3 kịch bản sau chiến dịch đột kích Kursk của Ukraine
(Dân trí) - Ukraine đã chấp nhận đánh cược khi mở chiến dịch đột kích vào lãnh thổ Nga, bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ phía Moscow.
Hãng tin RT (Nga) dẫn nhận định của nhà phân tích Sergey Poletaev cho biết, để hiểu được tình hình liên quan đến cuộc đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga, cần xem xét rằng ngoài tiền tuyến được củng cố nghiêm ngặt, nơi giao tranh dữ dội đã diễn ra trong suốt 3 năm qua, Nga và Ukraine còn có chung hơn 1.000km biên giới được quốc tế công nhận. Phần lớn đường biên giới này tương đối yên bình, với mật độ quân thấp ở cả hai bên - chủ yếu là lính biên phòng và lực lượng an ninh được tăng cường - và hoạt động kinh tế vẫn diễn ra thường xuyên.
Vào ngày 6/8, có thông tin lực lượng Ukraine tiến vào vùng Kursk gần thị trấn Sudzha. Ban đầu, đây có vẻ như là một cuộc giao tranh biên giới thông thường. Tuy nhiên, đến cuối ngày đầu tiên, rõ ràng có điều gì đó lớn hơn đang diễn ra. Kiev vẫn im lặng trong hai ngày, trong khi các kênh Telegram của Ukraine chủ yếu đăng lại các nguồn tin của Nga.
Tuyên bố chính thức đầu tiên từ Ukraine được đưa ra vào sáng ngày 8/8. Ông Mikhail Podoliak, cố vấn của văn phòng tổng thống Ukraine, xác nhận quân đội chính quy Ukraine đã tiến vào Kursk. Đến lúc đó, quân tiếp viện của Nga đã được triển khai đến Sudzha, bắt đầu bằng các đội đặc nhiệm để loại bỏ các nhóm đối phương bị cô lập, tiếp theo là các đơn vị chính quy được tăng cường cho khu vực này.
Chiến lược của Ukraine giống với cuộc tấn công vào mùa thu năm 2022 ở vùng Kharkov: Tạo ra lợi thế về số lượng trong một khu vực hẹp, xâm nhập lãnh thổ của đối phương bằng xe bọc thép hạng nhẹ, triển khai lực lượng nhanh chóng và buộc các vị trí phòng thủ phải rút lui mà không cần giao tranh.
Các nguồn tin phương Tây đã cung cấp thông tin chi tiết về quy mô của chiến dịch Kursk. Theo The Times, có từ 6.000 đến 10.000 quân Ukraine tham gia cuộc đột kích. Forbes đã xác định các đơn vị tham gia, bao gồm Lữ đoàn cơ giới số 22 và 88 và Lữ đoàn tấn công đường không số 80, được mô tả là một trong những nhóm tinh nhuệ và nhanh nhẹn nhất của Ukraine.
Một số thông tin khác tiết lộ rằng khoảng 1.000 đến 1.500 binh lính Ukraine, hàng chục xe bọc thép và một số xe tăng ban đầu đã vượt biên vào Nga, với sự hỗ trợ hỏa lực pháo binh từ phía biên giới Ukraine, pháo kích dữ dội vào Sudzha cách đó chỉ 10km.
Những con số này phù hợp với các báo cáo của phương Tây. Về mặt quân sự, mũi nhọn của một cuộc tấn công thường chiếm 15-20% tổng lực lượng, phần còn lại theo sau, bảo vệ các bên sườn và cung cấp hậu cần, hỗ trợ pháo binh và hoạt động của máy bay không người lái. Sau khi Nga điều quân chặn, hầu hết binh lính Ukraine vẫn ở lại vùng Sumy ở biên giới, tiếp tục các cuộc xâm nhập xuyên biên giới.
Lý do Ukraine đột kích
Truyền thông phương Tây đã đưa ra nhiều suy đoán về lý do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở chiến dịch đột kích vào lãnh thổ Nga.
