DNews

Ukraine tấn công sâu vào Nga, phương Tây sắp "xé rào" viện trợ?

Minh Phương Bùi Ann Dương Đăng

(Dân trí) - Bằng chiến dịch đột kích vùng biên giới Kursk của Nga, Ukraine đang thôi thúc các đồng minh phương Tây vượt "lằn ranh đỏ", cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Ukraine tấn công sâu vào Nga, phương Tây sắp "xé rào" viện trợ?

Chiến dịch Kursk - Thông điệp gửi đến phương Tây

Hơn 3 tuần sau khi đột kích vùng biên giới Kursk của Nga, Ukraine vẫn chưa chắc chắn về lợi ích chiến lược của hơn 1000km2 lãnh thổ mà họ đã giành quyền kiểm soát ở khu vực này. Đây là một canh bạc lớn với Ukraine khi họ phải điều động ước tính 10.000 quân đến Kursk giữa lúc căng thẳng về nguồn nhân lực.

Bất chấp kêu gọi của Kiev, các thành viên NATO đến nay vẫn cấm Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.

Anh và Mỹ chưa cho phép Ukraine sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow và Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) để tấn công vào lãnh thổ Nga mặc dù 2 loại vũ khí này đều đã được dùng cho các cuộc tập kích vào bán đảo Crimea.

Do lo ngại leo thang xung đột nên các quốc gia NATO chỉ cho phép các đòn trả đũa xuyên biên giới hạn chế.

Theo quan điểm của NATO, nếu Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ, Anh, Đức hoặc các chính phủ khác cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga (ngoại trừ Crimea), Moscow sẽ coi đó là hành động tuyên chiến và chắc chắn sẽ trả đũa. Nga có thể đáp trả bằng cách tấn công vào lãnh thổ các nước trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt hoặc tiến hành một số hình thức tấn công hạt nhân.

Ukraine tấn công sâu vào Nga, phương Tây sắp xé rào viện trợ? - 1

Tỉnh Kursk nằm ở biên giới Nga với Ukraine (Bản đồ: NBC).

Tuy nhiên, cuộc đột kích của Ukraine có thể tác động tới cuộc chiến qua những thông điệp được gửi gắm tới NATO về việc nới lỏng hạn chế vũ khí, gạt sang một bên cái gọi là "lằn ranh đỏ" của Nga.

Nếu Ukraine có thể chủ động tấn công và chiếm giữ lãnh thổ Nga bằng các thiết bị do phương Tây cung cấp, mà không khiến Nga leo thang thành xung đột với NATO, khi đó việc hạn chế Kiev sử dụng vũ khí viện trợ tầm xa của phương Tây về cơ bản là vô nghĩa.

Ông Matthew Savill, Giám đốc khoa học quân sự tại Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, cho biết: "Cuộc thảo luận mà Ukraine đang tạo ra là tiền tuyến ở bất cứ đâu đều giống nhau, dù là ở phía bắc hay phía nam, ở miền đông Ukraine hay ở trong lãnh thổ Nga. Việc tiền tuyến dịch chuyển sâu vào lãnh thổ Nga là kết quả của cuộc chiến. Điều này thực sự cho phép Kiev gợi mở những thảo luận về tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga".

Theo các nhà phân tích, cuộc đột kích vào Kursk cũng là một phần trong nỗ lực của Kiev nhằm phát đi thông điệp Ukraine có khả năng tiến hành các hoạt động phức tạp với một số tài sản quân sự, củng cố vị thế của nước này trên chiến trường bằng cách cho thấy họ có thể chủ động định hình cuộc xung đột.

Phương Tây sắp "xé rào" viện trợ?

Ukraine tấn công sâu vào Nga, phương Tây sắp xé rào viện trợ? - 2

Một tổ hợp ATACMS của Mỹ (Ảnh minh họa: AFP).

Cả Mỹ và Anh hiện vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với đề nghị nới lỏng hạn chế, cho phép Ukraine dùng vũ khí mà họ cung cấp để tấn sâu vào đất Nga.

 "Anh sẽ không thay đổi lập trường. Chúng tôi đã cung cấp viện trợ quân sự để hỗ trợ Ukraine tự vệ trước cuộc tấn công của Nga. Chúng tôi khẳng định rõ thiết bị do Anh cung cấp chỉ nhằm mục đích phòng vệ", một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết hôm 28/8. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công khai chỉ trích cách tiếp cận của Anh trên mạng xã hội X, nhưng ông cũng ám chỉ các cuộc đàm phán với Anh có thể thay đổi điều này.

"Trong suốt cuộc chiến, Anh đã cho thấy sự lãnh đạo thực thụ trong việc hỗ trợ vũ khí, chính trị và xã hội cho Ukraine. Điều này đã cứu được hàng nghìn sinh mạng, thể hiện sức mạnh của Anh. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Anh gần đây đã suy giảm. Ukraine sẽ tìm cách khắc phục vì khả năng chiến đấu tầm xa rất quan trọng đối với chúng tôi", ông nói.

Ông Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy Trung đoàn xe tăng Hoàng gia Anh, cho rằng quyết định của Anh cấm các cuộc không kích bằng Storm Shadow vào Nga thực sự khó hiểu.

Ông lập luận: "Bất kỳ điều gì thúc đẩy Nga đến bàn đàm phán đều phải được nắm bắt và tận dụng triệt để". Ông Hamish bác bỏ lo ngại về khả năng leo thang xung đột với Nga vì lý do từ lâu Moscow chỉ đưa ra cảnh báo hạt nhân nhưng không hiện thực hóa chúng.

Ông Keir Giles, cố vấn cấp cao của Chương trình Nga và Á - Âu tại viện nghiên cứu Chatham House, cũng chia sẻ quan điểm, cuộc đột kích Kursk của Ukraine nên được coi là động thái đáp trả các đe dọa hạt nhân của Nga và củng cố lập luận về sự bất khả thi của xung đột hạt nhân.

Cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk một lần nữa cũng gây áp lực lên Mỹ.  Tuy nhiên, các tuyên bố công khai từ các quan chức Mỹ cho thấy Washington vẫn thận trọng, ít nhất trong tương lai gần.

Phát ngôn viên của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố: "Vào tháng 5, chúng tôi đã cấp phép cho Ukraine sử dụng đạn dược do Mỹ cung cấp để tự vệ trước các cuộc tấn công từ bên kia biên giới. Tuy nhiên, Ukraine chỉ được phép sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp bên trong lãnh thổ của mình. Đó vẫn là chính sách của chúng tôi, chính sách này không thay đổi sau các hoạt động quân sự của Ukraine tại Kursk".

Dù chưa có được cái gật đầu từ những nhà viện trợ vũ khí quan trọng như Mỹ, Anh hay Đức, nhưng Ukraine đã giành được thắng lợi về mặt chính trị: không có sự phản đối công khai nào từ phương Tây  đối với việc mở mặt trận mới này, và thậm chí cuộc đột kích của Kiev nhận được sự ủng hộ từ nhiều thành viên NATO.

"Khi họ chứng kiến các cuộc tấn công xuyên biên giới, họ (Ukraine) phải có khả năng đáp trả", người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói khi cho rằng cuộc đột kích vào Kursk là cách Kiev đáp trả những cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga.

Những ngày gần đây, một số nhà lãnh đạo cấp cao của châu Âu cũng lên tiếng ủng hộ nới lỏng các hạn chế về vũ khí.

Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho biết: "Việc dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí chống lại quân đội Nga sẽ giúp tăng cường khả năng tự vệ của Ukraine. Những vũ khí này sẽ tấn công vào các vị trí mà Nga dùng để tiến hành các cuộc tập kích vào lãnh thổ Ukraine".

Ông Borrell cũng lập luận, việc nới lỏng hạn chế sử dụng vũ khí có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình và giảm tổn thất cho Ukraine.

Mặt khác, ông nhấn mạnh, EU không thể bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí do các quốc gia thành viên tài trợ để tấn công tầm xa vào Nga, bởi vì chính phủ các nước thành viên muốn đưa ra quyết định như vậy một cách độc lập.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billström cũng tuyên bố: "Thụy Điển chưa bao giờ áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với vũ khí được chuyển giao cho Ukraine và chúng tôi không có ý định làm như vậy vào lúc này". Ông nói thêm rằng các hệ thống vũ khí của Thụy Điển đã góp phần giúp Ukraine đẩy lùi lực lượng hải quân Nga ở Biển Đen và cho phép Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.

Sự thận trọng của một số nước phương Tây là dễ hiểu, song điều đó không có nghĩa họ sẽ không vượt lằn ranh đỏ của Nga một lần nữa.

Trong hơn 2 năm qua, Ukraine đã nhiều lần phá bỏ thành công sự do dự của các đồng minh về việc cung cấp vũ khí, đầu tiên là pháo binh và xe tăng chiến đấu, sau đó là máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa tầm xa như HIMARS và ATACMS.

Cho đến tháng 5, việc sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào đất Nga vẫn bị coi là ranh giới đỏ đối với chính quyền Tổng thống Biden do lo ngại căng thẳng leo thang. Sau đó, khi Nga đột kích vào Kharkov, phương Tây đồng ý để Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công mục tiêu quân sự ở biên giới Nga.

