DMagazine

Nhốt quyền lực thư ký, gạt bỏ nỗi sợ thủ trưởng

(Dân trí) - Theo chuyên gia, cần có hệ thống quy định pháp lý, quy chế làm việc giới hạn quyền, việc được làm, buộc phải làm và việc cấm làm với những cán bộ tham mưu, giúp việc một cách tường minh.

Theo chuyên gia, cần có hệ thống quy định pháp lý, quy chế làm việc giới hạn quyền, việc được làm, buộc phải làm và việc cấm làm với những cán bộ tham mưu, giúp việc một cách tường minh.

Nhốt quyền lực thư ký, gạt bỏ nỗi sợ thủ trưởng - 1

Đề cập việc kiểm soát các thư ký, trợ lý để không xảy ra những sự việc tiêu cực như vừa qua, chuyên gia cho rằng, trước hết phải xuất phát từ thể chế. Phải quy định rành mạch, rõ trách nhiệm, thẩm quyền, quyền hạn của các vị trí trợ lý, thư ký trong hệ thống hành chính. Những quy định pháp lý về các chức danh này trong mấy chục năm qua, theo chuyên gia, còn mờ nhạt.

Thư ký giúp việc cho thứ trưởng, bộ trưởng là lên lịch công tác, bố trí lịch làm việc rồi theo dõi, đôn đốc, xem xét các văn bản trước khi trình thứ trưởng, bộ trưởng ký…

"Nhưng việc xem xét ấy cụ thể đến mức độ nào, không cẩn thận lại thành một cấp trình bẩm, xét duyệt. Các vụ chuyên môn đã làm tốt trách nhiệm, thư ký lại nói chất lượng kém và trả lại hồ sơ thì có ổn không, trong khi chính thứ trưởng mới có quyền nhận xét và trả lại như vậy.

Nhưng nếu thư ký không làm gì, chỉ giữ nguyên mọi văn bản trình lên thứ trưởng, bộ trưởng, các lãnh đạo có cần một vị trí giúp việc như vậy không?", ông Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, nêu vấn đề.

Nhốt quyền lực thư ký, gạt bỏ nỗi sợ thủ trưởng - 3

Cũng có chuyên gia cho rằng, cần có hệ thống quy định pháp lý, quy chế làm việc giới hạn quyền hạn, việc được làm, buộc phải làm và việc cấm làm với những cán bộ tham mưu, giúp việc này một cách tường minh.

Có hàng rào phân định này, các đơn vị chuyên môn nghiệp vụ, cấp dưới có căn cứ để cùng thực hiện chỉ đạo của cấp trên cũng như kiểm soát lẫn nhau để tránh nguy cơ lộng quyền, chuyên quyền.

Thực tế, vấn đề phân công quyền lực hay cụ thể là phân công trách nhiệm, giới hạn phạm vi công việc đã được bàn nhiều. Tuy nhiên, việc "duy danh, định nghĩa" vị trí cho từng chức vụ trong hệ thống đến thời điểm này vẫn chưa làm được.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề cập vấn đề cơ chế. Ông Dĩnh cho rằng, chúng ta đã có các cơ chế, quy định của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật mà mới đây nhất là Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Để cán bộ, công chức không tham nhũng được, theo ông Dĩnh, phải kiểm soát chặt chẽ từ cơ chế.

Ông nhắc lại nguyên lý "3 không": Không tham nhũng được vì cơ chế kiểm soát quyền lực hay các quy định pháp luật rất chặt chẽ. Không dám tham nhũng vì tham nhũng bị xử nặng, xử nghiêm, không có vùng cấm. Không muốn tham nhũng vì nếu tham nhũng sẽ mất cả sinh mệnh chính trị, mất cả thu nhập lâu dài.

Về phương thức, theo ông Dĩnh, cần kiểm soát từ trên xuống và từ dưới lên. Phải đề cao trách nhiệm của người thủ trưởng, xảy ra sai phạm dứt khoát người đứng đầu đơn vị phải từ chức.  

