(Dân trí) - Đại sứ Mỹ Daniel Krintenbrink không chỉ nhấn mạnh tới những thành tựu hai nước đạt được trong 25 năm qua, mà còn chia sẻ những trải nghiệm cá nhân rất đặc biệt của ông khi làm việc tại Việt Nam.
Chặng đường 25 năm phi thường của quan hệ Việt - Mỹ qua góc nhìn Đại sứ Mỹ
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink không chỉ nhấn mạnh tới những thành tựu phi thường hai nước đạt được trong 25 năm qua, mà còn chia sẻ những trải nghiệm cá nhân rất đặc biệt của ông khi sống và làm việc tại Việt Nam.
25 năm về trước, vào ngày 11/7/1995, Mỹ và Việt Nam chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Trong cuộc phỏng vấn với Dân Trí ngay trước dịp kỷ niệm quan trọng này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã chia sẻ về hành trình ấn tượng của 2 nước từ cựu thù trở thành bạn bè và "đối tác toàn diện". Ông cũng tiết lộ về điều bất ngờ nhất trong nhiệm kỳ ở cuối cuộc phỏng vấn.
Kính thưa Đại sứ, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong những năm qua và tương lai của mối quan hệ này?
Tôi cho rằng những gì mà hai nước đạt được trong 25 năm qua thật sự phi thường và giờ đây, chúng ta cơ bản đã vượt qua quá khứ đau thương, trở thành bạn bè và đối tác. Điều đó đạt được là nhờ sự xây dựng niềm tin chiến lược giữa hai bên, khởi đầu từ sự hợp tác về các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh. Tất nhiên việc giải quyết những di sản của quá khứ vẫn là một phần quan trọng của mối quan hệ ngày nay.
Điều tuyệt vời hơn nữa là sự hợp tác đã mở rộng sang quan hệ thương mại và kinh tế. Giờ đây, thương mại hai chiều đã đạt 77 tỷ USD mỗi năm và điều đó mang lại lợi ích lớn cho cả hai nước. Chúng ta hiện là các đối tác rất quan trọng của nhau trong việc thúc đẩy các lợi ích an ninh và chiến lược. Mối quan hệ giữa quân đội hai nước cũng trở nên rất gần gũi. Chúng ta có các lợi ích gần như song trùng về các vấn đề như Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và khu vực Mekong.
Tôi rất tự hào khi quan hệ nhân dân trở nên vô cùng vững mạnh. Giờ đây có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ. Chúng ta cũng có Đại học Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh. Có thể thấy rõ trên mọi lĩnh vực, hai nước đã trở thành bạn bè và đối tác vì lợi ích chung.
Tôi muốn nhấn mạnh tới những thành tựu ấn tượng hai nước đã đạt được chỉ trong 3 năm qua. Hai chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Việt Nam là những thành quả nổi bật. Trong chuyến thăm đầu tiên vào tháng 11/2017, tôi cho rằng một trong những điều đáng chú ý là bài phát biểu quan trọng của Tổng thống về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó vạch ra chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Và nhiều thỏa thuận thương mại quan trọng cũng được ký kết.
Chuyến thăm thứ 2 của Tổng thống Trump tới Việt Nam vào tháng 2/2019 cũng rất quan trọng, dù mục đích chính là tham dự thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trong nhiều địa điểm trên thế giới, chúng tôi chọn tổ chức hội nghị ở Hà Nội. Chúng tôi làm điều đó vì sự tin tưởng và tin cậy của hai nước với tư cách là các đối tác.
Hai bên đã ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá trên 20 tỷ USD chỉ trong 3 năm qua và tôi cho rằng đó là thành tựu lớn.
Các nỗ lực giải quyết các vấn đề của quá khứ đã đưa hai nước xích lại gần nhau và công việc đó vẫn quan trọng nhằm xây dựng niềm tin chiến lược ngày nay. Trong 3 năm qua, chúng ta đã hoàn thành công việc tại tẩy rửa dioxin tại sân bay Đà Nẵng và chúng tôi đã cùng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy và các nghị sĩ khác khởi động dự án tẩy rửa dioxin tại sân bay Biên Hòa. Chúng tôi đã khởi động một chương trình trị giá 65 triệu USD nhằm hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam tại các tỉnh bị ảnh hưởng nhất bởi chất độc da cam. Chúng tôi tiếp tục công việc dọn dẹp bom mìn chưa nổ, trong đó có các tỉnh ở miền Trung, và vui mừng với các kết quả đạt được. Ví dụ như trong 3 năm qua không ai bị thương hoặc tử vong do bom mìn, đó là một kết quả rất lớn.