Trong cuộc đột kích, Ukraine một lần nữa đưa phương Tây vào thế chấp nhận "sự đã rồi" bằng cách đưa thiết giáp phương Tây vào đất Nga. Xe bọc thép và xe tăng do Mỹ, Đức và Anh được nhìn thấy băng qua các con đường ở Kursk, trong khi tên lửa phương Tây đánh sập những cây cầu ở Kursk để ngăn quân tiếp viện Nga.

Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố: "Những khái niệm viển vông về cái gọi là lằn ranh đỏ đã sụp đổ trong những ngày này ở đâu đó gần Sudzha". Quân đội Ukraine hiện kiểm soát khoảng 1.300km2 lãnh thổ Kursk, trong đó có thị trấn Sudzha.

"Ukraine một lần nữa đã chứng minh các lằn ranh đỏ khác nhau mà Nga vạch ra chủ yếu để khiến phương Tây do dự với những quyết định về cuộc chiến ở Ukraine",  cựu tướng Australia Mick Ryan bình luận.

Bước đi tiếp theo của Ukraine

Ukraine tấn công sâu vào Nga, phương Tây sắp xé rào viện trợ? - 3

Xe quân sự Ukraine ở vùng Sumy, giáp tỉnh biên giới Kursk của Nga (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Ukraine mới đây lập luận, nếu phương Tây dỡ bỏ tất cả các hạn chế về sử dụng vũ khí trên đất Nga, thì có lẽ Ukraine đã không phải đột kích vào Kursk.

Đó là ván cược đầy rủi ro mà Ukraine chấp nhận bởi việc kiểm soát lãnh thổ Nga có thể giúp cải thiện vị thế đàm phán của Kiev đề phòng kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử và buộc Ukraine đạt thỏa thuận chấm dứt xung đột theo hướng có lợi cho Nga.

Tuy vậy, theo các nhà phân tích, Ukraine phải có bước tiếp theo đối với vùng lãnh thổ này cũng như quyết định triển khai giai đoạn tiếp theo của cuộc đột kích như thế nào.

Ông Jacob Parakilas, trưởng nhóm nghiên cứu quốc phòng tại tổ chức RAND Corporation ở châu Âu, cho biết Nga đang huy động quân đội ở quy mô lớn hơn, đồng thời đặt các tuyến tiếp tế của Ukraine vào tầm ngắm của không quân và pháo binh. Điều này sẽ khiến Kiev khó có thể duy trì vị thế lâu dài.

Chuyên gia Savill cũng giải thích, trước khi tiến hành tấn công Kursk, ý tưởng về việc Ukraine "chia cắt" lãnh thổ Nga có vẻ khó thực hiện vì Nga có lợi thế về quân số, khả năng tiếp tế bền bỉ cũng như các yếu tố khác liên quan tới việc mở rộng tiền tuyến. 

Nhưng ông vẫn tin vào khả năng của Ukraine trong việc duy trì quyền kiểm soát ở Kursk trong một khoảng thời gian nữa, bởi thực tế, Kiev "có vẻ đã trang bị hệ thống phòng không và hiện rất thành thạo trong việc tấn công trực thăng bằng máy bay không người lái FPV".

Thêm vào đó, việc thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn ở khu vực Belgorod và Voronezh cũng cho thấy những thành công mới về mặt chiến thuật của quân đội Ukraine.

Đáng chú ý, Ukraine cũng tuyên bố đã bắt giữ hàng trăm quân nhân Nga, mang lại cho Kiev lá bài thương lượng trao đổi tù binh hoặc đàm phán hòa bình trong tương lai với Nga.

Trong lúc chờ đợi phương Tây xét lại "lằn ranh đỏ", Ukraine sẽ phải dựa vào chính mình. Tổng thống Zelensky cuối tháng trước cho biết, Ukraine vẫn đang phát triển nền công nghiệp quốc phòng và đã tạo ra tên lửa đạn đạo đầu tiên. Ông tuyên bố, Ukraine đã lần đầu tiên tấn công mục tiêu quân sự Nga bằng vũ khí mới có tên gọi Palianytsia.

Palianytsia là sự kết hợp giữa tên lửa và máy bay không người lái do Ukraine tự chế. Tên lửa này có tầm bắn lên tới 700km, có thể vươn tới ít nhất 20 sân bay ở Nga. Palyanitsa có thể đạt tốc độ tới 500 km/h, giúp nó khó bị đánh chặn. Tuy nhiên, hiệu quả của Palyanitsa chưa được xác thực.

Cục diện cuộc chiến do vậy còn phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu phương Tây có nới lỏng hạn chế vũ khí đối với Kiev hay không; liệu Ukraine và Nga sẽ dành ưu tiên nguồn lực cho mặt trận nào khi cả 2 đều không còn dồi dào nguồn lực sau hơn 2 năm xung đột.

Theo Breaking Defense, Telegraph