(Dân trí) - Các nhà chức trách và giới phân tích đã đưa ra nhận định về những kịch bản có thể xảy ra đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine khi chiến sự đang ở thời điểm bước ngoặt.
TƯƠNG LAI XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE Ở THỜI ĐIỂM QUYẾT ĐỊNH
Các nhà chức trách và giới phân tích đã đưa ra nhận định về các kịch bản có thể xảy ra đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine khi chiến sự đang ở thời điểm bước ngoặt.
Giới chức quân sự và tình báo phương Tây tin rằng, cuộc chiến Nga - Ukraine đang bước vào giai đoạn quan trọng, có thể định đoạt kết quả lâu dài của cuộc xung đột.
Thời điểm bước ngoặt này cũng có thể dẫn đến một quyết định khó khăn đối với các chính phủ phương Tây, khi sự hỗ trợ cho Ukraine khiến phương Tây phải chịu tổn thất ngày càng lớn về kinh tế và kho vũ khí ngày càng cạn kiệt.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine đã bày tỏ sự thất vọng khi những loại vũ khí và đạn dược cần thiết chỉ được cung cấp nhỏ giọt. Kiev cũng lo ngại các cam kết của phương Tây có thể không còn vững chắc vào thời điểm mang tính quyết định.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 4. Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận 20% diện tích lãnh thổ của Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Nga đang dồn binh sĩ và vũ khí tới mặt trận phía Đông với mục tiêu giải phóng hoàn toàn khu vực Donbass, nơi có các vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk được Nga công nhận độc lập.
Các cuộc giao tranh khốc liệt nhất đang nổ ra ở thành phố Severodonetsk và thành phố Lysychansk ở bên kia sông Donets. Việc kiểm soát Severodonetsk và Lysychansk sẽ tạo bàn đạp để Nga kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình miền Đông "vô cùng khó khăn" và cuộc chiến giành Severodonetsk sẽ quyết định số phận của Donbass.
"Tôi nghĩ tình hình sắp đạt đến điểm mà một trong hai bên sẽ thành công. Lực lượng Nga sẽ tiến tới Slovyansk và Kramatorsk, hoặc lực lượng Ukraine sẽ ngăn chặn họ ở đây. Nếu Ukraine có thể giữ vững phòng tuyến khi đối mặt với lực lượng Nga, điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn", một quan chức cấp cao của NATO cho biết.
Dự đoán của phương Tây
Các quan chức phương Tây đang theo dõi chặt chẽ những kịch bản mà họ tin rằng có thể xảy ra với cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Kịch bản thứ nhất, Nga có thể tiếp tục đạt được những bước tiến tại hai tỉnh quan trọng ở miền Đông Ukraine, từ đó kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass giáp biên giới Nga.
Kịch bản thứ hai, tình hình chiến sự rơi vào bế tắc trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, dẫn đến thương vong lớn cho cả hai bên và một cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu kiệt quệ.
Kịch bản thứ ba, cũng là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất: Nga có thể xác định lại mục tiêu chiến sự, tuyên bố giành được chiến thắng và cố gắng chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, viễn cảnh này cho đến nay vẫn là một dự đoán lạc quan.
Nếu Nga có thể kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine, giới chức Mỹ cho rằng Moscow có thể coi đó là bàn đạp để tiến sâu hơn vào Ukraine.
"Tôi chắc chắn rằng nếu Ukraine không đủ mạnh, Nga sẽ còn tiến xa hơn. Chúng tôi đã cho họ thấy sức mạnh của mình. Và điều quan trọng là sức mạnh này cần có sự hỗ trợ từ các đối tác phương Tây", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo hôm 14/6, đồng thời hối thúc phương Tây gửi gấp thêm vũ khí.
Diễn biến tiếp theo của xung đột
Liên quan tới câu hỏi cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ tiếp diễn như thế nào, nhà phân tích James Landale của BBC đã nêu ra 5 kịch bản có thể xảy ra đối với cuộc xung đột này.
