(Dân trí) - Từ một cô học trò nghèo cùng gia đình lênh đênh trên sông nước hay thiếu nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh cùng cực... đã được bạn đọc báo Dân trí hiện thực hóa giấc mơ giảng đường đại học.
Em Nguyễn Thị Thắm sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm vạn chài Tân Lam, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Cả gia đình 5 người sống trôi nổi theo con nước, trên chiếc thuyền chật hẹp.
Nghèo khó, gia đình Thắm không một mảnh đất cắm dùi, không một tấc ruộng, vườn để sinh sống… Vượt lên hoàn cảnh, Thắm luôn cố gắng học tập và 12 năm liền đều là học sinh khá, giỏi.
Thắm chia sẻ, ngày ấy mọi lo toan của gia đình đều nhờ vào con cá, con tôm bố mẹ bắt được. Là chị cả trong gia đình, phía sau còn một đàn em thơ, Thắm không mơ tới sẽ được đi học tiếp.
"Ngày cầm giấy báo nhập học, nhưng nhìn vào hoàn cảnh gia đình mình, mọi hi vọng đều vụt tắt, cứ ngỡ phải gác lại ước mơ giảng đường đại học. Nhưng nhờ sự động viên, đồng hành và giúp đỡ kịp thời của báo Dân trí, em đã trở thành một giáo viên Tiểu học như mong ước của mình.
Em rất biết ơn độc giả và quý báo đã hỗ trợ em rất nhiều trong cuộc sống và học tập. Sau khi ra trường em được về công tác tại Trường Tiểu học xã Nghi Đức, thành phố Vinh trong 5 năm. Hiện tại em sống và làm việc tại Hàn Quốc", Thắm chia sẻ.
Sau khi báo Dân trí thực hiện bài viết về hoàn cảnh, đến nay bố mẹ, các em của Thắm đã được lên bờ sinh sống, có đất xây dựng nhà mới khang trang. Bản thân Thắm sau khi ra trường đi dạy học rồi lấy chồng, có một gia đình nhỏ đầm ấm. Hạnh phúc hơn khi con nhỏ của Thắm là cháu Hoàng Nguyễn Linh Duyên (SN 2018) luôn chăm ngoan, học giỏi.
"Hướng tới Chương trình Gala Nhân ái của báo Dân trí, em xin gửi lời chúc mừng và mong báo ngày càng phát triển, là kênh thông tin quan trọng, thực sự là địa chỉ tin cậy, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh hơn nữa", Thắm chia sẻ thêm.
12 năm trước, Vi Thị Tâm là thiếu nữ dân tộc Thái, ở Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An - nhân vật trong bài viết "Chuyện nữ sinh dân tộc Thái và ước mơ giảng đường đại học bị gác lại".
Ngày ấy, gia cảnh nghèo, hàng ngày Tâm phải đi làm thuê kiếm tiền đi học. Nhà cách trường hơn 20km đường rừng, nhưng với chiếc xe đạp cà tàng của mình, Tâm vẫn đều đặn đến trường.
Tâm học rất giỏi và luôn khao khát một ngày được làm giáo viên để tiếp tục gieo những con chữ trên quê hương miền núi nghèo khó của mình.
Tháng 8/2012, Tâm cầm trên tay giấy nhập học, đỗ vào ngành Sư phạm ngữ văn của Trường đại học Vinh. Vừa vui mừng nhưng cũng buồn tủi. Vì gia đình hoàn cảnh khó khăn nên Tâm đã có ý định tạm gác lại ước mơ theo học đại học của mình.
Tâm chia sẻ: "Tưởng như ước mơ gieo chữ của em sẽ không thực hiện được. Nhưng may mắn đã đến với em, báo Dân trí và bạn đọc đã cho em được đến trường, em đã là thành viên của Trường đại học Vinh ngày đó.
Lòng hảo tâm của mọi người đã tiếp thêm sức mạnh cho em, không chỉ là vật chất mà còn cả niềm tin, ý chí để em vượt qua được khó khăn và giấc mơ đó đã trở thành hiện thực".
Tâm cũng gửi lời cảm ơn tới báo Dân trí, độc giả đã quan tâm, ủng hộ em trong suốt thời gian qua: "Em không biết nói gì hơn trong sự nghẹn ngào và xúc động lúc này. Em cùng gia đình xin được gửi lời cảm ơn đến báo Dân trí, độc giả của báo cùng bạn đọc đã viết tiếp ước mơ cho em. Em mong rằng báo Dân trí sẽ đến được với tất cả mọi nhà, mọi người trên mọi miền của Tổ quốc".
Sau 4 năm, cầm trên tay tấm bằng cử nhân và những kiến thức tiếp thu ở giảng đường, Tâm đã tìm được việc làm có thêm thu nhập, xây được ngôi nhà khang trang hơn cho bố mẹ và nuôi các em ăn học.
Tâm cũng đã có một tổ ấm gia đình, có chồng cùng quê hương Quỳ Hợp là anh Vi Quang Thảo (SN 1992) và cô con gái Vi Thị Khánh Ngân (SN 2019).
Thiết kế: Vũ Đức Bình