Lý do Ukraine dễ dàng đánh úp vào tỉnh Kursk của Nga
(Dân trí) - Cuộc đột kích của Ukraine đã đạt những bước tiến đáng kể sau hơn một tuần, trong khi Nga dường như bị động và chưa có những phản ứng đáng kể.
Cuộc đột kích không trở ngại
Rạng sáng 6/8, hàng trăm binh sĩ Ukraine cùng với xe bọc thép đã vượt qua biên giới, tiến vào vùng lãnh thổ Kursk của Nga. Đây là cuộc đột kích quy mô lớn đầu tiên của binh sĩ nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II. Đáng nói, lực lượng của Ukraine tiến vào Kursk gần như không gặp trở ngại đáng kể nào.
Volodymyr, một trong các thành viên Lữ đoàn Tấn công Trên không 82 của Ukraine tham gia cuộc đột kích, kể lại khi chuẩn bị đột kích, anh cảm thấy hồi hộp và có chút lo ngại.
Anh và những người lính khác chăm chú nghe hướng dẫn của chỉ huy: hãy mở mắt, di chuyển nhanh chóng và luôn giữ hình ảnh đất nước trong tâm trí. Sau một lời cầu nguyện ngắn và một tiếng hô xung trận "Ukraine vinh quang!" họ bắt đầu đột kích vào Kursk.
"Chúng tôi tiến vào lãnh thổ Nga lần đầu vào khoảng 1h sáng 6/8. Chúng tôi là những người đầu tiên tiến vào đây", anh nói.
Điều khiến Volodymyr ngạc nhiên là đơn vị của anh không vấp phải sự kháng cự nào khi xe bọc thép Stryker vượt qua biên giới.
Họ sớm chạm trán một đơn vị Nga "ngồi trong rừng, uống cà phê tại bàn", nhưng cũng nhanh chóng vượt qua chướng ngại này "vì họ (lính Nga) không có vũ trang và cũng không ngờ chúng tôi có thể hiện diện ở đó". Theo Volodymyr, hàng chục binh sĩ Nga đã hạ vũ khí và đầu hàng.
Trong 6 ngày tiếp theo, lực lượng Ukraine tiến quân nhanh chóng 5-10km mỗi ngày. Họ chiếm giữ một số ngôi làng, một phần tuyến đường sắt và một điểm trung chuyển khí đốt quan trọng. Họ bắt đầu vội vã đào chiến hào, chuẩn bị đón quân tiếp viện của Nga đến.
Nhưng một lần nữa, họ ngạc nhiên vì quân Nga đã không xuất hiện, ít nhất là không theo cách mà họ nghĩ. Những quả bom lượn cực mạnh được phóng từ máy bay phản lực của Nga đã khiến một số binh sĩ Ukraine thiệt mạng và phá hủy các thiết bị có giá trị mà phương Tây cấp cho Kiev. Máy bay không người lái tự sát Lancet của Nga lao về phía họ. Nhưng quân đội Ukraine vẫn tiến công.
"Lúc đầu hơi khó khăn nhưng sau đó thì dễ dàng hơn", Roman, một người lính khác trong đơn vị của Volodymyr, chia sẻ.
Ngày 9/8, xe Stryker của Ukraine đã bị trúng một quả lựu đạn của Nga. Kíp lái bị thương nhưng tất cả đều sống sót nhờ lớp giáp dày của xe.
Không thể tiến thêm, họ đành kéo xe trở lại biên giới để kiểm tra xem thứ gì có thể dùng làm phụ tùng thay thế cho những chiếc Stryker khác trước khi gửi nó đến căn cứ của Mỹ ở Đức để sửa chữa. Cả Mỹ và Đức đều nói, Ukraine không hề thông báo trước cho họ về chiến dịch đột kích.
Vì sao Ukraine dễ dàng qua mặt Nga?
Hơn một tuần sau cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga, những thành quả đạt được có thể nói đã vượt xa tất cả những kỳ vọng của Kiev.
Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi ngày 15/8 cho biết, Ukraine đã tiến sâu hơn 30km, kiểm soát 82 khu dân cư, hơn 1.000 km2 lãnh thổ ở Kursk.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố, Kiev hiện bắt giữ hơn 100 lính Nga, đồng nghĩa với "quỹ" trao đổi tù binh của Ukraine đang tăng lên. Ông nhấn mạnh, lực lượng Ukraine tiếp tục tiến sâu hơn vào vùng lãnh thổ Kursk và đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn chiến lược Sudzha.
Một trong những yếu tố giúp cuộc đột kích của Ukraine thành công là sự bảo mật. Rất ít chi tiết được tiết lộ về cách thức chiến dịch này diễn ra và các binh lính đã cẩn thận không tiết lộ thông tin nhạy cảm.