Một trong những hoạt động ý nghĩa đối với tôi với tư cách là đại sứ là tham gia vào các hoạt động hòa giải. Ví dụ, chuyến viếng thăm tới nghĩa trang quốc gia Trường Sơn thực sự xúc động. Hai tuần trước, tôi cũng tới viếng nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh, thăm tỉnh Thanh Hóa và thăm cầu Hàm Rồng cùng các cựu chiến binh của cả Việt Nam và Mỹ. Chúng ta đang xây dựng một mối quan hệ đối tác tập trung vào tương lai. Mối quan hệ đối tác giờ đây mạnh mẽ hơn bao giờ hết và sự hợp tác giữa hai nước ngày càng gần gũi, hiệu quả. Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác và hữu nghị này, và cũng phải giải quyết các vấn đề trách nhiệm trong quá khứ.
Vượt qua những rào cản
Trong một cuộc thảo luận, Đại sứ từng nói ông không ngại vượt qua những rào cản nhiều nhất có thể. Theo ông, hai nước đã vượt qua những trở ngại nào và những thách thức nào mà ông mong muốn hai nước tiếp tục vượt qua trong thời gian tới?
Tôi nghĩ tới các vấn đề liên quan tới quá khứ và chiến tranh. Việc tiếp tục nỗ lực về các vấn đề này vô cùng quan trọng vì nó giúp xây dựng niềm tin ở cả hai phía. Khi nhìn lại sự khởi đầu của mối quan hệ giữa hai nước, một câu hỏi chính được đặt ra: đâu là rào cản cơ bản mà chúng ta đã vượt qua và làm sao có thể xây dựng niềm tin với nhau sau cuộc chiến? Chúng ta đã đạt được tiến bộ rất lớn. Chúng tôi rất biết ơn Việt Nam đã trợ giúp tìm kiếm 727 người Mỹ mất tích kể từ cuối những năm 1980 và Mỹ cũng đã gia tăng cam kết trợ giúp phía Việt Nam tìm kiếm các binh sĩ mất tích. Thông qua một số hoạt động hòa giải, tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục dỡ bỏ tất cả các rào cản giữa hai bên liên quan tới các vấn đề trong quá khứ.
Một vấn đề khác, tôi cho là thực tế hơn, là chúng ta thường nói về tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế và thương mại. Điều ngày càng quan trọng là chúng ta đảm bảo việc dỡ bỏ các rào cản thương mại mà hai bên có thể đối mặt. Tôi biết trong nhiều cuộc trao đổi với chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã nêu ra những lo ngại về sự công bằng đối với các công ty Mỹ tại Việt Nam và việc dỡ bỏ các rào cản thương mại trong các thị trường liên quan tới ô tô, các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ số.
Đại sứ đánh giá như thế nào về sự hợp tác giữa hai nước nhằm đẩy lùi đại dịch Covid-19?
Tôi cho rằng sự hợp tác giữa hai nước trong đại dịch Covid-19 vô cùng ấn tượng. Trước tiên, tôi muốn bày tỏ sự cảm kích đối với Việt Nam về nỗ lực kiểm soát đại dịch. Việt Nam đã hạn chế số ca lây nhiễm dưới 350 và không có ai tử vong. Đó là một thành tích phi thường.
Mỹ vui mừng khi trở thành đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Sự phối hợp về Covid-19 được xây dựng dựa trên hơn 22 năm hợp tác trong lĩnh vực này. Mỹ đã hỗ trợ hơn 700 triệu USD cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực y tế công. Đặc biệt liên quan tới Covid-19, chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam hơn 13 triệu USD. Điều đó thể hiện rằng: chúng tôi có mặt ở đây để giúp Việt Nam thành công. Chúng tôi cho rằng Mỹ cũng có lợi khi ủng hộ một Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng, trong đó có lĩnh vực y tế.
