DNews

Cuộc di dân để làm sân bay Long Thành: An cư nhưng chưa "lạc nghiệp"

Phước Tuần

(Dân trí) - Sau nhiều năm sống trong quy hoạch, hơn 1.500 hộ dân nhường đất xây sân bay Long Thành về khu tái định cư sinh sống. Tại nơi ở mới, cuộc sống của bà con đang gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Cuộc di dân để làm sân bay Long Thành: An cư nhưng chưa "lạc nghiệp"

Gần 2 năm về nơi ở mới, dù hạ tầng, giao thông khang trang, đẹp đẽ, rộng rãi nhưng người dân sống trong khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn vẫn phải đối mặt với mọi khó khăn. Nhiều hộ dân vẫn chưa được kéo điện, sử dụng nước sạch; các trường học, trạm xá, nhà văn hóa trong khu tái định cư vẫn chưa xây xong. 

Thích nghi với cuộc sống mới nhiều khó khăn

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích hơn 280ha, dự kiến bố trí cho khoảng 7.000 hộ dân. Đến nay, UBND huyện Long Thành giao đất cho hơn 4.100 hộ dân, nhưng chỉ mới có hơn 1.500 hộ đến xây nhà, dọn về ở tại khu tái định cư.

Về cơ bản, người dân đang từng bước ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn nhiều bất cập về hạ tầng, công trình thiết yếu xã hội gây khó khăn cho họ.

Cuối tháng 8, trong chuyến thăm, kiểm tra cuộc sống của người dân tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khảo sát nhanh mức độ hài lòng của người dân. Có đến 70% không hài lòng, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Cuộc di dân để làm sân bay Long Thành: An cư nhưng chưa lạc nghiệp - 1

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đến nay đã có hơn 1.500 hộ dọn đến xây nhà, sinh sống ổn định (Ảnh: Hải Long).

Cũng trong thời gian này, phóng viên có mặt tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Theo ghi nhận, trục đường chính dẫn vào khu dân cư được làm 8 làn xe, hai bên đường phủ kín dãy nhà mới khang trang, rộng rãi của người dân. Nhiều mặt tiền được dựng bảng hiệu buôn bán, kinh doanh khá sầm uất. 

Bà Nguyễn Thị Kim Anh (xã Suối Trầu cũ, huyện Long Thành) trong nhóm người dân về khu tái định cư nhận đất xây nhà sớm. Gia đình bà bị thu hồi hơn 300m2 đất thổ cư và 2ha vườn điều. Qua nơi ở mới khá sớm nhưng cuộc sống của gia đình bà vẫn còn nhiều khó khăn.

"Sân bay Long Thành là dự án lớn nên khi có quyết định thu hồi đất gia đình tôi chủ động di dời sớm. Lúc ở chỗ cũ, tôi buôn bán hàng ăn uống, nhiều lần muốn sửa nhà nhưng không được vì nằm trong khu quy hoạch. Đến đây đô thị hiện đại nhưng buồn, vắng khách. Về lâu dài, khu đô thị có đầy đủ các thiết yếu xã hội, dịch vụ; con cái học tập tốt hơn nên phải tập thích nghi thôi", bà Kim Anh nói.

Theo bà Kim Anh, khó khăn nhất của người dân qua nơi ở mới là chưa quen với cuộc sống đô thị. Nhiều người lớn tuổi quen cảnh "trồng rau nuôi gà", giờ đến ở đây đất hẹp, xung quanh toàn nhà, không có đất vườn để trồng trọt, thiếu việc làm nên cảm giác trống trải, buồn chán.

Ông Phạm Văn Thìn (70 tuổi, xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) đã đến khu tái định cư xây nhà khang trang hơn 1 năm nay.

Ông tâm tư: "Ở trong nhà cũ có vườn, cây cối xanh mát, không khí thoải mái hơn, ra đây chán lắm. Xưa muốn ăn gì cũng khỏe, thích ăn gì ra vườn là có. Ngày thường tôi còn chăm cây, nuôi gà, đi quanh vườn thoải mái, vui vẻ. Nay ở đây không biết làm gì, hàng xóm cũng không ở gần nhau".

