(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhìn nhận, nhiều "người nhà quan miệng gang, gan thép" và không ít thư ký, giúp việc của lãnh đạo có vị thế "dưới một người, trên muôn người"…
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhìn nhận, nhiều "người nhà quan miệng gang, gan thép" và không ít thư ký, giúp việc có vị thế "dưới một người, trên muôn người"…
TS. luật học Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên Dân trí xung quanh câu chuyện "cáo mượn oai hùm", vay mượn quyền lực để trục lợi cá nhân hoặc cùng hưởng, biểu hiện qua các đại án vừa qua cũng như trong thực tiễn đời sống.
Trong vụ chuyến bay giải cứu, ông Phạm Trung Kiên, thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là người nhận hối lộ nhiều lần nhất và nhiều tiền nhất, 253 lần với 42,6 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó Thủ tướng, bị cáo buộc 5 lần nhận hối lộ, tổng hơn 4,2 tỷ đồng để giúp 2 doanh nghiệp thực hiện trót lọt 26 chuyến. Còn trong vụ Việt Á, ông Nguyễn Văn Trịnh trợ lý của Phó Thủ tướng bị cáo buộc can thiệp để sửa văn bản đã ban hành của Bộ Y tế theo hướng có lợi cho Việt Á sau này, đồng thời tác động để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á, nhận 200.000 USD, tương đương hơn 4,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Huỳnh, thư ký của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo cuộc đã "can thiệp, chỉ đạo" giúp doanh nghiệp được cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, hiệp thương giá, giúp thủ trưởng nhận hối lộ hơn 2,2 triệu USD, tương đương hơn 51 tỷ đồng. Ông nhận định thế nào về những sự việc trên?
- Những sự việc đó nói lên nhiều vấn đề. Trước hết là chuyện chất lượng đầu vào của cán bộ để bố trí làm thư ký, trợ lý cho lãnh đạo quản lý cấp cao. Thực trạng vụ Việt Á, rồi vụ chuyến bay giải cứu nổ ra trong đại dịch cho thấy chất lượng đội ngũ cán bộ này rất có vấn đề.
Tôi không biết cụ thể từng trường hợp thủ trưởng là người chọn hay bộ máy tổ chức tham mưu cho họ lựa chọn người thân cận bên mình như vậy, nhưng việc này, bản thân các vị lãnh đạo phải biết người của mình được tuyển chọn thế nào và dù theo cách nào, bổ nhiệm một thời gian nếu không phù hợp lẽ ra cần phải thay đổi ngay.
Đáng ra việc tuyển chọn phải kỹ lưỡng, cả về năng lực phẩm chất và đạo đức để có thể không chỉ giúp thủ trưởng sắp xếp công việc hành chính mà cả hỗ trợ về tư duy chiến lược, điều hành công việc, thậm chí là rào chắn tốt chặn những yếu tố xâm nhập tiêu cực đến công việc. Người ta nói "thầy nào tớ nấy", chính là phản ánh ê kíp làm việc của người lãnh đạo.
Nếu các vụ việc vừa rồi chỉ dừng lại ở các thư ký, trợ lý, ít nhất cũng có thể thấy, các thủ trưởng đã không kiểm soát được người thân cận của mình, thưa ông?
- Nếu chỉ như vậy cũng đã cho thấy khả năng kiểm soát nhân sự của thủ trưởng, người trực tiếp sử dụng thư ký, trợ lý. Rõ ràng, có việc kiểm soát không tốt nên để thư ký, trợ lý lạm quyền, có khi mạo danh, mượn "bóng" thủ trưởng để làm bậy. Đó là trò "cáo mượn oai hùm" để can thiệp, chi phối công việc được giao, để đồng lõa với các hành vi tiêu cực nhằm trục lợi.
Qua sự việc của các thư ký, trợ lý trong các đại án vừa qua, có thể cắt nghĩa như thế nào về việc có những người không có thẩm quyền quyết định, nhưng lại có quyền lực lớn như vậy trong thực tế, thưa ông?
- Không loại trừ khả năng có sự đồng thuận, tương tác lẫn nhau giữa cán bộ giúp việc và thủ trưởng hoặc thủ trưởng ngơ đi, bật đèn xanh cho người dưới làm càn. Việc này bản thân người thủ trưởng mới biết được và chuyện xác định trách nhiệm pháp lý thì khó có bằng chứng cụ thể, nguyên tắc là người nào làm người nấy chịu.
