Chưa thể khẳng định Omicron ít nguy hiểm hơn Delta
(Dân trí) - Dữ liệu ban đầu cho thấy, Omicron lây lan nhanh hơn nhưng chủ yếu gây triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, còn quá sớm để khẳng định Omicron ít nguy hiểm hơn các chủng SARS-CoV-2 khác.
Các thông tin ban đầu cho thấy, bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron chủ yếu có triệu chứng nhẹ làm dấy lên hy vọng rằng biến chủng này ít nghiêm trọng hơn so với các biến chủng khác của SARS-CoV-2. Giả thuyết này phù hợp với quan điểm lâu nay rằng một loại virus sẽ giảm độc lực qua thời gian khi nó liên tục biến đổi để ít gây hại cho vật chủ nhằm đảm bảo chúng có thể tiếp tục nhân rộn
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, kể cả khi Omicron có khả năng lây lan cao hơn so với biến chủng Delta, điều đó không có nghĩa là nó sẽ ít nguy hiểm hơn. Do vậy, theo giới chuyên gia, con người vẫn không nên chủ quan khi chưa có thêm nhiều thông tin về Omicron.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 4/12, thế giới chưa ghi nhận ca tử vong nào do Omicron. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo các nước vẫn nên thận trọng với đánh giá của hai chuyên gia y tế Nam Phi rằng các bệnh nhân nhiễm Omicron chỉ có triệu chứng nhẹ. WHO cho biết, giới khoa học có thể mất vài tuần để xác định liệu Omicron có gây bệnh nặng hay không và các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron gây nguy cơ tái nhiễm Covid-19 gấp 3 lần so với các biến chủng khác như Beta, Delta.
Giáo sư Nigel McMillan, giám đốc Trung tâm Y học Tế bào và gen Griffith, Đại học Griffith ở Australia, bình luận: "Điều bất thường là virus này thực hiện hầu hết quá trình sao chép trước khi thể hiện triệu chứng. Chưa thể chứng minh quan điểm cho rằng Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn, còn quá sớm để khẳng định điều đó".
Chuyên gia này cũng cảnh báo thêm: "Gây triệu chứng nhẹ hơn nhưng dễ lây lan hơn dường như không hẳn là một câu chuyện thích hợp. Nó có thể nhẹ hơn nhưng virus vẫn sẽ gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn so với bệnh cúm, vì vậy nó vẫn rất nghiêm trọng".
Virus biến đổi liên tục, tự nhân lên, né tế bào của vật chủ để tồn tại. Trong khi nhiều đột biến không tác động đến virus, một số đột biến có thể khiến virus dễ dàng tái tạo và lây lan. Virus corona là một trong những loại virus có tốc độ đột biến nhanh và không có gì ngạc nhiên nếu xuất hiện một biến chủng mới lây lan hơn và nguy hiểm hơn Delta.
"Nhiều người cho rằng quá trình tiến hóa sẽ chọn lọc một loại virus theo thời gian ít gây hại cho vật chủ hơn. Điều này không thực sự đúng", Jeffrey Joy, phó giáo sư về dịch tễ học của Đại học British Columbia, nhận định. Theo chuyên gia này, virus trở nên ít nguy hiểm hơn hay nguy hiểm hơn phụ thuộc vào một loạt yếu tố trong đó có yếu tố khoảng thời gian mà một người nhiễm virus, khả năng lây lan của virus.
Biến chủng Alpha được phát hiện đầu tiên ở Anh vào cuối năm ngoái được cho là có khả năng lây lan cao hơn 40% đến 80% so với chủng gốc của SARS-CoV-2, nó cũng gây nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao hơn. Biến chủng Delta, với hơn 10 đột biến trên protein gai, lây lan hơn và nguy hiểm hơn Alpha. Omicron có hơn 30 đột biến trên protein gai, nhưng không có nghĩa là dễ lây lan hơn, dễ né miễn dịch hơn.
Trong kịch bản xấu nhất, Omicron nghiêm trọng hơn và có thể thay thế Delta trở thành biến chủng trội toàn cầu, nó sẽ đe dọa cuộc chiến ứng phó đại dịch của thế giới. Trong một kịch bản khác, Omicron có thể giống như Beta - biến chủng gây nguy cơ bệnh nặng cao hơn và có khả năng né miễn dịch cao hơn, nhưng không thể trở thành biến chủng trội và nhanh chóng bị áp đảo.
Do vậy, giới khoa học cảnh báo, Omicron sẽ chưa phải là biến chủng cuối cùng, thế giới có thể vẫn đối mặt với biến chủng nguy hiểm hơn.