Chiến tranh tiêu hao
Cuộc chiến có thể tiếp tục trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, khi các lực lượng Nga và Ukraine tiếp tục tấn công lẫn nhau.
Cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng chấp nhận thất bại. Tổng thống Vladimir Putin đánh giá Nga có thể giành được lợi thế khi thể hiện sự kiên nhẫn chiến lược. Moscow đánh cược rằng, các nước phương Tây sẽ cảm thấy mệt mỏi với Ukraine và tập trung nhiều hơn vào các cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước cũng như mối đe dọa từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, phương Tây vẫn cho thấy quyết tâm hỗ trợ Ukraine và tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev. Khu vực tiền tuyến cũng được củng cố. Khi đó, cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ trở thành cuộc xung đột đóng băng, hay "cuộc chiến kéo dài mãi mãi".
"Có rất ít triển vọng về một chiến thắng áp đảo và mang tính chiến lược cho cả hai bên trong ngắn hạn. Cả hai đều không cho thấy khả năng tung đòn quyết định về mặt chiến lược", Mick Ryan, tướng Australia về hưu và là học giả quân sự, nhận định.
Nga tuyên bố ngừng bắn
Sau nhiều tháng giao tranh, Tổng thống Putin có thể tuyên bố ngừng bắn và chiến dịch quân sự của Nga đã hoàn tất, với hai vùng lãnh thổ ly khai ở Donbass được bảo vệ, hành lang trên bộ kéo dài tới bán đảo Crimea được thiết lập. Sau đó, Nga có thể gây áp lực buộc Ukraine ngừng chiến.
"Đây là một kế hoạch mà Nga có thể sử dụng bất cứ lúc nào, nếu nước này muốn tận dụng sức ép từ châu Âu buộc Ukraine phải đầu hàng và từ bỏ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình", Keir Giles, chuyên gia về Nga tại viện nghiên cứu Chatham House, cho biết.
Sức ép của châu Âu đối với Ukraine xuất phát từ Pháp, Đức và Italy. Các nước này cho rằng không cần kéo dài chiến sự, đã đến lúc chấm dứt tổn thất kinh tế toàn cầu và thúc đẩy lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, điều này sẽ bị Mỹ, Anh và phần lớn Đông Âu phản đối. Các nhà hoạch định chính sách tại những nước này tin rằng chiến dịch quân sự của Nga phải thất bại, vì lợi ích của Ukraine và trật tự quốc tế.
Vì vậy, một lệnh ngừng bắn đơn phương của Nga có thể thay đổi cục diện, nhưng không thể kết thúc chiến tranh.
Chiến sự bế tắc
Cả quân đội Nga và Ukraine đều đang kiệt sức, thiếu nhân lực và đạn dược. Cuộc xung đột đã gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản cho cả hai bên.
Những thiệt hại về quân sự và kinh tế của Nga là không thể phủ nhận. Trong khi đó, người dân Ukraine cũng cảm thấy mệt mỏi vì chiến tranh. Họ không muốn đánh cược thêm mạng sống cho một chiến thắng mơ hồ về lâu dài.
Điều gì sẽ xảy ra nếu giới lãnh đạo Ukraine, những người không còn tin tưởng vào sự hỗ trợ liên tục của phương Tây, quyết định đối thoại với Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden công khai thừa nhận, mục tiêu của Mỹ là giúp Ukraine "có vị thế mạnh nhất trên bàn đàm phán".
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cả Nga và Ukraine đều khó đạt được bất kỳ giải pháp chính trị nào, nhất là khi Ukraine vẫn thiếu tin tưởng vào Nga. Ngay cả khi hai nước đạt được thỏa thuận hòa bình, thỏa thuận đó khó có thể tồn tại lâu dài, thậm chí kéo theo nhiều cuộc xung đột hơn.
