(Dân trí) - Giới quan sát nhận định, quân đội Ukraine sẽ cần nhiều loại vũ khí hơn, ngoài các xe tăng chiến đấu chủ lực, để tiến hành một chiến dịch phản công hiệu quả.
NGOÀI XE TĂNG, UKRAINE CẦN THÊM NHỮNG VŨ KHÍ NÀO ĐỂ PHẢN CÔNG?
Giới quan sát nhận định, quân đội Ukraine sẽ cần nhiều loại vũ khí hơn, ngoài các xe tăng chiến đấu chủ lực, để tiến hành một chiến dịch phản công hiệu quả.
Đầu tháng 1/2023, Mỹ, Đức, Anh cùng nhiều quốc gia phương Tây khác đã đạt được đồng thuận trong việc cung cấp các xe tăng chiến đấu chủ lực M-1 Abrams, Leopard và Challenger cho quân đội Ukraine.
Loại vũ khí uy lực trên đặt ra một mối đe dọa rất lớn cho lực lượng thân Nga tại chiến trường Ukraine. Giới quan sát đồng thời nhận định, xe tăng phương Tây có thể là nhân tố xoay chuyển cục diện xung đột giữa Moscow và Kiev, khi chúng sẽ giúp quân đội Ukraine áp đảo lại ưu thế hỏa lực của Nga trong chiến dịch phản công nhằm giành lại lãnh thổ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một mình xe tăng chiến đấu chủ lực là chưa đủ để giúp Ukraine nhanh chóng giành lại lãnh thổ. Kiev sẽ cần thêm nhiều loại vũ khí khác từ các đồng minh phương Tây nếu muốn tiến hành chiến dịch phản công một cách hiệu quả.
Xe chiến đấu bộ binh
Bên cạnh các loại xe tăng chiến đấu chủ lực, chuyên gia Franz-Stefan Gady từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định một trong những vũ khí bộ binh mà quân đội Ukraine cần nhất vào thời điểm hiện tại chính là các xe chiến đấu bộ binh.
Đây là loại xe bọc thép đáp ứng 2 yêu cầu, đó là có thể di chuyển binh sĩ trên chiến trường một cách an toàn trước hỏa lực hạng nhẹ của đối phương. Ngoài ra, xe chiến đấu bộ binh cũng được trang bị một số vũ khí hạng nặng như pháo, tên lửa chống tăng hay súng máy có điều khiển để tăng cường hỏa lực trên chiến trường.
Theo ông Gady, 2 lý do trên khiến xe chiến đấu bộ binh trở nên quan trọng với quân đội Ukraine trong chiến dịch phản công. Các xe tăng chiến thông thường, với hỏa lực vượt trội, có thể dễ dàng tạo sự áp đảo với lực lượng phòng thủ của đối phương. Tuy nhiên, để có thể chiếm giữ được cứ điểm phòng ngự, việc đưa bộ binh vào cuộc là điều không thể thiếu.
Với khả năng chuyên chở bộ binh tới mục tiêu đã định một cách an toàn cũng như tấn công chế áp hỏa lực của đối phương, xe chiến đấu bộ binh sẽ trở thành một mảnh ghép hoàn hảo cho thế trận phản công của Ukraine.
Trong những xe chiến đấu bộ binh mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, giới quan sát đặc biệt chú ý tới "sát thủ diệt tăng" M2 Bradley do Mỹ sản xuất. Vào đầu năm 2023, Washington D.C tuyên bố sẽ chuyển giao 109 phương tiện chiến đấu này cho Kiev. Những xe Bradley đầu tiên đã lên đường tới Ukraine trên tàu vận tải siêu trường siêu trọng ARC Integrity từ một quân cảng ở thành phố North Charleston, bang Nam Carolina vào tối ngày 25/1 theo giờ địa phương.
M2 Bradley là xe chiến đấu bộ binh bọc thép được sử dụng phổ biến trong quân đội Mỹ. Ngoài khả năng chở theo 6 binh sĩ được trang bị đầy đủ, xe bọc thép này còn được coi là một loại "sát thủ diệt tăng" khi được trang bị 2 bệ phóng với 7 tên lửa chống tăng TOW.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã gửi tới Ukraine các xe chiến đấu bộ binh Stryker. Tuy có hỏa lực không mạnh mẽ như M2 Bradley, ưu điểm cơ động của dòng xe bọc thép này được kỳ vọng sẽ khỏa lấp sự nặng nề và chậm chạp của các xe tăng hạng nặng, qua đó hỗ trợ quân đội Ukraine nhanh chóng chiếm lĩnh thế trận.
