DMagazine

Tiền hối lộ "chảy" về thư ký, nữ chuyên viên "đe" được thứ trưởng: Vì sao?

(Dân trí) - Doanh nghiệp tin tưởng rằng, khi được thư ký chấp nhận thì cũng gần như được thủ trưởng đồng ý, họ mới đưa tiền đến vài trăm lần như trong vụ chuyến bay giải cứu...

Doanh nghiệp tin tưởng rằng, khi công việc được thư ký chấp nhận thì cũng coi như đã được thủ trưởng đồng ý. Chính vì thế họ mới đưa tiền đến vài trăm lần cho một thư ký, như trong đại án "chuyến bay giải cứu" vừa xét xử.

Thư ký, trợ lý được nhìn nhận là cấu trúc "mềm" trong bộ máy hành chính. Tuy nhiên quyền lực trong thực tế của một số trợ lý, thư ký và cả những người có quan hệ thân hữu với các vị lãnh đạo trong các vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu vừa qua được cắt nghĩa bởi một hiện tượng phổ biến trong hệ thống hành chính hiện nay.

Tiền hối lộ chảy về thư ký, nữ chuyên viên đe được thứ trưởng: Vì sao? - 1

Thư ký không có quyền phê duyệt, chỉ có quyền thu thập thông tin, trao đổi với các đơn vị chức năng rồi rà soát văn bản cho lãnh đạo, nhưng tại sao trong các vụ chuyến bay giải cứu, Việt Á, doanh nghiệp lại tìm đến thư ký để đưa tiền?

Theo các chuyên gia, chúng ta có thể kiểm chứng hiệu quả việc doanh nghiệp tiếp cận thư ký, trợ lý bằng cách đối chiếu danh sách doanh nghiệp đưa tiền cho thư ký, trợ lý vừa nêu và danh sách doanh nghiệp được phê duyệt, từ đó biết được tỉ lệ thành công của doanh nghiệp đưa hối lộ.

Gần như có chung một "công thức": Thư ký nhận lời, cuối cùng việc sẽ được giải quyết bằng quyết định của vị thứ trưởng hoặc bộ trưởng.

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, doanh nghiệp phải tin tưởng rằng khi việc được thư ký nhận lời thì cũng gần như được thủ trưởng đồng ý. Chính vì vậy họ mới đưa tiền đến vài trăm lần cho một thư ký, như trong đại án chuyến bay giải cứu.

"Có thể doanh nghiệp hình dung ông thư ký chính là ông thứ trưởng vì thư ký rất gần gũi, rất được tin tưởng và người ta cứ thế đưa tiền đến, sau đó thấy rất hiệu quả", ông Đáng lập luận.

Tiền hối lộ chảy về thư ký, nữ chuyên viên đe được thứ trưởng: Vì sao? - 3

Ông Đáng cũng cho rằng, thẩm quyền thực sự thuộc về bộ trưởng, thứ trưởng. Nhưng vì vị trí của một số thư ký gần gũi nhất với lãnh đạo có thể ra quyết định nên người này có quyền lực và ảnh hưởng rất mạnh.

Tiền hối lộ chảy về thư ký, nữ chuyên viên đe được thứ trưởng: Vì sao? - 5

Theo chuyên gia, bộ máy hành chính theo trục dọc gồm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng... Thư ký, trợ lý chỉ là cấu trúc "mềm", là một vị trí, một chức danh.

Nhưng trợ lý, thư ký ở vị trí trực tiếp, gần gũi nhất với lãnh đạo có thẩm quyền hành chính cho nên ý kiến của một số người còn thậm chí còn có thể tác động mạnh hơn ý kiến của các lãnh đạo các đơn vị chức năng khác.

Cũng phải thấy rằng, thường thì các thư ký, trợ lý đã được thủ trưởng chọn là những cá nhân có phẩm cách, uy tín, chuyên môn tốt nên những tư vấn, những ý kiến tham mưu của họ cũng rất được tín nhiệm, tin tưởng. Tuy nhiên, đã có những trường hợp thư ký, trợ lý là cánh tay nối dài của thủ trưởng; có người được bật đèn xanh để trục lợi và cùng hưởng.  

Trợ lý, thư ký do vậy có phạm vi quyền lực rất lớn. "Tôi nhấn mạnh là quyền lực, chứ không phải thẩm quyền, tức là quyền lực theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền của họ thì hạn chế thôi, nhưng quyền lực lại rất lớn", ông Nguyễn Văn Đáng lập luận.

Tiền hối lộ chảy về thư ký, nữ chuyên viên đe được thứ trưởng: Vì sao? - 7

Đồng quan điểm quyền lực lớn của trợ lý, thư ký xuất phát từ vị trí của họ trong bộ máy, TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, đi vào phân tích những can thiệp của một số thư ký bị tha hóa, vào quy trình cụ thể.

Theo đó, nếu thư ký không trong sáng, muốn hướng đến lợi ích của một công ty nào đó, một đơn vị hành chính nào đó mà ông này ủng hộ thì khi các vụ trưởng trình văn bản lên ông sẽ nói chỗ này chưa chuẩn, phải sửa như thế này, thế kia để có lợi cho đối tượng được bảo kê. Nếu vụ, cục liên quan không tỉnh táo sẽ… hỏng chuyện.

