"Gấu Nga" ra đòn liên tiếp, quyết hạ gục Ukraine ở chảo lửa Avdiivka
(Dân trí) - Diễn biến tại Avdiivka ở Ukraine một lần nữa thể hiện truyền thống của Quân đội Nga từ cổ tới nay chính là học rất nhanh qua mỗi thất bại, để tung đòn khiến đối phương choáng váng và thậm chí gục ngã.
Dù Avdiivka chỉ là một trong vô vàn chiến dịch trong cuộc chiến tiêu hao Nga đang thực hiện, nhưng đã đâu đó hé lộ tiềm năng cho một "nụ cười cuối cùng" của người chiến thắng.
Những bài học từ Mariupol, Bakhmut... đến quyết tâm hạ knock-out Avdiivka
Có một điều rõ ràng, khi triển khai chiến dịch tấn công Avdiivka, Quân đội Nga đã rút ra được rất nhiều bài học quý giá qua những chiến trường đẫm máu như Mariupol, Soledar và Bakhmut.
Do vai trò đặc biệt quan trọng của cụm cứ điểm này, Ukraine đã dày công xây dựng hệ thống phòng thủ tại Avdiivka suốt 8 năm qua đồng thời luôn duy trì trọng binh tinh nhuệ trấn giữ. Các đòn tấn công vỗ mặt khi đối phương vẫn còn mạnh sẽ không bao giờ đạt hiệu quả tối ưu, vì thế lựa chọn khôn ngoan nhất của người Nga chính là hợp vây, và trên thực tế họ đã làm vậy.
Cũng giống như một bàn cờ thế, việc sắp xếp các nước đi đều phụ thuộc vào các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Vậy tại Avdiivka, "Gấu Nga" đã lựa chọn như thế nào?
Không phải ngẫu nhiên chiến dịch này được phát động vào thời điểm giao mùa giữa mùa Thu và Đông. Trong điều kiện thời tiết lạnh giá tại Ukraine, các đơn vị ở tiền tuyến luôn cần được tiếp tế liên tục để đảm bảo khả năng chiến đấu, với những cứ điểm lớn như Avdiivka, nơi tập trung hàng chục nghìn binh sĩ thì vô cùng khó khăn.
Việc tấn công vào thời điểm này khiến lực lượng phòng thủ Ukraine khó có đủ nguồn quân nhu cần thiết để cầm cự trong thời gian dài, trong khi Nga lại phát huy sức mạnh của những vũ khí hạng nặng vốn được thiết kế để hoạt động tối ưu trong mùa đông, vượt trội hơn hẳn trang bị mà phương Tây viện trợ cho Kiev.
Tiếp đó, một bài học quan trọng khác thay vì đánh thẳng vào cứ điểm kiên cố, Quân đội Nga đã lựa chọn phát triển sang hai cánh, bất chấp những thiệt hại bước đầu để hoàn thành cái "thòng lọng" siết chặt Avdiivka. Điểm đặc biệt của chiến thuật này đã được rút kinh nghiệm qua chiến trường Bakhmut và Soledar.
Theo đó, Nga không cần đóng kín nắp "nồi hầm", họ luôn duy trì một hành lang giữa thành phố và hậu phương. Điều này không có nghĩa rằng "áp suất" kém, mà đây chính là cách để chỉ huy Ukraine cảm thấy vẫn còn thở được, vẫn le lói tia hy vọng và phải cố gắng tiếp viện cho thành phố bất chấp mưa bom bão đạn. Có cửa sống, lực lượng phòng thủ Ukraine sẽ không tử thủ đến cùng.
Việc mở rộng vùng kiểm soát hai bên sườn Avdiivka cũng giúp Quân đội Nga hạn chế, thậm chí triệt tiêu khả năng hỗ trợ hỏa lực của lực lượng cứu viện Ukraine đối với các đơn vị cố thủ trong thành phố.
Không khó để chúng ta nhận ra, từ khi thành phố này bị bao vây, lực lượng Kiev đã không còn khả năng pháo kích vào thành phố Donetsk gần đó; các đơn vị pháo binh Nga áp sát vị trí chiến lược này chỉ vài km để tăng độ chính xác cũng như tối đa hóa sức công phá.
Và khi lực lượng phòng thủ trong nội đô phải căng mình phòng thủ từ mọi hướng, họ sẽ bộc lộ điểm yếu để các đơn vị xung kích như Storm Z, Wagner, Akhmat và bộ binh cơ giới Nga khoan phá. Điều này đã được thể hiện qua thực tế chiến trường ở khu công nghiệp phía Nam thành phố trong vài ngày qua.
Bất chấp những công sự kiên cố, Quân đội Nga đã đẩy lùi lực lượng Ukraine và chính thức kiểm soát toàn bộ khu vực này.
Những bài học đẫm máu từ giao tranh đô thị trước đó đã giúp Nga có được những kết quả tích cực như trên. Nếu như ở Bakhmut, họ mất nhiều tháng để tạo được thế bao vây chia cắt đối thủ, thì tại Avdiivka, con số này chỉ tính bằng tuần.
Sau cú "tất tay" thất bại, Ukraine sắp hết lính chiến
Trong bất kỳ cuộc chiến hay xung đột nào, việc giữ gìn lực lượng, trong đó có các đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến luôn vô cùng quan trọng. Điều này đã được đúc kết với phương châm: Dùng binh cốt tinh, không cốt đông.
Và Ukraine thực tế đã làm gì với các đơn vị tinh nhuệ, những "nắm đấm thép" của mình? Họ đã ném tất cả vào cuộc phản công từng được Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tuyên bố: "Khi cuộc phản công diễn ra, bất kỳ ai cũng sẽ nhận ra nó". Thực tế, cả thế giới cũng nhận ra thực tế phũ phàng qua cuộc phản công của Ukraine.
Kiev đã mất hàng vạn binh sĩ được NATO huấn luyện trong chiến dịch phản công để đổi lấy vài khu định cư không còn giá trị chiến lược nằm bên ngoài vành đai phòng thủ đầu tiên của Nga tại Zaporizhia.
Tất nhiên, người Nga không ngồi yên. Khi đã tập trung đủ thế và lực, các đòn phản công chủ động hay thuật ngữ "phòng thủ đàn hồi" đã được Moscow áp dụng trên dọc chiến tuyến dài cả nghìn km ở Ukraine. Avdiivka chính là một trong số đó, khi thời cơ đến, Nga chắc chắn sẽ tung cú đòn quyết định để hạ knock-out đối phương.
Về phía Ukraine, sau khi đã gần như "tất tay" trong cuộc phản công bất thành, họ không chỉ mất các đơn vị cơ động được huấn luyện và trang bị tốt, mà còn khiến sĩ khí của binh lính xuống rất thấp.
Một yếu tố quan trọng nhất, sau nhiều đợt tổng động viên, Ukraine đã cạn kiệt nguồn lực để tuyển quân. Những hình ảnh về các đội tuyển quân Ukraine "tìm" lính ngay trên đường phố, nhà hàng, hộp đêm xuất hiện dày đặc trên các nền tảng số.
Thậm chí, Quân đội Ukraine đã phải đưa nữ quân nhân lên tiền tuyến. Theo ước tính của phương Tây, số lượng nữ quân nhân của Ukraine đã vượt qua 40.000 người. Ukraine mới đây đã nâng độ tuổi bắt buộc tham gia nghĩa vụ quân sự của phụ nữ lên 60 tuổi, đồng thời có ý định mở rộng danh sách các ngành nghề mà phụ nữ phải điều động, bao gồm cả bác sĩ.
Mới đây nhất, hình ảnh một đơn vị Nga bắt giữ một nữ quân nhân hay phát hiện các thi thể nữ binh sĩ trên tiền tuyến đã khẳng định rằng, Ukraine đang dần cạn kiệt nguồn tuyển quân.
Để tăng khả năng gọi nhập ngũ, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine, Mikhail Fedorov cho biết Kiev triển khai "tổng động viên thông minh" trong những tháng tới. Công dân sẽ khai báo trực tuyến trước khi được chuyển thẳng tới đơn vị huấn luyện và đưa ra chiến trường.
Liên quan tới vấn đề này, cựu Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng trong chính phủ Kiev, Đại tá quân đội Ukraine Vladimir Omelyan, khi trả lời phỏng vấn với Guardian cho biết: "Sự lựa chọn rất đơn giản. Nếu chúng tôi sẵn sàng gửi thêm 300.000 hoặc 500.000 binh sĩ Ukraine đến giành lại Crimea và Donbass, đồng thời nếu chúng tôi có được số lượng xe tăng và tiêm kích F-16 phù hợp, chúng tôi có thể làm được điều này... Nhưng tôi không thấy 500.000 người nữa sẵn sàng chết và tôi không thấy phương Tây sẵn sàng gửi các loại và số lượng vũ khí mà chúng tôi cần".
Ngày càng có nhiều nữ binh sĩ Ukraine tham chiến ngoài mặt trận (Ảnh: Getty Images).
Nguồn viện trợ đang vơi dần
Ukraine có thể cầm cự với Nga tới thời điểm hiện tại phần lớn nhờ nguồn viện trợ khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD từ Mỹ và phương Tây. Và khi nguồn viện trợ này cạn dần, Ukraine liệu có đứng vững?
Washington Post dẫn lời các thành viên phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin tới thăm Kiev, Lầu Năm Góc dự định tiếp tục cung cấp cho quân đội Ukraine vũ khí tầm xa, trong đó có tên lửa ATACMS, cũng như đạn pháo. Tuy nhiên, ông Austin thừa nhận, nguồn lực viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đang tới giới hạn khi phải chia sẻ cho đồng minh Israel.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ không quên trấn an Kiev rằng Washington vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột của nước này với Nga.
"Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và hoàn toàn có thể triển khai sức mạnh, duy trì các cam kết và hướng những nguồn lực đến nhiều chiến trường. Do đó, chúng tôi sẽ sát cánh cùng Israel kể cả khi sát cánh với Ukraine", ông Austin tuyên bố.
Còn trong một bài trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố, Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các nước phương Tây.
Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và hoàn toàn có thể triển khai sức mạnh, duy trì các cam kết và hướng những nguồn lực đến nhiều chiến trường. Do đó, chúng tôi sẽ sát cánh cùng Israel kể cả khi sát cánh với Ukraine.
Trước đó, ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết chính quyền Mỹ đã chi khoảng 96% số tiền được phân bổ để hỗ trợ Ukraine. Ông Kirby nhấn mạnh rằng, việc không có thêm sự hỗ trợ lớn từ Mỹ sẽ tác động bất lợi đến khả năng phòng thủ của Ukraine.
Những tín hiệu rõ ràng làm "nguội lạnh" sự nhiệt tình của những người lạc quan về triển vọng chiến thắng ở Ukraine đã được gửi đi cách đây không lâu bởi cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley.
Tướng Milley cho rằng xung đột Nga - Ukraine không thể giải quyết trên chiến trường, đồng thời nói rõ mục tiêu của cuộc phản công trong tương lai của Ukraine nhằm giúp Kiev có vị thế mạnh hơn trên bàn đàm phán trước mùa đông 2023-2024 sắp tới.
Và điều quan trọng hơn cả là, nếu Mỹ buộc phải cắt giảm viện trợ cho Ukraine, thì ai sẽ bù đắp vào khoảng trống do Washington để lại. Đó thực sự là câu trả lời khó với các đồng minh phương Tây.
Thực tế, cả Mỹ và phương Tây đều nhận ra việc Ukraine không thể giành chiến thắng trước Nga trong một cuộc chiến quy ước và điều này đã được thể hiện qua cuộc phản công vừa qua. Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát chính là chất xúc tác để các đồng minh từng bước rời khỏi vũng lầy Ukraine một cách "hiên ngang ngẩng cao đầu".