Nhốt quyền lực thư ký, gạt bỏ nỗi sợ thủ trưởng - 5

Các chuyên gia cũng cho rằng, tùy mức độ liên quan, Thủ trưởng phải chịu các trách nhiệm chính trị, hành chính, pháp lý. Trong đó, nếu thủ trưởng biết sự việc hoặc bật đèn xanh, đồng lõa, chỉ đạo làm sai, dẫn tới vi phạm pháp luật, đều bị xem xét về mặt pháp lý…

Bên cạnh thủ trưởng, các đơn vị trong nội bộ cơ quan, thì Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, nhân dân, cán bộ công chức, thậm chí cán bộ văn thư đều có thể giám sát những công chức "dưới một người, trên muôn người" đó.

Nhốt quyền lực thư ký, gạt bỏ nỗi sợ thủ trưởng - 7

Một chuyên gia pháp lý nhận xét, quy định về chức năng, nhiệm vụ của thư ký, trợ lý trong các cơ quan hiện chưa được tường minh, mới chỉ ghi chung chung là giúp việc cho thủ trưởng, trong khi quy định về quyền hạn, trách nhiệm, chế tài chưa chặt chẽ cũng như việc phổ biến, nhận thức về vị trí này trong cơ quan chưa nhất quán khiến các bộ phận khác tưởng nhân sự ấy rất… to, đại diện cho cả thủ trưởng, rồi e sợ ngay cả "nhân vật số 2" ấy.

"Cứ thấy bóng dáng của những người liên quan đến nhân vật có quyền lực đã sợ hãi, thần phục là căn bệnh hủy hoại trật tự kỷ cương nhà nước, làm cho tính tuân thủ pháp luật không còn đúng đắn nữa", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Gọi sự e sợ này là "cái tệ" trong quan hệ hành chính, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, cần phải chấm dứt và phải bằng các quy phạm pháp luật chặt chẽ, đó là định rõ mỗi chức danh được làm gì và không được làm gì, quá lằn ranh ấy là có chế tài xử lý. "Đừng để đến lúc bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự rồi mới đùn đẩy cho nhau", đại biểu nhấn mạnh.

Nhốt quyền lực thư ký, gạt bỏ nỗi sợ thủ trưởng - 9

Cũng theo chuyên gia, cần xác định thư ký, trợ lý chỉ là người quan trọng với thủ trưởng, nhìn trong mối quan hệ với thủ trưởng, thủ trưởng giao việc gì được làm việc ấy và làm việc kết nối. Những kết nối đó cũng phải thực hiện bằng văn bản, nghiêm cấm tình trạng truyền khẩu. Việc này phải được quy định trong chế độ làm việc.

Việc chống lại căn bệnh sợ cấp trên phụ thuộc vào chính những người hàng ngày tiếp xúc, làm việc với các thư ký, trợ lý, người thân của lãnh đạo, phải công tâm, làm đúng pháp luật trong giải quyết công việc, bởi "tâm sáng thì chẳng ngại gì".

Qua những vụ việc kiểu chuyến bay giải cứu, Việt Á, một chuyên gia khác cho rằng, rất nhiều người trong hệ thống chính trị đã nhận ra, chuyện khuất tất, cả nể, sợ cấp trên sẽ dẫn đến những hệ lụy thế nào.

Theo chuyên gia này, cần bảo đảm sự công khai, minh bạch trong thực thi công vụ. Chẳng hạn, với vụ chuyến bay giải cứu, trang thông tin của các bộ liên quan công khai các quyết định xử lý, các quyết định cấp phép chuyến bay, cán bộ của các bộ đều theo dõi, giám sát được.

"Đã là việc công, về nguyên tắc cần giải quyết ở công sở, không thể ở nhà riêng, ở quán nước… Đã là việc công, phải tuân theo trình tự, thủ tục được quy định, không thể giải quyết tắt, bỏ qua khâu này, khâu kia…", ông Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, nhấn mạnh.

Nhốt quyền lực thư ký, gạt bỏ nỗi sợ thủ trưởng - 11

Theo chuyên gia, trong thời điểm hiện nay, trước thực tế đang diễn ra nhất thiết các cơ quan chức năng cần nghiêm túc siết chặt quy định số 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021 của Trung ương về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký. Nhất thiết phải gọi đúng tên, trả các công chức về đúng vị trí của chức danh này.

Nhốt quyền lực thư ký, gạt bỏ nỗi sợ thủ trưởng - 13

Đề cập việc kiểm soát các trợ lý, thư ký, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, nguyên thư ký của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Đình Hoan, điểm lại nhiều cấp, nhiều kênh kiểm soát rồi chốt lại nhận định "quan trọng nhất vẫn là bản thân người công chức".