Những kinh nghiệm của mùa hè năm ngoái đã chứng minh rằng, khả năng đột phá qua tiền tuyến của Ukraine kém hơn đáng kể so với quân đội Nga. Chiến dịch Biển Azov đã kết thúc trong thất bại và bây giờ quân đội Ukraine phải rút lui, lấp đầy các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của mình.
Kiev đang tìm kiếm các giải pháp mới để đảo ngược xu hướng này. Quân đội Ukraine có một số tiền lệ, đáng chú ý là chiến dịch Kharkov vào mùa thu năm 2022. Cùng với Kherson, đây là một trong những thành công về mặt quân sự gần như duy nhất của Kiev. Việc Ukraine lặp lại chiến thuật này dường như hợp lý, nhưng đòi hỏi Kiev phải tìm ra các điều kiện phù hợp trên chiến trường.
Theo chuyên gia Poletaev, sự bình yên tương đối dọc theo biên giới dài 1.000km giữa Nga và Ukraine trong hai năm rưỡi qua có thể không phải là ngẫu nhiên. Dường như đã có những thỏa thuận giữa Moscow và Washington, cụ thể là với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhà Trắng công khai phản đối các hành động của Ukraine trên lãnh thổ được phương Tây công nhận thuộc chủ quyền của Nga, bao gồm các khu vực biên giới.
Do đó, nhiều cuộc xâm nhập qua biên giới chung vào các khu vực Belgorod, Bryansk và Kursk đã được tiến hành dưới danh nghĩa các thực thể như "Quân đoàn tình nguyện Nga", "Quân đoàn tự do cho nước Nga" và các nhóm khác.
Kiev đã nhiều lần cố gắng vượt qua các lằn ranh đỏ của phương Tây bằng mọi cách cần thiết. Ukraine cho rằng không cần phải sợ căng thẳng leo thang (như phương Tây vẫn lo sợ), vì Nga có khả năng sẽ chỉ đáp trả hạn chế.
Trong bối cảnh Nhà Trắng sắp thay đổi chủ nhân, Kiev nhìn thấy một cơ hội. Các thông tin rò rỉ cho thấy các đại diện của Kiev đã liên lạc với các cố vấn của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris thay vì Tổng thống Biden trong thời gian qua. Đây là thời điểm thuận tiện để Ukraine sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đẩy đội ngũ lãnh đạo mới ở Washington vào "sự đã rồi": "Hãy xem, chúng tôi có thể tiến quân thành công vào lãnh thổ Nga; do vậy việc các bạn ủng hộ chúng tôi là vì lợi ích của các bạn".
Ngay cả khi chỉ thành công một phần ở Kursk, chỉ kiểm soát được một thành phố, điều đó cũng cho phép Kiev đòi hỏi nhiều hơn từ Washington, thậm chí nhiều hơn nữa. Việc Nga chắc chắn sẽ đáp trả bằng cách củng cố phòng thủ ở đây cũng không phải vấn đề quan trọng. Tác động của truyền thông, như Kiev hình dung, sẽ kéo dài chừng nào tiền tuyến còn cắt qua lãnh thổ Nga. Nếu cuộc đột kích phải bị hủy bỏ, đây cũng có thể được coi là chiến thắng với Ukraine.
Theo quan điểm của Kiev, một canh bạc như vậy đáng để các lữ đoàn sẵn sàng chiến đấu.
Phản ứng tiếp theo của Nga
Theo chuyên gia Poletaev, một trong những mục tiêu của Ukraine khi tiến hành đột kích vào Kursk là kích động sự bất mãn trong nội bộ Nga, tìm cách khắc họa hình ảnh Tổng thống Vladimir Putin là nhà lãnh đạo yếu đuối và đưa ra những quyết định hấp tấp.
Cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev đã trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao. Chìa khóa để chiến thắng là tiêu hao với tốc độ chậm hơn đối thủ. Việc kiểm soát thị trấn hay thành phố nào không quá quan trọng; mọi thứ sẽ được quyết định bởi bên nào cạn kiệt nguồn lực trước.
