(Dân trí) - Phương Tây đạt được sự đoàn kết cao độ nhằm đối phó với Nga, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể duy trì điều này trong bao lâu khi có những dấu hiệu cho thấy họ đã có bất đồng nhất định.
"SÓNG NGẦM" ÂM Ỉ THÁCH THỨC PHƯƠNG TÂY TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU VỚI NGA
Phương Tây đạt được sự đoàn kết cao độ nhằm đối phó với Nga, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể duy trì điều này trong bao lâu khi có những dấu hiệu cho thấy họ đã có bất đồng nhất định.
Hơn 100 ngày kể từ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, thế giới đã chứng kiến sự đồng lòng của phương Tây trong nỗ lực nhằm gây áp lực khiến Nga phải nhượng bộ.
Quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh chiến lược xuyên Đại Tây Dương từng bị thách thức dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - chính trị gia có quan điểm "Nước Mỹ là trên hết". Khối liên minh NATO cũng "lục đục" nội bộ do những bất đồng về việc đóng góp ngân sách quốc phòng.
Sau động thái của Nga hôm 24/2, các nước phương Tây đã đạt được sự đoàn kết và đồng lòng trong các biện pháp đối phó Moscow. Bằng chứng là, chỉ trong 3 tháng, Nga đã trở thành nước bị trừng phạt nhiều nhất thế giới.
Mặc dù vậy, chiến sự hiện càng kéo dài và phương Tây dường như đã tung ra gần hết các công cụ trừng phạt Nga mà họ có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, chính các biện pháp này đã đặt ra cho phương Tây hàng loạt thách thức, mà việc mỗi nước giải quyết chúng có thể sẽ khiến cho sự đoàn kết của cả liên minh bị rạn nứt.
Câu hỏi được đặt ra là liệu phương Tây có thể duy trì được sự đoàn kết trong bao lâu khi mỗi nước trong số họ đều có vấn đề riêng cần giải quyết và lợi ích quốc gia riêng để theo đuổi. Đây chính là một yếu tố quan trọng tác động tới cục diện chiến sự Nga - Ukraine, nếu xem xét vai trò của các nước phương Tây trong nỗ lực trừng phạt Moscow và hỗ trợ Kiev.
CẤM VẬN CHƯA KHIẾN NGA LÙI BƯỚC?
Với việc bị áp hàng nghìn lệnh trừng phạt trong thời gian ngắn, việc Nga bị tổn hại kinh tế là điều không phải bàn cãi. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga đã kéo lùi hơn một thập niên thành tựu kinh tế và 3 thập niên hội nhập với phương Tây của Nga.
Theo Bloomberg, mục tiêu của phương Tây là khá rõ ràng: Họ muốn làm suy yếu kinh tế Nga từ đó dẫn tới việc Moscow thiếu hụt ngân sách cho quân sự và buộc phải từ bỏ chiến dịch ở Ukraine.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những diễn biến hiện tại cho thấy, Nga vẫn đang chống đỡ được trước các biện pháp cứng rắn chưa từng có tiền lệ của phương Tây. Bloomberg ước tính, nhờ vị thế siêu cường về năng lượng, Nga vẫn thu về được trung bình 800 triệu USD mỗi ngày từ dầu mỏ và khí đốt.
Thế nhưng, đó không phải là những lợi thế duy nhất mà Nga có được. Trong nhiều năm, Nga được Bloomberg mô tả như là một "siêu thị bán những hàng hóa mà thế giới rất cần": Không chỉ là năng lượng, mà còn là lúa mì, ngũ cốc, các kim loại như niken, nhôm và paladi. Nga nhiều lần khẳng định rằng việc cô lập họ hoàn toàn với thế giới không phải là dễ dàng vì vị thế của họ trong một nền kinh tế toàn cầu hóa là không dễ gì thay đổi được trong một khoảng thời gian ngắn.
