1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

EU tung đòn trừng phạt thứ 6, Nga cảnh báo nguy cơ "tự hủy diệt"

Thành Đạt

(Dân trí) - EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong khi Moscow cảnh báo lệnh cấm vận dầu mỏ của châu Âu.

EU tung đòn trừng phạt thứ 6, Nga cảnh báo nguy cơ tự hủy diệt - 1

EU đã áp lệnh trừng phạt với nguồn cung dầu khí từ Nga (Ảnh minh họa: AFP).

Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết, gói trừng phạt thứ 6 sẽ là biện pháp cứng rắn nhất của EU đối với Nga cho đến nay.

Gói trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển và trong tương lai sẽ mở rộng sang cả vận chuyển bằng đường ống. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt khác được cho là bao gồm các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao và hóa chất sang Nga.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga bao gồm các biện pháp cứng rắn khác như: loại ngân hàng Sberbank lớn nhất của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm thêm 3 hãng truyền thông lớn của nước này, trừng phạt các cá nhân có liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU ngày 30/5 đã đạt được đồng thuận về việc cấm nhập khẩu một phần dầu mỏ từ Nga.

"Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào EU. Thỏa thuận này ngay lập tức có hiệu lực với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga", ông Michel viết trên Twitter hôm 30/5.

Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga được xem là hành động "tự hủy diệt" của EU.

"Rõ ràng, các nội dung chính trong gói trừng phạt đơn phương tiếp theo nhằm vào Nga, được đồng thuận dưới khẩu hiệu chống phụ thuộc vào Nga, sẽ khiến Liên minh châu Âu tự hủy diệt. Không có gì ngạc nhiên khi Brussels mất gần một tháng để buộc các nước thành viên phải thể hiện sự đoàn kết "mang tính quyết định" này", thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow sẽ chống chọi với hậu quả của các biện pháp trừng phạt đơn phương do EU áp đặt, đồng thời tuyên bố vẫn là một đối tác thương mại đáng tin cậy trên trường quốc tế.

Sau khi EU quyết định cấm vận phần lớn dầu Nga, giới chuyên gia nhận định, động thái này khó có thể gây tổn thương đáng kể cho Moscow trong thời gian tới như châu Âu kỳ vọng. Lệnh cấm sẽ làm giảm sản lượng dầu Nga xuất sang châu Âu nhưng Moscow có thể bù đắp lại thông qua việc giá dầu thế giới tăng phi mã.

Mặt khác, Nga cũng đang tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn khách hàng, và hướng tới các đối tác lớn khác như Ấn Độ hay Trung Quốc - các quốc gia đang có nhu cầu khổng lồ về năng lượng. Châu Âu có thể tìm cách xoay xở khi không mua dầu Nga nữa, nhưng họ sẽ phải chấp nhận mức giá cao.

Hồi tháng 3 năm nay, để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh yêu cầu tất cả các nước "không thân thiện", trong đó bao gồm toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU, phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp hoặc sẽ bị cắt nguồn cung. Nga cho đến nay đã cắt nguồn cung khí đốt cho Hà Lan, Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch.

EU phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga khi nhập khẩu khoảng 40% nguồn cung từ Nga trong năm 2021. Một số nước như Bulgaria thậm chí phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung từ Moscow.

Theo RT, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine