(Dân trí) - Chiến dịch phản công của Ukraine nhằm giành lại miền Nam nước này được nhận định sẽ là yếu tố then chốt góp phần định đoạt tương lai của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
UKRAINE PHẢN CÔNG GIÀNH LẠI MIỀN NAM: NHIỆM KHÔNG VỤ DỄ DÀNG
Chiến dịch phản công của Ukraine nhằm giành lại miền Nam nước này được nhận định sẽ là yếu tố then chốt góp phần định đoạt tương lai của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Quân đội Ukraine gần đây đã liên tục tổ chức các cuộc phản công nhằm nhanh chóng với hi vọng giành lại quyền kiểm soát khu vực miền Nam đất nước. Xét một cách tổng thể, các cuộc phản công này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định đoạt tương lai của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhiệm vụ giành lại miền Nam của quân đội Ukraine sẽ không dễ dàng, nhất là khi lực lượng Nga tại khu vực này đã có một khoảng thời gian hơn 3 tháng để củng cố trận địa phòng thủ.
VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA KHU VỰC MIỀN NAM UKRAINE
Miền Nam Ukraine là tên gọi chung để chỉ tập hợp 6 tỉnh ở phía Nam lãnh thổ Ukraine, bao gồm Odessa, Mykolaiv, Kherson, Zaporizhia, Dnipropetrovsk và Crimea. Tuy nhiên, sau khi Crimea tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga năm 2014, chính quyền Ukraine chỉ còn kiểm soát 5 tỉnh tại khu vực này với tổng diện tích khoảng 145.000km2 cùng dân số hơn 10 triệu người.
Không chỉ sở hữu hơn 20% diện tích lãnh thổ cùng hơn 25% dân số, miền Nam Ukraine còn được biết đến như một khu vực với vai trò chiến lược trong bản đồ địa chính trị tại đất nước này.
Theo Tiến sĩ Taras Kuzio, một chuyên gia hàng đầu về chính trị, kinh tế và an ninh Ukraine, với vị trí nằm sát Biển Đen và Biển Azov, miền Nam Ukraine là "cửa ngõ hướng ra đại dương" của đất nước này. Với một quốc gia có nền kinh tế mạnh về xuất khẩu, việc mất quyền kiểm soát khu vực miền Nam sẽ khiến Ukraine thành "một quốc gia không có biển", qua đó làm ách tắc hàng hóa cũng như đình trệ mọi hoạt động sản xuất tại quốc gia này.
Kể từ khi Hạm đội Biển Đen của Nga tiến hành phong tỏa các cảng chiến lược tại miền Nam Ukraine, hàng triệu tấn hàng hóa, trong đó đa phần là ngũ cốc của Kiev, đã bị kẹt lại và không thể xuất ra nước ngoài. Sự phong tỏa này không chỉ làm nền kinh tế Ukraine chao đảo mà còn góp phần gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài ra, các cảng của tại Biển Đen, bao gồm cả quân cảng Sevastopol tại Crimea, được nhiều chuyên gia quân sự nhận định là những nhân tố quan trọng không chỉ trong chiến lược phòng thủ của Ukraine trước những sức ép từ Nga mà còn giúp đất nước này đảm bảo sự tiếp cận với tuyến đường độc đạo dẫn từ Biển Đen ra Địa Trung Hải thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính vì vậy, trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào ngày 8/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẳng định sẽ làm mọi cách để giành lại toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả bán đảo Crimea.
"Chúng tôi không thể đơn giản nhượng bộ lãnh thổ khi chúng tôi đã mất quá nhiều người. Ukraine phải giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ", ông Zelensky tuyên bố.
Kiev đã xác định, để thực hiện nhiệm vụ lấy lại Crimea từ tay người Nga, việc giành lại quyền kiểm soát khu vực phía Nam sẽ là một điều kiện tiên quyết với quân đội Ukraine. Với vị trí nằm đối diện vùng bán đảo đang được Nga kiểm soát, khu vực phía Nam Ukraine sẽ là một địa điểm tập trung binh sĩ cùng phương tiện chiến đấu để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng phòng thủ của Nga ở Crimea.