Cuộc di dân để làm sân bay Long Thành: An cư nhưng chưa lạc nghiệp - 2

Nhiều người dân tận dụng khoảng đất công viên trước nhà để trồng thêm rau xanh (Ảnh: Hải Long).

Tận dụng những mảnh đất quy hoạch làm công viên cạnh nhà chưa sử dụng, ông Thìn và hàng xóm trồng thêm rau, cây cối cho vui và cải thiện bữa ăn. Vì thế khoảng đất công viên được bà con phủ xanh với hàng rau cải, khoai lang, cây ớt…

"Ở đây khu đô thị đẹp, đường rộng, điện sáng rất tốt. Bạn bè lớn tuổi như tôi không có việc làm nhưng hàng tháng phải trả thêm tiền điện, nước, rác… rất tốn kém. Ở nhà tôi còn có nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi có đồng ra đồng vào chứ ra đây không biết làm gì", ông Thìn chia sẻ.

"Nhà tôi phải câu điện ké, khoan nước giếng để dùng"

Việc thiếu những vườn rau, cây ăn trái, chuồng gà tại khu ở mới khiến người dân có chút nhớ. Còn điều trăn trở nhất của người dân sau hai năm về đây đó là hàng loạt công trình thiết chế xã hội vẫn còn dở dang, chưa xây dựng hoàn thiện ảnh hưởng đến trực tiếp đời sống của người dân.

Theo UBND huyện Long Thành, hiện có hơn 1.500 hộ dân về xây nhà, sinh sống tại khu tái định cư nhưng nơi đây vẫn chưa có chợ, trạm y tế, trường học. Đặc biệt hơn 100 hộ dân khu vực phát sinh phải sống trong cảnh chưa kết nối điện, thiếu hạ tầng thoát nước, chưa có nước sạch, đời sống của người dân vô cùng khó khăn.

Cuộc di dân để làm sân bay Long Thành: An cư nhưng chưa lạc nghiệp - 3

Người đàn ông bốc thăm vào lô đất phát sinh nên vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa có nước sạch khiến gia đình phải khoan giếng để sử dụng (Ảnh: Hữu Khoa).

Chị Bùi Thị Lệ (52 tuổi, xã Suối Trầu cũ) nói: "Trước khi di dời, lãnh đạo huyện cam kết đến khu ở mới điều kiện rất tốt, có đầy đủ điện, đường, chợ, trường học, trạm y tế cho người dân. Nghe vậy ai cũng phấn khởi và háo hức. Tuy nhiên khi về đây ở thì mọi thứ chưa có gì. Con cái đi học phải qua tận xã Bình Sơn học ké, đường xa, xe cộ nguy hiểm. Trong khu tái định cư vẫn chưa có chợ, trạm y tế. Mọi thứ vẫn còn ngổn ngang".

Hiện hơn 600 học sinh cấp bậc tiểu học và trung học cơ sở phải đi học "ké" tại xã Bình Sơn cách khu tái định cư 2km. Nhiều gia đình có 2-3 con nên việc đưa đón rất vất vả. 

Đặc biệt hơn 100 hộ dân khu vực phát sinh vẫn phải câu điện "ké", dùng chung 6 nhà một cái đồng hồ với giá 6.000 đồng/số điện. Hệ thống nước sạch chưa có nên bà con phải khoan giếng để dùng rất bất tiện và ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Không hiểu sao khu tái định cư chưa hoàn thiện hạ tầng cơ bản mà chính quyền vẫn cấp đất cho người dân xây nhà. Chúng tôi đồng thuận rời bỏ mảnh đất bao đời sinh sống, nhường đất cho Nhà nước xây dựng sân bay để về khu tái định cư. Thế nhưng hơn 1 năm nay gia đình tôi phải dùng điện ké với giá cao, nước sạch chưa có", ông N.V.P., người dân khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn bức xúc.

Ông này cho hay, nhiều lần phản ánh lên chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Hiện cuộc sống của ông vô cùng khó khăn.

Cuộc di dân để làm sân bay Long Thành: An cư nhưng chưa lạc nghiệp - 4

Nhiều công trình trường học, chợ trung tâm, nhà văn hóa vẫn còn dang dở, chưa xây dựng xong khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Hải Long).