Có một thông tin mà có lẽ ít người biết là bộ phận có khối nhân sự lớn nhất trong Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam là nhóm y tế, với hơn 115 người. Trong hơn 20 năm qua, họ đã trợ giúp để xây dựng mối quan hệ y tế tuyệt vời giữa hai quốc gia, và trong đại dịch Covid-19, họ đã ở tuyến đầu và trở thành những người quan trọng nhất. Dịch Covid-19 đã cho thấy chúng ta không chỉ hợp tác rất tốt trong lĩnh vực cụ thể này, không chỉ chứng tỏ Mỹ là đối tác của Việt Nam, mà nó còn cho thấy rằng với Mỹ, Việt Nam là một người bạn tuyệt vời. Người ta thường nói rằng trong khó khăn mới biết ai là bạn thực sự. Chúng tôi rất cảm động khi trong thời điểm nước Mỹ chiến đấu với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã tài trợ hàng triệu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế khác. Sự trợ giúp đó đã giúp cứu các mạng sống tại Mỹ. Chúng tôi rất cảm động bởi sự trợ giúp này và cảm ơn các cơ quan chính phủ và người dân vì sự hỗ trợ kịp thời.
Sau Covid-19, Mỹ và Việt Nam cũng cần hợp tác chặt chẽ để phục hồi kinh tế. Mỹ mong muốn hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực cũng như khắp thế giới để đảm bảo có thể phục hồi kinh tế toàn cầu, sau khủng hoảng do đại dịch gây ra.
Đại sứ nhận định như thế nào về xu hướng đầu tư của các công ty Mỹ trong khu vực thời gian tới? Theo ông, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như thế nào trong việc thu hút đầu tư từ các công ty Mỹ?
Việt Nam là một câu chuyện thành công tuyệt vời theo nhiều cách, về phát triển kinh tế, và quan hệ song phương, hợp tác kinh tế và đầu tư giữa 2 nước. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ 2 thế giới trong 20 năm qua, và có thể là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới 40 năm tới. Có những cơ hội rất lớn ở đây và Việt Nam đang làm rất tốt trong việc thúc đẩy hồi phục kinh tế, mở cửa thế giới bên ngoài và điều đó đã dẫn tới sự phát triển trong mối quan hệ thương mại rất hiệu quả của chúng ta. Khi tôi nói chuyện với những người bạn Việt Nam, chúng tôi đều cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có lộ trình phát triển kinh tế ấn tượng. Việt Nam làm tốt cả về mặt vượt qua đại dịch và chắt chiu những cơ hội.
Tôi cho rằng Việt Nam phải có các bước đi đúng đắn nhằm tạo ra một môi trường hấp dẫn để thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài. Làm được như vậy, Việt Nam không chỉ thu hút FDI mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế và có một xã hội thịnh vượng hơn. Tôi biết các cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã nêu ra vấn đề với phía Chính phủ Việt Nam liên quan tới chính sách thuế để đảm bảo các quy định được đưa ra công bằng, minh bạch và kịp thời và cũng đảm bảo rằng các quyết định liên quan tới các giấy phép phê duyệt các dự án đầu tư được thực hiện kịp thời.
Một lĩnh vực quan trọng khác mà chúng ta phải hợp tác liên quan tới môi trường hay hệ sinh thái. Điều đó sẽ quyết định Việt Nam hấp dẫn như thế nào đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi nghĩ nó cũng liên quan tới các rào cản tiếp cận thị trường mà tôi đề cập phía trên. Tin tốt lành là chúng ta đã đạt được tiến triển lớn trong một loạt lĩnh vực, từ ô tô tới các sản phẩm nông nghiệp và thanh toán điện tử.
Tôi cho rằng một lĩnh vực mà chúng ta cần cải thiện hơn nữa và nó có thể có ảnh hưởng lớn nhất tới việc Việt Nam sẽ được xem là một điểm thu hút FDI là các dịch vụ số và an ninh mạng. Mọi quốc gia đều cần và có quyền thúc đẩy an ninh mạng và bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa mạng từ thế giới bên ngoài. Nhưng chúng tôi tin rằng nếu các bước đi này được thực hiện theo đúng cách, phù hợp với các thỏa thuận và quy chuẩn quốc tế, và nên được thực hiện theo cách thức nhằm thúc đẩy kinh tế số. Nếu Việt Nam thực hiện những bước đi như vậy trong lĩnh vực dịch vụ số, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị thế là một địa điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Nếu không, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay sang các thị trường khác.
Hòa bình, ổn định ở Biển Đông
Quan hệ an ninh, quốc phòng giữa hai nước đã tiến triển đáng kể thời gian qua nhưng chúng ta vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác. Theo ông, những lĩnh vực và hình thức hợp tác nào mà chúng ta có thể tiếp tục đẩy mạnh?
Tôi cho rằng hợp tác an ninh là một trong những trụ cột trong quan hệ song phương và hữu nghị mà chúng ta có ngày nay. Mối quan hệ giữa quân đội hai nước có lẽ chưa bao giờ gần gũi như vậy và tôi tin mối quan hệ này sẽ vẫn tiếp tục phát triển.