Ở chiều ngược lại, Nga cũng đặc biệt coi trọng vị trí chiến lược của khu vực miền Nam Ukraine. Ngay từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, quân đội Nga đã đề ra một mục tiêu nhằm kiểm soát cả vùng Donbass lẫn khu vực miền Nam Ukraine, qua đó tạo thành một hành lang trên bộ nối liền Cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng với bán đảo Crimea. Hành lang này sẽ là một vùng đệm an toàn cho Nga khỏi ảnh hưởng của phương Tây một khi Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và có thể là cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Việc kiểm soát vùng phía Nam Ukraine cũng sẽ giúp quân đội Nga kiềm chế Ukraine về mặt kinh tế và quân sự cũng như góp phần bảo vệ an toàn cho các lực lượng nước này tại bán đảo Crimea và toàn bộ Biển Đen. Sau khi nhận được các vũ khí tầm xa hiện đại như pháo phản lực phóng loạt và tên lửa chống hạm Harpoon từ phương Tây, quân đội Ukraine hoàn toàn có thể điều động chúng về khu vực phía Nam để tấn công vào các mục tiêu quân sự của Nga.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát vùng Kherson ở miền Nam Ukraine cũng giúp Nga giải quyết một vấn đề nan giải là nguồn cung cấp nước sạch cho Crimea. Trước đó, Nga đã cáo buộc Ukraine xây dựng một con đập chắn ngang kênh đào Bắc Crimea ở tỉnh Kherson, gây ra tình trạng thiếu nước nghiệm trọng cho bán đảo này. Năm 2021, Nga đã kiện Ukraine lên Tòa án Nhân quyền châu Âu vì chặn nguồn nước ngọt đến Crimea.
CHIẾN DỊCH PHẢN CÔNG ĐƯỢC LÊN KẾ HOẠCH KỸ CÀNG
Dường như chiến dịch phản công của quân đội Ukraine đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng từ vài tháng nay. Trước đó, quân đội Nga đã kiểm soát gần như toàn bộ vùng miền Nam Ukraine sau khi hạ "thành trì" Kherson vào hồi tháng 3.
Ngay từ khi các lực lượng vũ trang Ukraine vẫn đang căng mình chống lại các cuộc tiến công của Nga ở thành trì Lysychansk thuộc tỉnh Lugansk, giới chức Ukraine đã kêu gọi người dân ở miền Nam di tản trước khi quân đội tiến hành phản công.
"Xin hãy nhanh chóng rời đi bởi vì quân đội chắc chắn sẽ tìm cách giải phóng các vùng lãnh thổ này", Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk nói hôm 21/6.
Đến ngày 8/7, bà Vereschuk tiếp tục hối thúc toàn bộ người dân ở Kherson và Zaporizhzhia "sơ tán bằng mọi cách có thể" bởi sắp diễn ra "một cuộc chiến khốc liệt với nhiều cuộc đấu pháo" khi quân đội Ukraine nỗ lực "giành lại những vùng đất này".
Ban đầu, giới phân tích bày tỏ sự nghi ngờ rằng lời tuyên bố về một cuộc phản công của giới chức Ukraine chỉ là "đòn gió" nhằm phân tán sự chú ý của quân đội Nga và giúp hạ nhiệt tình hình tại chiến trường miền Đông nước này. Tuy nhiên, những diễn biến sau đó đã cho thấy sự quyết tâm của quân đội Ukraine trong nỗ lực giành lại vùng lãnh thổ ở miền Nam.
Nhiều vụ tập kích bằng hỏa lực mạnh nhằm vào các mục tiêu quân sự của lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine đã được quân đội Ukraine tiến hành trong tuần qua.
Vào tối 11/7, hàng loạt vụ nổ làm rung chuyển thị trấn Nova Kakhovka ở tỉnh Kherson. Giới chức Ukraine khẳng định vụ tập kích bằng pháo phản lực phóng loạt HIMARS có độ chính xác cao do Mỹ viện trợ đã làm một kho đạn của Nga tại thị trấn này phát nổ. Một video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy những tiếng nổ lớn cùng đám cháy như cầu lửa sáng rực bầu trời đêm tại Nova Kakhovka.
Đây là vụ nổ lớn thứ 2 trong vòng 4 ngày ở Nova Kakhovka, nơi có nhà máy thủy điện là mắt xích quan trọng trong hệ thống cung cấp nước đến bán đảo Crimea.
Lữ đoàn Bộ binh 60 của quân đội Ukraine hôm 11/7 cũng cho biết đã giải phóng làng Ivanivka thuộc tỉnh Kherson. Trước đó, các đơn vị tên lửa và pháo binh Ukraine tuyên bố đã phá hủy 2 trung tâm chỉ huy của quân đội Nga ở Kherson vào ngày 8/7.
Quân đội Ukraine được cho là đã chuẩn bị một lực lượng hùng hậu để tiến hành cuộc phản công giành lại vùng lãnh thổ phía Nam. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov, khoảng 1 triệu binh sĩ Ukraine, trong đó có khoảng 700.000 quân chủ lực và gần 300.000 binh sĩ thuộc các lực lượng vệ binh quốc gia, cảnh sát cũng như biên phòng đã sẵn sàng tham gia vào chiến dịch này.
Bộ trưởng Reznikov cũng khẳng định giới chức nước này đặc biệt coi trọng việc giải phóng khu vực phía Nam khi đích thân Tổng thống Zelensky đã hạ lệnh cho quân đội nhanh chóng giành lại khu vực này.
