DMagazine

Lời cảnh báo từ Omicron và cuộc chiến ngăn "lò ấp biến chủng"

(Dân trí) - Cảnh báo nhanh chóng của Nam Phi về biến chủng Omicron đã kéo theo cuộc chạy đua toàn cầu nhằm giải mã siêu biến chủng trước nguy cơ châu Phi trở thành "lò ấp siêu biến chủng".

LỜI CẢNH BÁO TỪ NAM PHI VÀ CUỘC CHIẾN NGĂN "LÒ ẤP BIẾN CHỦNG"

Cảnh báo nhanh chóng của Nam Phi về biến chủng Omicron đã kéo theo cuộc chạy đua toàn cầu nhằm giải mã siêu biến chủng trước nguy cơ châu Phi trở thành "lò ấp siêu biến chủng".

NAM PHI ĐÃ PHÁT HIỆN RA OMICRON NHƯ THẾ NÀO?

Vào những ngày đầu tháng 11, các chuyên viên phòng thí nghiệm Lancet ở Pretoria, Nam Phi, đã nhận thấy những đặc điểm bất thường trong các mẫu bệnh phẩm mà họ đang xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Họ phát hiện một gen bị thiếu trong cấu hình gen bình thường của virus (gen S) - dấu hiệu cho thấy virus đã thay đổi.

Vài ngày sau, Khoa Bệnh học Phân tử của Lancet ở Johannesburg, thủ phủ tỉnh Gauteng của Nam Phi, cũng phát hiện hiện tượng tương tự. Phát hiện này xảy ra trùng thời điểm số ca Covid-19 bắt đầu tăng mạnh ở một số khu vực của Nam Phi, đặc biệt là tỉnh Gauteng.

Raquel Viana, Trưởng nhóm Nghiên cứu khoa học tại Lancet, vô cùng sửng sốt khi giải trình tự gen 8 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Covid-19. Bà nhận thấy chúng chứa một lượng lớn đột biến nhiều chưa từng có. Lúc này, bà đã được một đồng nghiệp cảnh báo về việc gen S biến mất khó hiểu trong các mẫu bệnh phẩm mới hồi đầu tháng 11.

Ngay lập tức, bà đã thông báo hiện tượng "lạ" này cho các chuyên gia của Viện quốc gia về bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD). Chỉ trong vòng vài ngày, NICD đã thông báo cho Bộ Y tế Nam Phi và các phòng thí nghiệm khác trên khắp đất nước để giải trình tự gen và đều cho kết quả tương tự.

Lời cảnh báo từ Omicron và cuộc chiến ngăn lò ấp biến chủng - 1

Hình ảnh so sánh các đột biến trên biến chủng Omicron và Delta (Ảnh: RT).

Các nhà khoa học Nam Phi nhận thấy, biến chủng Omicron (khi đó được gọi là B.1.1.529) không thuộc nhánh nào của biến chủng Delta hay Beta, mà mang một đặc điểm di truyền rất khác. Họ xác định Omicron có hơn 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến trên protein gai, làm dấy lên lo ngại về khả năng lây lan và né miễn dịch của biến chủng này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảm ơn Nam Phi vì cách tiếp cận nhanh chóng và minh bạch về thông tin khẩn cấp liên quan đến Omicron.

Thực tế, các nhà khoa học Nam Phi nhận thấy, trùng thời điểm xuất hiện của Omicron, số ca Covid-19 ở nước này bắt đầu gia tăng nhanh chóng, chủ yếu ở nhóm người trẻ tuổi. Rudo Mathivha, trưởng khoa chăm sóc tích cực (ICU) tại Bệnh viện Baragwanath thuộc vùng đô thị Johannesburg, cho biết: "Nhiều người trẻ, trong độ tuổi 20 và 30, nhiễm virus với tình trạng từ trung bình đến nghiêm trọng, trong đó khoảng 65% chưa tiêm vaccine và hầu hết số còn lại mới tiêm một mũi".

NICD đã tải dữ liệu lên cơ sở dữ liệu khoa học toàn cầu GISAID và phát hiện ra Botswana và Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã báo cáo các trường hợp có kết quả giải trình tự gen tương tự. Đến ngày 24/11, NICD và Bộ Y tế Nam Phi thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và công bố với thế giới phát hiện của họ về biến chủng mới. Một ngày sau, WHO xếp Omicron vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại".

CẢM GIÁC NHƯ "BỊ TRỪNG PHẠT"

Phản ứng nhanh chóng của giới chức Nam Phi giúp thế giới sớm kích hoạt cơ chế đề phòng biến chủng Omicron. 