Một trong những thành tựu ấn tượng nhất trong 3 năm qua là những trao đổi giữa quân đội hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thăm Việt Nam 3 lần trong 3 năm qua, 2 tàu sân bay đến thăm Việt Nam vào năm 2018 và 2020. Đó là một biểu tượng mạnh mẽ cho sự hợp tác an ninh giữa hai nước.
Tôi cho rằng hai nước có thể nhìn vào các lợi ích chung trong lĩnh vực an ninh, trong đó có mong muốn chung về một khu vực Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Một trong những lo ngại chính lúc này là sự ổn định tại Biển Đông. Mỹ và Việt Nam có thể tiếp tục hợp tác hòa bình, thúc đẩy các quan điểm chung về một giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp, tự do hàng hải và hàng không, đảm bảo tất cả các quốc gia tiếp tục có quyền phát triển các tài nguyên thiên nhiên và kinh tế mà họ có quyền hợp pháp.
Một lĩnh vực quan trọng khác là tiếp tục tăng cường năng lực của các lực lượng quân đội và cảnh sát biển Việt Nam, điều đó cũng góp phần duy trì ổn định và hòa bình ở Biển Đông. Về phần mình, Mỹ cũng sẽ tiếp tục tăng cường các khả năng và tiến hành các hoạt động ủng hộ luật pháp quốc tế.
Chúng ta cũng sẽ nhìn thấy các cuộc trao đổi, thăm viếng thường xuyên và các đối thoại về vấn đề an ninh.
Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác giữa Việt Nam và Mỹ là vấn đề sông Mekong từ góc độ an ninh, môi trường và phát triển kinh tế.
Trong một bài phát biểu gần đây, ông cho biết Mỹ mong muốn bàn giao các máy bay huấn luyện và tàu tuần tra cho Việt Nam? Đại sứ có thể cho biết thêm thông tin về sự hợp tác này?
Hiện tôi chưa rõ con số và thời điểm cụ thể bàn giao các máy bay này, nhưng có thể nói khi nhìn vào các chương trình phát triển năng lực cho quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam, chúng tôi có thể kể đến một loạt các yếu tố liên quan khác. Một số liên quan tới việc nâng cao khả năng tiếng Anh của quân nhân, một số liên quan tới việc tăng cường năng lực hàng hải, ví dụ thông qua việc cung cấp các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho Việt Nam, cung cấp tàu tuần tra nhanh Metal Shark và các thiết bị liên quan để hỗ trợ. Một phần trong số đó liên quan tới các máy bay huấn luyện mà tôi đề cập. Một phần liên quan tới các chương trình khác, trong đó có các hệ thống máy bay không người lái được thiết kế để tăng cường khả năng trinh sát và giám sát lãnh thổ. Các hợp tác của chúng ta tiếp tục ổn định và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để nâng cao năng lực của Việt Nam và bàn giao các thiết bị phù hợp với lộ trình mà hai bên đã thống nhất.
Vì sao chúng tôi làm như vậy? Mỹ tin rằng điều đó sẽ giúp khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ổn định, thịnh vượng và an toàn hơn. Nếu tất cả các quốc gia đều có các phương tiện để nắm được những gì đang xảy ra trong lãnh thổ của họ và các phương tiện để bảo vệ lợi ích của họ, chúng tôi cho rằng việc xây dựng năng lực đó giúp đóng góp cho hòa bình, sự ổn định và giảm nguy cơ xung đột. Và tất nhiên chúng tôi tiến hành các hoạt động như vậy với nhiều đối tác trong khu vực, không chỉ Việt Nam, mà còn với các đối tác trên khắp Đông Á và Đông Nam Á.
Mê món ăn Việt, địa danh Việt
Đại sứ có thể chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ trong thời gian sinh sống và làm việc tại Việt Nam?
Tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi trên khắp Việt Nam. Tôi thích đất nước của các bạn, và gia đình tôi cũng vậy. Chúng tôi trân trọng mỗi ngày ở đây. Rất tuyệt vời. Tôi chỉ lấy một ví dụ thôi, khi so sánh các bức ảnh 2 con tôi hồi mới tới đây 2 năm rưỡi về trước và bây giờ mới thấy chúng đã lớn ra sao. Một trong những điều ấn tượng với tôi về các trải nghiệm cá nhân tại đất nước của các bạn là tình hữu nghị vời và sự hiếu khách rất tuyệt của người dân Việt Nam. Bất kể tôi đi đâu, dù là tôi đi một mình hay với gia đình, tôi cũng rất xúc động trước sự chào đón nồng ấm và lịch thiệp của người dân địa phương. Những người bạn hàng xóm của tôi cũng vậy. Dù là đi bộ quanh trung tâm Hà Nội, leo núi ở Sa Pa, thăm đồng bằng sông Cửu Long hay tắm biển ở Đà Nẵng, tôi thấy mọi người vô cùng thân thiện, lịch thiệp và nồng ấm.
Có lẽ điều tôi sẽ nhớ nhất trong thời gian làm việc tại đây là người dân Việt Nam. Không có gì bất ngờ khi Việt Nam là một câu chuyện thành công lớn và đạt được thành công nhờ những con người tuyệt vời. Tôi đã có những chuyến đi vô cùng tuyệt vời. Tôi có thể kể tới chuyến đi tới Sapa, trong đó một phụ nữ H'mông giới thiệu về văn hóa dân tộc thiểu số của cô. Chúng tôi cũng thích tới Hạ Long, một địa danh rất đẹp. Ninh Bình cũng rất đẹp. Tôi cũng thích miền trung Việt Nam. Chúng tôi cũng tới thành phố Hồ Chí Minh và đó đều là những chuyến đi tuyệt vời.
Tôi rất thích các món ăn Việt Nam, tôi nghĩ là Việt Nam có một trong những nền ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới. Chừng nào trở lại Mỹ, tôi chắc chắn sẽ thường xuyên ăn các món ăn Việt Nam và tìm những nhà hàng Việt ngon nhất vì tôi nghiện món ăn của các bạn. Phở là một trong những món ngon nhất nhất, tôi thực sự thích. Tôi cũng thích bún chả và chả cá.
Tôi đã có vinh dự rất lớn để có mặt tại Việt Nam trong 2 năm rưỡi qua, và cũng có cơ hội tuyệt vời để làm việc về Việt Nam kể từ năm 2015. Với tư cách là đại sứ, tôi rất vinh dự được 2 lần đón Tổng thống Trump. Tôi nghĩ cả hai chuyến thăm đều ý nghĩa và xúc động. Tôi cũng đón các chuyến thăm của Ngoại trưởng, các Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Thương mại, các nghị sĩ cấp cao. Chuyến thăm của 9 nghị sĩ Mỹ vào tháng 4/2019 rất nhiều ý nghĩa.
Tôi tự hào về những tiến bộ mà hai nước đạt được trong các vấn đề hòa giải. Đó là lý do tôi đề cập trước đó rằng cá nhân tôi nghĩ các chuyến thăm tới nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh, nghĩa trang Biên Hòa, cũng như chuyến thăm tới cầu Hàm Rồng hồi tuần trước cùng các binh sĩ Mỹ và Việt Nam, đều rất ý nghĩa đối với tôi và là một nỗ lực nhỏ của cá nhân nhằm đóng góp cho quá trình tái hòa giải.
Trước khi tới Hà Nội với tư cách là đại sứ, tôi đã có cơ hội làm việc về Việt Nam thông qua chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng vào năm 2015. Tôi nghĩ đó là một chuyến thăm rất quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác và tôi rất vinh dự tham gia một phần. Sau đó, tôi có cơ hội tới Việt Nam vào tháng 5/2016 trong chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama, một chuyến thăm cũng rất tốt đẹp khi Mỹ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm cá nhân này để nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao cấp cao. Tôi cho rằng xu hướng phát triển đó sẽ tiếp tục, minh chứng là sự hiện diện của Tổng thống Trump trong 2 chuyến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của ông. Đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Trong phần hỏi đáp nhanh, Đại sứ Kritenbrink chia sẻ, ông cảm thấy vinh dự khi là một trong hàng triệu người Mỹ biết đến một Việt Nam tươi đẹp, với những con người thân thiện, cởi mở.
Tiết lộ về điều bất ngờ nhất kể từ khi trở thành đại sứ tại Việt Nam, nhà ngoại giao Mỹ cho hay bất ngờ tuyệt vời nhất mà ông khám phá ra là ông chưa từng gặp ai thể hiện sự giận dữ về quá khứ, về cuộc chiến mà hai nước từng trải qua.
“Tôi rất cảm động và biết ơn điều đó. Từng người Việt mà tôi có cơ hội được gặp, kể cả các cựu chiến binh Việt Nam, đều cởi mở, chân thành và thân thiện với tôi”, ông nói.
Thực hiện: An Bình - Nguyễn Bắc - Quân Đỗ