DMagazine

Mấy chục năm lương tăng nhỏ giọt, công chức ngóng ngày lương đủ sống

(Dân trí) - Mỗi năm được tăng thêm tròm trèm trăm nghìn đồng, lương công chức được đánh giá vận hành theo kiểu "nhỏ giọt". 1,7 triệu người hưởng lương từ ngân sách kỳ vọng cải cách sẽ tạo được những đột phá.

Mỗi năm được tăng thêm tròm trèm trăm nghìn đồng, lương công chức được đánh giá vận hành theo kiểu "nhỏ giọt" không mang lại sự thay đổi lớn. 1,7 triệu người hưởng lương từ ngân sách kỳ vọng cải cách tiền lương sẽ tạo được những đột phá.

Mấy chục năm lương tăng nhỏ giọt, công chức ngóng ngày lương đủ sống - 1

Đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương. Qua những lần cải cách, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện. Song đến nay, tiền lương trong khu vực này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Mấy chục năm lương tăng nhỏ giọt, công chức ngóng ngày lương đủ sống - 3

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, việc lương cán bộ, công chức, viên chức liên tục được điều chỉnh qua các năm, lần gần nhất tăng 20,8% là nằm trong lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.

Việc tăng tiền lương qua các năm đã bổ sung thêm nguồn thu nhập cho người lao động.

"Nhưng xét một cách tổng thể, mỗi một lần tăng "nhỏ giọt" như vậy không mang lại sự thay đổi lớn về tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 1,7 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước khó kỳ vọng, trông đợi mức tiền lương đủ sống không có, không đáp ứng được tương quan quan hệ lao động - tiền lương với chi phí sinh hoạt", ông Lợi phân tích.

Mấy chục năm lương tăng nhỏ giọt, công chức ngóng ngày lương đủ sống - 5

Bên cạnh đó, tiền lương hiện không thể hiện đúng bản chất giá trị sức lao động.

Vị chuyên gia nhận định, dù được điều chỉnh nhiều lần nhưng tiền lương vẫn không tạo được động lực làm việc cho công chức, viên chức và dẫn đến nhiều hệ lụy.

Hệ lụy đầu tiên, theo ông Lợi, phải kể đến là sức ỳ của người lao động, tiền lương không tạo ra năng suất lao động, áp lực cạnh tranh vươn lên thực hiện nhiệm vụ. Thực tế, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Xã hội nhận định, nhiều cán bộ, công chức, viên chức "chân ngoài dài hơn chân trong", không tập trung cho công việc, làm ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Sau nữa, tiền lương không đủ sống cũng khiến chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư.

Ông Lợi trăn trở, Nghị quyết 27 được ban hành từ 2018, đã nhiều năm kéo dài, chưa thực hiện được việc cải cách tiền lương. Và lương thấp, không đủ sống cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

"Nhiều cán bộ, công chức không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền mà tham nhũng, tiêu cực. Ít người có bản lĩnh, giữ mình được khi cuộc sống thực tế khó khăn", ông Lợi nhận định.

Mấy chục năm lương tăng nhỏ giọt, công chức ngóng ngày lương đủ sống - 7

Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, dự kiến từ 1/7/2024, cả nước bắt đầu thực hiện lộ trình cải cách căn bản tiền lương.

Nhận thông tin này, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Xã hội cho hay: "Bắt đầu việc cải cách chính sách tiền lương từ giữa năm sau, tôi cho là chậm, nhưng chậm còn hơn không".

Thực hiện cải cách tiền lương để những bất cập đã thể hiện có thể được khắc phục từng bước. Bên cạnh đó, cải cách này sẽ tạo động lực để phát triển, khơi dậy tinh thần trách nhiệm để cán bộ vươn lên, gắn bó với đơn vị.

Mấy chục năm lương tăng nhỏ giọt, công chức ngóng ngày lương đủ sống - 9

Phân tích về những điểm đột phá trong định hướng cải cách tiền lương, TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, đó là việc bỏ hoàn toàn hệ thống thang, bảng lương cũ, thiết kế 5 bảng lương cho cả hệ thống. Bên cạnh đó còn việc bỏ hệ số lương, thay vào đó là cách tính mức lương tuyệt đối.