Cùng phân tích về sự can thiệp của thư ký trong quy trình, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, căn cứ vào những quy định hiện hành, thư ký không có chức năng tham mưu về nội dung văn bản (trợ lý được tham mưu) mà chỉ xem xét về hình thức văn bản, trình tự văn bản, thẩm quyền văn bản và nếu thấy đáp ứng được yêu cầu thì mới trình.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo ông Dĩnh đâu đó có sự lạm quyền.

Tiền hối lộ chảy về thư ký, nữ chuyên viên đe được thứ trưởng: Vì sao? - 9

Từng đảm nhận cương vị lãnh đạo có sử dụng thư ký, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đồng quan điểm khi nhìn nhận, những thư ký, trợ lý trong các đại án vừa qua đã "núp bóng" lãnh đạo, làm những việc ngoài phạm vi vị trí việc làm của mình, trái với chức trách và đạo đức.

Từ thực tế các vụ án lớn gần đây, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị, cho rằng một số vụ án tham ô, tham nhũng cho thấy có thư ký, trợ lý đã giúp cho rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân "được việc", trong khi các cá nhân, doanh nghiệp khác muốn làm ăn chuẩn mực lại vô cùng khó khăn.

"Thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng các quan hệ với trợ lý, thư ký lãnh đạo như một lợi thế kinh doanh của mình", luật sư Quách Thành Lực nhấn mạnh. 

Tiền hối lộ chảy về thư ký, nữ chuyên viên đe được thứ trưởng: Vì sao? - 11
Tiền hối lộ chảy về thư ký, nữ chuyên viên đe được thứ trưởng: Vì sao? - 13

Lý giải vấn đề quyền lực lớn của trợ lý, thư ký, nhiều ý kiến cũng gắn với một hiện tượng rất phổ biến trong hệ thống hành chính, đó là… sợ cấp trên. Cấp trên nói gì cũng đúng, cấp trên nói gì, cứ thế thi hành. Và rồi, những vị thư ký, trợ lý tha hóa đã lợi dụng hiện tượng, câu chuyện này để tung hoành, trục lợi cá nhân hoặc có thể cùng chia chác.

Theo TS. Đinh Duy Hòa, việc này xảy ra ở nơi này nơi khác trong hệ thống của chúng ta trong những năm qua, chỉ có điều chưa dẫn đến kiểu hối lộ lớn như các vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu. 

Cũng có chuyên gia cho rằng, nhiều cán bộ dù nhận thức việc này, việc kia sai, nhưng do "sợ" cấp trên nên có tâm lý "nếu không chiều theo trợ lý, thư ký có thể sẽ bị lĩnh hậu quả".

Căn nguyên "sợ cấp trên" cũng được TS. Đinh Duy Hòa dùng để cắt nghĩa sự việc bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, chỉ làm ở Nhà xuất bản Giáo dục nhưng vì được cho rằng "có mối quan hệ rộng với người có chức vụ quyền hạn" mà tác động được cả đến ông Nguyễn Thanh Long, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Y tế, để "điều" ông này đến một sự kiện theo ý muốn của đối tác.

Theo ông Hòa, câu chuyện này về bản chất vẫn giống các trợ lý, thư ký kể trên ở yếu tố quyền lực núp bóng.

"Cái tai hại trong hệ thống của chúng ta là nhiều người rất sợ cấp trên nên khi cái vị gọi là họ hàng với cấp trên nói thì đâm ra nể và thực hiện ngay. Tôi giúp người có họ hàng với nhân vật có quyền lực rất lớn, chắc chắn ông có chức có quyền sẽ ghi nhận và đến một lúc nào đó sự ghi nhận ấy có thể thể hiện lại bằng cách giúp tôi thăng quan tiến chức hoặc giúp tôi trong câu chuyện này, chuyện kia", TS. Hòa lập luận.

Tiền hối lộ chảy về thư ký, nữ chuyên viên đe được thứ trưởng: Vì sao? - 15

Chuyện mượn danh, vay mượn quyền lực kể trên cũng được TS. Nguyễn Văn Đáng nhìn nhận đang xảy ra với rất nhiều hình thức trong xã hội.

Có trường hợp người lãnh đạo biết chuyện người thân, cấp dưới của mình lợi dụng nhưng lặng thinh để cho làm; cũng có những trường hợp người bị "vay mượn quyền lực" không biết. Thực tế, trong cuộc sống, với quan hệ thân hữu, người lợi dụng cứ xưng ra như vậy và "mọi thứ cứ chạy răm rắp"…

Gọi trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy là "người dân thường nhưng có thế lực", đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: "Việc những đối tượng không có chức danh nào trong cơ quan quản lý nhà nước nhưng lại có quyền uy, nói thủ trưởng phải nghe là vấn đề cần phải quan tâm, ngăn chặn".

Nội dung: Cấn Cường, Phương Thảo, Sơn Nguyễn

Thiết kế: Tuấn Huy