"Quân đội Ukraine cần nhiều xe thiết giáp chở quân hơn nhưng không nhiều quốc gia chấp nhận cung cấp chúng. Xe thiết giáp Stryker tuy không tốt như xe Bradley trong việc đối đầu với xe tăng của đối phương nhưng đây là loại xe có thể bảo vệ bộ binh khi tiến gần các điểm giao tranh một cách hiệu quả", một quan chức Mỹ chia sẻ với Politico hồi tháng 1/2023.
Được phát triển bởi hãng General Dynamics, các xe bọc thép chở quân Stryker đã gia nhập biên chế quân đội Mỹ từ năm 2002. Với tải trọng lên tới 20 tấn, Stryker có thể chở theo 9 binh sĩ và một kíp lái bao gồm 2 người.
Lớp giáp của xe chiến đấu bộ binh Stryker được thiết kế với cấu hình 14,5x114mm, qua đó giúp các binh sĩ trong xe được bảo vệ tốt trước sức công phá của vũ khí hạng nhẹ của đối phương. Trên xe cũng được trang bị thêm súng máy M2 và súng phóng lựu Mk19 nhằm tăng cường sức mạnh hỏa lực cho dòng xe này.
Bên cạnh Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một quốc gia đi đầu trong việc cung cấp xe chiến đấu bộ binh cho quân đội Ukraine.
Hôm 13/4, trang Defense Express đưa tin Ankara đã đồng ý chuyển giao cho Kiev một số lượng lớn xe bọc thép kháng mìn Kirpi phiên bản nâng cấp với tháp pháo được điều khiển tự động. Trước đó, khoảng 50 xe bọc thép Kirpi bản tiêu chuẩn đã được gửi tới Ukraine và đưa vào biên chế trong 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến của Kiev.
Theo chuyên gia Gady, trong thời gian tới, Ukraine sẽ cần thêm nhiều sự hỗ trợ tương tự từ các đồng minh khác tại phương Tây để tiến hành chiến dịch phản công một cách hiệu quả.
Phương tiện công binh vượt chướng ngại vật
Bên cạnh các xe chiến đấu bộ binh, các phương tiện công binh cũng được đánh giá là rất cần thiết cho chiến dịch phản công của Ukraine.
Sau hơn một năm xung đột, nhiều cây cầu cùng tuyến đường giao thông tại miền Đông và miền Nam Ukraine đã bị đánh sập hoặc gặp hỏng hóc nghiêm trọng. Bên cạnh đó, theo ông John Spencer, trưởng khoa nghiên cứu chiến tranh đô thị thuộc Diễn đàn chính sách Madison, địa hình nhiều bùn đất sau khi tuyết tan tại Ukraine sẽ khiến cho việc di chuyển của các phương tiện quân sự gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, thời gian qua, các đồng minh phương Tây đã liên tục chuyển giao các phương tiện công binh nhằm hỗ trợ quân đội Ukraine di chuyển binh sĩ và trang thiết bị quân sự tới các vùng giao tranh.
Vào đầu tháng 3, Mỹ cho biết sẽ gửi các xe công binh AVLB cho Ukraine. Được đưa vào sử dụng bởi thủy quân lục chiến Mỹ từ những năm 1980, xe công binh AVLB có khả năng xây dựng một đoạn cầu dài 18m, rộng 4m và khả năng chịu tải tối đa 70 tấn nhằm giúp các xe quân sự vượt qua bãi lầy, suối hẹp hay chiến hào.
Ngoài ra, một ưu điểm của phương tiện công binh trên là việc nó được thiết kế theo cơ chế module với 2 đoạn cầu gập, cho phép triển khai và thu hồi trong chỉ trong vòng 13-15 phút.
Ngoài ra, Hà Lan cũng đã gửi cho quân đội Ukraine một số hệ thống bắc cầu phao lưỡng cư M3 do Đức sản xuất. Phương tiện này có chiều dài 12,82m, rộng 6,57m và nặng 26 tấn. Được vận hành bởi một kíp lái gồm 3 người, các hệ thống bắc cầu phao lưỡng cư M3 có thể kết hợp để bắc thành một cây cầu phao vững chắc giúp các phương tiện hạng nặng như xe tăng chiến đấu chủ lực của Ukraine băng qua sông một cách dễ dàng. Ngoài ra, từng hệ thống M3 cũng có khả năng hoạt động độc lập như một chiếc phà chuyên chở vũ khí và trang thiết bị quân sự.
Giới quan sát nhận định các phương tiện công binh trên sẽ giúp quân đội Ukraine vượt qua các con sông ở miền Nam hoặc các vật cản ở khu vực Donetsk, qua đó đẩy nhanh tốc độ phản công của lực lượng này.