"Ngoại trưởng Antony Blinken đặc biệt khen ngợi các nhà khoa học Nam Phi vì sớm xác định biến thể Omicron. Đồng thời, sự minh bạch khi chia sẻ thông tin của chính phủ Nam Phi nên được xem là tấm gương của thế giới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 27/11 nói.

Lời cảnh báo từ Omicron và cuộc chiến ngăn lò ấp biến chủng - 2

Nhiều nước đã cấm nhập cảnh đối với người đến từ Nam Phi và một số quốc gia ở miền nam châu Phi do lo ngại biến chủng Omicron (Ảnh: AP).

Mặt khác, việc phát hiện ra Omicron cũng khiến nhiều nước dựng "hàng rào phòng thủ" biến chủng. Nhiều nước gần như ban bố ngay lập tức lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và một số nước láng giềng ở châu Phi bất kể việc chưa có nhiều dữ liệu nghiên cứu về biến chủng này.

Đến nay, hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ một số quốc gia ở khu vực phía nam châu Phi. Các nước này lập luận, việc hạn chế đi lại là cần thiết để họ chuẩn bị hệ thống y tế và nhiều thứ khác trước một biến chủng với số lượng đột biến "chưa từng thấy".

Tuy nhiên, với Nam Phi, giới chức ở đây cho rằng, Omicron đang bị thổi phồng quá mức và phản ứng của các nước khiến họ cảm thấy như "bị trừng phạt" chỉ vì cảnh báo sớm Omicron.

Bộ trưởng Du lịch Nam Phi Lindiwe Sisulu nói: "Có lẽ khả năng theo dõi một số biến thể của các nhà khoa học Nam Phi là điểm yếu lớn nhất của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như đang bị trừng phạt vì công việc mà chúng tôi phải làm".

Ông Tulio de Oliveira, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đối phó dịch bệnh Nam Phi Tulio de Oliveira nhấn mạnh: "Thế giới nên hỗ trợ Nam Phi và châu Phi thay vì phân biệt đối xử hay cô lập. Bằng cách bảo vệ và hỗ trợ nhau, chúng ta sẽ bảo vệ thế giới".

Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cảnh báo, việc áp dụng lệnh cấm đi lại nhằm vào châu Phi sẽ đe dọa sự đoàn kết toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Theo ông, việc hạn chế đi lại có thể có vai trò trong việc giảm sự lây lan của Covid-19, nhưng sẽ "tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế của người dân".
"Tốc độ và sự minh bạch của chính phủ Nam Phi và Botswana trong việc thông báo cho thế giới về biến chủng mới đáng được khen ngợi. WHO sát cánh với các quốc gia châu Phi, những nước đã mạnh dạn chia sẻ thông tin y tế công cộng để cứu sống, giúp bảo vệ thế giới chống lại sự lây lan của Covid-19... Tôi kêu gọi các quốc gia tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý của mình và thực hiện hành động y tế công cộng dựa trên cơ sở khoa học", ông Moeti nói.

450 NHÀ NGHIÊN CỨU THẾ GIỚI VÀO CUỘC

Lời cảnh báo từ Omicron và cuộc chiến ngăn lò ấp biến chủng - 3

Giới khoa học toàn cầu đã khẩn trương vào cuộc giải mã Omicron (Ảnh: Getty).

Giữa lúc còn nhiều tranh cãi về lệnh cấm đi lại với một số nước châu Phi, giới khoa học toàn cầu đã đồng loạt vào cuộc để "giải mã" biến chủng đang gây lo ngại.

Giới nghiên cứu đang phản ứng với Omicron khẩn trương hơn với bất cứ biến chủng nào của SARS-CoV-2 trước kia. Theo New York Times, trong vòng 36 giờ sau khi Nam Phi công bố sự xuất hiện của Omicron, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã phân tích mẫu bệnh phẩm của 100 bệnh nhân Covid-19, thu thập dữ liệu.

Chỉ trong vòng một giờ đầu kể từ khi đưa ra cảnh báo, các nhà khoa học Nam Phi cũng khẩn trương thử nghiệm các vaccine chống lại biến chủng mới. Đến nay, hàng chục nhóm nghiên cứu trên thế giới, trong đó có chuyên gia của hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna, đã vào cuộc.