Để phân nhiệm, giới hạn mức độ công việc được làm của thư ký, trợ lý cần phải có một thể chế rất tường minh. Ví dụ, nếu các văn bản pháp lý, quy chế làm việc quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi "cấm" với thư lý, trợ lý thì đương nhiên nếu can thiệp vào đó mà không có ý kiến của Bộ trưởng, Phó Thủ tướng… thì rõ ràng phạm quy.
Hiện tại, vì chưa có những phân định rành mạch như vậy trong thực tế nên mới có chuyện qua thư ký, trợ lý truyền đạt kiểu khẩu dụ. Ở đây cũng có thể thấy phần nào tâm lý phục tùng, nể nang và yếu tố nhu nhược của người chấp hành khi chỉ đôi lời khẩu dụ được truyền đạt lại qua miệng thư ký, trợ lý mà đã dạ vâng, cho là thủ trưởng đã đồng ý.
Tại bộ ngành, thư ký có khi được cho là chỉ đứng sau Bộ trưởng, thậm chí Thứ trưởng cũng e dè, rồi cấp vụ cũng e sợ, thế là răm rắp chấp hành mọi lời của anh ta. Sau này, rất khó có bằng chứng cho những mệnh lệnh truyền miệng đó và người trên dễ rũ bỏ trách nhiệm, đổ hết lỗi cho cấp dưới.
Ông có cho rằng, những hiện tượng như trên là sự thất thoát quyền lực từ các vị thủ trưởng?
- Hiểu theo nghĩa quyền lực là một tài sản công mà là loại tài sản công rất thiêng liêng thì cách tiếp cận như thế, hiểu như thế cũng có sự phù hợp. Thực tế, quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ quyền lực của nhân dân. Nhân dân trao quyền lực của mình cho các cơ quan nhà nước, đầu tiên là thông qua các cơ quan dân cử, rồi đến các cơ quan thừa hành tiếp nhận quyền lực, trao cho những người trực tiếp sử dụng, tức trao quyền bằng luật pháp.
Vậy mà những người được trao quyền lại sử dụng một cách thiếu trách nhiệm, trân trọng, thậm chí lạm dụng để phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, rồi giao cho thuộc hạ để làm những việc bất chính nhằm trục lợi. Biểu hiện đó quả thật có thể gọi là sự rơi rớt quyền lực, làm thất thoát quyền lực, hiểu theo nghĩa vật chất.
Mặt khác, ở đây cũng có thể nói gọn là việc kiểm soát quyền lực chưa tốt, thiếu chặt chẽ nên mới dẫn đến những hệ quả khó khắc phục, làm cho quyền lực bị chuyển tới sai địa chỉ, bị thất thoát, lạm dụng như vậy.
Khi để người giúp việc của mình lộng quyền, người đó mới có vị thế "dưới một người, trên muôn người" là vậy. Bài học này có từ lịch sử phong kiến, chỉ một công công hay nịnh thần ở cạnh vua, các quan lại đầu triều đều e sợ. Tâm lý đó đến giờ vẫn phần nào thể hiện trong nhận thức của nhiều cán bộ.
Trong vụ Việt Á vừa rồi còn có một trường hợp rất đáng nói khác. Đó là trường hợp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy chỉ làm ở NXB Giáo dục, nhưng "có mối quan hệ rộng với người có chức vụ quyền hạn", tác động đến cả cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, lúc đó là Thứ trưởng, và "điều" ông này đến một sự kiện theo ý muốn của đối tác. Trong trường hợp này dường như quyền lực đã lan tỏa đến cả người được cho là người nhà của lãnh đạo, thưa ông?
- Trường hợp này thì tôi cho là do sự nhu nhược của những người chịu tác động, cứ nghe tên nhân vật có quyền lực, thấy bóng dáng cán bộ "to" là sợ hãi, thần phục. Đáng lẽ tiếp cận một người xưng là con cháu, người nhà… lãnh đạo thì trước hết phải xác minh xem có đúng không, đúng rồi thì xác minh tiếp là những người đó truyền đạt ý kiến lãnh đạo có đúng không, rồi nếu đúng nhưng việc đó không đúng pháp luật thì cũng phải kiên quyết gạt bỏ.
Tôi không lạ gì chuyện xưng danh, mượn bóng quan hệ với lãnh đạo kiểu này trong quá trình công tác, mình cứ thể hiện thái độ khảng khái, có sao đâu. Cũng thật không ngờ một nữ nhân viên nhà xuất bản, xưng danh người nhà ông nọ, ông kia mà đến Thứ trưởng cũng… chấp hành.