Nghị quyết 27 cũng nêu rõ việc bãi bỏ nhiều khoản phụ cấp trước đây. Bên cạnh tiền lương, còn có quỹ 10% tiền thưởng để người đứng đầu cơ quan sử dụng cho việc khen thưởng, khuyến khích cán bộ. Hoạt động khen thưởng, như thế, không chỉ bằng lời nói nữa mà bằng tiền cụ thể.

Cũng về vấn đề này, Phó trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam Lê Đình Quảng cho hay, hệ thống bảng lương của cán bộ, công chức hiện áp dụng theo công thức tính: lương = hệ số lương x mức lương cơ sở.

Điều này không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Thực tế, lương khu vực công thấp do mức lương cơ sở thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Khi thực hiện cải cách, bảng lương mới sẽ được xây dựng với mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể, mở rộng hơn so với hệ số, đẩy lên mức cao hơn để lương khu vực công từng bước tiệm cận khu vực doanh nghiệp.

Ông Quảng đánh giá, điểm nổi bật trong định hướng cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 là trả lương theo vị trí việc làm. Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm, mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng, cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc.

Mức lương áp cho vị trí như thế, theo ông Quảng, sẽ không còn chuyện "cào bằng" giữa mọi ngành, mọi cán bộ công chức như hiện nay.

Mấy chục năm lương tăng nhỏ giọt, công chức ngóng ngày lương đủ sống - 11

Theo ông Quảng, với việc trả lương theo vị trí việc làm, người dù mới được tuyển dụng, bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm cao sẽ được hưởng lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. 

"Về việc trả lương này sẽ giúp đánh giá được đúng năng lực, vị trí của cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập", ông Quảng nhấn mạnh.

Phó trưởng Ban chính sách pháp luật của TLĐLĐ Việt Nam cho rằng, bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xác định trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm, cần bao nhiêu nhân sự, với những tiêu chuẩn, năng lực gì để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó.

Theo chuyên gia này, xác định đúng vị trí việc làm là nhiệm vụ rất khó và có phần "nhạy cảm", song nhất định phải thực hiện. Bởi đây chính là cơ sở quan trọng để minh bạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Mấy chục năm lương tăng nhỏ giọt, công chức ngóng ngày lương đủ sống - 13

Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM Trần Anh Tuấn khái quát, Nghị quyết 27 được kỳ vọng là một giải pháp chủ chốt để cán bộ, công chức, viên chức có thể sống được bằng lương. 

Mấy chục năm lương tăng nhỏ giọt, công chức ngóng ngày lương đủ sống - 15

Ông Tuấn cũng tán thành phân tích, một trong những điểm mới khi cải cách tiền lương là xóa bỏ tiền lương cơ sở. Theo đó, lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ được thiết kế gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

Việc bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp) cũng được hy vọng mang lại cho đợt cải cách này tiền đề cho sự đổi mới.

Ông Trần Anh Tuấn cho hay, tiền lương luôn đứng trước mâu thuẫn là thấp so với nhu cầu của người lao động nhưng lại rất cao so với khả năng của ngân sách. Trong quá trình thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cần kết hợp với cải cách hành chính và đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế trả lương cho khối đơn vị sự nghiệp.

"Tiền lương thực tế tỷ lệ nghịch với giá cả hàng hóa và dịch vụ. Trong điều kiện phát triển bình thường của nền kinh tế, tỷ lệ lạm phát tự nhiên hằng năm thường ở mức một con số. Do đó, tiền lương danh nghĩa nếu không được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát thì giá trị lương thực tế sẽ giảm xuống", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Vì vậy, để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động, chuyên gia này cho rằng cần có chính sách điều chỉnh tiền lương danh nghĩa theo tỷ lệ lạm phát.

"Đối với người lao động, lợi ích và mục đích cuối cùng của việc cung ứng sức lao động là tiền lương thực tế chứ không phải là tiền lương danh nghĩa", nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM nhấn mạnh.

Mấy chục năm lương tăng nhỏ giọt, công chức ngóng ngày lương đủ sống - 17

Nội dung: Hoa Lê, Tùng Nguyên, Sơn Nguyễn

Ảnh: Nguyễn Sơn, Tiến Tuấn, Hoa Lê