(Dân trí) - Cấm vận năng lượng Nga, mở kho dầu dự trữ chiến lược, Mỹ tìm cách thuyết phục các nước, đặc biệt là châu Âu, giảm phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu Nga.
MỸ CHẬT VẬT THUYẾT PHỤC THẾ GIỚI "CAI" NĂNG LƯỢNG NGA
Cấm vận năng lượng Nga, mở kho dầu dự trữ chiến lược, Mỹ tìm cách thuyết phục các nước, đặc biệt là châu Âu, giảm phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu Nga.
NƯỚC CỜ CẤM VẬN
Cuộc xung đột tại Ukraine không chỉ đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong lịch sử, mà còn bộc lộ "gót chân Asin" của khối này đó là phụ thuộc quá mức vào năng lượng của Nga.
Trong một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa thứ được xem là "vũ khí địa chính trị" của Nga, Mỹ đang tìm cách thuyết phục các nước châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Hôm 8/3, Tổng thống Joe Biden tuyên bố cấm mọi hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga vào Mỹ. Tiếp bước Mỹ, Anh tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga từ cuối năm nay.
Năm ngoái, Mỹ là thị trường dầu mỏ lớn nhất thế giới, tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó nhập khẩu 8,5 triệu thùng, với dầu từ Nga chỉ chiếm khoảng 8% lượng nhập khẩu. Với lệnh cấm vận này, Mỹ có thể bị thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong ngắn hạn, nhất là mặt hàng dầu thô nặng vốn phù hợp với một số cơ sở lọc dầu tại Mỹ. Tuy nhiên Mỹ có thể nhanh chóng tìm cách bù đắp từ các nguồn khác. Ví dụ, Mỹ có thể thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước tăng sản lượng, đặc biệt là dầu đá phiến, vốn đã được đầu tư mở rộng đáng kể trước khi đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu. Ngoài ra, những tuần qua, Mỹ ráo riết thúc đẩy các nước sản xuất dầu trong khối OPEC+, đặc biệt là Ả rập Xê út, tăng sản lượng.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 31/3 cũng tuyên bố sẽ xả 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR) trong vòng 6 tháng tới nhằm kiểm soát đà tăng mạnh của giá dầu thô và khí đốt.
Đây là đợt xả dự trữ dầu chiến lược lớn chưa từng thấy của Mỹ. Đợt xả lớn thứ hai trong lịch sử là khi Mỹ rút 50 triệu thùng dầu từ SDR để cung ra thị trường vào tháng 11 năm ngoái.
"Quy mô của đợt xả dự trữ này là chưa từng có tiền lệ. Thế giới chưa bao giờ có một đợt xả dự trữ dầu nào lên tới 1 triệu thùng mỗi ngày mà lại duy trì trong khoảng thời gian dài đến như vậy. Đợt xả kỷ lục này sẽ tạo ra một khối lượng cung dầu lịch sử nhằm bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường cho tới tận cuối năm nay, khi sản lượng khai thác dầu trong nước tăng tốc", tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.
Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, việc Mỹ xả dự trữ sẽ giúp cho thị trường dầu lấy lại cân bằng lại trong năm 2022, nhưng sẽ không thể giải quyết sự thâm hụt mang tính cơ cấu. "Đây sẽ chỉ là một đợt xả dự trữ dầu, không phải là một nguồn cung bền vững trong những năm sắp tới. Việc xả dự trữ như vậy sẽ không giải quyết được sự thiếu hụt nguồn cung mang tính cơ cấu đã hình thành trong nhiều năm qua", Goldman Sachs nhận định.
Do vậy, bên cạnh việc dùng nguồn dầu từ các kho dự trữ chiến lược, Mỹ cũng thúc đẩy các thỏa thuận nhằm nới lỏng lệnh cấm vận dầu mỏ với Iran và Venezuela.