Như vậy thì chỉ có khả năng họ cùng nhau trục lợi dưới danh nghĩa là có tác động từ người nhà của lãnh đạo, giúp người ta để sau đó nhờ vả, đổi chác lợi ích.
Tôi cho rằng, những cán bộ, lãnh đạo bị sa vào vòng lao lý trong các vụ án vừa qua, xét về mặt trách nhiệm là rất đáng. Người trên thì không đủ nhận thức, không đủ bản lĩnh để kháng cự cám dỗ, thư ký, trợ lý thì nhiều trò lắt léo, tác oai tác quái, người dưới lại nhu nhược, thuần phục, chấp hành một cách mù quáng. Họ đều phải gánh hậu quả, cần được thay thế với nhân sự tốt, đàng hoàng hơn.
Như ông nói, hiện tượng mượn danh lãnh đạo để can thiệp tới các cơ quan, cá nhân nắm quyền chính ông đã gặp không ít. Trong dư luận thì những người quan hệ "khủng" có tên có tuổi như Út "Bộ trưởng", Vũ "Nhôm" hay phu nhân này, trưởng nữ kia, "thái tử" nọ… phải nói là nhiều chuyện đã thành giai thoại. Điều đó cho thấy chuyện mượn hơi quyền lực dường như khá phổ biến?
- Quả là từ khi làm cán bộ công chức, tôi thấy việc đó rất phổ biến. Tôi từng không ít lần bị người nọ người kia xưng danh rồi gợi ý, kể cả dọa dẫm nữa, kiểu "người nhà quan miệng gang, gan thép". Nhưng tôi thấy không có gì phải ngại vì rõ ràng đó là việc làm sai trái, đâu có gì buộc phải "nương" theo. Nếu không cần các vị đó ban phát gì thông qua việc đổi chác, giúp đỡ cho người nhà các vị đó thì đâu cần sợ.
Thực tế, Đảng cũng đã có nhiều văn bản nói về tệ trạng này rồi từ đó cụ thể hóa ra Luật cán bộ, công chức, viên chức nhưng thực hiện chưa triệt để. Giờ cần ngăn chặn những hiện tượng kiểu này bằng thể chế, chính sách, xem xét từ gốc là việc phân công quyền lực rồi tới ràng buộc trách nhiệm các cơ quan lựa chọn nhân sự.
Chuyện lãnh đạo thậm chí chọn bạn gái, "bồ nhí' làm thư ký mà cơ quan, tổ chức nhân sự vì chiều lòng thủ trưởng vẫn làm thủ tục bổ nhiệm đã có tiền lệ ở một sở cấp tỉnh rồi đó.
Theo ông cần giải pháp nào để quyền lực không bị thất thoát và không chuyển hóa thành quyền lợi của những cá nhân, thậm chí của những liên minh? Cơ chế tổ chức, vận hành của các đơn vị chức năng trong nội bộ cơ quan như thế nào để có thể cùng kiểm soát "đường đi" của quyền lực nhà nước?
- Muốn kiểm soát việc này, tôi cho rằng phải có bộ tiêu chí cụ thể xây dựng cho từng vị trí công tác, không chỉ dừng ở đối tượng công chức là thư ký, trợ lý, rõ ràng như KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) xây dựng trong doanh nghiệp mới được. Thư ký hay trợ lý thì sau một thời gian dùng không đạt KPI cũng thay.
Quản trị như vậy mới tránh để lọt lưới những nhân sự vừa không ngang tầm nhiệm vụ vừa dễ gây rủi ro cho hệ thống. Thực sự cán bộ lãnh đạo cấp cao mà đàng hoàng thì sẽ chọn người giỏi làm giúp việc cho mình chứ không chọn "bộ sậu".
Thực tế, trong hệ thống thư ký, trợ lý có những người xuất sắc, nỗ lực phấn đấu, sau trở thành lãnh đạo. Nhưng tình trạng lạm dụng, chăm sóc, bồi dưỡng thư ký, trợ lý để làm công cụ trong tay mình cũng thấy rõ trong nguy cơ "tứ ệ" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ..." thì giờ thêm cả "đồ đệ" chen chân nữa. Bồi dưỡng, trợ giúp để đẩy người phục vụ, thân cận mình cũng trở thành lãnh đạo, đưa vào nguồn cán bộ cấp chiến lược cũng là một nguy cơ dẫn đến chuyện bè cánh, nhóm thân hữu. Đây hẳn là một bài học xương máu với công tác cán bộ.
Xin cảm ơn ông!