Theo báo Telegraph của Anh, các tướng lĩnh chỉ huy Ukraine chỉ được thông báo và tìm hiểu về kế hoạch đột kích 3 ngày trước khi triển khai, trong khi binh sĩ cấp dưới biết về hoạt động đúng ngày 6/8.
Theo nguồn tin FT, thành viên của ít nhất 6 lữ đoàn Ukraine đã tham gia vào chiến dịch.
Volodymyr và lính dù của lữ đoàn 82 đã được đưa đến vùng Sumy phía bắc Ukraine vài ngày trước khi chiến dịch bắt đầu.
Những người lính khác cho biết trước đây họ chiến đấu tại các điểm nóng ở mặt trận đông Kharkov, nơi họ cầm chân lực lượng Nga đột kích hồi tháng 5. Họ cũng đã ở khu vực Donetsk, nơi các thị trấn chiến lược Chasov Yar, Niu-York và Toretsk đã bị Nga liên tục tập kích trong nhiều tháng.
Denys, một người lính lái xe bọc thép Humvee do Mỹ cung cấp, cho biết trận chiến Kursk "hoàn toàn khác" so với trận chiến ở khu vực Donetsk.
"Chiến đấu từ vị trí phòng thủ khó hơn nhiều. Đối phương biết mọi thứ về chúng tôi ở đó. Họ biết chúng tôi ở đâu. Máy bay không người lái của họ có thể nhìn thấy mọi động thái của chúng tôi. Ở đây chúng tôi có yếu tố bất ngờ. Nhưng chúng tôi cũng ngạc nhiên khi họ quá bất ngờ trước cuộc tấn công của chúng tôi", Denys nói.
Người lính này cũng tiết lộ, cuộc đột kích nhằm kiểm soát lãnh thổ Nga, coi đó là lá bài mặc cả trong các cuộc hòa đàm trong tương lai. "Chúng tôi sẽ nắm trong tay một phần lãnh thổ của họ để đổi lấy đất của chúng tôi", Denys giải thích.
Những người lính khác cho hay, mục đích của chiến dịch còn là buộc Nga phải chuyển hướng nguồn lực khỏi tiền tuyến Ukraine.
Một số binh sĩ Ukraine thừa nhận ban đầu họ hoài nghi về kế hoạch đột kích. Họ lo lắng về việc rời bỏ các vị trí ở Donetsk khi Nga vẫn đang tiến quân hàng ngày và đe dọa sự kiểm soát của Kiev đối với các thành phố cuối cùng còn sót lại ở đó.
Bất chấp rủi ro, giới lãnh đạo quân đội Ukraine quyết định triển khai cuộc đột kích và lựa chọn Kursk là mục tiêu vì xác định đây là điểm yếu trong tuyến phòng thủ biên giới của Nga.
Kiev nhận định, ở Kursk có lỗ hổng trong việc phân chia lực lượng phụ trách phản ứng quân sự. "Chiến dịch của Ukraine đã tận dụng thành công giới hạn trách nhiệm giữa Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), Vệ binh Quốc gia (Rosgvardia) và Bộ Quốc phòng Nga", chuyên gia Dara Massicot tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Carnegie có trụ sở tại Mỹ nhận định.
Lực lượng biên phòng của FSB chịu trách nhiệm về biên giới, trong khi Rosgvardia giám sát phòng thủ nội bộ. Đây là lực lượng ít được huấn luyện quân sự, các đơn vị bộ binh cũng chỉ được vũ trang nhẹ. Hơn nữa, họ là những cơ quan riêng biệt và không chịu trách nhiệm trước quân đội hay Bộ Quốc phòng.
Với quân đội, Kursk nằm trong khu vực chịu trách nhiệm của Quân khu Moscow do Đại tướng Sergey Kuzovlev chỉ huy. Tuy nhiên, hầu hết binh sĩ chính quy của lực lượng này đang tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Hơn nữa, quân khu này mới chỉ thành lập từ hồi đầu năm nay sau khi Tổng thống Vladimir Putin tách đôi quân khu phía Tây cũ để đáp lại động thái mở rộng của NATO.
Không bên nào dựng "phòng tuyến Surovikin" hay bất cứ thứ gì như chiến hào, bãi mìn mà Moscow đã giăng ra ở Zaporizhia để ngăn cuộc phản công của Ukraine. Cuộc đột kích của Ukraine càng thuận lợi hơn khi Nga trước đó đã rà phá bom mìn trong khu vực Kursk để có thể tấn công sang vùng biên giới Sumy của Ukraine. Việc rà phá bom mìn đã bắt đầu, nhưng Nga lại chưa tập trung đông đảo quân đến đây.