Về lâu dài, nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt khi các tập đoàn đa quốc gia liên tục rời đi, lạm phát đã đạt tới mức 2 chữ số. Tuy nhiên, Nga vẫn đang thu được doanh thu lớn từ các mặt hàng chủ lực và thế mạnh của họ khi giá nguyên liệu toàn cầu liên tục tăng vọt, một phần vì cuộc chiến ở Ukraine.
Theo Bloomberg, doanh thu của Nga từ dầu mỏ và khí đốt có thể đạt tới 285 tỷ USD, cao hơn năm 2021 khoảng 20%. Khoản này có thể bù đắp cho 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga đang bị phương Tây đóng băng.
Các nhà lãnh đạo EU cho rằng, họ nên dừng mua nhiên liệu từ Nga để tránh việc gián tiếp cấp ngân sách cho một cuộc chiến đang nóng bỏng ở cửa ngõ châu Âu. Tuy nhiên, dù Nga bán được ít nhiên liệu hơn, giá cả tăng cao lại khiến họ thu về thêm doanh thu. Việc Nga bắt đầu chuyển dịch bán năng lượng cho các quốc gia thân thiện với họ ở châu Á cũng đe dọa tới tính hiệu quả trong biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Kết quả là, phương Tây cũng đang phải đối mặt thách thức từ việc giá cả nhiên liệu tăng vọt. Nhiều nước ghi nhận mức lạm phát tăng mạnh trong hàng chục năm qua.
Chuyên gia Jeffrey Schott của Viện Peterson ở Mỹ, cho biết: "Luôn có những hạn chế đối với việc sử dụng các biện pháp trừng phạt. Bạn đặt ra mục tiêu là gia tăng sự tác động lên mục tiêu trừng phạt và giảm thiểu tác động ngược trở lại quốc gia của bạn. Tuy nhiên, nói thường dễ hơn làm".
Tại Mỹ, các quan chức đang bàn luận về việc gia tăng áp lực tài chính lên Nga, trong đó có cả phương án trừng phạt các công ty và quốc gia vẫn giao dịch với các doanh nghiệp Nga nằm trong "danh sách đen". Nhưng những lệnh trừng phạt thứ cấp như vậy là rất chia rẽ và có nguy cơ làm tổn hại tới quan hệ với các đối tác của Mỹ.
Trong cuộc đối đầu này, tất cả các bên có liên quan đều đang chịu thiệt hại với mức độ khác nhau. Nhưng mục tiêu gây áp lực cho Nga của phương Tây dường như chưa thể thực hiện được vì Moscow vẫn đang chống chịu trong suốt 3 tháng qua.
Janis Kluge, chuyên gia tại Viện Quốc tế và An ninh Đức ở Berlin, cho biết: "Nếu mục tiêu của các lệnh trừng phạt là ngăn chặn quân đội Nga, thì điều đó không thực tế. Moscow vẫn có ngân sách cho chiến sự và họ vẫn bù đắp được cho một số thiệt hại mà các biện pháp trừng phạt đang gây ra cho người dân Nga".
Vì vậy, một số nước phương Tây dường như vẫn đang cố gắng tìm cách gây tổn thương cho Nga mà không gây tác động mạnh tới họ, và đây dường như chính là nguồn cơn cho việc sự đoàn kết của họ bắt đầu có dấu hiệu bị rạn nứt.
"SÓNG NGẦM" TRONG NỘI BỘ PHƯƠNG TÂY
Cây viết Pankaj Mishra của Bloomberg nhận định, các biện pháp trừng phạt của phương Tây thời gian qua được áp dụng với hàng loạt điều kiện ngoại lệ và "nó tập trung nhiều hơn vào việc thể hiện là phương Tây đang cố duy trì sự đoàn kết trước Nga".
Gói trừng phạt thứ 6 của EU với Nga là một ví dụ. Châu Âu đã rất vất vả để có thể tìm được tiếng nói chung nhằm cấm vận một phần dầu của Nga. Để phù hợp với yêu cầu của những quốc gia phụ thuộc lớn vào dầu của Nga ví dụ như Hungary, EU đã phải chấp nhận nhượng bộ và đặt thêm một số ngoại lệ.