Trăn trở làm gì để sống

 Về sống ở khu tái định cư hiện đại, sinh kế cho người dân "nhường đất xây sân bay" cũng đang là "bài toán" chưa có lời giải. Đây là trăn trở của hàng nghìn lao động sống tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn trong thời gian qua. Dù có nhiều đề án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, dạy nghề nhưng đến nay mọi đề án đều chưa có hiệu quả.

Ngoài lao động trẻ xin việc tại các công ty và khu công nghiệp, lao động trung niên, người lớn tuổi dường như không tìm kiếm được việc làm ở đô thị. Không còn đất canh tác, nhiều hộ dân chuyển qua mở quán tạp hóa, quán nước, cà phê, quán ăn… nhưng phải đóng cửa do buôn bán ế ẩm.

Cuộc di dân để làm sân bay Long Thành: An cư nhưng chưa lạc nghiệp - 5

Nhiều người dân ngoài tuổi lao động gặp khó khăn về việc làm khi đến sinh sống tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (Ảnh: Phước Tuần).

Hơn một năm trước, gia đình bà Trần Thị Hạnh (xã Suối Trầu cũ) đến khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sinh sống trong căn nhà mới khang trang, rộng rãi. Để duy trì cuộc sống, bà Hạnh tận dụng phần hiên nhà để bán rau, củ, quả và tạp hóa. Tuy nhiên, việc buôn bán ế ẩm do người dân ít mà nhiều quán cùng mở ra.

Buôn bán ế ẩm, không có nguồn thu nhập, cuộc sống gia đình bà thêm bấp bênh, khó khăn. "Trước đây ở nhà cũ có rẫy trồng cây, nuôi thêm heo, gà thì có cái ăn, không sợ đói. Ra đây nhà cửa đẹp, ở thoải mái hơn nhưng việc làm không có, ngày ngày phải lo đủ thứ, từ tiền ăn đến tiền rác, tiền nước…", bà Hạnh chia sẻ.

Còn bà Lê Thị Mai (60 tuổi, xã Suối Trầu cũ) tâm sự, nơi ở cũ đến mùa điều các thương lái  hay chủ vườn gọi đi mót. Họ trả từ 350.000 đến 400.000 đồng/ngày. Ra đây không trồng trọt, chăn nuôi, không đi làm vườn nên không biết làm gì.

"Trước đây cán bộ trên tỉnh về gặp người dân có hứa hỗ trợ dạy nghề nấu ăn, đan lát cho phụ nữ lớn tuổi. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy huyện triển khai. Với thanh niên, trước đây tỉnh có triển khai đề án hỗ trợ học nghề tài xế với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ người. Do phải đóng thêm 15 triệu đồng mới đủ kinh phí nên người dân không ai đăng ký đi học", bà Mai thông tin.

Cuộc di dân để làm sân bay Long Thành: An cư nhưng chưa lạc nghiệp - 6

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn xây dựng nhiều tuyến đường lớn, hai bên đường người dân đã xây nhà lấp kín (Ảnh: Hoàng Bình).

Cũng theo bà Mai, thanh niên giờ đi làm công nhân trong khu công nghiệp còn những người lao động ngoài 40 tuổi kiếm việc làm rất khó khăn. Nhiều người dân phải làm tạm các công việc như chở hàng, bán nước, mở quán, phụ hồ trong công trình xây dựng…

Dù thế nào người dân cũng phải tập thích nghi dần với các công việc mới để bắt đầu cuộc sống tại khu tái định cư.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cuối tháng 8, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung Ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, đề nghị tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan tâm việc làm cho người dân hiện nay chưa có giải pháp căn cơ nào, người lao động trên 45 tuổi rất khó xin việc.

Bà Ánh kiến nghị tỉnh cần xây dựng nhiều giải pháp để tạo sinh kế cho người dân; quan tâm đến nguyện vọng của người dân hiện nay chưa được xét tái định cư, căn cứ tình hình thực tế và các quy định hiện hành để xét cấp. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục, hạ tầng công trình thiết chế xã hội tại khu tái định cư.

Bài liên quan:

- Hậu trường cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay để làm sân bay Long Thành

- Trường học còn ngổn ngang, hàng nghìn học sinh khu tái định cư đi học "ké"