THUYẾT PHỤC CHÂU ÂU
Khi nguy cơ một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên rõ nét cùng với sự leo thang của chiến sự ở Ukraine và căng thẳng giữa Nga - phương Tây, Mỹ đã liên tục thuyết phục các đồng minh và đối tác, đặc biệt là châu Âu, giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Ngoài việc 3 lần mở kho dầu dự trữ chiến lược chỉ trong vòng nửa năm, tháng trước, Tổng thống Biden thông báo, Mỹ và EU sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung giải quyết các vấn đề về năng lượng. Nhà Trắng cho biết, lực lượng đặc nhiệm này sẽ "làm việc nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và EU để chuẩn bị cho mùa đông tới và những mùa đông tiếp theo". Đồng thời, lực lượng đặc nhiệm này cũng hỗ trợ mục tiêu của EU là chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga cũng như không làm tổn hại đến các chính sách khí hậu của cả hai bên.
Dự kiến Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác quốc tế để cung cấp thêm ít nhất 15 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay. Mục tiêu dài hạn hơn của thỏa thuận là đảm bảo khoảng 50 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ tới EU mỗi năm, ít nhất là tới năm 2030.
Với châu Âu, việc cấm vận năng lượng Nga sẽ là một lựa chọn khó khăn hơn nhiều, nhất là về khí đốt. Theo The Economist, 1/4 nguồn cung năng lượng của châu Âu đến từ khí đốt, và hiện Nga đang chiếm hơn 40% nguồn cung khí đốt của châu Âu.
Nguồn cung khí đốt của một số nước như Áo, Phần Lan phụ thuộc hoàn toàn vào Nga. Các nước còn lại cũng có mức phụ thuộc đáng kể, ví dụ như Italy (40%), Đức (gần 60%), Ba Lan (hơn 70%) hay Slovakia (gần 90%). Tất nhiên, EU cũng chịu không ít sức ép trong việc tham gia lệnh cấm vận này, song đến nay họ chưa thể có những bước đi quyết đoán như Anh và Mỹ, ngoại trừ Latvia, Estonia và Lithuania - ba nước Baltic tuyên bố đã ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga. EU chỉ có kế hoạch giảm 2/3 mức độ phụ thuộc vào khí đốt Nga trong năm nay.
Đối với các nước khác trên thế giới, dù lệnh cấm của Mỹ và EU không bắt buộc áp dụng, nhưng họ phải đối mặt với áp lực ngoại giao từ Mỹ và đồng minh cũng như trách nhiệm đạo đức phải thể hiện thái độ đối với Nga. Vì vậy, nhiều khả năng một số nước cũng sẽ tham gia hưởng ứng lệnh cấm vận do Mỹ khởi xướng.
LỰA CHỌN ĐẮT ĐỎ
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều công ty dầu khí phương Tây cũng như các thương nhân, ngân hàng đã tránh xa dầu thô của Nga. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của CNN, nhu cầu đối với dầu thô của Nga đang có sự gia tăng "khó hiểu".
Công ty quản lý rủi ro hàng hải Windward cho biết, nhiều tàu chở dầu của Nga vận chuyển dầu và các sản phẩm dầu mỏ đã biến mất khỏi hệ thống theo dõi. "Chúng tôi phát hiện ra sự gia tăng đột biến các tàu chở dầu của Nga cố tình tắt tín hiệu để tránh các lệnh trừng phạt", Giám đốc điều hành của Windward Ami Daniel nói.
Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy ước tính 1,2-1,5 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của Nga đã "biến mất" trong 5 tuần kể từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu. Riêng tuần cuối tháng 3, gần 5 triệu thùng dầu đã biến mất. Vậy ai đang mua những thùng dầu này?
Giới phân tích cho rằng các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng cường mua một số sản phẩm dầu của Nga. EU cũng vẫn tiếp tục mua bởi họ chưa thể giảm đáng kể phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.
Thậm chí, các doanh nghiệp Mỹ cũng là những khách hàng trong số đó. Theo báo cáo mới của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khối lượng nhập khẩu dầu Nga của Mỹ đã tăng 43% từ ngày 19/3 đến 25/3 so với tuần trước đó. Dữ liệu cho thấy Mỹ đã nhập khẩu tới 100.000 thùng dầu thô của Nga mỗi ngày. Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra thời hạn hoàn thành các giao dịch nhập khẩu dầu, các sản phẩm dầu, khí hóa lỏng và than từ Nga vào nước này đến ngày 22/4.
Giới chuyên gia nhận định, Mỹ - quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - khó có thể trở thành nguồn cung thay thế Nga vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có yếu tố giá thành và các thách thức về vận chuyển.