Nói về những tiêu chí với phẩm chất của một thư ký, trợ lý, ông Nguyễn Đức Hà nêu nguyên tắc "8 chữ T": Trung Thành, Thẳng Thắn, Trung Thực, Trí Tuệ.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từng có thời kỳ làm thư ký của ông Hoàng Quốc Việt khi vị lãnh đạo làm Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Viện trưởng Viện KSND tối cao - chia sẻ thời của ông để được lên làm thư ký, cán bộ phải được Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng rồi Ban Bảo vệ của Bộ công an thẩm tra lý lịch 3 đời, chọn lọc rất kỹ.

Thư ký thời đó, theo ông Túc được đúc kết bằng mấy chữ: "Xin chữ ký, giúp thủ trưởng lúc bí, chịu trách nhiệm hết sức vô lý". Ông Túc giải thích thêm, mọi vấn đề, hoạt động của thủ trưởng khi đó đều gắn với trách nhiệm của thư ký, từng có thư ký vướng lao lý khi thủ trưởng trốn ra nước ngoài.

Với cơ chế thị trường hiện nay, nạn chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy luân chuyển dường như thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nên ông Túc cho rằng, việc chọn cán bộ khó khăn và nhiều thách thức hơn. Dẫu vậy, dù thời nào, phẩm chất quan trọng nhất của thư ký, trợ lý được ông Túc đề cập vẫn là trung thực: trung thực với thủ trưởng, trung thực với Đảng, trung thực với dân.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa gút lại những tiêu chuẩn cần và đủ với trợ lý, thư ký hiện nay, theo quan niệm của ông là có trách nhiệm, có khả năng, trình độ, đặc biệt có đạo đức, lối sống lành mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, người giúp việc trực tiếp, thân cận của lãnh đạo cấp cao không chỉ cần phẩm chất tốt, trung thành mà năng lực cũng phải xuất sắc, đoán định được tình hình công tác trong dài hạn để tham mưu cho thủ trưởng.

Do tính chất đặc biệt thân cận, nắm giữ nhiều bí mật công tác, tâm tư của người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý nên việc tuyển chọn thư ký, trợ lý không chỉ dừng ở khả năng hỗ trợ thủ trưởng sắp xếp công việc hành chính, lịch làm việc… Năng lực, trình độ của thư ký, trợ lý phải ở mức tư duy chiến lược, khả năng điều hành công việc.

Từng có thư ký giúp việc, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị, nhấn mạnh: "Phải bồi dưỡng con người ở tính tự chủ, tự tin, tự tôn và tự hào về công việc mình đang làm. Nếu người nào giữ được 4 chữ "tự" đó thì với cấp quản lý nào đi chăng nữa họ vẫn giữ được mối quan hệ tử tế, đúng đắn".

Ông Kim cũng đề cao vai trò, sức ảnh hưởng của thủ trưởng, bởi từ sự quan sát thực tế của ông, nhiều thư kí, trợ lý khi làm việc cho các lãnh đạo đã rất trưởng thành. "Khi gần gũi lãnh đạo có tư duy, phong cách, tấm gương mẫu mực, thư ký, trợ lý nhận được sức ảnh hưởng tốt. Đa số họ sẽ đi theo sự mẫu mực của người lãnh đạo để rèn luyện, phấn đấu", ông Kim bày tỏ.

Đề cập việc tuyển chọn trợ lý, thư ký, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, Trung ương đã có quy định 30 quy định điều kiện, tiêu chuẩn rất chặt chẽ, nhưng khi thực hiện cần chú trọng đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể.

"Người đứng đầu chỉ đưa ra tiêu chuẩn, ai đảm bảo tiêu chuẩn này thì được chọn, dù nữ, dù nam, dù ở bộ phận này, bộ phận kia, cứ đáp ứng được những tiêu chuẩn trên đều có thể xếp làm thư ký, trợ lý của lãnh đạo. Đây chính là biện pháp lựa chọn một cách khách quan để kiểm soát quyền lực", ông Hà kết lại.

Nội dung: Cấn Cường, Phương Thảo, Sơn Nguyễn, Hoàng Yến, Lê Hoa

Thiết kế: Khương Hiền