Chuyên gia Ian Bond của Trung tâm Cải cách Châu Âu dùng từ "cuộc tranh đấu" trong nội bộ EU để có thể thống nhất gói trừng phạt dầu của Nga. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc đặt ra nhiều ngoại lệ sẽ tiếp tục làm giảm hiệu quả của lệnh trừng phạt Nga,
Với mặt hàng khí đốt, việc EU cấm vận Nga được xem là điều khó có thể diễn ra trong tương lai gần, theo BBC. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã thừa nhận rằng "tất cả các lệnh trừng phạt Nga tiếp theo sẽ khó khăn hơn". Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết lệnh cấm vận khí đốt "sẽ không phải là một vấn đề trong gói trừng phạt tiếp theo".
Dấu hiệu của sự chia rẽ trong khối đoàn kết phương Tây với chiến sự Nga - Ukraine thể hiện rõ trong việc có 2 luồng ý kiến bên trong nội bộ châu Âu. Anh, Ba Lan và các nước Baltic có quan điểm rất cứng rắn với Nga, muốn hỗ trợ tổng lực cho Ukraine để đẩy lùi lực lượng Nga và khiến chiến dịch của Moscow không thành công.
Trong khi đó, Pháp, Đức và Italy lại có cách tiếp cận khác. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc giục phương Tây "không làm Nga xấu mặt" để có thể tìm giải pháp trên bàn đàm phán. Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng cho rằng, người dân châu Âu muốn một thỏa thuận ngừng bắn và bắt đầu những cuộc đối thoại đáng tin cậy.
Đức và Pháp cũng thực hiện cuộc điện đàm với Tổng thống Putin nhằm tháo gỡ thế bế tắc của hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine ở Biển Đen, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có nguy cơ đẩy hàng triệu người lâm vào nguy cơ chết đói.
Hai luồng ý kiến bên trong nội bộ EU phản ánh tính toán chiến lược của từng quốc gia với cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo Washington Post, ở đây có 2 hướng đi chính. Một là chủ trương ủng hộ hết mình Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga, thực hiện các biện pháp trừng phạt kín kẽ và cắt đứt mọi nguồn lực tài chính khiến Nga không còn đủ ngân sách tiến hành chiến sự. Hai là phương Tây phải chấp nhận sự thật rằng đàm phán là phương án tốt nhất để chấm dứt chiến sự và hàng loạt các cuộc khủng hoảng kéo theo. Nếu chọn phương án này, phương Tây sẽ cần làm nhiều hơn để đưa Nga và Ukraine trở lại bàn đàm phán và thương lượng giải pháp chấm dứt xung đột.
Theo Washington Post, có thể thấy lựa chọn đầu tiên khó có thể mang lại hiệu quả tuyệt đối. Thực tế đã cho thấy, việc cấm vận Nga hoàn toàn là điều khó có thể thực hiện, khi Moscow vẫn là một cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, và vẫn duy trì các mối quan hệ với các đồng minh và đối tác khác trên thế giới. Kể cả tại châu Âu, các quốc gia phụ thuộc vào năng lượng và lương thực từ Nga không thể chấm dứt quan hệ với Moscow chỉ sau một đêm - ngay cả Đức cũng không thể làm như vậy. Mặt khác, việc dồn vũ khí tới Ukraine, nhất là vũ khí hạng nặng, tầm xa hơn rất dễ kéo theo rủi ro đối đầu quân sự trực tiếp với Nga - một cường quốc hạt nhân. Đây không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Tuy nhiên, phương án thứ 2 hiện cũng rất khó để tiến hành vào lúc này. Cả Nga và Ukraine đều có lập trường kiên quyết và cứng rắn về mục tiêu của họ để nối lại đàm phán. Ukraine không chấp nhận việc nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy thỏa thuận hòa bình, trong khi Nga tuyên bố áp lực từ phương Tây sẽ không làm lung lay quyết tâm của họ nhằm đạt mọi mục tiêu trong chiến dịch quân sự.