Tuy nhiên, theo trang mil.in.ua, trong thời gian tới, do điều kiện đường sá xuống cấp nghiêm trọng, Kiev vẫn cần thêm rất nhiều phương tiện công binh cùng loại để có thể tiến hành một chiến dịch phản công tổng lực. Việc chuyển giao đủ số lượng phương tiện công binh cần thiết cho Ukraine sẽ đặt ra một thách thức cho các đồng minh phương Tây. Lý do của khó khăn này là việc đây là các phương tiện sử dụng cho mục đích đặc thù. Vì vậy, các quốc gia phương Tây thường không có sẵn quá nhiều trang bị trong biên chế.
Máy bay chiến đấu
Bên cạnh các vũ khí bộ binh, thời gian qua, quân đội Ukraine đã bắt đầu nhận được những tiêm kích đầu tiên từ đồng minh phương Tây.
Ngày 23/3, 4 chiếc tiêm kích MiG-29 đầu tiên từ Slovakia đã được gửi đến Ukraine, trong một thỏa thuận được Thủ tướng Slovakia Eduard Heger đánh giá là "lịch sử". Đến hôm 13/4, chính phủ Đức cũng đã bật đèn xanh cho phép Ba Lan xuất khẩu 5 tiêm kích MiG-29 cũ mà Berlin từng chuyển cho Warsaw sang Ukraine. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius, nước này đã lập tức phê chuẩn việc chuyển giao sau khi nhận được lời đề nghị từ Ba Lan.
Giới quan sát nhận định việc nhận thêm các tiêm kích MiG-29 về cơ bản sẽ giải quyết nhu cầu tạm thời của Không quân Ukraine. Sau hơn một năm xung đột, lực lượng máy bay chiến đấu tương đối mỏng của Kiev đã bị Không quân Nga áp đảo hoàn toàn. Điều này khiến bộ binh Ukraine phải chiến đấu trong điều kiện không có yểm trợ từ trên không.
MiG-29, một loại tiêm kích tuy đã cũ, nhưng được đánh giá là rất phù hợp với điều kiện tác chiến của Ukraine tại thời điểm hiện tại. Các phi công Ukraine đã có kinh nghiệm chiến đấu lâu năm với dòng máy bay này. Vì vậy, các tiêm kích MiG-29 do Ba Lan và Slovakia viện trợ có thể sẽ được đưa vào tham chiến ngay lập tức mà không cần trải qua quá trình huấn luyện chuyển loại.
Ông James Black, trợ lý giám đốc nghiên cứu về quốc phòng an ninh tại trung tâm nghiên cứu Rand Corporation của Mỹ nhận định việc nhận thêm máy bay MiG-29 "chắc chắn có lợi" vì nó làm tăng độ hiện diện trên không và giúp giảm bớt áp lực bảo trì cho quân đội Ukraine.
"Thời gian nhận máy bay đặc biệt cấp bách đối với Kiev vì lợi thế trên không sẽ giúp ích rất nhiều trong các cuộc tấn công dự kiến vào mùa xuân và mùa hè", ông Black nói thêm.
Đồng quan điểm với ông Black, nhà nghiên cứu Justin Bronk tới từ Viện nghiên cứu Royal United Services Institute của Anh khẳng định các tiêm kích MiG-29, với khả năng cất hạ cánh trên các đường băng dã chiến, sẽ là một mảnh ghép hoàn hảo nhằm giúp Không quân Ukraine tăng cường năng lực tác chiến trong chiến dịch phản công sắp tới.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng tiêm kích MiG-29 sẽ chỉ mang tính biểu tượng thay vì là một loại vũ khí có thể giúp Ukraine xoay chuyển cục diện chiến trường.
Cựu Thiếu tướng Không quân Hoàng gia Anh Andrew Curtis nhận định các tiêm kích MiG-29 đã khá lỗi thời và sẽ bị các máy bay chiến đấu hiện đại hơn của Nga dễ dàng hóa giải. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho rằng việc viện trợ MiG-29 cho Ukraine chỉ như một động thái "dọn hàng tồn kho" của Slovakia và Ba Lan.
Về phía Ukraine, chính phủ nước này lên tiếng hoan nghênh quyết định hỗ trợ tiêm kích MiG-29 từ Ba Lan và Slovakia. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các quan chức cấp cao của Ukraine cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây khẩn trương chuyển giao thêm các máy bay chiến đấu hiện đại như F-16 nhằm gia tăng lợi thế cho Kiev trước chiến dịch phản công giành lại lãnh thổ.
Tùng Nguyễn
Theo Newsweek, Defense Express, Reuters, Defence View