(Dân trí) - Hiện tượng vay mượn quyền lực, cáo mượn oai hùm đã khiến không ít trợ lý, thư ký hay thậm chí một chuyên viên bình thường cũng có thể mang quyền lực "khủng".
Theo các chuyên gia, căn cứ vào các quy định hiện hành về trợ lý, thư ký thì chức năng, nhiệm vụ của họ "rất đơn giản": tham mưu, tư vấn, soạn thảo, trao đổi, ghi nhận thông tin… Nhưng tại sao các thư ký, trợ lý lại làm được những việc "động trời" như trong các vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu vừa qua?
Bên cạnh đó, trong các đại án trên cũng có những cá nhân không giữ vị trí nào trong các cơ quan chuyên môn nhưng lại có thể thao túng được cả lãnh đạo của các cơ quan này… Thực tế trên gây ra nhiều hệ lụy và cũng đặt ra vấn đề về việc cắt nghĩa "quyền lực" của những cá nhân liên quan.
Điểm trùng hợp giữa hai đại án Việt Á và chuyến bay giải cứu là đều có sự lộng hành, trục lợi của nhóm bị can, bị cáo từng là thư ký, trợ lý của một số vị lãnh đạo. Những hành vi của nhóm này được nhiều chuyên gia đánh giá là táo tợn và gây hậu quả nghiêm trọng.
TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã dùng từ "khủng khiếp" để nói về số tiền và số lần nhận tiền của vị thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế trong vụ chuyến bay giải cứu.
Theo TS. Đáng, những con số này khiến dư luận ngỡ ngàng và người ta đặt câu hỏi, tại sao một thư ký lại được doanh nghiệp đưa hối lộ nhiều lần như vậy và thật lạ khi người này có thể nhận ngay tại cơ quan, công sở? Tại sao trường hợp như vậy lại không bị phát hiện bởi đồng nghiệp, bởi lãnh đạo?…
Những điều này gây nên sự khó lý giải của dư luận và chính vì vậy, người ta đã bàn luận nhiều trong quá trình xử án.
Cũng đề cập về sự việc liên quan đến thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương - cho rằng ông cũng không hình dung nổi một thư ký cho Thứ trưởng, trong vòng 10 tháng lại có tới 253 lần nhận phong bì, nhận hối lộ.
"Trừ chủ nhật, trừ những ngày đi công tác địa phương, trừ những ngày họp hành, tính trung bình, không có ngày nào vị thư ký này không nhận phong bì. Điều này thật quá đáng, làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và nhà nước ta khi thực hiện các chuyến bay giải cứu".
Tại phiên tòa xét xử vừa qua, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, đã bị cáo buộc gây khó dễ, tạo áp lực để các doanh nghiệp phải chi tiền mới được cấp phép các chuyến bay combo. Theo đại diện Viện kiểm sát, lợi dụng việc nhận giấy tờ cấp phép các chuyến bay, Phạm Trung Kiên đã làm khó, buộc các doanh nghiệp phải chi hối lộ.
Sau khi bị đề nghị án tử, Phạm Trung Kiên được TAND TP Hà Nội tuyên mức án chung thân vì bị cáo đã thành khẩn khai báo trong giai đoạn xét xử, khắc phục trên 42 tỷ đồng, gia đình có bố đẻ có công với cách mạng…
Không chỉ có cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, bị cáo buộc 5 lần nhận hối lộ, tổng hơn 4,2 tỷ đồng để giúp 2 doanh nghiệp thực hiện trót lọt 26 chuyến.
Cũng giữ vai trò thư ký, nhưng là thư ký của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong vụ Việt Á, Nguyễn Huỳnh lại đảm nhận việc "trung chuyển" tiền hối lộ cho "sếp" của mình. Cụ thể, Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã nhiều lần đưa Nguyễn Huỳnh với tổng số tiền 2,2 triệu USD để chuyển cho cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; riêng Huỳnh nhận 4 tỷ đồng từ Việt.
Cùng vụ Việt Á, ông Nguyễn Văn Trịnh, trợ lý Phó Thủ tướng, bị cáo buộc can thiệp để sửa văn bản đã ban hành của Bộ Y tế theo hướng có lợi cho Việt Á sau này, đồng thời tác động để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á để rồi nhận 200.000 USD.
Trong vụ Việt Á còn một trường hợp "đặc biệt" là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục.
So với các trợ lý, thư ký, quyền lực của Thủy còn thấp hơn nhiều, nhưng nhờ "có mối quan hệ rộng với người có chức vụ quyền hạn", bà Thủy đã tác động đến cả ông Nguyễn Thanh Long, lúc đó đang là Thứ trưởng, và "điều" ông này đến dự một sự kiện theo ý muốn của đối tác.
Đề cập những sự việc gây nên bởi các trợ lý, thư ký trong các vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu, nhiều chuyên gia cho rằng, theo quy định hiện hành, các vị trợ lý, thư ký này không có nhiều thẩm quyền, nhất là không có quyền gì liên quan đến xét duyệt, cấp phép, phê duyệt. Thế nhưng, những vị này lại là địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp có nhu cầu "chạy".
Doanh nghiệp lọt vào danh sách của những người này thì gần như là một bảo chứng bảo đảm cho việc có trong danh sách được chấp nhận…
Trả lời câu hỏi, liệu có thể gọi tên bản chất của những sự việc trên là "sự thất thoát của quyền lực" từ các vị trí lãnh đạo, khiến quyền lực rớt xuống các vị trí bên dưới, TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, không phải như vậy. Thất thoát quyền lực theo đó phải là việc vị lãnh đạo nào đó kiểm soát quyền lực của mình kém nên bị thất thoát.
"Với các trường hợp trợ lý, thư ký vừa rồi nên gọi là quyền lực vay mượn, nôm na tiếng Việt gọi là "cáo mượn oai hùm". Thực tế, phạm vi thẩm quyền của anh không đến mức đó, nhưng anh núp bóng người khác, mượn oai người khác, mượn uy người khác… và anh có thể làm gần như người ta, trong tiếng Anh gọi là "referent power".
Anh không có thẩm quyền, nhưng vị trí của anh rất gần gũi với người có thẩm quyền cho nên anh có thể vay mượn của người ta để làm việc nào đó cho người khác và người làm việc với anh lại luôn nghĩ rằng, anh là đại diện cho người có quyền lực kia, thậm chí là hiện thân của người kia", TS. Đáng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Văn Đáng, TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ, nhìn nhận quyền lực nhà nước trao cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng vẫn nguyên. Còn những trợ lý, thư ký ở trên không có nhiều thẩm quyền nhưng lại có quyền lực thực tế lớn đến như vậy chỉ có thể cắt nghĩa từ vị trí của họ trong bộ máy.
Họ là người giúp việc cho những người có thực quyền và có khả năng tác động theo nhiều cách khác nhau đến những người có thực quyền cũng như những người ở các cơ quan khác có liên quan đến phạm vi phụ trách của những vị thực quyền này. "Tôi tạm gọi đây là quyền lực núp bóng, quyền lực ăn theo", TS. Đinh Duy Hòa kết lại.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhìn nhận, có thể dùng khái niệm "thất thoát quyền lực" cho những hiện tượng trên đây, tuy nhiên ông cũng nhiều lần dùng thuật ngữ "cáo mượn oai hùm" như TS. Nguyễn Văn Đáng và TS. Đinh Duy Hòa. Theo đại biểu Vân, trong trường hợp như vậy, có thể thư ký, trợ lý tự tung, tự tác, nhưng cũng không loại trừ khả năng có sự đồng thuận, tương tác lẫn nhau giữa thủ trưởng và cấp dưới, hoặc thủ trưởng "ngơ" đi cho làm, bật đèn xanh cho làm.
"Cắt nghĩa" sự việc khác trong vụ Việt Á như trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đã nêu ở trên, TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng đây cũng là biến tướng của quyền lực vay mượn.
"Bản thân người đó không có quyền lực, nhưng chỉ nhờ mối quan hệ đặc biệt, quan hệ thân hữu, người ta có thể làm được những việc quá khó và vượt quá sức tưởng tượng của mọi người trong khả năng bình thường", TS. Đáng nhìn nhận.
Theo ông Đáng, ở một nước Á Đông như chúng ta, tư duy một người làm quan cả họ được nhờ vẫn còn phổ biến, đôi khi chỉ cần giới thiệu bố làm ông nọ, anh làm chức kia thì quyền lực vay mượn ấy đã giúp cho cá nhân có một khả năng, ảnh hưởng khác hẳn.
Đồng quan điểm câu chuyện này về bản chất vẫn là quyền lực núp bóng, TS. Đinh Duy Hòa cắt nghĩa thêm, câu chuyện xuất phát từ việc nể cấp trên nên khi có người xưng là người nhà, người thân của cấp trên thì vị thứ trưởng đã vội… làm theo.
Theo các chuyên gia, trong thực tế, hiện tượng mượn danh lãnh đạo, núp bóng lãnh đạo để can thiệp tới các cơ quan, cá nhân nắm quyền chính không phải lạ lẫm. Trong dư luận, tên tuổi, bóng dáng những người núp bóng, từ cậu "đệ" tới phu nhân, vị trưởng nữ, thứ nam… được tiếng là "cánh cửa mở ra phòng" lãnh đạo này, quan chức khác không phải ít, có những chuyện cũng đã thành giai thoại.