Nga rơi vào thế bị động khi giới chức nước này dường như tin rằng Ukraine không thể thực hiện một chiến dịch rủi ro như vậy ở thời điểm phải dồn lực lượng cho mặt trận Donbass và nhắm đến bán đảo Crimea với nguồn lực hạn chế. Hơn nữa, Moscow có lẽ cũng nghĩ Kiev sẽ không được các đồng minh phương Tây ủng hộ đưa quân vào lãnh thổ Nga.
Rõ ràng cũng không ai để ý Ukraine đã bắt đầu lên kế hoạch cho chiến dịch này từ tháng 3 với các cuộc tấn công xuyên biên giới của các nhóm thám báo.
Ukraine đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho chiến dịch tấn công vào vùng Kursk của Nga. Kiev huy động hàng nghìn quân giàu kinh nghiệm chiến đấu, cơ động cùng với các thiết bị quân sự tiên tiến của phương Tây được chuyển đến từ tiền tuyến ở Ukraine.
Họ đột kích theo từng nhóm nhỏ, đôi khi trong trang phục dân sự, sau đó tập hợp quân nhanh chóng. Lần này, Ukraine không dùng pháo binh mà vượt qua các công sự của Nga bằng máy bay không người lái có khả năng nhắm mục tiêu chính xác.
Bất chấp những dấu hiệu từ nhiều tháng qua, Nga dường như không có động thái đáng kể nào tăng cường phòng thủ cho vùng biên giới này. Khi cuộc đột kích xảy ra hôm 6/8, lực lượng biên phòng của FSB và binh sĩ Nga phải chiến đấu với các xe bọc thép, xe tăng của Ukraine.
Nga sau đó vội vã đưa lực lượng tiếp viện tới. Theo các tổ chức nghiên cứu quân sự khác nhau, lữ đoàn thủy quân lục chiến độc lập số 810 của Nga, một phần của Hạm đội Biển Đen, đã được tái triển khai từ khu vực Kharkov hoặc mặt trận Pokrovsk ở Donbass.
Ngoài ra, lực lượng phản ứng của Nga còn bao gồm các binh sĩ được rút về từ mặt trận Kharkov và Zaporizhia. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi đội hình chính của Nga đối mặt với Ukraine ở Kursh chưa hồi sức kịp sau khi tham chiến ở Kharkov cách đây 3 tháng.
Sự táo bạo của cuộc đột kích khiến Nga sửng sốt. Chính quyền ở Kursk cùng khu vực lân cận Belgorod đã sơ tán khoảng 300.000 cư dân và ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tổng thống Vladimir Putin đã mô tả cuộc tấn công này là "hành động khiêu khích trên quy mô lớn" và tuyên bố sẽ đáp trả "thích đáng".
Các nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) nhận định, để đối phó cuộc đột kích của Ukraine, Nga đang điều động phần lớn là lính nghĩa vụ, cùng với đó là một số đơn vị quân đội chính quy và không chính quy được rút khỏi các khu vực ít quan trọng hơn ở tiền tuyến miền đông Ukraine. Phản ứng của Moscow nhìn chung còn yếu ớt.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, phản ứng mờ nhạt của Nga sẽ không kéo dài lâu nữa.
"Trong những ngày tới, lực lượng chống khủng bố của Nga, bao gồm nhiều đơn vị an ninh trong nước, có thể sẽ tăng cường nỗ lực giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Điều này nghĩa là Nga có thể quyết định xem có nên sử dụng vũ khí hạng nặng trong lãnh thổ của mình hay không", ông Andrius Tursa, cố vấn về Trung Âu và Đông Âu tại Công ty tư vấn rủi ro Teneo nói.
Chuyên gia về Nga tại tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) George Barros dự đoán Nga có thể huy động lực lượng dự bị để thực hiện chiến dịch phản kích quy mô lớn. Tuy nhiên, đây là lực lượng rất quan trọng đối với các cuộc tấn công hiện tại của Nga trong lãnh thổ Ukraine.
Nga cũng có thể sử dụng không quân để tấn công các đơn vị thiết giáp của Ukraine ở Kursk, chặn đà tiến công.
Ngoài những phương án này, Nga có thể tính đến phương án sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật mặc dù kịch bản này khó xảy ra. Moscow nhiều lần tuyên bố không loại trừ triển khai vũ khí hạt nhân nếu Ukraine và phương Tây "vượt lằn ranh đỏ", đe dọa đến an ninh và sự tồn vong của Nga.
Thế chênh vênh của Ukraine
Các nhà phân tích địa chính trị và quốc phòng nhấn mạnh, Ukraine có thể tận hưởng thành quả hiện tại nhưng vẫn cần lên kế hoạch cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo.
"Mặc dù tuần đầu tiên của cuộc tấn công có vẻ thành công đối với Kiev xét về góc độ quân sự và chính trị, nhưng nó vẫn tiềm ẩn những rủi ro đáng kể", chuyên gia Andrius Tursa, cố vấn về Trung Âu và Đông Âu tại Công ty tư vấn rủi ro Teneo, cảnh báo.
Ukraine có 2 lựa chọn: củng cố các vùng lãnh thổ đã giành được ở Kursk, tăng cường quân đội và tiếp tục tiến quân, hoặc rút quân để bảo toàn tính mạng con người trước khi nhận phản ứng mạnh từ Nga. Dù thế nào, Kiev cũng cần đưa ra quyết định nhanh chóng.
Ông Tursa lưu ý điều quan trọng là phải theo dõi liệu lực lượng Ukraine "có thể giữ được lãnh thổ đã chiếm đóng hay không và có thể rút quân khi cần thiết với tổn thất tối thiểu hay không".
Ông cảnh báo: "Mất mát của Ukraine sẽ tác động tiêu cực đến khả năng phòng thủ và có thể gây phản tác dụng về mặt chính trị, đặc biệt nếu kết quả cuộc đột kích không tương xứng với những mất mát".
Trong báo cáo gửi Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 15/8, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết, Ukraine đã thành lập chính quyền quân sự đầu tiên tại các khu vực do Kiev kiểm soát tại tỉnh Kursk của Nga.
Động thái này cho thấy Kiev đã sẵn sàng cho việc kiểm soát lâu dài các khu vực ở Kursk với một niềm tin rằng Nga sẽ phải mất một thời gian khá lâu để phản công và giành lại những vùng đất đã mất.
Một quan chức cấp cao Ukraine giấu tên trong tuần này nói với CNBC, Kiev hy vọng "nếu mọi việc ở Kursk suôn sẻ thì sự hiện diện của quân đội Ukraine ở Nga sẽ đóng vai trò là lực lượng thay đổi động lực của cuộc chiến và giúp Kiev tăng vị thế đàm phán".
Quan chức này nhấn mạnh, Ukraine không muốn kiểm soát hay sáp nhập bất cứ vùng lãnh thổ nào của Nga, nhưng sẽ tận dụng cuộc đột kích để thay đổi cục diện xung đột, đặc biệt ở chiến trường miền đông.
Chiếm giữ lãnh thổ Nga được coi là cách để đưa Ukraine vào vị thế thương lượng mạnh mẽ hơn, và ngược lại, làm suy yếu vị thế của Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai, học giả Taras Kuzio, giáo sư khoa học chính trị tại Học viện Quốc gia Kyiv-Mohyla ở Kyiv, phân tích.
Ông cũng nhấn mạnh, việc chiếm đóng Kursk còn có những lợi ích khác cho Ukraine, trong đó "vành đai lãnh thổ" do Kiev kiểm soát ở Kursk và Belgorod sẽ ngăn pháo binh Nga bắn vào vùng đông bắc Ukraine, đồng thời chặn đường tiếp tế của Nga cho lực lượng ở miền đông.
Ngoài ra, Ukraine có thể biến nơi này thành căn cứ hoạt động cho các nhóm đối lập ở Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, cố gắng thiết lập sự hiện diện lâu dài ở khu vực Kursk có thể là thách thức đối với lực lượng Ukraine, nơi các tuyến tiếp tế của họ dễ bị tổn thương trước hỏa lực Nga.
Bất chấp những thành công ban đầu, cuộc tấn công vào Nga có thể khiến một số đơn vị có năng lực nhất của Ukraine bị tiêu hao và khiến lực lượng ở Donetsk không có quân tiếp viện quan trọng.
Ông Matthew Savill, Giám đốc khoa học quân sự tại Viện nghiên cứu Hoàng Gia, cho biết rằng: "Việc duy trì một lực lượng với bất kỳ quy mô nào của Ukraine ở Nga và đối phó với cuộc phản công sẽ rất khó khăn bởi nguồn dự trữ hạn chế. Cho đến nay, cuộc đột kích cũng không khiến cường độ tấn công của Nga ở Donbass giảm bớt".
Konrad Muzyka, nhà phân tích quân sự tại tổ chức Rochan Consulting ở Ba Lan, bình luận Ukraine có thể được hưởng lợi nếu cuộc đột kích giảm các cuộc tấn công của Nga ở Donbass và cho phép Kiev duy trì sự hiện diện ở khu vực Kursk, cải thiện vị thế đàm phán. Nhưng Ukraine sẽ là bên thua cuộc nếu quân đội của họ bị đẩy lùi với tổn thất lớn.
"Chỉ có được hoặc mất. Chiến dịch này quá táo bạo. Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong những ngày tới", ông nói.
Phó Đô đốc Hải quân Mỹ về hưu Robert Murrett cũng cho rằng: "Hai đến ba ngày tới sẽ rất quan trọng đối với cả hai bên vì trận chiến Kursk này càng có ý nghĩa quan trọng hơn".
Minh Phương - Hải Đăng - Anh Ngọc
Theo Financial Times, Telegraph, CNBC