Thực tế trên chiến trường ở Donbass cho thấy Nga đang áp đảo Ukraine về hệ thống hỏa lực. Ukraine kêu gọi phương Tây chuyển các hệ thống rocket phóng loạt tầm xa để họ tiến hành phản công. Tuy nhiên, tới nay mới chỉ có Anh và Mỹ đồng ý gửi một vài hệ thống như Ukraine yêu cầu, trong khi Kiev ước tính họ cần 60 tổ hợp như vậy để có thể cân bằng trước sự áp đảo của Nga. Mặt khác, việc gửi các hệ thống rocket phóng loạt cũng không thể nhanh như Ukraine mong muốn vì quân nhân của họ phải được huấn luyện trước để vận hành.
Để có thể đưa các hệ thống rocket phóng loạt ra chiến trường, Ukraine sẽ phải chờ vài tuần nữa. Với diễn biến chiến sự thay đổi từng ngày, từng giờ, sự chờ đợi này cho thấy thời gian đang không đứng về phía Ukraine.
Ngoài rocket phóng loạt, theo BBC, phương Tây đã cam kết vận chuyển cho Ukraine nhiều vũ khí, nhưng tiến độ tới nay vẫn chưa đủ nhanh để Kiev có thể sử dụng chúng phù hợp với tốc độ chiến sự. Một số quốc gia như Đức, Pháp đã bị cáo buộc là chần chừ trong việc đưa vũ khí tới Ukraine, trong khi Ba Lan, Anh, các nước Đông Âu từng thuộc Liên Xô cũ lại tỏ ra tích cực hơn trong việc viện trợ Kiev.
Phe chần chừ lo ngại việc đưa vũ khí tới Ukraine sẽ khiến căng thẳng với Nga thêm leo thang, làm thu hẹp lại triển vọng đàm phán hòa bình và khiến khủng hoảng kéo dài. Trong khi đó, phe ủng hộ chuyển vũ khí cũng có lý lẽ của riêng họ để quyết tâm hỗ trợ Ukraine.
Nga hiện vẫn đang dồn dập tăng tốc chiến sự và đã giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Donbass. Ukraine vẫn đang chống cự rất quyết liệt, nhưng rõ ràng là họ sẽ cần thêm nhiều vũ khí để có thể đạt được lợi thế trên chiến trường, vì đây sẽ là yếu tố quan trọng cho tiếng nói của các bên trên bàn đàm phán.
Phương Tây không phải là bên tham chiến trực tiếp, nhưng đã trở thành thành tố quan trọng trong chiến sự Nga - Ukraine. Các động thái của họ trong tương lai sẽ tác động lớn đến Ukraine và cục diện chiến sự, sự thiếu đoàn kết rõ ràng sẽ làm giảm mức độ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt hay các biện pháp đối phó với Nga. Một câu hỏi được các chuyên gia đặt ra là liệu sự hỗ trợ của phương Tây sẽ kéo dài tới bao giờ trong bối cảnh họ cũng đang đối mặt với các vấn đề nội bộ như giá nhiên liệu tăng vọt, lạm phát cao, khủng hoảng lương thực?
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haine từng cảnh báo, sự bất mãn của dư luận về các vấn đề kinh tế ở các nước phương Tây có thể gây ra rủi ro làm xói mòn sự ủng hộ của những quốc gia này tới Ukraine.
Quan chức trên cho rằng, ông Putin "có thể đang trông đợi vào việc phương Tây suy yếu quyết tâm hỗ trợ Ukraine khi tình trạng thiếu lương thực, lạm phát và giá năng lượng ngày càng trở nên tồi tệ hơn".
Đức Hoàng
Theo BBC, Bloomberg, Washington Post