về vấn đề này, quan điểm của ông Biden và ông Trump khá tương đồng. Trong nhiệm kỳ của ông Trump từ năm 2017 đến năm 2021, Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào một cuộc thương chiến.

Hiện nay, sau khi Mỹ áp đặt mức thuế mới đối với ô tô điện, pin mặt trời, thép, nhôm và thiết bị y tế của Trung Quốc, châu Âu cũng cân nhắc xem có nên làm theo hay không.

Châu Âu vẫn lo ngại rằng ngày càng nhiều hàng hóa Trung Quốc có thể chuyển hướng từ Mỹ sang châu Âu.

Ví dụ, nơi ngành công nghiệp pin mặt trời từng phát triển mạnh ở các nước như Đức đã phải hứng chịu những đòn giáng lớn từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc.

Giới phân tích dự đoán rằng châu Âu cũng sẽ tăng thuế, nhưng sẽ không đi xa như Mỹ vì lo ngại gây ra cuộc chiến thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc.

Ủy ban Châu Âu hôm 12/6 thông báo với các hãng sản xuất ô tô rằng họ sẽ áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng, chưa đầy một tháng sau khi Washington tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: "Chúng tôi sẽ không đóng cửa thị trường của mình đối với các công ty nước ngoài vì chúng tôi cũng không muốn điều đó xảy ra với doanh nghiệp của mình". Ông nói thêm, chủ nghĩa bảo hộ và các rào cản hải quan "cuối cùng chỉ khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn và tất cả chúng ta trở nên nghèo hơn".

Theo Washington Post, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm