Cuộc tái đấu lịch sử Biden - Trump sẽ không ít bất ngờ
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi việc ông được chọn làm ứng cử viên của đảng Dân chủ, gọi đó là "thời điểm lựa chọn".
Ông viết: "Với tiếng nói của bạn, với sức mạnh của bạn, với lá phiếu của bạn, đến tháng 11, chúng ta sẽ bỏ phiếu với số lượng kỷ lục và chúng ta có sức mạnh để làm điều đó... Bạn đã sẵn sàng để bảo vệ nền dân chủ?".
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã đăng một video vào cuối ngày 12/3 ngay sau khi ông giành được đề cử: "Đây là một ngày chiến thắng tuyệt vời".
Vào ngày 12/3, một tuần sau ngày "Siêu Thứ Ba", cả hai ông Biden và Trump đã giành được số lượng đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên của mỗi chính đảng.
Trận tái đấu năm nay sẽ lặp lại chiến dịch tranh cử năm 2020, mặc dù lần này ông Trump sẽ chạy đua tới Nhà Trắng với 91 cáo buộc trọng tội liên quan đến âm mưu lật ngược kết quả trong cuộc bầu cử năm 2020; đóng vai trò chủ đạo trong cuộc nổi loạn ngày 6/1/2021 tại nhà quốc hội Mỹ; lưu trữ trái phép tài liệu mật từ Nhà Trắng; và che đậy các khoản tiền bịt miệng cho một ngôi sao phim người lớn trước cuộc bầu cử năm 2016.
Trong khi đó, ông Joe Biden vẫn đang thực hiện một chiến lược tương tự như năm 2020: Thu hút cử tri lo ngại về hành vi có phần độc đoán của ông Trump. Không giống như ông Trump, Tổng thống Joe Biden chưa phải đối mặt với một thách thức nào quá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Biden cũng đối mặt với sự lo ngại của cử tri về vấn đề tuổi tác, hơn nữa, còn có cả sự bất bình do chính quyền đương nhiệm không đủ phản ứng đủ mạnh mẽ đối với các vụ tấn công của Israel trong cuộc chiến với Hamas ở Gaza trong nhiều tháng qua.
Trong cuộc vận động tranh cử ở bang Atlanta, ông Joe Biden nói: "Cuộc đời tôi đã dạy tôi nắm lấy tương lai của tự do và dân chủ, nhưng tất cả chúng ta đều biết Donald Trump nhìn thấy một nước Mỹ khác, một nước Mỹ đầy phẫn uất, trả thù và bị trừng phạt. Đó không phải là tôi, đó không phải là bạn".
Trong khi đó, khi ở Georgia, ông Trump đã chỉ trích ông Biden về điều mà ông mô tả là "lời nói giận dữ, đen tối, đầy thù hận" trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang của Tổng thống hôm 7/3. Ông Trump còn tiếp tục chỉ trích cách Đảng Dân chủ xử lý vấn đề người nhập cư ở biên giới phía Nam và chèo lái nền kinh tế Mỹ.
Ngay sau khi 2 ông giành được đề cử từ 2 đảng, chính trường Mỹ đã có những diễn biến mới: Ngày 13/3, Hạ viện do Đảng Cộng hòa nắm đa số đã thông qua dự luật nhằm yêu cầu ByteDance - chủ sở hữu Trung Quốc của mạng xã hội TikTok - phải thoái vốn tại Mỹ trong 6 tháng hoặc đối mặt với lệnh cấm.
Đó là đe dọa lớn nhất đối với ứng dụng mạng xã hội này kể từ thời chính quyền ông Trump. Nếu Thượng viện thông qua, Tổng thống Biden sẽ ký thành luật.
Theo các chiến lược gia chính trị Mỹ, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, diễn ngôn chính trị trực tuyến của Mỹ có lợi cho đảng Dân chủ đã có xu hướng chuyển sang TikTok. Ngoài ra, họ lưu ý rằng mạng xã hội X, trước đây là Twitter, đã cắt giảm các biện pháp hạn chế quấy rối dưới thời chủ sở hữu là tỷ phú Elon Musk.
Người dùng TikTok hiện nay phần lớn thuộc về các nhóm bỏ phiếu có xu hướng nghiêng về đảng Dân chủ. Chiến dịch tranh cử của ông Trump không có tài khoản TikTok chính thức, trong khi ông Biden có tài khoản TikTok để hỗ trợ tranh cử.
Nếu luật trên được ban hành, nó sẽ có thể tác động lớn đến cuộc tổng tuyển cử khi làm gián đoạn một trong những cách quan trọng để những người trẻ tuổi giao tiếp với nhau, khiến các cử tri trẻ bị xa cách hơn.
Theo nghiên cứu năm 2023 của Trung tâm Pew, khoảng 60% người đọc tin tức thường xuyên trên TikTok tại Mỹ là đảng viên đảng Dân chủ hoặc thiên về đảng Dân chủ. 19% người đọc tin tức trên TikTok là người da màu và 30% là người gốc Tây Ban Nha. Hai nhóm này chiếm tương ứng khoảng 14% và 19% dân số Mỹ. Khoảng 44% người xem tin tức trên TikTok ở độ tuổi từ 18 đến 29.
Việc cấm hoàn toàn TikTok, nếu xảy ra, sẽ khiến bộ phận lớn cử tri mất khả năng tương tác vào thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử, vốn thường gây ra nhiều cuộc tranh luận. Năm 2020, có tới 1,1 triệu người dùng TikTok đã bầu chọn ông Joe Biden làm Tổng thống thông qua mạng xã hội, thông qua sức mạnh của TikTok.
Việc Hạ viện thông qua dự luật nói trên là biện pháp mới nhất trong hàng loạt động thái ở Mỹ nhằm đối phó với những lo ngại về an ninh quốc gia từ phía Trung Quốc, trong các lĩnh vực như thiết bị được kết nối, trí tuệ nhân tạo cho đến cần cẩu tại các cảng của Mỹ.
TikTok phủ nhận việc chia sẻ bất kỳ dữ liệu người dùng nào với chính phủ Trung Quốc và cảnh báo rằng lệnh cấm, nếu được thi hành, nó sẽ tước bỏ quyền tự do ngôn luận của người Mỹ theo Hiến pháp.
Một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng cho biết: "Chúng tôi không lo ngại về tác động của lệnh cấm đối với cơ hội tái tranh cử của ông Biden".
Trên thực tế, dự luật vẫn có nhiều khúc mắc vì ông Trump phản đối dự luật và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer vẫn chưa cam kết sẽ trình văn bản này lên cơ quan lập pháp.
Nhân viên liên bang bị cấm cài đặt TikTok trên điện thoại, vì vậy nhân viên chính quyền ông Biden không được phép cài đặt ứng dụng này trên điện thoại cơ quan. Trong khi đó, nhân viên chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden không được chính phủ tuyển dụng và không giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia, vì vậy họ được phép sử dụng TikTok trên điện thoại của mình.
Hầu hết các nhân viên chiến dịch tranh cử thường xuyên liên lạc với Nhà Trắng đều có 2 điện thoại. Chỉ một chiếc điện thoại tương tác với TikTok để tách việc sử dụng ứng dụng này khỏi các luồng công việc và thông tin liên lạc khác, bao gồm cả email.
Trước đây Nhà Trắng đã nêu ra những lo ngại về việc lưu trữ dữ liệu trên TikTok cũng như khả năng các tác nhân nước ngoài lạm dụng dữ liệu và thông tin riêng tư này. Nhà Trắng đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa an ninh cần thiết để đảm bảo không có dữ liệu nào rơi vào tay những đối tượng không mong muốn.
Trong khi đó, các chiến dịch tranh cử vẫn đang cố gắng tiếp cận cử tri tại nơi cư trú. Thậm chí, họ còn cho rằng: Còn lâu mới có bất kỳ quyết định nào về vấn đề này (lệnh cấm TikTok).
Lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp để đưa ra nhận định ứng cử viên nào sẽ là ông chủ Nhà Trắng sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Nhưng chắc chắn cuộc tái đấu này sẽ có nhiều diễn biến bất ngờ, sôi động.
Tác giả: Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân nguyên là Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Ông là chuyên gia về khoa học quân sự và lịch sử thế giới.