DMagazine

Mỹ sẽ mất nhiều năm và hàng tỷ USD nếu muốn châu Âu "cai" khí đốt của Nga

(Dân trí) - Kế hoạch cung cấp thêm khí đốt giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga của chính quyền ông Biden khó có thể thành hiện thực trong ngắn hạn, theo New York Times.

Mỹ sẽ mất nhiều năm và hàng tỷ USD nếu muốn châu Âu "cai" khí đốt của Nga

Hôm thứ sáu tuần vừa rồi, Tổng thống Biden công bố nước Mỹ sẽ cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu để giúp EU giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tế, ít nhất là trong ngắn hạn. Nguyên nhân là Mỹ chưa chuẩn bị đủ cơ sở hạ tầng để xuất khẩu nhiều khí đốt hơn. Và châu Âu cũng chưa đủ khả năng nhập khẩu thêm nhiều khí đốt của Mỹ.

Mỹ khó giúp châu Âu trong ngày một ngày hai

Những tháng gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ với sự khuyến khích của Tổng thống Biden thực tế đã tăng công suất của các kho cảng chuyển khí đốt thành khí hóa lỏng lên mức tối đa. Nhiều chuyến tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng đã chuyển điểm giao hàng từ châu Á sang châu Âu.

Tuy nhiên, các chuyên gia về năng lượng cho rằng việc xây dựng đủ kho cảng, bến bãi ở cả hai bờ Đại Tây Dương để tăng đáng kể sản lượng LNG xuất khẩu từ Mỹ vào châu Âu có thể sẽ mất 2 - 5 năm. Điều này nhiều khả năng sẽ khiến kế hoạch cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu mà ông Biden công bố bị giới hạn trong thực tế.

"Trong ngắn hạn, thật sự không có quá nhiều sự lựa chọn ngoài việc thuyết phục một hay hai nhà nhập khẩu ở châu Á đồng ý từ bỏ các lô hàng LNG và chuyển chúng cho châu Âu", ông Robert McNally, người từng làm cố vấn năng lượng cho cựu Tổng thống George W. Bush nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh một khi các kho cảng LNG được xây dựng đủ, Mỹ có thể trở thành "kho vũ khí năng lượng" giúp châu Âu phá vỡ sự phụ thuộc vào Nga.

Thỏa thuận cung cấp 15 tỷ m3 LNG của Mỹ cho châu Âu cũng có thể sẽ tác động đến những nỗ lực của chính quyền ông Biden và các quan chức châu Âu trong chiến dịch chống biến đổi khí hậu. Một khi các kho cảng xuất nhập khẩu LNG được xây dựng, chúng nhiều khả năng sẽ tiếp tục hoạt động trong hàng thập kỷ tới, qua đó kéo dài việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của trái đất.

Mỹ sẽ mất nhiều năm và hàng tỷ USD nếu muốn châu Âu cai khí đốt của Nga - 1

Việc xuất khẩu lượng lớn khí đốt từ Mỹ sang châu Âu đòi hỏi sự đầu tư cơ sở hạ tầng, kho cảng LNG với chi phí hàng tỷ USD (Ảnh: NYTimes).

Nhưng ngay lúc này, sự quan ngại về vấn đề môi trường dường như trở thành thứ yếu khi các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đang tìm cách trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua con đường cắt giảm hàng tỷ USD doanh thu của ngành năng lượng Nga. 

Sự phức tạp và tốn kém của việc xuất khí từ Mỹ sang châu Âu

Thực tế, Mỹ cũng đã gia tăng đáng kể việc xuất khẩu năng lượng cho châu Âu từ trước. Từ đầu năm đến nay, gần 75% tổng số LNG của Mỹ được xuất sang châu Âu, cao hơn rất nhiều con số 34% của cả năm 2021. 

Khi giá khí đốt tăng mạnh ở châu Âu, bản thân các công ty Mỹ cũng đã làm mọi cách để có thể cung cấp thêm sản lượng cho thị trường này. Chính quyền ông Biden cũng hỗ trợ bằng cách khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu LNG ở Nhật Bản và Hàn Quốc từ bỏ các lô hàng để châu Âu có thể nhận thêm nguồn cung năng lượng từ Mỹ.