Bà Ana-Maria Henao-Restrepo, một trong những người dẫn dắt công tác nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19 của WHO, cho biết khoảng 450 nhà nghiên cứu trên thế giới đang phối hợp để đánh giá hiệu quả của vaccine với Omicron.
Khi số lượng ca nhiễm Omicron tăng lên, hoạt động nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vài tuần tới sẽ giúp các nhà khoa học xác định được thực hư mức độ nghiêm trọng của biến chủng mới. Quá trình này được cho là mất khoảng hai tuần đến vài tuần. Sau đó, họ sẽ thông báo cho các hãng dược về việc có cần thay đổi chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn cầu hay không.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng những công cụ cần thiết để "giải mã" Omicron hiện nay chủ yếu tập trung ở các nước phát triển. Hơn 80% trong số khoảng 5 triệu trình tự gen được đăng lên cơ sở dữ liệu Gisaid đến từ châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc, sự lây lan của virus ở các khu vực nghèo hơn trên thế giới có thể chưa được giám sát chặt chẽ.

Đến nay, lượng thông tin về Omicron vẫn tương đối hạn chế. Giới chuyên gia lo ngại rằng, với lượng đột biến trên protein gai cao kỷ lục, Omicron có thể lây lan hơn, dễ né miễn dịch hơn, làm giảm hiệu quả của vaccine.

"Dựa vào nghiên cứu từng thực hiện với các biến chủng và đột biến khác, chúng tôi có thể tin rằng, các đột biến này (của Omicron) sẽ làm giảm đáng kể khả năng trung hòa của kháng thể", Jesse Bloom, nhà sinh vật học tại Viện nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson (Seatle), nhận định.

Tiến sĩ Richard Lessells, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal, cho biết các bác sĩ Nam Phi nhận thấy sự gia tăng các ca tái nhiễm ở người từng mắc Covid-19 và đó có thể là bằng chứng cho thấy Omicron nhiều khả năng né được miễn dịch tự nhiên.

Về khả năng lây lan của biến chủng mới, theo dữ liệu ban đầu từ Nam Phi, sự xuất hiện của Omicron đã đẩy nước này vào làn sóng Covid-19 thứ 4 với số ca nhiễm tăng đột biến từ vài trăm ca một ngày lên hơn 16.000 ca/ngày. Giới chức y tế Nam Phi cũng cho biết, mặc dù số ca nhiễm tăng vọt, nhưng phần lớn bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ và chủ yếu là người trẻ tuổi đã tiêm chủng.

Những thông tin này làm dấy lên hy vọng rằng Omicron cuối cùng có thể vượt Delta trở thành biến chủng trội toàn cầu nhưng mức độ nghiêm trọng ít hơn. Mặc dù vậy, WHO và một số chuyên gia cảnh báo, còn quá sớm để có thể đưa ra bất cứ tuyên bố nào về mức độ nghiêm trọng của Omicron.

LỜI CẢNH BÁO VỀ CÁC BIẾN CHỦNG

Sự xuất hiện của Alpha, Beta, Gamma, tiếp đến là Delta và Omicron có thể coi là lời cảnh báo với thế giới về "lỗ hổng" trong cuộc chiến ứng phó đại dịch. Lỗ hổng này liên quan đến vấn đề bình đẳng vaccine toàn cầu.

Một báo cáo của Quỹ Mo Ibrahim có trụ sở tại London cho rằng, với độ phủ vaccine thấp, châu Phi có thể trở thành "lò ấp biến chủng hoàn hảo". Báo cáo chỉ ra, châu Phi khó có cơ hội vượt qua đại dịch trừ khi 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 5 trong số 54 quốc gia châu Phi trên đà đạt mục tiêu tiêm chủng 40% dân số vào cuối năm 2021.

"... một châu Phi chưa được tiêm chủng có thể trở thành lò ấp biến chủng hoàn hảo".

Chủ tịch Quỹ Mo Ibrahim 

Sự "phân biệt đối xử vaccine trầm trọng" đang khiến 1,3 tỷ người ở châu Phi tụt lại trong cuộc chạy đua toàn cầu bảo vệ người dân trước đại dịch Covid-19. Trong khi các nước giàu đã bắt đầu tiêm chủng mũi tăng cường cho người dân, châu Phi mới tiêm chủng đầy đủ cho chưa đầy 7% dân số.

"Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng này, chúng tôi và nhiều tổ chức khác đã cảnh báo rằng một châu Phi chưa được tiêm chủng có thể trở thành lò ấp biến chủng hoàn hảo. Sự xuất hiện của Omicron nhắc nhở chúng ta rằng Covid-19 vẫn là một mối đe dọa toàn cầu và tiêm chủng cho toàn thế giới là con đường duy nhất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục phân biệt đối xử nghiêm trọng về vaccine và châu Phi nói riêng đang bị bỏ lại phía sau", Chủ tịch Quỹ Mo Ibrahim nói.

Bà Anna Marriott, giám đốc chính sách y tế của Quỹ từ thiện Oxfam, cũng cho rằng, khi còn những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thủng, virus càng có cơ hội biến đổi, kéo theo nguy cơ xuất hiện các làn sóng dịch bệnh mới.