1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chưa có phương án tăng lương từ 1/7, khó chỉnh chính sách liên quan

Hoa Lê
Định hướng cải cách tiền lương Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc tăng lương cho công chức, viên chức và sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 29/5, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc cải cách tiền lương sắp thực hiện và sớm công bố phương án điều chỉnh tiền lương với khu vực công này.

Chưa có phương án tăng lương từ 1/7, khó chỉnh chính sách liên quan - 1

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Ảnh: Quốc hội).

Theo đại biểu, sớm công bố phương án sẽ giúp các địa phương có cơ sở xây dựng các văn bản sửa đổi những chính sách hiện hành lấy mức lương cơ sở làm căn cứ tính. Đồng thời, có thang bảng lương mới mới hoàn thiện được văn bản hướng dẫn liên quan chế độ, chính sách cho người hưởng lương, đảm bảo thực hiện đồng bộ từ 1/7.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho biết, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò nòng cốt, có tính chất đột phá quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp...

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, bất cập nêu trên đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động.

Chưa có phương án tăng lương từ 1/7, khó chỉnh chính sách liên quan - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Ảnh: Quốc hội).

"Nếu so sánh những người cùng trình độ đào tạo làm việc trong lĩnh vực sản xuất hoặc lĩnh vực khác, mức lương, thu nhập của giáo viên dạy nghề thấp hơn rất nhiều", đại biểu chia sẻ.

Theo đại biểu Thu Dung, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trường nghề không thu hút được người có trình độ, tay nghề giỏi. Đồng thời, một số giáo viên dạy nghề bỏ trường, chuyển ra làm cho doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị Quốc hội đồng ý cho xây dựng Luật Nhà giáo và bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Luật này cần thể hiện đầy đủ các nội dung nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ mới.

Nữ đại biểu cũng mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chỉ thị 21/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển đội ngũ và triển khai các bộ công cụ, chỉ số đo lường, đánh giá chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp phục vụ thống kê, dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng", đại biểu kiến nghị.

Đặc biệt, đại biểu Dung cho rằng cần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.