Ukraine giành chiến thắng
"Ukraine chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này", Tổng thống Zelensky tuyên bố với truyền thông Hà Lan.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga không kiểm soát được toàn bộ Donbass và chịu nhiều tổn thất hơn? Các biện pháp trừng phạt của phương Tây là đòn giáng mạnh với Nga. Trong khi đó, Ukraine vẫn đang thực hiện các cuộc tấn công đáp trả, sử dụng các tên lửa tầm xa mới để giành lại các vùng lãnh thổ có các đường tiếp tế của Nga. Ukraine cũng chuyển dần chiến thuật từ phòng thủ sang tấn công.
Các nhà hoạch định chính sách lo ngại về hậu quả của kịch bản này. Nếu Nga thất bại trong chiến dịch tại Ukraine, liệu Moscow có thể khiến cuộc chiến leo thang bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân hay không? Về vấn đề này, Nga nhiều lần tuyên bố không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Nga giành chiến thắng
Các quan chức phương Tây nhấn mạnh rằng, Nga vẫn có kế hoạch kiểm soát thủ đô Kiev và phần lớn lãnh thổ Ukraine, dù Moscow đối mặt với những thất bại trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự.
Nga có thể tận dụng lợi thế ở Donbass, giải phóng lực lượng để triển khai chiến dịch ở những nơi khác, thậm chí có thể nhắm mục tiêu vào Kiev thêm một lần nữa. Khi đó, sức mạnh áp đảo của Nga có thể khiến Ukraine tiếp tục bị thiệt hại.
Tổng thống Zelensky thừa nhận có tới 100 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và 500 người khác bị thương mỗi ngày ở miền Đông.
Người dân Ukraine có thể chia rẽ, một số muốn tiếp tục cuộc chiến, trong khi những người khác muốn hòa bình. Một số nước phương Tây cũng có thể cảm thấy mệt mỏi khi hỗ trợ Ukraine. Do vậy, tương lai của cuộc chiến này vẫn chưa thể xác định.
Trao đổi với Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung tại Đại học Fulbright nhận định, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể có 3 kịch bản kết thúc chính.
Kịch bản thứ nhất, phía Nga kiểm soát khu vực Donbass nối thông với bán đảo Crimea mà Nga đang quản lý và nhanh chóng thiết lập chính quyền thân Nga ở các khu vực này, trong khi Ukraine không đủ lực để lấy lại các khu vực ở trong tay người Nga. Nga có thể khuyến khích người dân ở khu vực này thực hiện trưng cầu dân ý sáp nhập các khu vực đã chiếm giữ vào Nga. Lúc này cộng đồng quốc tế bị đặt vào "thế đã rồi". Khả năng xảy ra kịch bản này tương đối cao do hiện nay Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường Donbass.
Kịch bản thứ hai, Ukraine chiếm lại những vùng đất mà Nga đang kiểm soát trong cuộc chiến, sau khi các quốc gia phương Tây viện trợ vũ khí dồn dập trong thời gian tới và Nga cảm thấy mỏi mệt do cuộc chiến kéo dài lâu hơn khả năng chịu đựng. Tuy nhiên kịch bản này khó xảy ra do hiện nay, Nga sử dụng pháo kích và không quân để phá hủy sự kháng cự của Ukraine là chính, thay vì sử dụng lục quân trực tiếp đụng độ với lực lượng quân đội Ukraine.
Kịch bản thứ ba, hai bên dừng lại với sự dàn xếp trung gian của tổ chức quốc tế. Nga và Ukraine tạm bằng lòng với những gì đã kiểm soát hay giành lại ở khu vực Donbass. Tổ chức quốc tế sẽ đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào để thiết lập trật tự, sau đó tổ chức các cuộc bầu cử về tính tự trị của khu vực này. Tuy nhiên, kịch bản này chỉ xảy ra khi hai bên cảm thấy không thể tiến hơn được nữa trong cuộc xung đột và phải chấp nhận một giải pháp chấm dứt cuộc chiến ở thế lửng lơ và tránh làm mất mặt nhau.
Thành Đạt
Theo BBC, Reuters, New York Times