Một số nước châu Âu thể hiện rõ quan điểm rằng họ không thể không phụ thuộc vào năng lượng của Nga, ít nhất là trong vài năm tới, trong khi nhiều nước tiếp tục tận dụng nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga.
"Thay thế khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ của Mỹ là một đề xuất vô lý. Không phải chuyện chúng ta sẽ phải mặc thêm áo len vào buổi tối và giảm hệ thống sưởi đi một chút hay trả thêm vài đồng bạc mua khí đốt. Thực tế, nếu không lấy nguồn năng lượng từ Nga, thì không có khí đốt tại Hungary", Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu ngày 1/4.
Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Áo OMV, ông Alfred Stern, cũng cho biết, nước này cũng sẽ không chuyển sang mua khí LNG. "Từ bỏ khí đốt của Nga là việc không thể trừ khi chúng tôi sẵn sàng sống chung với hậu quả to lớn từ một bước đi như vậy. Một số quốc gia có thể làm điều đó. Tuy nhiên, Áo không thể làm vậy. Là một quốc gia không giáp biển, chúng tôi không có cơ sở tiếp cận với LNG. Bất kỳ sự đa dạng hóa nào cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để tiếp cận với nguồn khí đốt đắt đỏ hơn. Việc loại bỏ khí đốt của Nga sẽ phải trả giá, và điều này chúng tôi nhận thức rất rõ", ông Orban nói.
Việc xây dựng các kho dự trữ LNG khá tốn kém. Mỗi kho dự trữ LNG xuất khẩu yêu cầu khoản đầu tư lên tới 10 tỷ USD, trong khi những kho nhập khẩu mất khoảng một tỷ USD. Mỹ có 7 kho xuất khẩu nhưng khoảng hơn 10 kho dự trữ xuất khẩu của Mỹ đã được phê duyệt nhưng cần kinh phí để xây dựng.
Gerhard Mangott, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Innsbruck, nhận định: "Tôi nghĩ châu Âu sẽ cắt nguồn cung dầu từ Nga, nhưng tôi nghi ngờ họ sẽ không cắt nguồn cung khí đốt. Moscow cũng có thể trả đũa bằng cách dừng việc cung cấp này".
Tại châu Á, Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới, dường như cũng muốn tranh thủ cơ hội giá dầu Nga giảm sâu để tăng nhập khẩu dầu từ nước này.
"Dầu Nga vẫn đang tìm được khách mua. Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đã đưa ra nhiều lời chào mua đối với dầu Urals của Nga, vì mức giảm giá của dầu Urals so với dầu Brent tiếp tục tăng lên", một báo cáo của ANZ Research cho hay.
Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết Nga đang đề nghị bán dầu Urals cho Ấn Độ với giá rẻ hơn tới 35 USD so với trước xung đột, nhằm tăng lượng xuất khẩu. Nga muốn Ấn Độ mua 15 triệu thùng năm nay, nguồn tin trên cho biết. Nga cũng đang đề xuất cơ chế thanh toán bằng cả đồng rúp và rupee Ấn Độ, thông qua hệ thống SPFS của nước này.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman hôm 1/4 xác nhận nước này đang mua dầu từ Nga với giá chiết khấu nhưng không tiết lộ số lượng cụ thể. "Tôi sẽ đặt lợi ích quốc gia, an ninh năng lượng lên hàng đầu. Nếu nguồn cung có sẵn và còn được chiết khấu, tại sao chúng tôi lại không mua", Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Sitharaman.
Trước đó, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: "Mỹ không phản đối việc Ấn Độ mua dầu của Nga với giá chiết khấu, song số lượng không nên chênh lệch nhiều so với các năm trước". Quan chức này cảnh báo: "Bất cứ điều gì họ (Ấn Độ) đang làm cần phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt. Nếu không, sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn. Miễn là họ tuân thủ các lệnh trừng phạt và không tăng đáng kể lượng mua… Trong vài ngày hoặc vài tuần tới, Mỹ sẽ đẩy mạnh việc thực thi các biện pháp trừng phạt. Chúng tôi đang nói với tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi trên thế giới về việc đảm bảo tuân thủ các lệnh trừng phạt".
Minh Phương
Theo IEA, Reuters, Sputnik, Conversation