Nước Mỹ có nguồn cung khí đốt rất lớn, phần lớn nằm ở các mỏ đá phiến từ Pennsylvania đến vùng Tây Nam. Các nhà sản xuất dầu, khí đốt ở khu vực giữa Texas và New Mexico đã dần tăng sản lượng sau khi cắt giảm mạnh năng lực sản xuất trong năm đầu đại dịch vì giá nhiên liệu lao dốc.

Tuy nhiên, vấn đề lớn với Mỹ nếu muốn xuất khẩu nhiều năng lượng hơn sang châu Âu nằm ở việc khí đốt hoàn toàn khác dầu thô khi không thể dễ dàng vận chuyển bằng đường biển. Khí đốt phải trải qua quá trình hóa lỏng tốn kém tại kho cảng xuất khẩu, trở thành LNG rồi sau đó được chuyển lên các tàu chuyên dụng. Khi tàu cập bến, các kho nhập khẩu lại phải chuyển LNG thành khí đốt để sử dụng.

Một kho cảng LNG lớn có thể tiêu tốn chi phí xây dựng lên tới hơn cả tỷ USD. Hơn nữa, quá trình từ lên kế hoạch, xin giấy phép đến khi hoàn tất thi công có thể kéo dài nhiều năm trời. Hiện tại mới có 7 kho cảng xuất LNG tại Mỹ. Còn châu Âu có 28 kho nhập khẩu LNG quy mô lớn. Các địa điểm này cũng được sử dụng để nhận LNG từ Qatar, Ai Cập.

"Nhu cầu năng lượng của châu Âu vượt xa khả năng cung cấp của hệ thống hiện tại", ông Nikos Tsafos, chuyên gia phân tích ngành năng lượng tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington, bình luận. 

Về dài hạn, các chuyên gia vẫn cho rằng Mỹ có thể giúp ích cho châu Âu rất nhiều trong vấn đề năng lượng. Cùng với EU, Washington có thể cung cấp các khoản cho vay bảo lãnh với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cắt giảm chi phí, tăng tốc quá trình xây dựng các kho cảng LNG. 

Mỹ sẽ mất nhiều năm và hàng tỷ USD nếu muốn châu Âu cai khí đốt của Nga - 2

LNG phải được vận chuyển bằng tàu chuyên dụng và đưa đến các kho cảng chuyển đổi thành khí đốt để sử dụng (Ảnh: Reuters).

Chính phủ các nước cũng có thể yêu cầu những định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Đầu tư châu Âu ưu tiên cho các hoạt động xây dựng kho cảng khí đốt, đường ống, cơ sở hạ tầng liên quan. Các chính phủ đồng thời có thể cắt giảm một số thủ tục pháp lý đang khiến quá trình xây dựng cơ sở vật chất liên quan ngàn khí đốt trở nên đắt đỏ và khó khăn theo phàn nàn của các doanh nghiệp. 

Charif Souki, Chủ tịch Tellurian, một doanh nghiệp sản xuất khí đốt tại Mỹ đang lên kế hoạch xây dựng kho cảng LNG tại Louisiana, hy vọng chính quyền của Tổng thống Biden sẽ cấp phép và đánh giá tác động môi trường dự án một cách hợp lý để chắc chắn quy trình được xúc tiến nhanh, đồng thời không quản lý mọi chi tiết vi mô.

Xung đột với mục tiêu môi trường

Ông Souki cũng cho rằng chính phủ Mỹ có thể bật đèn xanh các ngân hàng, nhà đầu tư tham gia vào các dự án như của ông sau khi nhiều tổ chức tài chính gần đây tránh rót tiền vào lĩnh vực liên quan đến dầu khí vì vấn đề biến đổi khí hậu.

"Nếu tất cả ngân hàng lớn ở Mỹ và những tổ chức tài chính lớn như BlackRock, Blackstone cảm thấy thoải mái với các khoản đầu tư liên quan đến CO2 và không bị chỉ trích, chúng tôi có thể phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trị giá 100 tỷ USD", ông Souki cho biết.