Sau khi phục hồi sau những bước lùi ban đầu, Nga đã tìm cách thích ứng thành nền kinh tế thời chiến. Với mức chi tiêu khoảng 7% GDP, Nga có thể duy trì cuộc chiến trong khoảng thời gian dài. Mặc dù Nga có thể phải đối mặt với những thách thức về tuyển quân, nhưng việc này ít nghiêm trọng hơn nhiều so với Ukraine.
Quỹ đạo này sẽ dẫn đến nhiều khó khăn hơn cho Ukraine, khiến Kiev tìm cách mạo hiểm phá vỡ "luật chơi". Theo quan điểm của giới lãnh đạo Nga, việc bám sát chiến lược "chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine" có nghĩa là họ không nên tập trung quá nhiều vào các sự kiện ở Kursk để tránh "rơi vào bẫy" của Kiev.
Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Moscow không thể phớt lờ các hành động của Ukraine. Cuộc đột kích vào Sudzha buộc Bộ Tổng tham mưu Nga phải xem xét lại an ninh của 1.000km đường biên giới chung với Ukraine, vì các vụ việc tương tự có thể xảy ra ở bất kỳ đâu dọc theo đường biên giới này.
3 kịch bản xung đột
Chuyên gia Poletaev đã chỉ ra 3 kịch bản cho các diễn biến tiếp theo của chiến dịch Kursk.
Thứ nhất: Nga có thể chuẩn bị một lực lượng đặc nhiệm để thực hiện chiến dịch xuyên biên giới, bằng cách mở một mặt trận thứ hai (có thể nhắm vào vùng Sumy ở Ukraine) hoặc thiết lập một vùng đệm tương tự vùng đệm ở Kharkov. Đây sẽ là phương án đáp trả quyết liệt nhất của Moscow. Kịch bản này không chỉ bảo vệ Kursk và các khu vực lân cận, mà còn là câu trả lời rõ ràng và trực tiếp cho cuộc đột kích của Ukraine.
Nhưng nếu không huy động thêm quân, Moscow có thể không đủ sức mạnh cho mặt trận thứ hai. Việc duy trì một dải biên giới hẹp với tiền tuyến dày đặc đòi hỏi một lực lượng đáng kể.
Thứ hai: Kiev có thể có một số lữ đoàn mới, được huấn luyện tốt và được trang bị sẵn sàng để phát động một cuộc tấn công mới vào các khu vực biên giới khác của Nga hoặc đột phá qua tiền tuyến hiện có. Điều này sẽ buộc Moscow phải thu hẹp quy mô hoặc làm chậm đáng kể các hoạt động của Nga ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, đồng thời phân bổ lại lực lượng.
Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Kiev có những lữ đoàn như vậy. Các nguồn tin phương Tây cho biết 3 lữ đoàn tham gia vào cuộc đột kích gần đây đều là lực lượng dự bị sẵn sàng chiến đấu của Ukraine và không tham gia tác chiến ở mặt trận. Ngay cả khi điều này không đúng, Nga vẫn nắm giữ lợi thế về quân số, yếu tố bất ngờ của Ukraine đã mất đi, do đó khả năng thành công cho lần tấn công tiếp theo cũng thấp hơn.
Kịch bản thứ ba, có vẻ khả thi nhất dựa trên tuyên bố của Điện Kremlin: Nga sẽ vô hiệu hóa các hành động của Kiev bằng các nguồn lực sẵn có, đẩy lùi hoàn toàn các đơn vị của Ukraine khỏi biên giới và ngăn chặn các cuộc đột phá ở những nơi khác. Điều này cho phép Nga tiếp tục chiến lược của mình, mà Moscow tin là có lợi nhất.
Trong trường hợp này, khu vực biên giới sẽ trở thành một vùng chiến sự tích cực mới. Khi đó, việc Nga không có hành động đáp trả quyết liệt sẽ cho phép Kiev tuyên bố thay đổi lằn ranh đỏ và ít nhất là đạt được thành công một phần. Còn nếu Nga dựa vào lực lượng hạn chế và từ chối rút quân số lượng lớn khỏi chiến trường Donetsk sẽ đồng nghĩa với việc chiến dịch bảo vệ vùng biên giới Kursk có thể còn kéo dài.