"Tổng thống đã hạ lệnh cho giới chức quốc phòng xây dựng kế hoạch phản công. Sau khi các sĩ quan tham mưu có được bản kế hoạch chi tiết, tôi sẽ bắt đầu gửi thư cho các đối tác để đề nghị viện trợ thêm những vũ khí mà chúng tôi cần", ông Reznikov cho hay.
NHIỆM VỤ KHÔNG DỄ DÀNG
Chuyên gia Taras Kuzio nhận định nhiệm vụ giành lại miền Nam của Ukraine sẽ không hề dễ dàng.
Đầu tiên, quân đội Ukraine sẽ phải đối mặt với một lực lượng phòng thủ được chuẩn bị tốt của Nga. Ngay từ tháng 3, quân đội Nga cùng các lực lượng đồng minh đã tiến hành chiếm giữ các vị trí phòng thủ chiến lược tại khu vực này. Thêm vào đó, các binh sĩ phòng thủ của Nga sẽ nhận được sự hỗ trợ hậu cần từ những căn cứ của Nga tại bán đảo Crimea. Các cuộc tấn công dữ dội của Moscow nhằm giành quyền kiểm soát vùng Donbass cũng sẽ buộc Kiev phải phân tán lực lượng.
Tiến sĩ Kuzio cho rằng một khi mất quyền kiểm soát toàn bộ miền Đông Ukraine, cơ hội giành lại toàn bộ lãnh thổ của Kiev sẽ trở nên rất mong manh vì khi đó quân đội Nga sẽ tạo được một thế trận phòng thủ vững chắc với sự hợp đồng tác chiến của các lực lượng tại Donbass, Kherson và Crimea.
Tiến sĩ Kuzio cũng nhấn mạnh, thành bại của chiến dịch phản công giành lại miền Nam Ukraine sẽ phụ thuộc rất lớn vào số lượng và tiến độ viện trợ vũ khí của phương Tây. Các lực lượng phòng thủ của Nga tại miền Nam Ukraine chắc chắn sẽ nhận được sự yểm trợ hỏa lực mạnh mẽ từ máy bay chiến đấu cũng như tàu chiến của Hạm đội Biển Đen. Ngoài ra, sức mạnh từ các đơn vị pháo binh và tên lửa của Nga đồn trú tại miền Nam Ukraine được nhận xét là vượt trội so với hỏa lực của Ukraine.
Vì vậy, nếu không sớm nhận được thêm các vũ khí tầm xa uy lực như các hệ thống HIMARS của Mỹ, ông Kuzio cho rằng quân đội Ukraine khó có thể tạo ra bất ngờ trước Nga, dù cho lực lượng này có thể có sự áp đảo về mặt quân số.
Trong thời gian gần đây, khi quân đội Ukraine đang dồn toàn lực phản công nhằm sớm giành lại vùng lãnh thổ phía Nam, các đồng minh phương Tây đã nỗ lực tiếp sức cho lực lượng này bằng cách gửi thêm nhiều vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, phần lớn số vũ khí được viện trợ này là xe bọc thép chở quân và pháo tự hành nên khó có thể tạo ra sự khác biệt lớn về tương quan sức mạnh hỏa lực giữa 2 bên.
Một yếu tố nữa có thể cản trở nhiệm vụ giành lại miền Nam của quân đội Ukraine là việc nhiều dân thường Ukraine hiện vẫn đang kẹt tại khu vực này. Mặc dù đã được kêu gọi sơ tán, tuyến đường di tản an toàn duy nhất tại khu vực này lại là thông qua hành lang nhân đạo phía Nam đến vùng bán đảo Crimea đang được Nga kiểm soát. Sau đó, người tị nạn Ukraine được khuyến cáo di chuyển sang một quốc gia thứ 3 sau đó liên hệ với lãnh sự quán Ukraine để nhận được sự trợ giúp.
Tuy nhiên, việc này được cho là không dễ dàng do quân đội Nga vẫn đang thắt chặt các chốt kiểm soát ra vào nhằm ngăn người dân di chuyển từ vùng bán đảo Crimea sang các vùng lãnh thổ được Ukraine kiểm soát do lo ngại lộ thông tin tình báo.
Theo một số nguồn tin, nhiều người dân Ukraine ở thành phố Kherson và các khu vực lân cận vẫn chưa thể di tản. Điều này sẽ gây khó khăn cho quân đội Ukraine trong việc tấn công tổng lực vào miền Nam, bao gồm cả việc sử dụng những loại vũ khí uy lực và có độ sát thương cao nhằm tránh gây những thiệt hại không đáng có cho dân thường.
Chính vì những thách thức mà quân đội Ukraine sẽ phải đối mặt trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ miền Nam, Tiến sĩ Kuzio khẳng định đây nhiều khả năng sẽ là cuộc đụng độ "lớn và đẫm máu nhất" chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Bên chiến thắng trong chiến dịch này sẽ giành ưu thế lớn trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột giữa 2 nước trong tương lai.
Tùng Nguyễn
Theo Atlantic Council, Reuters, Guardian, WSJ