Nhiều kho cảng đang được xây dựng ở Mỹ có thể tăng thêm 1/3 sản lượng LNG xuất khẩu vào năm 2026. Nhưng một loạt dự án đã được phê duyệt bởi chính quyền Mỹ không thể tiếp tục triển khai cho đến khi đảm bảo được nguồn vốn từ ngân hàng, nhà đầu tư. "Đó chính là nút thắt cổ chai", ông Tsafos nhận xét.

Cùng với đó, khoảng 10 kho cảng nhập khẩu LNG tại châu Âu ở nhiều nước như Italy, Bỉ, Ba lan, Đức, Cộng hòa Síp, Hy Lạp đang được xây dựng hay trong giai đoạn lên kế hoạch nhưng hầu hết vẫn chưa thu xếp được nguồn tài chính. 

Nga hiện cung cấp khoảng 40% khí đốt cho châu Âu. Những khách hàng lớn nhất của Nga nằm ở khu vực Đông Âu và Trung Âu. Một số quốc gia đã xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG nhưng hầu hết lại nằm ở Nam Âu và họ cũng không có hệ thống đường ống kết nối tốt với các nước ở phía Bắc và phía Đông.

Mỹ sẽ mất nhiều năm và hàng tỷ USD nếu muốn châu Âu cai khí đốt của Nga - 3

Nhiều tổ chức tài chính ngại ngần cấp vốn cho các dự án trong lĩnh vực dầu khí vì quan ngại các mục tiêu về môi trường, chống biến đổi khí hậu (Ảnh: WSJ).

Một tháng sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, việc xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu vẫn diễn ra tương đối ổn định. Nhưng điều này có thể thay đổi. Ông Putin đã tuyên bố các quốc gia có thái độ thù địch với Nga sẽ phải thanh toán bằng đồng rúp thay vì euro hay USD khi nhập khẩu năng lượng từ Nga. Việc này có thể buộc các công ty của châu Âu phải giao dịch với những ngân hàng Nga đã bị các chính phủ phương Tây trừng phạt. 

Một số tín hiệu cho thấy doanh nghiệp và cả người dân châu Âu có thể sẽ giảm sử dụng một phần khí đốt vì chi phí đắt đỏ. Ví dụ cụ thể là Yara International, nhà sản xuất phân bón lớn ở Italy và Pháp đã tuyên bố sẽ giảm sản lượng vì chi phí nguyên liệu thô tăng cao, bao gồm giá khí đốt.

Trong khi việc cắt giảm nhu cầu sử dụng khí đốt có lợi cho môi trường, một số nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường lo ngại việc Mỹ và EU tập trung vào việc xây dựng các kho LNG sẽ giáng đòn mạnh vào nỗ lực giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu khi khuyến khích sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhà nghiên cứu Clark Williams-Derry từ Viện Kinh tế Năng lược và Phân tích Tài chính cho rằng có nguy cơ các cơ sở hạ tầng được xây dựng mới cho việc xuất nhập khẩu LNG sẽ khiến việc giảm phát thải trở nên khó khăn trong 20 năm hay thậm chí 30 năm tới. 

Ông Jason E. Bordoff, người từng giữ vai trò cố vấn năng lượng cho cựu Tổng thống Mỹ Obama, gợi ý chính quyền ông Biden có thể vừa thúc đẩy việc xuất khẩu thêm khí đốt sang châu Âu vừa khuyến khích tăng sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế như điện gió, điện mặt trời. "Trong dài hạn, các công cụ tài chính và ngoại giao của chính quyền Mỹ có thể giúp châu Âu đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch", ông Bordoff cho hay.

Một số người ủng hộ việc xuất khẩu khí đốt cho rằng nguồn nhiên liệu này vẫn có thể giúp châu Âu tiến gần hơn các mục tiêu về môi trường khi thay thế việc sử dụng than tại các nhà máy điện. Sử dụng khí đốt tạo ra ít khí thải hơn so với than đá.

Bà Gina McCarthy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của ông Biden, cũng phát biểu Mỹ muốn có sự cân bằng trong vấn đề biến đổi khí hậu với "giải pháp khẩn cấp ngắn hạn" trên. "Chúng ta không thể gia tăng sự phụ thuộc hơn nữa vào nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi đang làm rõ việc này, kể cả trong các cuộc trò chuyện với EU", bà Mc Carthy chia sẻ.